221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
23179
Một số suy nghĩ về những biến động giá xăng dầu trong thời gian qua
1
Article
null
Một số suy nghĩ về những biến động giá xăng dầu trong thời gian qua
,

(Bài viết của bạn đọc Phan An Khoa gửi cho toà soạn VietNamNet). Sau quyết định của Chính phủ về tăng giá bán tối đa mặt hàng xăng dầu và giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xăng và động thái tích cực của thành phố Hà Nội trong việc giải quyết cho xe bồn chở xăng dầu vào thành phố được thuận lợi hơn (trong ngày 17/2) thì “cơn sốt ảo” xăng bán lẻ trên thị trường Hà Nội đã hạ nhiệt. Hai động thái trên cũng lý giải được nguyên nhân chính gây nên tình trạng “khan hiếm giả tạo” xăng dầu bán lẻ kéo dài từ ngày 13/2 đến ngày 18/2/2003 mà đỉnh điểm của nó là hai ngày 16 và 17/2.

Xuất phát từ tình hình giá dầu mỏ thị trường thế giới tăng cao do những tác động chính trị phức tạp giữa Mỹ và Irắc tại khu vực “giếng dầu” Trung Đông, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước (với khối lượng 100% nhập khẩu) đã gặp khó khăn nặng nề khi mỗi lít, kg xăng dầu nhập về tới cảng, chưa đưa vào lưu thông, đã lỗ hàng trăm đồng/ lít, kg. Tình hình này kéo dài từ cuối tháng 1 sang đến trung tuần tháng 2/2003 đã vượt quá khả năng kiểm soát của các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Cũng từ ngày 13/2/2003, rải rác trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải những bài phỏng vấn các quan chức các Bộ Thương mại, Bộ Tài chính…, trong đó có nhắc tới khả năng Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng giá bán tối đa mặt hàng xăng dầu. Lúc này xảy ra 02 hiện tượng:

- Các đơn vị cung ứng nhỏ và các đại lý tư nhân bán lẻ xăng dầu bắt đầu giảm lượng hàng bán ra trước hết để giảm lỗ và sau đó (có thể) chờ giá lên để đầu cơ, đây cũng là hiện tượng thông thường trong kinh doanh.
- Các cơ sở sản xuất và dân chúng xuất hiện tâm lý dự trữ xăng dầu do lo sợ tình trạng khan hiếm.

Hai hiện tượng trên xảy ra đã khiến nhu cầu xăng dầu tăng dồn dập và đã xảy ra “khan hiếm giả” cục bộ ở một số địa phương, trong đó Hà Nội là “nặng nề” nhất. Tại sao lại gọi là “khan hiếm giả”? Bởi vì, thực tế các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu vẫn cố gắng nhập đúng tiến độ hàng hoá theo kế hoạch và không để xảy ra “sốt nguồn” hay nói cách khác là nguồn hàng không hề thiếu. Nhìn rộng ra cả nước, các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… về cơ bản vẫn ổn định được thị trường xăng dầu bán lẻ trong khi Hà Nội lại xảy ra mất ổn định. Vấn đề khác biệt lớn nhất ở đây chính là Quyết định 26 của UBND thành phố Hà Nội. Tại các đô thị khác, mặc dù nhu cầu đổ dồn về các cửa hàng bán lẻ của các doanh nghiệp Nhà nước nhưng do công tác vận chuyển bảo đảm nguồn được tốt nên các doanh nghiệp, đặc biệt là Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – đơn vị nắm giữ 60% thị phần, vẫn giữ vững được vai trò chủ đạo của DNNN trong việc bình ổn thị trường. Riêng tại Hà Nội, bên cạnh việc cửa hàng tư nhân và các đầu mối cung ứng khác ngừng bán hàng vì nhiều lý do khiến hệ thống cửa hàng của Công ty Xăng dầu Khu vực I _ Petrolimex bị quá tải thì việc quy định xe bồn chở xăng dầu chỉ được vào thành phố ban đêm (với số lượng có hạn và xin giấy phép định kỳ 2 tháng /lần) đã làm hoạt động bán lẻ xăng dầu tại nhiều điểm bán hàng của Petrolimex Hà Nội bị tê liệt và đã gây ra tình trạng “khan hiếm giả” nói trên.

Trước hết phải nói quyết định 26 của UBND thành phố Hà Nội là một quyết định rất được ủng hộ vì nó đã góp phần giải quyết nạn ách tắc giao thông vốn là vấn đề nhức nhối của thành phố. Tuy nhiên, quyết định này theo chúng tôi, có điểm chưa được hợp lý, là đã không xếp xe bồn chở xăng dầu vào loại “phương tiện chuyên dùng” như một số các phương tiện khác của các Công ty hoạt động trong lĩnh vực cây xanh, môi trường và vệ sinh đô thị (được hoạt động cả ban ngày trừ giờ cao điểm). Điều đó đã khiến cho việc phục vụ nhu cầu xăng dầu tiêu dùng bình thường, đặc biệt là các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán hay những ngày vừa qua, bị gián đoạn gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng. Trong hoàn cảnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông đã bị “oan” khi thực hiện nghiêm chỉnh quyết định của thành phố những vẫn bị … kêu ca. Tuy nhiên, sau tình hình căng thẳng ngày 16/2 thì ngày 17/2/2003, UBND thành phố đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp và buổi chiều cùng ngày, vấn đề trên đã được điều chỉnh và giải quyết ổn thoả. Cũng cần nói thêm là một số người dân cho rằng với thời gian ban đêm dài 8 tiếng như vậy thì lý do không vận chuyển kịp xăng dầu là khó chấp nhận. Chúng ta đều biết rằng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có giá trị kinh tế cao và nguy cơ cháy nổ lớn, cùng với hoạt động vận tải là cả một hệ thống từ giao nhận, kho bể, phòng cháy chữa cháy… phải đi theo để phục vụ. Chưa kể đến điều kiện kỹ thuật của máy móc thiết bị không cho phép hoạt động liên tục 24/24 giờ trong nhiều ngày liền.

Cuối cùng, giá xăng dầu đã tăng, thị trường trở lại bình thường và nhìn chung, người dân đều tỏ ra ủng hộ và vui vẻ chấp nhận. Có thể nói, tình hình “khan hiếm giả tạo” nhiên liệu trong mấy ngày vừa qua trên các địa phương cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng cũng mang lại những kinh nghiệm quý cho công tác xử lý, điều hành của Chính phủ và cũng là cơ hội để người dân hiểu và đồng tình ủng hộ, chia sẻ hơn với những quyết sách giải quyết khó khăn của Nhà nước. Nhất là tình hình về thị trường xăng dầu sẽ còn biến động phức tạp và căng thẳng hơn nhiều trong những ngày tới khi mà nguy cơ về cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Irắc vẫn còn lơ lửng chưa biết đến lúc nào.

  • Phan An Khoa

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,