Tôi rất sửng sốt khi đọc tin về tăng lệ phí lưu hành (đăng ký) xe máy tại các thành phố lớn. Tất cả các quan chức đều cho rằng, những biện pháp như tăng phí lưu hành xe máy, tăng thuế đánh vào xe máy... với tiêu chuẩn xe càng đắt thì số tiền phải nộp càng lớn, là "nhằm hạn chế tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông tại các thành phố, thị xã lớn trong cả nước".
Chúng ta đều biết rằng 2-3 năm trở lại đây, chính vì Nhà nước cho nhập ồ ạt các loại xe rẻ tiền của Trung Quốc nên số lượng xe lưu thông mới tăng đột biến. Hệ quả là những loại xe hạng rẻ tiền đó không chỉ là gây nên tình trạng quá tải tại những đường phố ở Hà Nội cũng như TP.HCM, mà còn làm gia tăng các tai nạn giao thông và nạn ô nhiễm môi trường thành phố vì để làm giá thành rẻ, nhà sản xuất đã phải tận dụng những nguyên liệu không đảm bảo tiêu chuẩn. Một thời báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã mổ xẻ bàn tán về vấn đề này rất nhiều. Chính phủ cũng thấy rằng cần phải đưa ra những biện pháp mạnh nhằm hạn chế các loại xe rẻ tiền.
Nhưng thực tế thì sao? Sau tất cả những chính sách của Nhà nước về lĩnh vực này, không còn nghi ngờ gì nữa Chính phủ đang khuyến khích, (hay là ép) người dân hoặc là không sử dụng xe máy, hoặc là chỉ được đi xe rẻ tiền.
Một ví dụ đơn giản về một người dân có thu nhập ở mức trung bình, sau nhiều năm tích góp mới có thể có khoản tiền 30 triệu đồng để mua xe. Như trước đây, người đó đã có thể mua một cái xe cực đẹp, cực tốt và cực an toàn. Còn bây giờ, theo mức thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến (0-5%), giả sử 30 triệu đồng (tương đương 30% = 9 triệu đồng + 1 triệu đồng phí = 10 triệu đồng, tăng thêm 1/3 tiền dự kiến mua xe). Như vậy, người đó không thể có thêm 1/3 cuộc đời để kiếm tiền, cũng không thể bảo với chủ rằng, cần tăng lương cho tôi thêm 1/3 số lương tôi đã nhận để tôi còn mua xe, phương tiện sinh sống của tôi. Với 30 triệu đồng, người đó sẽ chỉ có thể nghĩ đến phương án mua xe rẻ hơn, (23 triệu + 23 triệu x 23%+1 triệu = 29,29 triệu đồng), đồng nghĩa với việc giảm độ đẹp, độ bền, độ an toàn, độ ô nhiễm.
Điều tôi không hiểu là tại sao các vị lãnh đạo lại cố chấp, "ép" những loại xe đắt tiền, cho rằng đó chỉ là những loại xe "mang tính chất thời trang hơn là phục vụ nhu cầu đi lại". Lý lẽ "để đảm bảo an toàn giao thông" không đủ sức biện hộ cho việc tăng thuế và tăng phí. Nguy cơ ùn tắc giao thông là như nhau với cả xe đắt tiền và xe rẻ tiền, còn nguy cơ tai nạn giao thông từ những xe rẻ tiền cao hơn gấp bội.
Đáng lẽ, Chính phủ phải tìm mọi cách giảm giá những loại xe chất lượng cao, mẫu mã đẹp để những người trước đây chỉ có đủ tiền đi xe rẻ, chất lượng thấp, nay có thể sử dụng những sản phẩm chất lượng cao hơn, đồng thời bộ mặt của đất nước cũng đẹp lên nhờ những chiếc xe sang trọng, đẹp đẽ.
Ở nước ngoài, người ta đánh giá sự phát triển của thành phố qua số lượng những chiếc xe đẹp, đắt tiền, chứng tỏ mức sống người dân đạt mức cao. Vì nếu thu nhập không có, ai dám bỏ tiền ra mua chiếc xe rồi cũng chỉ ngồi lên và di chuyển?.
Đất nước ta đang phát triển, đang vươn lên ngang tầm thế giới, cái gì cũng muốn bằng "người", thậm chí hơn "người"; giá vàng, giá xăng dầu, giá gạo, giá cước viễn thông... đua nhau tăng. "Người" tăng ta tăng, "người" giảm, ta cũng giảm. Chỉ có mỗi giá tiền lương là chẳng bằng ai. Thu nhập quốc dân đầu người xấp xỉ 200 USD, chưa bằng mức lương tối thiểu của 1 tháng của "người", mà chỉ mỗi tiền lương là trả lời cho những cái còn lại mà thôi.
Hẳn ai cũng biết thời kỳ "ăn no mặc ấm" của dân ta đã qua rồi, nhường chỗ cho thời đại "ăn ngon mặc đẹp", "ăn sung mặc sướng", sao các vị lãnh đạo đất nước cứ ra sức kìm hãm người dân. "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh", khẩu hiệu đó đề ra để đọc để ngắm thôi sao. Chúng tôi, những người dân, thì đang nghĩ tới chính sách "Ngu dân dễ trị" của thực dân Pháp ngày nào.
Tôi viết những dòng trên bày tỏ nỗi bức xúc của một người dân về quyết định của Nhà nước. Tôi mong sao những lời này tới được nơi các vị, mong có thể thay đổi một cách nhìn, một quan niệm đối với sự phát triển của đất nước.
Xin các bạn cùng tham gia ý kiến về vấn đề này.
Xin trân trọng cảm ơn Quý báo!
Hồ Ca