“Nếu đưa ra chỉ tiêu đạt 20.000 tiến sĩ trong 10 năm tới thì chúng ta lại bắt đầu một cuộc chạy đua thành tích mới cho giáo viên ĐH. Chúng ta đang cần chất lượng giáo dục, đào tạo theo số lượng có ảnh hưởng đến chất lượng?”. Đó là ý kiến chung của bạn đọc VietNamNet sau bài viết của tác giả Nguyễn Hoà Tỉnh táo với “20.000 tiến sĩ”!
Đào tạo TS theo số lượng chỉ làm lãng phí tài sản của Nhà nước và nhân dân. (Ảnh minh hoạ) |
Lê Phương Bình, Biên Hoà
Anh Nguyễn Hoà viết rất đúng thực trạng của ngành giáo dục hiện nay. Tôi không phủ nhận những công trình khoa học mà những vị GS.TS thực thụ đã làm. Thực trạng chung hiện nay vẫn là vấn đề chạy theo bằng cấp, mua bằng, chạy bằng! Thử xem lại từ khi họ "bảo vệ" thì từ đó trở về sau có công trình khoa học nào của họ ra đời nữa không ?. Vậy chúng ta đào tạo ra Tiến sĩ để làm kiểng hay sao?
Chỉ tiêu 20.000 TS trong 10 năm tới thật sự là một điều rất khó làm. Trong khi nước Nga, một trong những nước đúng đầu về khoa học công nghệ phải mất đến 40 năm để đào tạo ra 1000 TS. Phải chăng chúng ta tạo điều kiện cấp bằng cho họ để họ đi lên những vị trí cao hơn?Tôi chỉ mong ngành giáo dục có một chính sách đào tạo một cách hữu hiệu để tránh đi sự trượt quá dài trong ngành giáo dục ở nước ta.
Hà Thanh, Huế, thachnga2002@yahoo.com
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Hoà. Nếu đưa ra chỉ tiêu đạt 20.000 tiến sĩ trong 10 năm tới thì chúng ta lại bắt đầu một cuộc chạy thành tích mới cho giáo viên ĐH trong khi chúng ta đang nỗ lực để xoá bỏ bệnh thành tích ở các cấp phổ thông. Hiện nay đã có hiện tượng "phổ cập" thạc sĩ xảy ra ở các trường đại học. Nếu nghiêm túc nhìn nhận, hãy đánh giá xem có bao nhiêu vị thạc sĩ xứng đáng với chức ấy sau 2 năm học cao học để có được tấm bằng làm bằng chứng để đứng trên bục giảng của đại học?
Trong khi đội ngũ giáo viên đại học còn dành nhiều thời gian để làm những hợp đồng bên ngoài để kiếm tiền mà hầu như không quan tâm đến việc nghiên cứu để nâng cao và cập nhật kiến thức phục vụ cho công tác giảng dạy thì việc họ có bằng Tiến sĩ hay Viện sĩ cũng không có ý nghĩa gì. Vì thế, tôi cho rằng ngành giáo dục hãy đề ra chiến lược nâng cao chữ "tâm" của đội ngũ giáo viên trước khi đưa ra chỉ tiêu nâng cao học hàm học vị cho họ.
Nguyễn Quang Khai, KhaiLKhanh@yahoo.com
Cảm ơn các quý vị đã gửi bài để cho lớp hậu thế chúng tôi biết được thực trạng trong ngành giáo dục. Chỉ mong ông Bộ trưởng Giáo dục "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" những "ý kiến chuyên gia" và "cao kiến của các nhà tâm huyết" trước khi đưa ra những kế hoạch quan trọng mà có ảnh hưởng đến toàn quốc.
Tôi xin đóng góp ý kiến như sau: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần có các nghiên cứu về các thông lệ tiên tiến trên thế giới về đào tạo tiến sĩ. Để hạn chế tiêu cực, cần có cơ chế kiểm tra xem có đạo văn hay không. Công bố trên một website tất cả luận văn tiến sỹ để toàn dân giám sát. Một thông lệ tiên tiến đã được TS. Lê Đăng Doanh nêu ra là "ở Thuỵ Điển, đã làm thạc sỹ ở trường này thì không được làm tiến sỹ nữa, mục đích là giảm tư duy theo "lối cũ ta về" và giảm "đấu thầu khép kín", phải yêu cầu người làm tiến sỹ có ít nhất 3 năm làm việc ở nước ngoài, phải chứng minh được rằng công trình nghiên cứu được ứng dụng như thế nào, mang lại lợi ích gì... Càng để nhiều người biết càng giám sát được hành vi và giảm thiểu rủi ro đạo đức.
Nguyễn Thanh Hoài, Hà Nội
Trong 10 năm nữa, nước ta sẽ có 20.000 TS và 600 trường ĐH! Như vậy, trung bình mỗi năm phải đào tạo 2000 TS?!! Chúng ta đợi xem cuối năm 2007 sẽ có bao nhiêu TS và sẽ có bao nhiêu ĐH với chất lượng cao? Tôi tự hỏi và có lẽ cũng có nhiều người tự hỏi, với 2000 TS một năm thì vấn đề "chất lượng" như thế nào? Nước ta đang cần "chất lượng về tư duy giáo dục và khả năng sáng tạo trong kỷ nguyên mới" để phục vụ cho doanh nghiệp và Nhà nước chứ đào tạo số lượng TS không chất lượng thì chỉ là lãng phí tài sản của nhân dân và nhà nước.
Trung, ĐH Xây dựng Hà Nội
Nếu đào tạo để lấy số lượng thì dễ lắm. 20.000 chứ đến 50.000 người vẫn có bằng tiến sĩ. Chỉ có chất lượng thế nào thì có lẽ phải để thực tế trả lời. Cơ quan tôi có anh vừa làm thạc sĩ xong, nhưng khi có một cháu học sinh hỏi một số kiến thức rất cơ bản thì không trả lời được. Chất lượng đào tạo của ta thế đấy!
Nhật Tân, Hải Phòng, nhattanhpg@yahoo.com
Tôi đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo kiểm tra việc đào tạo và chất lượng các thạc sỹ của chúng ta. Sự thật có thể rất đáng ngại. Càng rõ ràng hơn là việc cố gắng để phổ cập thạc sỹ trong cán bộ quản lý ngành giáo dục cấp tỉnh thành là lo ngại thực sự. Có buổi bảo vệ luận án của cán bộ Sở Giáo dục mời rất đông quan khách, cả các doanh nghiệp. Giới chuyên môn thì cười mỉa, nhưng hội đồng thì toàn chấm điểm giỏi trở lên. Liên hoan thì to, đi lại tốn kém,mong cấp trên kiểm tra cụ thể.
Bùi Quốc Tuấn, Viện Khoa học Thuỷ lợi, bqtuan52@gmail.com
Đọc bài viết của bác Hoà, tôi thấy ông đã nói giúp những băn khoăn, lo lắng và nỗi thất vọng của mình trước thực trạng nhiều TS, PGS, GS hiện nay của nước nhà. Đã nhiều lần tôi nghĩ đến phương pháp đơn giản như bác Hoà nêu "kiểm tra trực tiếp, công khai về trình độ ngoại ngữ của các TS, PGS, GS" sẽ lộ diện sự lãng phí to lớn của giáo dục. Cảm ơn bức thư ngỏ của bác Nguyễn Hoà và báo VietNamNet.
Ý kiến của bạn?