221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
703002
Tin và trọng dụng nhân tài
1
Article
null
Tin và trọng dụng nhân tài
,

Tinh thần đại đoàn kết, luôn biết lắng nghe và trọng dụng nhân tài là di sản quý giá, là bài học thực tiễn sinh động cho giai đoạn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay.

 

Soạn: AM 79233 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Trao bằng cử nhân khoa học cho sinh viên

Chúng ta đang kỉ niệm 60 năm ngày độc lập khi thời cơ mới của đất nước đang đặt ra những yêu cầu, thách thức mới cho cuộc sống, thổi bùng lên những ước vọng về tương lai dân tộc. Một yêu cầu và cũng là bài học lớn trong suốt lịch sử dựng xây đất nước chính là câu chuyện phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài. Đó là vấn đề “tin” và “dùng” nhân tài, nhất là những người còn trẻ đã được triển khai ra sao trong thực tế.

 

Nhìn lại quá khứ, những giai đoạn thịnh trị của đất nước là giai đoạn người tài được trọng dụng, niềm tin của xã hội, của dân tộc được củng cố. Đặc biệt, nguồn tài năng đó sẽ được phát huy cao độ khi khuyến học, khuyến tài trở thành tiêu chí sống còn của chế độ, thể hiện trong cơ chế rõ ràng, thiết thực để thu phục nhân tài, mà sâu xa cũng chính là thu phục nhân tâm.

 

Vua Lê Thánh Tông khi ban chiếu cầu hiền đã đề ra chế độ trọng thưởng cho người có công tiến cử người tài. Người có tài năng tự tiến cử mình cũng được khuyến khích mà không sợ là “đem ngọc bán rao”. Nhờ những chính sách tích cực ấy mà nhân tài hội tụ, mở ra một thời đại hưng thịnh nhất trong lịch sử chế độ phong kiến.

 

Thời đại chúng ta, khi cách mạng tháng 8 thành công, Đảng và Bác Hồ đã có chủ trương mời những người tài, những trí thức tên tuổi, kể cả những người chính kiến còn khác nhau nhưng có lòng yêu nước tham gia bộ máy chính quyền để cùng chung tay giữ nước và chấn hưng dân tộc.

 

Tinh thần đại đoàn kết, luôn biết lắng nghe và trọng dụng nhân tài là di sản quý giá, là bài học thực tiễn sinh động cho giai đoạn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay. Tiếng nói thật, trí tuệ thật, không bị giằng níu bởi bệnh hình thức, giáo điều, tầng nấc, thể hiện trách nhiệm công dân, sự tự tin, dũng khí và khả năng đổi mới chính là điều còn thiếu để biến “giấc mơ Phù Đổng” thành hiện thực.

 

Chúng ta lý giải thế nào khi số lượng cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có bằng cấp đào tạo ngày càng nhiều nhưng những người có phát kiến mới, được xã hội thừa nhận lại hiếm hoi? Có những Tổng Công ty lớn của nhà nước với hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, nhà quản lý được đào tạo cơ bản và rèn luyện trong thực tế, vậy mà khi ông Tổng Giám đốc sai phạm, lãnh đạo cấp trên yêu cầu cách chức, cơ quan chủ quản lại trả lời: “Không tìm được người thay”(!) Công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ “có vấn đề” hay chung quy vẫn là tệ bè phái, thiếu công tâm trong sử dụng đãi ngộ cán bộ vẫn là tình trạng phổ biến ở nhiều nơi?

 

Đã có bao nhiêu vị lãnh đạo địa phương làm được như ông Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là dành thời gian trực tiếp lắng nghe ý kiến của những người vừa được đặc xá, tha tù để rồi có ngay những quyết định tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, trở thành những công dân tốt cho xã hội? Một việc nhỏ thôi nhưng nó đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, không né tránh những vấn đề gai góc đặt ra, giải quyết đến cùng những “khoảng tối”, những vướng mắc có thể cản bước chân phát triển.

 

Lẽ ra đó cũng là việc bình thường của người “công bộc”,  nhưng nó được dư luận quan tâm, nhớ đến phải chăng vì còn không ít cán bộ lãnh đạo chỉ quen đến những nơi sang trọng, đọc những bài diễn văn na ná nhau mà thiếu kỹ năng lắng nghe và giải quyết kịp thời?

 

Không ít cán bộ tồn tại theo kiểu “đến hẹn lại lên”, thiếu sự quyết đoán, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm. Trong bối cảnh ấy, ở nhiều địa phương, đơn vị, việc phát hiện, sử dụng nhân tài còn còn mơ hồ, chung chung, thiếu những quyết sách cụ thể, hiệu quả. Không ít trường hợp chỉ thiên về hình thức, hô hào, còn thực tế triển khai không khác mấy chục năm trước bao nhiêu...

 

Liệu chúng ta có đủ bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm để biến thời cơ thành sức mạnh vật chất thật sự đưa đất nước đi lên, nhanh chóng thóat khỏi nghèo nàn, lạc hậu?

 

Câu hỏi nóng bỏng ấy chỉ có thể được giải đáp thỏa đáng khi những người có năng lực được đặt vào đúng vị trí của họ, được tạo điều kiện, cơ chế để có thể phát huy cao nhất khả năng của mình cho đất nước...

 

“Khát vọng Phù Đổng” chỉ trở thành hiện thực khi người tài được tin dùng, năng lực tiềm ẩn trong mỗi cá nhân trở thành nguồn năng lượng mạnh mẽ cho phát triển, xây dựng đất nước “bên trong ấm no, bên ngoài trọng vọng”  như ước nguyện hàng nghìn năm về trước của cha ông...

 

  • Đỗ Chí Nghĩa
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,