Những ý kiến đầy tâm huyết, trăn trở về sự phát triển của khoa học công nghệ nước nhà của Giáo sư Hoàng Tụy đã khiến rất nhiều bạn đọc VietNamNet tâm đắc, xúc động. Đã đến lúc Bộ Khoa học Công nghệ phải xem lại cách quản lý của mình, nếu không khoa học công nghệ sẽ mãi tụt hậu, trở thành rào cản cho sự phát triển của đất nước.
Le Nguyen Truong,
31/11 Hong Lac, P.11, Q.Tân Bình, Tp.HCM, Truongtst@yahoo.com.vnTôi thật sự xúc động khi đọc những lời đầy tấm huyết của GS Hoàng Tụy. Qua ý kiến của GS, tôi càng thấy rõ hơn cung cách quản lý khoa học đầy bất ổn của nước nhà. Thật bất công khi những người lao đầu vào nghiên cứu khoa học mà đồng lương không bằng một anh đăng kiểm.
Thưa Bộ trưởng, ông đã từng làm công tác nghiên cứa khoa học nên ông biết nỗi niềm của một nhà khoa học. Họ muốn cống hiến tài sức của mình cho đất nước - đó là niềm vui của họ, song họ cũng cần có những nhu cầu khác cho cuộc sống. Chính quan niệm không đúng của các vị lãnh đạo đầu nghành đã làm cho các nhà khoa học chán nản, không thể cống hiến cho đất nước dù rất muốn. Thử hỏi tìm đâu những thế hệ nối tiếp những nhà khoa học đầu bạc khi mà giới trẻ thấy một sự thật quá bất công như vậy?
Tôi ví dụ trường hợp của Lê Bá Khánh Trình. Nếu các nhà quản lý tạo điều tốt hơn thì những người như anh - những người làm đã từng làm cho thế giới nể phục hai chữ Việt Nam đâu phải giờ này phải xách cặp đi luyện thi - công việc mà một anh sinh viên làm được. Mà những người như anh phải làm công việc “đáng” hơn nhiều.
Thưa Bộ trưởng, nếu cứ theo cung cách quản lý này thì lượng chất xám của đất nước này ngày càng mất đi chứ đừng nói thu hút chất xám, công nghệ từ bên ngoài. Với cách quản lý bất hợp lý như vậy thì những tài năng của ta ra nước ngoài học tập, làm việc sao họ trở về phục vụ quê nhà được?
Các ngài đừng trách vì sao khoa học nước nhà ngày càng bị thế giới bỏ xa mà các ngài hãy tự hỏi vì sao và giải quyết câu hỏi đó thật tận tâm, đầy trách nhiệm của một nhà quản lý đầu ngành.
Tôi xin cảm ơn GS Hoàng Tụy, các nhà khoa học tâm huyết với đất nước Việt Nam, cảm ơn VietNamNet. Kính chúc GS Hoàng Tụy khoẻ mạnh, mong GS tiếp tục dìu dắt thế hệ trẻ nước nhà.
Nguyen Nguyen, abc@yahoo.com
Tôi hoàn toàn đồng ý với GS Hoàng Tụy. Tôi xin có một số bổ sung sau:
Thứ nhất, nếu các quan chức của Chính phủ nói rằng khoa học công nghệ là quan trọng thì trước hết họ phải tôn trọng khoa học. Tôn trọng khoa học ở đây không có nghĩa là đầu tư nhiều tiền cho khoa học - tôn trọng khoa học ở có nghĩa là phải áp dụng khoa học vào công tác quản lý nhà nước.
Có lẽ Bộ Khoa học Công nghệ là cơ quan coi trọng khoa học nhất Việt Nam nhưng hãy thử xem cách làm việc của bộ này đã khoa học chưa? Các chính sách họ đưa ra trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học (độc lập) hay ý kiến chủ quan của một số quan chức?
Thứ hai, các nhà khoa học giữ vị trí gì trong thực tiễn Việt Nam? Họ là những người trong cuộc hay ngoài cuộc trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh - hay chỉ nghiên cứu cho vui? Nếu chỉ nghiên cứu cho vui thì thật là lãng phí của cải xã hội trong khi nước ta còn nghèo.
Thứ ba, các trường đại học Việt Nam thực sự là những cái nôi về khoa học, các trường ĐH có đi tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa? Tôi thấy một trường ĐH hàng đầu về quản lý kinh tế ở Hà Nội, nhưng cách quản lý của trường này lại cực kỳ thiếu khoa học. Vậy làm thế nào để đào tạo được những nhà khoa học trong lĩnh vực quản lý? Ai tin vào những nhà khoa học nữa?
