Kinh nghiệm cho thấy, nếu có người đã đi một con đường mà thành công, mình không đi theo mà lại tự mò mẫm thì chỉ tổ mất thời gian,hao tiền, tốn của ...đến khi quay lại thì người ta đã bỏ xa mình...
(Bài tham gia diễn đàn "Khoa học & Công nghệ: đường băng nào để cánh?")
Có bạn kêu gọi: hãy đề ra giải pháp chứ đừng đổ lỗi cho cơ chế quản lý. Điều đó đúng, nhưng hai vấn đề đó có liên quan đến nhau.
.Từ trước đến nay chúng ta vẫn quản lý khoa học một cách hình thức theo kiểu Liên Xô, tức là có ban bệ, hội đồng, đẻ ra hàng chục vụ, viện, trường chuyên ngành, đề tài thì toàn là “theo đơn đặt hàng” của nhà nước, học hàm học vị được dùng làm tiêu chuẩn để làm cán bộ quản lý. Chính vì cơ chế đó mà nền khoa học Liên xô đã thua Mỹ, nay muốn thay đổi, các cán bộ khoa học phải từ bỏ tư duy cũ. Sau đây tôi xin trình bày 7 giải pháp cải tổ cơ chế quản lý hoạt động KHCN.
1. Ấn định lại chuẩn khoa học: nên sử dụng chuẩn quốc tế, bỏ các chuẩn quốc gia "hữu danh vô thực". Thước đo lương bổng, thành công của các nhà khoa học phải là sản phẩm có giá trị, như có công trình đăng trên tạp chí nước ngoài, có phản biện (peer review hay editor review). Bỏ thang giá trị “đề tài cấp Nhà nước” hay “đề tài cấp Bộ”, vốn là việc “nghiệm thu cho nhau, dĩ hòa vi quý”.
Tôi đã hỏi nhiều cán bộ khoa học, nhưng không ai phân biệt cho rõ giữa “đề tài cấp trường”, “đề tài cấp bộ” hay “đề tài cấp nhà nước” khác nhau chỗ nào, ngoài mẫu đơn, số lượng thành viên hội đồng và … kinh phí nghiên cứu. Các qui định thì cũng chỉ nói chung chung, đại khái là hễ “có đóng góp cho khoa học” thì gọi là đề tài cấp bộ (thế nhưng đề tài cấp cơ sở thì cũng vậy, và đóng góp cái gì mới là quan trọng).
2. Chấm dứt quy họach bổ nhiệm cán bộ theo học hàm, học vị mà bổ nhiệm theo chế độ tự ứng cử để tập thể bầu.
Điều này sẽ chấm dứt nạn mua bằng cấp, mua quan bán tước. Ở Hoa Kỳ, một Hiệu trưởng có thể là thạc sỹ, miễn quản lý tốt. Ở nước ta ngày xưa, các cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không học hàm, học vị gì mà nhiều nhà khoa học vẫn tin theo. Ngày nay đến mức độ như ông Bùi Quốc Huy, Giám đốc CA TPHCM, bị can trong vụ án Năm Cam, mà còn được cấp bằng (thật) là “tiến sỹ luật” thì thật không tưởng tượng nổi.
3. Bãi bỏ các viện nghiên cứu chuyên ngành (chỉ giữ lại một vài Viện nghiên cứu mũi nhọn), sáp nhập các viện nghiên cứu vào các trường đại học, để nhà khoa học ở các viện nghiên cứu có điều kiện đưa kết quả nghiên cứu vào giảng dạy và thực tiễn, đồng thời khuyến khích giảng viên làm nghiên cứu.
4. Sáp nhập các trường đại học đơn ngành như kinh tế, thương mại, nông lâm v.v... vào thành một trường đa ngành, hoặc cho phép họ trở thành trường đa ngành. Ngoài Liên Xô ra (phải có trường đơn ngành do nhu cầu xã hội quá cao, đất nước quá rộng), hầu như không nước nào có chính sách xây dựng trường đại học đơn ngành. Các trường đơn ngành khó hỗ trợ nhau trong công tác nghiên cứu, đồng thời đẻ thêm bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả.
