Mặc dù có nhiều ý kiến không đồng tình việc tạm dừng đăng ký xe máy từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, từ phía người dân, thậm chí có cả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng dường như các cơ quan quản lý nhà nước của Hà Nội vẫn bảo lưu ý kiến của mình khi cho rằng tạm dừng đăng ký xe máy là một biện pháp cần thiết trong thời điểm hiện nay để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông nội thị.
Dưới góc nhìn của một người dân Hà Nội, bài viết này chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ùn tác giao thông nội thị tại Hà Nội, phân tích hiệu quả của việc tạm dừng đăng ký xe máy cũng như tính hợp pháp và hợp lý của quyết định trên.
Ở chừng nhất định, bài viết cũng đưa ra một số biện pháp cụ thể để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thị.
1. Thực ra, hiện tượng ùn tắc giao thông nội thị tại Hà Nội không phải trong một vài năm qua mới có. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các điểm đen về ùn tắc giao thông đã được đánh dấu trên bản đồ giao thông thành phố như ngã tư Cầu Giấy, ngã tư Sở, ngã tư Vọng,... Không cần đến một công trình nghiên cứu tốn kém, bất kỳ một người dân nào cũng dễ dàng nhận thấy:
Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng trên là cơ sở hạ tầng về giao thông yếu kém. Hệ thống đường xá được xây dựng từ mấy chục năm trước đã không đáp ứng được sự gia tăng dân số của thủ đô trong những năm chuyển mình theo cơ chế thị trường.
Mặt khác, quy hoạch giao thông không được quan tâm đúng mức, các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong việc phân luồng, phân tuyến giao thông làm cho hiện tượng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.
Nguyên nhân thứ hai của việc ùn tắc giao thông là ý thức người dân. Có thể nói, ý thức của người dân về tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ rất kém. Với người dân, việc lạng lách, lấn đường, đi xe máy trên vỉa hè,.. khi lưu thông trên đường là chuyện bình thường. Đặc biệt, những người thực thi pháp luật lại chính là những tấm gương xấu khi thường xuyên vi phạm pháp luật giao thông. Hình ảnh xe cảnh sát trật tự chạy ngược chiều, chạy trong phần đường dành cho xe thô sơ, xe cảnh sát giao thông đỗ vô tội vạ, xe biển xanh vượt đèn đỏ,... có thể thấy ở khắp nơi.
Nguyên nhân thứ ba là cơ quan quản lý nhà nước chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Năm một đôi lần, các cơ quan hữu quan tổ chức đợt cao điểm, nhưng hết đợt cao điểm, tình trạng lại đâu vào đó. Các lỗi vi phạm như đi xe lấn làn đường, đi xe trên vỉa hè,... là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ không bị xử phạt nghiêm khắc.
Nguyên nhân thứ tư là sự gia tăng đột biến số lượng xe máy sau khi xe máy Trung Quốc xâm nhập thị trường Việt Nam trong các năm từ 1997-2001. Đến thời điểm hiện nay, nhu cầu về xe máy của người dân đã trở lại ổn định. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải gánh chịu hậu quả của sự gia tăng đột biến xe máy trong những năm trước.
Nguyên nhân thứ năm là sự gia tăng lực lượng lao động ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội trong những năm gần đây kéo theo một số lượng không nhỏ phương tiện của các địa phương khác được đưa về lưu thông tại Hà Nội.
2. Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng,
Hà Nội đã có đưa ra một số biện pháp quyết liệt, trong đó có việc tạm dừng (vô thời hạn) việc đăng ký xe máy ở 4 quận nội thành, sau đó mở rộng ra thêm 3 quận nữa.
Theo thống kê của Phòng cảnh sát giao thông cho thấy, số lượng xe máy được đăng ký sau khi thực hiện quyết định tạm dừng đăng ký xe máy là 40%. Căn cứ vào số liệu này, cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, việc tạm dừng đăng ký xe máy là biện pháp tích cực để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.
