Tôi là một người dân ở Hà Nội và cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc và làm việc với các cơ quan của Hà Nội cũng như làm việc tại các tỉnh, thành phố khác. Do vậy, tôi xin phép được có một vài góp ý chân thành cho lãnh đạo thành phố nhằm xây dựng Hà Nội thực sự là bộ mặt của đất nước Việt Nam đang đổi mới.
Về cơ chế tuyển nhân sự, phải nói rất thẳng thắn, tuy Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều người giỏi từ mọi nơi tụ hội, làm ăn sinh sống tại Hà Nội. Song, có lẽ rất ít người biết về cơ chế tuyển nhân viên làm việc cho các cơ quan công sở nhà nước thuộc thành phố Hà Nội. Có lẽ, theo tôi hiểu, đó là một cơ chế khép kín mà chỉ có những người đang làm cho các cơ quan công sở của Hà Nội mới biết và giới thiệu hay thi tuyển vào các cơ quan của Hà Nội. Chính vì lẽ đó, nhân viên trong cơ quan hầu hết là có quan hệ quen thuộc với nhau chứ tiêu chuẩn về bằng cấp, năng lực thực thi công việc không phải là tiêu chuẩn hàng đầu.
Vị trí công việc đó có được mô tả rõ ràng về chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của nhân sự cũng như các điều kiện ràng buộc để nhân sự đó hết lòng với công việc có rõ ràng không? Tôi tin là các cơ quan chưa làm tốt những vấn đề này và rất chung chung.
Đôi khi, tôi có tự đặt câu hỏi “Làm sao mà những người yếu kém, làm việc không chuyên nghiệp như vậy lại có thể tồn tại, thăng tiến tại cơ quan nhà nước của thủ đô?”
Về việc đào tạo, xét chọn thăng tiến, nói thật, chúng tôi cũng không hiểu việc tiếp tục đào tạo, xét tuyển thăng tiến của Hà Nội, song, khi tiếp xúc và làm việc với cán bộ của Hà Nội, rất nhiều người có nhận xét rằng: cán bộ Hà Nội rất lạc hậu về chuyên môn, song, rất bảo thủ và không muốn cầu thị. Trong thủ tục làm việc, họ cần sự thuận tiện, dễ dàng trong công việc cho bản thân họ chứ không phải vì lợi ích của cộng đồng, của người dân. Họ tỏ ra cửa quyền và hách dịch trong khi họ lại đang làm những công việc mang tính dịch vụ, ví dụ như kho bạc, ngân hàng, thu thuế… Ấy vậy mà họ vẫn tồn tại và thăng tiến???
Về cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ, tôi nghĩ rằng đã quá cũ và lạc hậu khi chúng ta dựa vào cơ chế họp và bầu cán bộ tiên tiến chung chung, nhận xét chung chung và mang đầy cảm tính.
Việc giám sát và đánh giá cần mang tính khoa học và khách quan. Tất cả những tiêu chí giám sát đánh giá cần phải công khai và người cán bộ phải được thông báo đầy đủ. Chúng ta chắc chắn sẽ tránh được tham những cũng như sự cửa quyền của cán bộ nếu người cán bộ đó không chỉ được giám sát đánh giá bằng hệ thống của cơ quan chủ quản mà còn có cả nhận xét đánh giá của đối tượng mà người cán bộ đó phục vụ.
Ví dụ: Góp ý của bệnh nhân về cán bộ y tế qua hộp thư công cộng tại cơ sở y tế. Bệnh nhân cần được biết rằng phản ánh của họ sẽ được xem xét khi đánh giá hoặc xét thăng tiến, lương cho người cán bộ y tế; Đối tượng nộp thuế trong một khu vực nhất định có quyền nhận xét về năng lực, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thuế vụ mà họ trực tiếp liên hệ. Những nhận xét này có trọng lượng thật sự cho việc đánh giá cán bộ, lên chức, lên lương.
Về các qui định về giấy tờ trong thủ tục hành chính, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên phiền hà, sách nhiễu người dân. Các cơ quan chức năng phải giản đơn tối đa các loại giấy tờ qui định và đưa ra thời hạn rõ ràng cho bất kỳ công đoạn nào về hành chính. Đề ra giải pháp trong trường hợp có khó khăn để người dân biết đi đâu, gặp ai trong trường hợp họ gặp khó.
Trên đây, là một vài góp ý nhỏ với mong muốn thủ đô của chúng ta thực sự văn minh, lịch sự và phát triển chứ không phải chỉ hô hào các câu sáo rỗng.
- Hoang Nga, ngad@ipas.org