Thảo luận về Luật Cư trú, vâng, tên luật có thể đơn giản như vậy, nhưng đại biểu nào trong sâu thẳm của tim óc nghĩ rằng mình đang thảo luận Luật (về quyền) Cư trú, thậm chí Luật (về quyền tự do) Cư trú của dân thì ngôn từ sẽ từ tim óc mà không từ đầu lưỡi. Dân nhận ra ngay và tin yêu ngay.
Chất lượng thảo luận ở quốc hội quả là có những bước tiến khiến dân rất phấn khởi, tin tưởng. Chỉ cần đọc báo, nghe phát thanh, xem truyền hình mấy ngày gần đây là đủ thấy – khi quốc hội thảo luận về Luật Cư trú và gắn liền với nó là cuốn số Hộ Khẩu nổi tiếng một thời. Mất một cuốn sổ mỏng tanh mà mặt người dân cứ “nghệt” ra, y như bỗng dưng mất khối tài sản cả đời kiếm được.
Quả thật, sổ hộ khẩu chỉ là mấy trang giấy ghi tên, tuổi và nơi cư trú của công dân, có chỗ trống để bổ sung những thay đổi... Việc ban đầu của nó là giúp cơ quan chức năng biết rõ người dân đang sống ở đâu. Để làm gì? Trả lời: Để quản lý họ. Trả lời thế chỉ đúng một nửa, nếu không bổ sung: Để phục vụ dân, để thực hiện quyền tự do cư trú của dân đã được hiến định.
Tóm lại, hộ khẩu là vật vô tri, “để” thì nó còn, “bỏ” thì nó mất, nó có gì đáng sợ? Sở dĩ nó được thổi vào một sức sống (tên nó phải... viết hoa) để trở nên tai quái và hành hạ con người là do chính... con người gây ra. Nói đến cùng kỳ lý, thì “con người” bị hành hạ là ai? Xin trả lời: là Ông Chủ. Vậy, con người nào dùng Hộ Khẩu để hành ông chủ? Là công bộc của ông chủ. Nghe thật là nghịch nhĩ, nhưng nghe đã mấy chục năm, thành quen, như cái số dân ta nó thế.
Vậy vấn đề đơn giản hiện nay là quốc hội cần làm rõ quyền cư trú của dân và đưa hộ khẩu trở về đúng vị trí chức năng ban đầu của nó. Không cho phép ai giao thêm những công việc mới cho sổ hộ khẩu mà thực tình nó không làm nổi nếu không giao cho nó cái quyền ngoài năng lực thực của nó. Nhiều ý kiến gay gắt đòi “bỏ sổ hộ khẩu” có lẽ do các vị đại biểu quá thông cảm với những nỗi khổ “vạn ngày” mà dân từng phải chịu đựng triền miên. Khốn nỗi, đến nay dân mới đang được “tập” làm ông chủ cho chững chạc hơn, còn công bộc của dân do vậy cũng đang buộc phải “tập” theo - để làm đầy tớ hết lòng hơn vì ông chủ. Nếu các đấng công bộc thấy năng lực chủ quan còn yếu, điều kiện khách quan chưa đủ thì chỉ cần lựa lời xin các đại biểu của dân cho duy trì hộ khẩu ít lâu nữa. Đơn giản vậy thôi. Nếu mỗi phía đều tự biết điều (biết nghĩa vụ) hơn, thành thật hơn, khoan dung hơn thì đồng thuận sẽ cao, lòng tin sẽ vững, đoàn kết sẽ bền, mà ít cần khẩu hiệu hô hào, kêu gọi suông.
Nhiều vị đại biểu với lập luận vững chắc, lý lẽ sắc sảo, biện pháp khả thi và nhãn quan thực tiễn... rất được dân tán thưởng, khâm phục, tin yêu. Chính nhờ thảo luận công khai mà dân mới có dịp tỏ thái độ khen chê với đại diện của mình. Là đại biểu của dân khi được dân tán thưởng, khâm phục, tin yêu thì còn gì bằng (?); nhưng trong 3 điều ngợi khen này thì điều nào quan trọng nhất với một đại biểu quốc hội?. Có lẽ, quan trọng nhất là được dân “tin yêu”. Họ tán thường người nói đúng ý riêng của họ. Họ khâm phục người có năng lực nổi trội, nhưng họ chỉ tin yêu khi đại biểu bênh vực quyền lợi chính đáng của họ. Nhiều khi, nó đòi hỏi cả sự dũng cảm; do đó mà càng tin yêu. Quả là hầu hết các ý kiến thảo luận về hộ khẩu mà dân nghe được, đọc được, mấy hôm nay đều ít nhiều làm cho dân tin yêu thêm các đại diện của mình.
Theo thiển ý, để được dân tin yêu không khó.
Về nguyên tắc, Quốc hội sinh ra để làm luật “vì dân” - và giám sát thi hành luật - bằng chất vấn. Nhiệm vụ mỗi đại biểu tựu trung chỉ có thế. Bất cứ luật nào cũng phải vì dân, trực tiếp như luật tự do ngôn luận, luật tự do lập hội... hay ít trực tiếp như luật bảo vệ môi trường, luật chống độc quyền, luật bảo hộ sản phẩm trí tuệ... Thế thì điều đơn giản là mỗi khi làm một luật nào các đại biểu phải tự mình thêm vào “tên luật” một từ có ý nghĩa “bảo vệ quyền dân”. Thảo luận về Luật Cư trú, vâng, tên luật có thể đơn giản như vậy, nhưng đại biểu nào trong sâu thẳm của tim óc nghĩ rằng mình đang thảo luận Luật (về quyền) Cư trú, thậm chí Luật (về quyền tự do) Cư trú của dân thì ngôn từ sẽ từ tim óc mà không từ đầu lưỡi. Dân nhận ra ngay và tin yêu ngay.
Có lẽ đại biểu nào cũng cần lòng tin yêu của dân nhất là khi họ muốn tiếp tục có vinh dự làm đại biểu khoá sau và khoá sau nữa. Nếu là lần đầu ứng cử, họ có thể chiếm lòng tin của dân bằng cách trả lời các câu hỏi, y như thí sinh phải trả lời trước ban giám khảo. Và ít nhất là 3 câu sau đây:
- Trong phạm vi công việc của mình, ông (bà) thấy những bất cập nào nổi bật đang ảnh hưởng xấu tới sự tiến bộ của xã hội ta?
- Ông (bà) định làm luật gì, chất vấn gì trong Quốc hội (hội đồng nhân dân) để khắc phục?
- Hãy nói các biện pháp khả thi và sau bao lâu sẽ có kết quả?
Có thể thấy, có vị “đại biểu” dường như không cần sự tin yêu của dân. Trong suốt 5 năm, họ hầu như không phát biểu, chất vấn, tranh luận hay góp ý vào luật. Với đầu óc bình thường, tôi không thể tưởng tượng dân lại bầu các vị này làm đại diện cho mình? Chả lẽ dân buộc phải bầu họ? Chả lẽ họ có bùa phép hay đặc quyền nào? Nếu thật có tình trạng này thì cách khắc phục có lẽ là cơ chế bầu cử và ứng cử của chúng ta phải buộc các ứng cử viên chỉ có một chỗ dựa duy nhất để trúng cử: phải được dân tin, mà không thể dựa vào sự giới thiệu hay đảm bảo của bất cứ cơ quan A hay tổ chức B nào.
Nguyễn Ngọc Lanh
GS Đại học Y khoa (cử tri Hà Nội)