Thời gian qua, người dân Hà Nội đã phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn từ xe buýt. Theo bạn đọc phản ánh thì một trong những nguyên nhân chính làm tình trạng này gia tăng có phần không nhỏ của những điểm dừng, đỗ xe buýt bất hợp lý.
|
Một vụ tai nạn xe buýt. |
Phố nhỏ, ngõ nhỏ… điểm dừng, đỗ không nhỏ
Qua thư bạn đọc, chúng tôi đã đi thực tế và thấy rằng, hiện hầu hết các tuyến phố cổ và các tuyến phố phụ cận như: Trương Định, Khương Đình, Lê Trọng Tấn, Đội Cấn, Thái Thịnh, Tạ Quang Bửu, Minh Khai,La Thành, Sơn Tây, Giang Văn Minh… những ai có dịp tham gia giao thông trên các tuyến phố này, cũng ghi nhận một điều, lòng đường và vỉa hè các tuyến phố này quá hẹp nhưng có nhan nhản những điểm dừng, đỗ xe buýt ở hai bên đường. Đó là chưa kể tới hàng trăm lượt xe chở khách vừa to, vừa nặng qua lại bắt khách hàng ngày.
Chỉ với một cột sắt, một bảng chỉ dẫn tuyến đi; hay đơn vị chủ quản chịu “đầu tư” một chút, với hai hàng ghế inox, bốn cột sắt kiên cố có mái che và những tấm biển quảng cáo hai mặt làm tường vây xung quang… đơn vị chủ quản không chỉ có một điểm dừng đón xe buýt kiên cố mà còn có một địa chỉ quảng cáo bắt mắt, khiến nhiều doanh nghiệp không thể bỏ qua. Lợi nhiều mặt như vậy nên đơn vị chủ quản không ngừng lập nên nhiều điểm dừng đỗ, nhà chờ xe buýt trên khắp các tuyến phố, đặc biệt là những tuyến phố có đông người qua lại. Còn chuyện các điểm dừng đỗ xe buýt đứng vô lý và chiếm vỉa hè, chiếm lòng đường, chiếm cả ngõ đi lại của người dân thì lại là chuyện “hậu xét”.
Từ đầu năm 2006 đến nay, xe buýt Hà Nội đã gây ra 29 vụ TNGT, làm 2 người chết và 14 người bị thương. Số vụ tai nạn do xe buýt gây ra so với các vụ tai nạn trên toàn thành phố chiếm trên 6,0%. Hiện xe buýt Hà Nội đang có trên 1.000 điểm dừng đỗ, nhưng hầu hết các điểm dừng đỗ này đều thiếu các trang thiết bị chỉ dẫn an toàn cũng như tính hợp lý trong công tác vận tải hành khách. |
Do được “ưu tiên” hoạt động nên khi các tuyến buýt chạy trên đường thường luồn lách và chạy với tốc độ cao, khi tiếp cận các điểm dừng, đỗ, các xe buýt còn “vô tư” ép các phương tiện đi cùng chiều ra rìa đường, bất kể đó là ai, người già hay trẻ em.
Anh Ngọc, một người dân sống trên phố Lê Trọng Tấn ngao ngán “chúng tôi đi trên vỉa hè thì “đụng” các điểm xe buýt ngáng lối, đi dưới đường thì có thể bị xe buýt ép đường và cắt mặt bất kỳ lúc nào. Tai nạn rất có thể xảy ra nếu người dân đi đường mà không chú ý tránh các xe buýt…” .
Tác nhân của nhiều vụ ùn tắc, tai nạn?
Nếu tại các tuyến phố cổ, phố nhỏ, xe buýt được nhiều người dân “qui kết” là một trong những nguyên nhân chính gây ùn tắc và khói bụi thì ở các tuyến phố lớn, xe buýt được người dân biết đến nhiều hơn không chỉ vì những điểm đậu đỗ vô lý mà còn là những vụ tai nạn .
Trung tuần tháng 8 vừa qua, hầu như không người dân Hà Nội nào là không biết đến vụ tai nạn xe buýt chạy tuyến 32 đã ép đường rồi đâm vào xe máy tại ngã 3 đường Trần Nhân Tông - Trần Bình Trọng làm một người chết tại chỗ, một người phải đi bệnh viện cấp cứu khẩn cấp.
Vụ tai nạn trên chỉ là điển hình trong hàng loạt các vụ tai nạn, va quệt mà xe buýt gây ra cho người dân thời gian qua. Đây là hệ quả tất yếu của việc xe buýt được nương chiều, được tự do hoạt động và việc xây dựng những điểm dừng đỗ không hợp lý. Do nhiều điểm dừng đỗ bố trí quá gần các ngã ba, ngã tư, nơi có đông người đi lại nên khi tiếp cận, xe buýt đã vô tình như vật ngáng đường các phương tiện cùng chiều.
Cụ thể, tuyến buýt Hà Nội - Viện 103, hiện hàng ngày có 2 tuyến 22 và 39 hoạt động, nhưng hầu hết các điểm đón trả khách ở đây đều chưa được hợp lý, nhất là trên đường 70. Cùng với hai tuyến buýt hoạt động liên tục trong ngày, hiện đường 70 còn là tuyến đường phân luồng cho hệ thống đường vành đai 3, hàng ngày ở đây có rất nhiều xe tải qua lại. Do không có điểm đỗ nên mọi hoạt động, từ bắt đỗ khách cho đến quay đầu xe của tuyến buýt 22 đều diễn ra trên đường. Ngoài việc chiếm dụng lòng đường, cản trở giao thông, gây ùn tắc, hầu như đoạn đường này ngày nào cũng xảy ra va quệt, xích mích giữa các lái xe.
Tương tự, điểm đỗ của các tuyến buýt trước bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm… do nằm ngay trước cổng ra vào của bến xe nên thường xuyên xảy ra những vụ ùn tắc, lộn xộn, mất trật tự giao thông. Đó là chưa kể đến những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào với người dân khi tham gia giao thông trên đường Giải Phóng cũng như hành khách lên, xuống xe buýt.
Trong khi đó, nhiều điểm, dừng đỗ trong nội thành cũng nằm rất gần các nút giao thông trọng điểm như: Nguyễn Trãi - Tây Sơn (Ngã Tư Sở), Giảng Võ - La Thành, Giảng Võ - Trần Huy Liệu, Nguyễn Tri Phương - Phan Đình Phùng, Phan Đình Phùng - Phùng Hưng, Thái Hà - Láng Hạ, Tràng Thi - Quang Trung, Trần Phú - Hoàng Diệu, Chu Văn An - Cổng bệnh viện Xanh Pôn, Yên Phụ - Trần Nhật Duật (Bến xe Long Biên)… Tại hầu hết các nút giao thông này đang có những điểm dừng, đỗ ngay cạnh các cột đèn xanh, đỏ. Vì vậy, khi xe buýt dừng đỗ, đón trả khách đã gây ra những khó khăn, cản trở các phương tiện đi cùng chiều, gây ra ùn tắc.
Được ưu tiên và được nhường đất, nhường đường để hoạt động nhưng dường như các xe buýt không những không phát huy được ưu thế mà ngược lại, còn lợi dụng sự “ưu tiên” để luồn lách, chạy ẩu, khiến nhiều người dân lo lắng. Những chiếc xe buýt, tưởng như đã trở nên rất thân thiện với người dân thủ đô, nay lại đang có bao nhiêu chuyện khiến người dân phải nói, phải phản ánh, quả là điều đáng tiếc.
-
Trịnh Vinh Hà
Ý kiến của bạn?