221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
856592
Những chuyện thực không đáng có ở phòng công chứng
1
Article
null
Những chuyện thực không đáng có ở phòng công chứng
,

 Thưa Quý toà soạn! Nhân đọc bài báo “Tôi đi công chứng” của nhà báo Bùi Văn, là người dân ít nhiều cũng đã từng bị hành khi đi công chứng nên tôi xin gửi đến Quý toà soạn bài viết dưới đây như một ví dụ điển hình của tệ nạn “hành là chính” tồn tại trong một số cơ quan công quyền nhà nước.

 Tôi xin cam đoan chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì nêu trong bài viết này. Xin cám ơn và chúc Quý Báo ngày càng phát huy vai trò tiên phong của mình trong cuộc đấu tranh chống các tệ nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng đang hoành hành hiện nay góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng văn minh hơn.

 
Soạn: HA 934783 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Vật vạ đợi chờ nơi công chứng!

 KHÔNG HIỂU NÊN KHÔNG CHỨNG!!!

Nhà nước ta đang  cải cách hành chính nhưng qua cách hành xử của một số cán bộ Phòng CCQN  thì dường như chủ trương, chính sách ấy còn xa lắm

Tôi đến Phòng Công chứng Nhà nước thuộc Sở Tư pháp tỉnh QN (Phòng CCQN) để công chứng BẢN SAO (xin nhấn mạnh là chúng tôi muốn công chứng BẢN SAO) bằng Tiến sỹ cho bản thân.

Bằng do Hội đồng xét duyệt học vị tối cao Liên bang Nga cấp ngày 17/3/2000 có 3 trang. Trang bìa ghi tên Bộ Giáo dục Liên Bang Nga và Hội đồng xét duyệt học vị tối cao Liên bang Nga bằng tiếng Nga, 2 trang trong ghi nội dung cấp bằng bằng tiếng Anh theo thông lệ quốc tế. Người trực tiếp nhận hồ sơ xin công chứng của tôi hôm đó không chấp nhận công chứng với lý do: “Tiếng nước ngoài, không hiểu nên không công chứng được, mang về dịch ra tiếng Việt.” Tôi cũng không biết ông cán bộ có phải là công chứng viên (CCV) hay không vì không thấy có biển tên, qua một số người gọi tôi mới được biết tên ông là H.

Mặc dù chỉ cần công chứng bản sao nhưng trước yêu cầu của phòng CCQN, chúng tôi vẫn phải dịch ra tiếng Việt (Người dịch đã tốt nghiệp cao học ở một nước nói tiếng Anh). Tôi mang bản dịch đến Phòng CCQN để xin được công chứng nhưng lần này cũng bị từ chối. Ông H chỉ nói : ‘Dịch như thế này không công chứng”. Tôi có đề nghị ông H kiểm tra nội dung dịch, chúng tôi sẵn sàng dịch lại ngay tại chỗ để CCV thẩm định lại nhưng ông H không trả lời. Sau một hồi kiên nhẫn chờ đợi cuối cùng chúng tôi cũng được ông H bảo: “Chờ một chút rồi anh L- phó phòng sẽ giải quyết.”

 Khi đi đến chỗ phó phòng L thì ông L lại bảo “Chờ anh kia (chỉ ông H) anh ấy sẽ giải quyết”. Không thể chịu đựng được cách giải quyết đùn đẩy, thiếu trách nhiệm như vậy chúng tôi yêu cầu chỉ rõ ai là người có trách nhiệm giải thích cho chúng tôi ở đây.

Lúc ấy ông L mới bảo chúng tôi: “ngồi chờ chị kia chị ấy về chị ấy sẽ nhận”. Mặc dù không hiểu “chị kia” là chị nào nhưng được bảo cứ chờ, chúng tôi cũng chờ với hi vọng sẽ có người có trách nhiệm giải quyết. Đáng tiếc sau khoảng 30 phút chờ đợi, ông L quay ra thông báo: “cứ để ở đây vài ngày chờ chị kia đi khám bệnh về.” Do quá bức xúc trước cách giải quyết của các ông quan này chúng tôi thắc mắc “Tại sao ở Hà Nội, Đà nẵng  người ta chỉ cần bản chính có dấu đỏ là công chứng được bản sao mà không đòi hỏi bản dịch” thì ông H bảo tôi “mang về ĐN mà công chứng”.

Vài ngày sau tôi lại đến phòng CCQN. Bà L - CCV phòng CCQN - giải thích “Bằng của ai người đó dịch và đến đây ký tên vào hoặc cộng tác viên của phòng CC dịch”. Vì quá mất thời gian một cách vô lý do tôi không có yêu cầu chứng bản dịch nên tôi có đề nghị bà L đọc và kiểm tra nội dung bằng (chỉ có mấy dòng tiếng Anh đơn giản) nếu không có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa nào thì cho chúng tôi chứng bản sao. Nhưng bà L cũng trả lời là không biết tiếng Anh nên không đọc, không kiểm tra được với lý do môn ngoại ngữ không phải là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo cử nhân luật!