Theo chúng tôi, cần đánh giá lại số liệu trên bởi hai lý do:
Thứ nhất, đến thời điểm quyết định tạm dừng đăng ký xe máy tại một số quận nội thành có hiệu lực, nhu cầu về xe máy của người dân đang giảm dần do nhu cầu gần tới điểm bão hoà. Thứ hai, một số lượng không nhỏ người dân Hà Nội nhập cư đã về nguyên quán nhờ họ hàng, người thân đăng ký xe máy rồi mang trở lại Hà Nội. Chính vì vậy, thực tế số lượng xe máy thuộc quyền sở hữu của người dân Hà Nội không giảm nhiều như con số mà cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra. Mặt khác, lấy tiêu chí số lượng xe máy được đăng ký để đánh giá hiệu quả của việc tạm dừng đăng ký xe máy là không chuẩn xác bởi theo các chuyên gia, chỉ khẳng định được hiệu quả của biện pháp đó nếu thống kê được số lượng xe máy lưu hành thường xuyên trong nội thị tăng hay giảm.
Với tiêu chí này, tín hiệu dường như không được khả quan. Đặc biệt, việc tạm dừng đăng ký xe gắn máy đã làm phát sinh một loạt các vấn đề khác trong quản lý nhà nước.
Thứ nhất, xuất hiện tình trạng mua bán suất đăng ký xe máy của người dân các quận chưa cấm và các huyện ngoại thành.
Thứ hai, số lượng người mua bán xe không thay tên, đổi chủ ngày càng nhiều. Khi cơ quan quản lý nhà nước không thực sự quản lý được phương tiện giao thông thì việc giải quyết các vụ tai nạn giao thông, các vụ án hình sự mà người phạm tội sử dụng xe máy không chính chủ sẽ phức tạp hơn nhiều hoặc sẽ đi vào bế tắc. Xét dưới góc độ này, không thể nói rằng tạm dừng đăng ký xe máy là một biện pháp tích cực.
3. Xét dưới góc độ pháp luật, quyết định tạm dừng đăng ký xe máy là một quyết định vi hiến, vi pháp.
Điều 58 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất,..”. Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, khoản 1 Điều 221 Bộ luật dân sự năm 1996 quy định: “Thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn, hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác của cá nhân là tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị”.
Để bảo vệ cho quyết định của mình, một số quan chức của Hà Nội cho rằng, quyết định đó có căn cứ vững chắc. Pháp lệnh Thủ đô cho phép Hà Nội xây dựng một số cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, vị quan chức này đã quên rằng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất, dù cơ chế của Hà Nội có đặc thù đến đâu cũng không được trái với quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cần bãi bỏ quyết định này theo Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004.
4. Dưới cách nhìn của nhiều người, trong đó có cả ông Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, quyết định tạm dừng đăng ký xe máy dường như không hợp lòng dân lắm.
Dân không ủng hộ vì nó đi ngược lại lợi ích của dân.
Thứ nhất, không giống như một quan chức của Hà Nội khẳng định, các phương tiện giao thông công cộng không tiện lợi và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Phương tiện giao thông công cộng tại các nước khác hoạt động 24/24 tại tất cả các tuyến. Ở Hà Nội, sau 22h30, nếu không có xe máy, người dân chỉ có thể đi lại bằng xe ôm hoặc taxi với chi phí đáng kể so với mức lương trung bình trong xã hội. Mặt khác, vào giờ cao điểm, các tuyến xe buýt luôn trong tình trạng quá tải, phải chen vai, thích cánh để có được chỗ đứng nếu không muốn đi làm hoặc đi học muộn giờ.
Thứ hai, hiện tại ở Hà Nội có rất nhiều nghề nghiệp yêu cầu về phương tiện đi lại. Có thể nói, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là phương tiện để kiếm cơm của rất nhiều người. Việc Hà Nội dừng đăng ký xe máy vô hình chung tạo khó khăn hơn cho người dân thủ đô trong việc tìm kiếm việc làm khi mất lợi thế so sánh với lao động ngoại tỉnh trong một số nghề nghiệp nhất định.
|
5. Để giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông nội thị ở Hà Nội, đã đến lúc Đảng bộ và chính quyền thành phố phải xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này.
Các biện pháp đưa ra cần đảm bảo hài hoà giữa hiệu quả trước mắt và hiệu quả lâu dài. Đặc biệt, các biện pháp đó cần được xây dựng trên quan điểm vì lợi ích của dân bởi nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo chúng tôi,
Trước hết các cấp chính quyền cần chú trọng đến việc cải tạo hạ tầng giao thông nội thị. Những điểm đen về ùn tắc giao thông cần được tập trung về nhân lực, vật lực để giải quyết triệt để.