5. Bãi bỏ các đề tài nghiên cứu vĩ mô, ứng dụng thấp, tập trung vào các đề tài vi mô, ứng dụng cao. Vừa rồi, trong hội nghị tổng kết công tác nghiên cứu tại các trường đại học có giảng dạy kinh tế, các diễn giả đã công bố một số liệu bất ngờ. Trong số 62 tỉ đồng nghiên cứu khoa học (NCKH) ngành kinh tế năm 2005, 41 tỉ đồng (80%) được chi cho 1 trường (ĐH KTQD), gần 20 trường khác chia nhau 20% còn lại. Trong số 80% đó, 36 tỉ đồng được chi cho đề tài NCKH cấp Nhà nước “về con đường đi lên CNXH ở nước ta” và hàng chục các tiểu mục đề tài. Sau khi nghiên cứu hết số tiền trên và nghiệm thu, kết luận của đề tài là “con đường đi lên CHXH vẫn chưa có gì sáng sủa, cần nghiên cứu thêm” – rất đồng quan điểm với GS Nguyễn Đức Bình – đề tài được cất trang trọng … lên nóc tủ, thậm chí không có một cuốn sách công trình xuất bản. Đây là một sự lãng phí nghiêm trọng tiền của nhân dân. Tác giả đề tài là một GS, TSKH tuy có học hàm nhưng không ai nghe tiếng về công trình hay chủ thuyết nào của ông.
Trong khi đó, những đề tài tuy nhỏ - như quản lý một doanh nghiệp, xây dựng một vùng kinh tế trọng điểm hay tìm thế mạnh phát triển cho một tỉnh v.v... thì ít ai làm cho tử tế.
6. Bãi bỏ cách đánh giá công trình theo hội đồng nghiệm thu, áp dụng qui chế bắt buộc phải xuất bản công trình cho toàn thể giới khoa học và người dân bình luận.
Thước đo đánh giá công trình là số lượng trích dẫn (citation) của các nhà khoa học khác. Một công trình có giá trị, nhiều điểm mới và sáng tạo thường được trích dẫn nhiều. Dựa vào số lượng trích dẫn, chúng ta không khó khăn gì để tìm ra nhân tài trong khoa học hay những người xứng đáng được đãi ngộ.
7. Tăng lương cho cán bộ nghiên cứu khoa học (không nhất thiết chỉ 2000 USD) nhưng đồng thời phải kết hợp các phương pháp đánh giá cán bộ như đã nêu tại các điểm (1), (2) và (6) nêu trên.
Việc các nhà khoa học khắp nơi than “ít tiền quá” giống như một nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ than thở “nếu như không có ruồi thì mình đã sáng tác được nhiều bài thơ hay” của Azit Nêxin. Nhà KH nghèo thì ai cũng biết rồi. Nhưng đó không phải là nguyên nhân để tăng lương cho nhà KH. Nói như TS NXH, họ có đóng góp được gì cho XH không, đó mới là vấn đề. Tiền không phải là vấn đề duy nhất để có sản phẩm tốt. Nếu không, thì số tiền thưởng 6 tỉ của VFF đủ sức đưa Việt Nam chiến thắng Thái Lan trong kỳ Sea Games vừa rồi (?).
Chúng ta cần chấm dứt việc “xây nhà từ nóc”. Mọi việc muốn giải quyết triệt để phải tìm cái gốc của vấn đề mà bắt đầu. Các giải pháp nêu trên không có gì là mới mẻ. Đây là những gì các nước quanh ta như Singapore, Đài Loan, Thái Lan hay Phillippines đang làm.
Các cán bộ quản lý NCKH của Bộ KHCN không hiểu hay cố tình không hiểu?
Hay do nước ta “đặc thù” quá, phải có cách quản lý “sáng tạo”?
Kinh nghiệm cho thấy, nếu có người khác đi một con đường mà thành công, mình không đi theo mà lại tự mò mẫm thì chỉ tổ mất thời gian, hao tiền, tốn của... đến khi quay lại thì người ta đã bỏ xa mình...
-
Phương Mai