Có lẽ xin miễn bình luận gì thêm về câu trả lời này. Vẫn chưa hết những sự phiền toái ở đây. Ông L -phó phòng CCQN -khi cầm xem bằng gốc thắc mắc “Tại sao bằng học ở Nga mà lại ghi tiếng Anh?” Ông L còn nói thêm “Bây giờ thạc sỹ, tiến sỹ đầy”. Không biết ông phó phòng CCQN muốn ám chỉ điều gì? Phải chăng như ông nói bây giờ thạc sỹ, tiến sỹ đầy nên cũng chẳng có giá trị gì và vì vậy CCV của phòng CCQN cũng chẳng thèm học tiếng Anh làm gì cho mệt?!

Cuối cùng sau khi thực hiện đúng yêu cầu của CCV, tôi đã nhận được bản dịch tiếng Việt có công chứng kèm theo bản photo bằng được đóng dấu giáp lai thay vì nhận được bản sao có công chứng.

 Tôi đã xem hết Điều 55 Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ quy định về công chứng, chứng thực bản sao giấy tờ thì không thấy một dòng nào nói rằng khi công chứng bản sao giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt.

Hơn nữa Nghị định 75 còn có hẳn Điều 57 quy định về công chứng bản dịch. Như vậy rõ ràng việc công chứng bản sao và bản dịch là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt không liên quan gì đến nhau. Theo như chúng tôi hiểu Nghị định số 75 của Chính phủ quy định về công chứng, chứng thực có hiệu lực áp dụng cho tất cả các phòng công chứng trên toàn quốc. Chả lẽ lại có một quy định riêng nào đó cho phòng Công chứng QN mà chúng tôi không được biết?

Bà L đã giải đáp cho thắc mắc của tôi là khi Nghị định về đến tỉnh thì có văn bản của tỉnh hướng dẫn áp dụng cụ thể. Tuy nhiên trong Chỉ thị của UBND tỉnh QN số 07/2001/CT-UB ngày 17/4/2001 v/v triển khai thực hiện NĐ 75/2000/NĐ-CP (được niêm yết tại Phòng CCQN) cũng không có điều nào quy định là không chứng bản sao văn bản tiếng nước ngoài mà bắt buộc phải dịch ra tiếng Việt và chỉ chứng bản dịch.

Không hiểu Phòng CCQN dựa vào đâu mà khăng khăng yêu cầu phải dịch văn bản ra tiếng Việt và cuối cùng nhất định chỉ công chứng BẢN DỊCH trái với mục đích của người đi công chứng chỉ muốn chứng BẢN SAO? Hay là còn có một văn bản nào khác của tỉnh về vấn đề này? Tôi hỏi xin văn bản đó thì bà L lại không cung cấp với lý do văn bản không phải ai cũng được giữ chỉ khi nào áp dụng mới đem ra.

Tôi không hiểu tại sao cùng về công chứng, chứng thực thì có văn bản được niêm yết công khai còn văn bản khác (nếu thật sự là có) lại chỉ được “lưu hành nội bộ”. Bà L bảo nếu tôi có thắc mắc gì thì “thứ Hai đầu tuần đến gặp trưởng, phó phòng CC còn hôm nay các anh ấy đi học Nghị quyết hết rồi”. Như vậy khi cần gặp một ai đó có trách nhiệm của Phòng CCQN thì người đó đều đi vắng với những lý do hết sức chính đáng (khám bệnh hoặc học NQ).

Hiện nay Nhà nước ta đang tiến hành cải cách hành chính nhưng qua cách hành xử của một số cán bộ Phòng CCQN đối với một vấn đề rất nhỏ như đã nêu thì dường như chủ trương, chính sách ấy còn ở đâu đó xa lắm chưa về đến QN. Hơn nữa, tỉnh QN đang thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, việc công chứng những giấy tờ mang tính quốc tế của các dự án đầu tư nước ngoài cũng như của các chuyên gia nước ngoài là điều không thể tránh khỏi. Với những công chức “không hiểu nên không chứng” như của Phòng CCQN tránh sao khỏi gây phiền hà không đáng có cho khách nhất là đối với những người không mang quốc tịch Việt Nam. Vô hình chung họ sẽ góp phần làm hỏng hình ảnh một môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thân thiện mà chính quyền địa phương hiện đang cố công xây đắp./.

Phạm Ngọc Lam
 Email: lamputin@yahoo.com

 

 


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,