Chương trình và sách giáo khoa văn đang được bạn đọc quan tâm . |
(VietNamNet) -
Tôi cũng không ngờ em Thanh lại có sự trùng hợp với tôi như vậy. Cách đây 10 năm, trong một lần kiểm tra học kỳ môn Văn, tôi cũng đã gặp đề thi về tác phẩm: "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" này...
Phải nói rằng, tôi là học sinh giỏi Văn của lớp, của trường được tham gia học sinh giỏi của thành phố nhưng đứng trước bài thi này, tôi vô cùng bất ngờ bởi hồi đó tôi thấy bài: "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" rất khó học, khó nhớ. Tôi cũng đã đọc vài lần song thấy khó nên "bỏ qua". Nhưng tôi không ngờ rằng kỳ thi ấy nhà trường lại ra đề đó.
Tôi rất phân vân và không biết phải làm thế nào bởi tôi không hề thuộc bài tế đó thì làm sao tôi có thể phân tích bình luận được cho dù tôi có là học sinh giỏi mấy đi chăng nữa! Tôi cảm thấy rất xấu hổ, "Chẳng nhẽ mình mang tiếng là học sinh giỏi mà lại không thể làm được bài thi này sao!?". Tôi bỗng thấy ghét mình đã không chú ý, học kỹ bài này.
Quả thực, tôi cũng không thích tác phẩm đó. Ai đã từng học, từng đọc chắc cũng thấy như vậy. Lúc đó tôi đã không làm như em Thanh mà đã chủ động để trống bài thi, vì lỗi này là do tôi.
Khi trở về nhà, tôi rất ấm ức liền mang bài đó ra đọc lại. Tôi đã cố gắng học bù lại như để sửa chữa lỗi. Sau đó, tôi thấy tác phẩm đó rất hay, rất đáng học, thế mà tôi đã vội bỏ lỡ nó.
Một người học sinh yêu Văn và nhất là giỏi môn Văn thì không nên và đừng bao giờ chịu khuất phục trước một tác phẩm khó. Hãy chứng tỏ sức học của mình chứ đừng bao giờ chịu thua, để rồi đỗ lổi cho bài văn, bài thơ. Chúng không có lỗi mà do chúng ta chưa yêu, chưa hết mình với nó. Tôi và em Thanh đã không chịu tìm tòi, không chịu đọc cũng như cho rằng không thích.
Em Thanh nói không thích tác phẩm thì em hãy chỉ ra, chứng minh cụ thể để thuyết phục mọi người, chứ em đừng đổ lỗi cho khoảng cách thời gian, cho thế hệ. Nếu ngày xưa không có những người chiến sĩ đã ngã xuống thì đâu có ngày hôm nay cho các em học hành vui chơi. Như vậy, chính các em đã quên đi lịch sử, quên đi sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha ông. Vậy thì chính những tác phẩm đó, như tác phẩm: "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" cũng đã giúp các em hiểu rõ về con người Việt Nam xưa kia.
Nếu em Thanh thực sự không thuộc bài tế đó (tôi xin lỗi nếu tôi nói không đúng) thì em cũng nên thật thà với chính mình. Bởi trong bài văn của em tôi không hề thấy một từ ngữ nào liên quan đến bài tế được diễn tả để chứng minh là em không thích. Bởi có thể dễ hiểu rằng, không thuộc cũng đồng nghĩa với việc không làm được bài, và bài viết đổ lỗi cho không thích chỉ là cái cớ để chứng minh em là học sinh giỏi nên không thể để trống bài?
Và tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên đề cao em này quá bởi sẽ tạo ra một tiền lệ, nếu lỡ sau này có em nào đó không làm được bài lại nói rằng do em không thích? Chúng ta nên có những biện pháp khác khắc phục nhằm làm các em yêu Văn hơn. Đó là suy nghĩ của tôi và rút ra từ chính việc của tôi ngày trước. Mong sự đóng góp ý kiến của mọi người.
-
Thúy Dung, Phan Xich Long, Phú Nhuận, TP.HCM
Email: dungea2002@...
Theo dòng sự kiện:
Bài văn "lại" gây xôn xao làng giáo.
Tôi chỉ muốn nói lên những suy nghĩ của mình...
Ý kiến nhiều chiều về bài văn lạc đề
Hãy giúp các em nhận thức đúng về Văn học
Diễn đàn:
Làm gì để học sinh thích thú với môn Văn