Chúng ta đã đánh đồng người khoa học với người “không” khoa học, làm nản lòng những người có tâm huyết. Bản thân tôi tự hỏi (nhiều khi gặp lại bạn cũ cũng gặp câu hỏi như vậy) nhà khoa học là cái gì trong xã hội Việt Nam?
Kết quả nghiên cứu khoa học là cái gì?
Nhà khoa học Việt Nam, anh là ai?
Môi trường nghiên cứu khoa học
Có hay không nhu cầu khoa học ở Việt Nam?
Nhà nước Việt Nam và nghiên cứu khoa học.
Làm gì để nghiên cứu khoa học cất cánh?
Không nói chuyện lương bổng, vì đã quá nhiều người nói rồi. Vả lại là nhà khoa học thấy khó chịu khi cứ nói nhiều đến lương bổng, không phải vì ’sỹ’ hay ”lên gân” mà vì nhiều cán bộ công chức khác (trong bộ máy nhà nước) cũng chỉ có lương tương tự, nói lương nhiều quá thành ra các nhà khoa học Việt Nam đòi hỏi hưởng thụ hơn người khác hay sao?.
Cũng không nhắc lại chuyện Đảng và nhà nước ưu tiên khoa học và các nhà khoa học vì thực chất những lúc khó khăn nhất việc xuất ngoại (mà sau khi đi về thì đổi đời - có ít của), thì chỉ có các nhà khoa học được đi và nhiều chuyện ưu tiên hay khó khăn một cách chính thống khác.
Đã có một số người nói lên sự khổ sở của nhà khoa học khi phải lặn lội kiếm đề tài; phải ”lại quả” cho bên A một số phần trăm nào đó mà không có chứng từ; phải đầu tư 80% thời gian vào lo chứng từ thanh toán chỉ còn 20% để nghiên cứu; phải làm dự toán kinh phí nghiên cứu theo kiểu xây nhà thì cần bao nhiêu gạch, xi măng, cát... sau đó cứ y nguyên mà thực hiện; phải bịa ra phương án về tiến độ nghiên cứu kiểu như tiến độ thi công một ngôi nhà; phải biết trước anh sẽ làm như thế nào và dự kiến kết quả là những gì và khi nghiệm thu phải có kết quả đúng như vậy; phải chấp nhận khi cả nước không làm nổi một chiếc ốc đạt tiêu chuẩn cho ô tô của Nhật thì báo chí cho rằng tội đó các nhà khoa học phải chịu; phải cắn răng khi lời anh nói ra thì bị chê bai còn đồng nghiệp người nước ngoài nói câu nào được coi trọng câu đó; phải im lặng khi một người nông dân cải tiến máy cắt cỏ ra chiếc máy cắt lúa thì là dịp để các nhà khoa học trở thành những con ký sinh trùng ăn bám đáng nguyền rủa; phải chấp nhận rằng người ta lười học hành, lười đọc các tạp chí khoa học để mà hiểu biết mà vận dụng cho công việc của chính họ, cho sự thịnh vượng của chính họ, nhưng sự lười nhác đó nhà khoa học phải chịu tội và nhiều điều khác nữa.
Chỉ xin nói thêm rằng:
Thứ nhất, ai cũng có thể ”chửi mắng” nhà khoa học được. Không nói các vị lãnh đạo vì nhiệm vụ mà phải nói, một anh chuyên viên thường trong một vụ nào đó cũng có thể ”xơi xơi” mà rằng: sản phẩm cụ thể của anh đâu, anh làm thế này mà cũng gọi là khoa học à v.v... (thực chất anh ta nắn tiền)?
Thứ hai, khi chủ trì đề tài là nhà khoa học đầu ngành, các vị ngồi trong hội đồng nghiệm thu hay duyệt đề tài không thể là đầu ngành được nữa (về lý mà nói) nhưng vẫn phê phán (sai nhưng) rất mạnh (chả nhẽ ngồi trong hội đồng lại không nói gì). Hoặc điều đáng nói thì không nói lại nhằm vào những cái lặt vặt mà bới móc. Nhà khoa học cứ phải ngồi im mà chịu trận. Miễn nó đồng ý cho xong. Lại nữa, gặp bạn bè yêu thương mình lắm nhưng không tránh khỏi câu:” nghiên cứu khoa học của các bạn chỉ hại tiền của đất nước, tàn phá đất nước”. Còn gia đình thì sao (?): Anh làm đến Tiến sỹ, giáo sư mà không lo nổi chỗ làm việc cho em anh, nó đang không có nghề ngỗng gì kia kìa... (khốn nỗi suốt ngày trong phòng thí nghiệm, quen ai, quyền lực đâu mà xin việc cho con em mình!).
Cũng phải thôi vì các nhà khoa học chúng tôi khi thi vào đại học thì có phao, học đại học thì mua điểm thày, bằng thạc sỹ hay Tiến sỹ thì cũng mua hay sao chép lại của người khác, xét duyệt hay nghiệm thu đề tài thì đã có phong bì cho các thày hội đồng. Nhiều người chỉ học tại chức hay hàm thụ vẫn làm được Tiến sỹ thậm chí lên giáo sư tức là vẫn còn làm được công trình nghiên cứu để có bằng cấp.
Hơn nữa, nghiên cứu khoa học đâu cần các Viện nghiên cứu. Tiền cho nghiên cứu khoa học từ lâu rồi đã chia cho ngân sách các tỉnh (Sở khoa học và công nghệ), ở đó đâu cần phải xây dựng phòng thí nghiệm mà vẫn nghiên cứu khoa học đấy thôi. Đó là chưa kể cách đây không lâu người ta vẫn khuyến khích nên rời bỏ “tháp ngà” khoa học mà đi nghiên cứu trên đồng ruộng.
Với những điều trình bày trên đây tôi muốn nói rằng chúng ta đã tầm thường hoá việc nghiên cứu khoa học, nguy hại hơn là không có sự phân hóa trong cán bộ khoa học để phân biệt rõ những người thực chất với kẻ giả dối. Nhiều người ngồi hàng chục năm, không có bài đăng vẫn cứ lên lương đều đặn và với cách tổ chức của chúng ta (hàng năm họp kiểm điểm nhau để bình bầu lao động tiên tiến , chiến sỹ thi đua...) xin đừng động đến những con người đó và càng không được chê bai anh ta là kém, vì người ta sẽ không bầu cho anh đâu thậm chí sẽ còn moi móc anh đủ kiểu. Hơn nữa, nhiều người có chức vụ (viện trưởng chẳng hạn) lại dùng quyền và mệnh lệnh hành chính để ép cấp dưới làm và ghi tên công trạng của mình. Chúng ta đã đánh đồng người khoa học với người “không” khoa học, làm nản lòng những người có tâm huyết. Bản thân tôi tự hỏi (nhiều khi gặp lại bạn cũ cũng gặp câu hỏi như vậy) nhà khoa học là cái gì trong xã hội Việt Nam?
Nguyễn Tiến Dũng
Dia chi:
Email: dzungnt@fpt.vn
Sẽ đăng tiếp:
Môi trường nghiên cứu khoa học
Có hay không nhu cầu khoa học ở Việt Nam?
Nhà nước Việt Nam và nghiên cứu khoa học.
Làm gì để nghiên cứu khoa học cất cánh?