Kính gửi ban quản trị trang Vietnam net, chuyên mục Giáo dục, tên em là Nguyễn Hoàng Tùng, hiện đang là sinh viên trường ĐHBKHN. Em đã đọc rất nhiều các bài viết về tuyển sinh đại học cũng như về các vấn đề giáo dục khác. Em rất quan tâm tới vấn đề này và có một vài ý kiến.
Bản thân đã từng là học sinh và đã từng tham dự kì thi tuyển sinh Đại học năm vừa rồi, vì thế em rất hiểu những khó khăn cũng như tâm trạng của những thí sinh năm nay. Em thấy rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam còn khá nhiều điều bất hợp lý.
- Học sinh Việt Nam có quá ít sự hướng nghiệp. Nhiều bạn vào đại học chỉ theo ý thích nhất thời, hay do gia đình. Nhiều bạn được hỏi đến tận lớp 12 cũng chưa biết sẽ vào trường nào và sau này sẽ làm gì. Họ không ý thức được khả năng sức học của mình cũng như các điều kiện khác. Điều này dẫn đến nhiều bạn sau khi đã vào được rồi thì quá sức học của mình, dẫn đến không học được.
Ở một số nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Đức,... việc hướng nghiệp diễn ra ngay sau tiểu học. Học sinh có thể chọn nhiều con đường cho mình tuỳ theo khả năng học tập và ý muốn. Nếu sau khi lớn lên có sự thay đổi ý thích thì họ cũng có thể có nhiều cách để chuyển hướng.
- Học sinh Việt Nam có quá ít lựa chọn. Có thể nói con đường duy nhất là vào các trường đại học, cao đẳng. Khi đó mới có một sự bảo đảm tương đối cho sau này. Điều này làm cho tất cả cùng thi đại học ---> tỷ lệ chọi cao ---> chuyện đề thi nên ra như thế nào thì tuyển chọn được đúng trình độ học sinh.
Nếu đề thi ra khó, lắt léo thì sẽ lựa chọn ra được học sinh khá giỏi, nhưng để làm được những đề thi như thế thì lại phải đi học thêm. Nếu đề thi ra cơ bản, nhiều người làm được thì để chắc chắn đỗ lại phải đi luyện thi để củng cố kiến thức.
Tóm lại vẫn phải đi học thêm.
Thật ra theo em vấn đề học và dạy thêm là vấn đề cung cầu. Có người cần học thì ắt có người tổ chức và dạy thêm. Vì thế việc cấm dạy thêm học thêm sẽ không đạt hiệu quả, bởi người ta sẽ tìm các cách khác, hình thức khác để dạy thêm. Như thế càng nhiều tiêu cực, càng có lợi cho những kẻ xấu muốn lợi dụng dạy thêm học thêm để kiếm lời.
Nhiều người thường nói rằng phải đi học thêm và dạy thêm vì ở lớp không đủ thời gian để nói hết tất cả các vấn đề. Theo em điều này là đúng. Với lượng kiến thức quá nhiều thì chỉ với 45 phút/tiết và nhiều lắm 34 tiết/tuần thì không thể đủ thời gian. Học sinh Việt Nam hiện nay học quá nhiều các môn "thừa". Chẳng hạn học sinh khối A sẽ thấy rất buồn ngủ trong các giờ như địa lí, lịch sử hay kĩ thuật nông nghiệp. Ngược lại học sinh khối D cũng không hiểu phải học tích phân, đạo hàm làm gì trong khi ngoài việc đi thi thì học chẳng để làm gì, thậm chí vào đại học cũng không phải học nữa. Thêm vào đó rất thiệt thòi cho những học sinh thi khối B,C. Các giờ sử, địa, sinh thường chỉ có 2 tiết/tuần. Nếu các môn này không rơi vào môn thi tốt nghiệp thì thậm chí còn được bỏ đi để dành thời gian cho các môn khác. Vậy những học sinh thi khối B,C vừa phải học môn thi tốt nghiệp, vừa phải học các môn thi đại học thì quá vất vả. Hoặc một ví dụ khác: học sinh thành phố sẽ không hiểu phải học về đủ các loại thuốc trừ sâu mà chả bao giờ dùng, các loại sâu bọ mà chả bao giờ gặp. Trong khi đấy, học sinh ở các vùng nông thôn sẽ thấy thiệt thòi vì được học quá ít hoặc quá sơ sài về các vấn đề này, trong khi họ là thực sự cần những kiến thức đó.
Dĩ nhiên học không bao giờ là thừa. Nhưng cần phải chuyên môn hoá. Thà rằng giỏi một môn còn hơn biết nhiều mà cái nào cũng lơ mơ, hỏi chẳng biết. Cũng không nên phân biệt là thành phố sẽ học môn gì, nông thôn học môn gì mà theo em vẫn nên có đủ các môn, nhưng thay vì một học sinh phải học tất cả các môn thì ngoài các môn bắt buộc như Toán, Văn, Anh nên chuyển một số môn thành môn lựa chọn. Ví dụ học sinh khối A có thể chọn để tăng thêm học Toán, Lí, Hoá; học sinh khối C có thể có nhiều thời gian hơn để học Sử, Địa... Như thế sẽ tránh tình trạng học sinh không thích học, mà học sinh còn có nhiều thời gian hơn để tập trung vào một số môn chính với họ, tránh phải đi học thêm ở ngoài. Việc lựa chọn này cũng có nhiều ưu điểm khác. Chẳng hạn giữa các tiết học khác nhau, học sinh sẽ chuyển lớp. Như thế vừa có sự vận động thay đổi không khí giữa các giờ học, nhà trường cũng chỉ cần đầu tư vào một phòng lab hoặc phòng media.
- Học sinh Việt Nam học quá nhiều lí thuyết. Chẳng hạn môn Vật lí học rất nhiều các loại mạng điện phức tạp trong khi mắc một mạng điện gia đình lại không biết lắp. Việc các trường có xưởng trường là điều rất hiếm.
Một số trường trung học ở Đức, đầu năm học thường dành một tuần đầu tiên gọi là tuần làm dự án (Projektwoche). Trong tuần đầu tiên này, học sinh tham gia vào các dự án nhỏ về các lĩnh vực. Học sinh có thể chọn lớp học nghiên cứu các loại vi khuẩn, hay học những thao tác cơ bản chụp ảnh, quay phim, làm bánh, làm các loại đồ dụng đơn giản, thậm chí có lớp học nhảy. Đến cuối tuần nhà trường tổ chức tổng kết. Phụ huynh cũng tham gia. Học sinh trình bày các nghiên cứu của mình, làm các loại bánh, đồ dùng bày bán và tổ chức ca nhạc. Dĩ nhiên các đồ dùng này thường không đẹp hoặc còn nhiều khuyết điểm nhưng thông thường thì tất cả đều được mua hết bởi phụ huynh hay giáo viên. Những hình thức như thế vừa giúp học sinh gắn liền thực tế, vừa giúp cho cha mẹ có cơ hội tham gia cùng con cái.
Trên đây chỉ là một vài ý kiến của em. Có thể em còn chưa thấy hết hoặc chưa hiểu kĩ vấn đề. Rất mong được mọi người góp ý và cũng xây dựng
Xin cám ơn!
Nguyễn Hoàng Tùng