Phương án giải quyết các điểm đen về ùn tắc giao thông cần nêu công khai về tiến độ, nguồn vốn, ... để Hội đồng nhân dân và nhân dân cùng giám sát. Trong trường phương án đó có dấu hiệu không đảm bảo tiến độ, cần ngay lập tức quy trách nhiệm và xử lý những người có liên quan, tránh tình trạng như các công trình ngã tư Vọng và ngã tư Sở.
Song song với biện pháp xoá sổ các điểm đen, cần đánh giá lại quy hoạch tổng thể về mạng lưới giao thông nội thị. Đặc biệt, các ngành cần ngồi lại với nhau để tổ chức phân luồng phân tuyến giao thông cho khoa học, không tạo ra các nút thắt về giao thông.
Thứ hai, cần đánh giá lại hoạt động và hiệu quả của hệ thống phương tiện giao thông công cộng. Các tuyến xe buýt cần được điều chỉnh cho hợp lý hơn, tổ chức cho xe chạy 24/24 trên một số tuyến đường chủ yếu, có lượng khách đi lại nhiều. Có phương án tăng cường xe đối với một số tuyến trong các giờ cao điểm.
Thứ ba, cần xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng ùn tắc giao thông như đi lấn phần đường, làn đường, đi xe lên vỉa hè, quay đầu xe ở nơi có biển cấm,... Không cần tổ chức các đợt cao điểm, nhưng phối hợp và động viên tối đa các lực lượng ứng trực và xử lý trong tất cả các tháng trong năm. Trong trường hợp cần thiết, cần mạnh tay xử lý, lập rào chắn trên vỉa hè vào giờ cao điểm
Thứ tư, cần tổ chức một đợt tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân về ý thức tôn trọng trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh việc sử dụng quy phạm pháp luật, cần sử dụng quy phạm nghề nghiệp, quy phạm đạo đức để điều chỉnh.
Trước hết, đối với Đảng viên, không xếp loại Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu trong gia đình có người vi phạm; không xếp loại Đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm nếu Đảng viên đó vi phạm hoặc trong gia đình có nhiều người vi phạm, có người vi phạm nhiều lần pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Không giới thiệu những Đảng viên vi phạm hoặc có người người thân vi phạm trật tự an toàn giao thông vào các chức vụ trong Đảng và chính quyền.
Đối với cán bộ, công chức, xếp loại B tất cả các cán bộ, công chức có vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Không giới thiệu để bầu, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo trong cơ quan, chính quyền.
Đối với học sinh, sinh viên, xếp hạnh kiểm trung bình và không xét khen thưởng, tặng học bổng tất cả các học sinh, sinh viên vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong trường vi phạm nhiều lần, có thể xếp hạnh kiểm yếu.
Đối với người dân, hàng tháng chính quyền địa phương sẽ niêm yết công khai tại cụm dân cư, tổ dân phố danh sách các cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Chính quyền tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, làm tờ rơi, phát tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật miễn phí cho người dân.
Để làm được những việc trên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành các cấp.
Cần quy định rằng, các trường hợp bị lập biên bản vi phạm trật tự an toàn giao thông chỉ được xử lý khi người vi phạm nộp giấy xác nhận về nhân thân của chính quyền nơi cu trú, của đơn vị học tập hoặc công tác theo mẫu in sẵn do cơ quan công an phát kèm theo biên bản vi phạm. Sau khi xử lý vi phạm, cơ quan xử lý sẽ gửi thông báo về nơi cu trú, đơn vị học tập hoặc công tác để phối hợp xử lý theo quy phạm nghề nghiệp, quy phạm đạo đức. Đừng ngại rằng nhiều thủ tục sẽ tạo ra kẽ hở cho tiêu cực. Vấn đề tiêu cực thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cán bộ, công chức. Bản thân cán bộ, công chức chịu trách nhiệm theo pháp luật nếu đòi hối lộ hay nhũng nhiễu người dân.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, các biện pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông chỉ có hiệu quả lâu dài nếu được áp dụng một cách đồng bộ.
Sẽ chỉ là đánh rắn giữa khúc nếu như chúng ta áp dụng riêng lẻ các biện pháp hoặc chỉ chú trọng đến hiệu quả trước mắt mà không tính đến các phương án lâu dài.
Người gửi: Bùi Văn Kiên
Địa chỉ: Thanh Xuân, Hà Nội. Email: bvkien2001@yahoo.com