Thứ tư, trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư cho khoa học - công nghệ. Các khoản đầu tư của nhà nước cần phải được nghiên cứu bởi những nhà khoa học tâm huyết, có năng lực nghiên cứu. Tránh tình trạng vốn đầu tư nghiên cứu của nhà nước trở thành “chùm khế ngọt” cho những người có địa vị. Những người nghiên cứu chẳng được bao nhiêu nhưng những người có địa vị/môi giới lại chia nhau hết (Tôi đã gặp phải tình huống này).
Đây là một số ý kiến của tôi về thực trạng khoa học công nghệ Việt Nam, hy vọng rằng những nhà hoạch định chính sách khoa học công nghệ coi đây là vấn đề cần giải quyết.
Trần Tâm,
click2vn@gmail.comTại sao lại không thay đổi?
Tôi rất xúc động khi đọc những dòng chữ đầy tâm huyết trên của GS Hoàng Tụy, một người mà nhiều thế hệ học sinh, sinh viên chúng tôi rất kính trọng. Tôi cũng đang là giảng viên nhưng với mức lương của tôi là 1 triệu đồng/tháng, khá cao so với mức lương của những người bạn cùng trang lứa tham gia công tác giảng dạy. Thế nhưng với đồng lương như thế, tôi không thể đủ để chi tiêu cho những sinh hoạt cá nhân ở một thành phố với giá cả đắt đỏ như Hà Nội.
Tôi cũng muốn nghiên cứu học tập thêm để nâng cao trình độ, cũng tâm huyết với sinh viên lắm nhưng nếu đầu tư vào đó, tôi sẽ không có thời gian để đi dạy thêm để kiếm tiền lo cho bản thân. Muốn đào sâu nghĩ kĩ nhưng thời gian đâu khi đi dạy ở trường, dạy thêm về để lo cho sinh hoạt phí của mình? Kiến thức không được cập nhật nên cứ mài mòn dần, cái vòng luẩn quẩn đó cứ đeo bám mãi.
Một điều tất yếu khiến tôi phải nghĩ lại liệu mình có làm tiếp nghiên cứu khoa học để trở thành tiến sĩ nữa hay không khi để lấy được bằng thạc sĩ đã là cả một vấn đề quá lớn đối với bản thân tôi.
Tôi chỉ xin góp tiếng nói cùng với người thầy đáng kính của chúng tôi rằng chúng ta cần những người biết làm, biết việc cụ thể, và làm việc với cái tâm, cái đức của mình để khoa học Việt Nam thực sự là khoa học.
Phạm Anh Tuấn, Europe, tuan_es@yahoo.com
Tôi hoàn toàn đồng ý và tán thành với quan điểm của GS Hoàng Tụy. Thực tế là khoa học Việt Nam đang đi xuống một cách trầm trọng và không theo được với phát triển kinh tế xã hội. Không sớm thì muộn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Theo thống kê, một năm Việt Nam chỉ có 80 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành, không bằng một khoa của một trường đại học cỡ trung bình của một nước phát triển. Chúng ta sẽ mất đi cơ hội nếu không thay đổi. Thực tế là không có quốc gia phát triển nào lại không dựa vào một lực lượng khoa học hùng hậu.
Trần Quốc Hà, Ngân hàng Nhà nước Hậu Giang, Quochaxuantrang@yahoo.com.vn
Tôi đồng ý với ý kiến của GS về vấn đề nghiên cứu khoa học và đầu tư cho nghiên cứu hiện nay. Tuy không phải là nhà nghiên cứu, nhưng tôi cũng đã từng được tiếp xúc và được học và hướng dẫn của một số GS, TS. Điều cảm nhận được là các GS rất tận tình, nhưng thật buồn khi tôi được biết lương của họ thật thấp và họ cũng không có phòng làm việc. Với chế độ đãi ngộ như vậy, các GS, TS mà tôi biết đã dành phần lớn thời gian cho việc giảng dạy để tăng thu nhập, thời gian nghiên cứu và hướng dẫn sinh viên, học viên nghiên cứu không nhiều. Kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị ở nước ta trong các năm qua rất ít.
Hữu Thắng, Hà Nội, huuthang80@yahoo.com
Ý kiến của GS Hoàng Tụy đại diện cho rất nhiều người muốn khoa học Việt Nam phát triển. Chỉ cần xem một vài đơn vị khoa học điển hình đang sử dụng đồng tiền của nhà nước như thế nào thì rõ. Đời sống các nhà khoa học già, trẻ ra sao?
Tôi là một cán bộ trẻ trong giới khoa học, đại diện cho một lớp trẻ "hứng thú" với việc nghiên cứu khoa học. Qua 3 năm làm việc trong một cơ quan khoa học nhà nước, tôi và các bạn tôi đã hoàn toàn mất niềm tin vào cơ chế khoa học của nước nhà.
Tôi xin liệt kê một số điều mà tôi nhận thấy trong giới khoa học: - Ham thành tích. Làm được một thì khuyếch trương lên 10 (phối hợp với nhau để khuyếch trương). - Lương thấp, hầu hết phải lo kiếm sống. - Đề tài khoa học không có kết quả (báo cáo giấy tờ hoặc có sản phẩm cũng không dùng được). - Phí phạm tiền Nhà nước vào việc nhập thiết bị khoa học rồi bỏ không. - Cơ chế tuyển dụng kiểu "Xin-Cho".
Rõ ràng, trình độ của chúng ta không kém, tiền đầu tư của nhà nước cũng không ít mà thực chất thì đã rõ. Tôi nghĩ các quan chức khoa học phải thực tâm đi sát người thực sự làm khoa học để cải tổ chính sách cho phù hợp. Nếu không, khoa học nước nhà thật sự lâm nguy.
Lê Minh Trung, Đà Nẵng, leminhtrungdng@gmail.com
Không thể không có ý kiến khi đọc bài viết của GS Hoàng Tuỵ. Tôi thấy có lẽ những điều căn bản để đề ra các thiết chế cho khoa học đã được GS nêu ra quá là cụ thể rồi, không lẽ các nhà quản lý khoa học không thấy được điều này hay cố tình không thấy? May mắn chúng ta còn có những người như GS Hoàng Tuỵ.
Duc Thien, n_duc_anh@yahoo.com
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của GS Hoàng Tụy. Tôi xin bổ sung một vài ý kiến sau: Hiện nay, có hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học các cấp được xếp trong các ngăn kéo hoặc kho lưu trữ mà không để làm gì; Hàng nghìn tiến sĩ, thạc sĩ, hàng vạn kỹ sư, cử nhân trình độ quá yếu, không có khả năng làm việc; Nhiều sáng kiến, cải tiến có ý nghĩa thực tiễn thuộc về những người lao động chưa qua đào tạo; Đội ngũ nghiên cứu khoa học cơ bản ngày càng ít về số lượng, kém về chất lượng. Không biết khoa học nước nhà sẽ đi về đâu? Làm sao phát triển bền vững được khi không có tri thức?
Trần Tuyết Hạnh, hanh_t_t@yahoo.com
Bác Tụy nói hoàn toàn đúng. Làm khoa học ở Việt Nam thật tuyệt vọng nên chúng cháu phải bỏ nghề. Chúng cháu làm khoa học nhưng phải sống như ăn mày, chúng cháu phải chuyển nghề để được sống bình thường như những người khác. Cán bộ khoa học cũng là con người, so sánh họ như những anh hùng vượt qua mọi khó khăn để sáng tạo là không đúng. Làm khoa học phải có điều kiện: đủ sống, có phương tiện làm việc, có sách vở tạp chí, đi lại họp hành gặp gỡ với giới khoa học nước ngoài.
Ở Việt Nam, thư viện tử tế cũng không có, không có các giáo sư giỏi để đứng đầu các guồng nghiên cứu, phần lớn là giáo sư rởm thích có vị trí quản lí để kiếm tiền. Chúng cháu buồn vì phải bỏ nghề khoa học nhưng nếu ở lại thì tuyệt vọng lắm.
Nguyễn Hạnh, 25 Nguyễn Khang, Hà Nội, thienan04@hotmail.com
GS Hoàng Tụy nói đúng quá!
Vừa qua, Bộ KHCN đã đưa ra danh sách các đề tài KHCN giai đoạn 2006-2010 để đấu thầu. GS Hoàng Tụy viết "Không có nước nào làm thế cả. Nhà nước chỉ nên đưa ra định hướng NCKH". Những đề tài mà Bộ KHCN đề xuất vừa qua không hiểu dựa trên căn cứ gì? Có tên đề tài và mục tiêu đọc nghe ngớ ngẩn lắm, không loại trừ khả năng tiêu cực khi đề xuất các đề tài này. Tại sao Bộ KHCN không làm như Hội đồng Khoa học Tự nhiên đã làm là đưa ra những định hướng cho các lĩnh vực nghiên cứu, các nhà khoa học căn cứ vào đó đề xuất đề tài. Hội đồng sẽ xét chọn các đề tài có ý nghĩ khoa học và thực tiễn. Cách làm vừa qua và dự án sắp tới sẽ dẫn khoa học Việt Nam đi về đâu như GS Hoàng Tụy đã trăn trở.
Ý kiến của bạn?