221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1312111
"Chặt chém toàn cảnh" dịp Đại lễ
1
Article
null
'Chặt chém toàn cảnh' dịp Đại lễ
,

 - Trong những ngày diễm ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long tại Hà Nội, hầu hết các mặt hàng dịch vụ ăn uống và gửi xe đều tăng giá đến "chóng mặt". Quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhiều "thượng đế” đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” rút tiền trả mà không khỏi ấm ức...

>> Toàn cảnh Đại lễ 1.000 năm Thăng Long
>> Chụp ảnh Đại lễ giật giải 10 triệu đồng

Gửi xe với mức giá “cắt cổ”

Trong những ngày Đại lễ, khi người dân đổ về khu trung tâm vui chơi mừng đại lễ thì cũng là lúc dịch vụ gửi xe mặc sức tung hoành. Theo ghi nhận của PV VietNamNet tối 3/10, dọc các tuyến đường Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ, Nguyễn Xí… các bãi gửi xe tha hồ “chặt chém” với mức giá “cắt cổ”.

Mô tả ảnh.
Tình trạng chèo kéo khách vào gửi xe trên phố Nguyễn Xí - (Ảnh: VĐ).

Tại phố Nguyễn Xí và phố Định Lễ, các bãi trông giữ xe thi nhau mọc lên, mức giá gửi xe dao động từ 20 đến 45 nghìn đồng/xe máy. Các bảo vệ bãi xe thi nhau đứng ra đường chèo kéo khách vào gửi xe mà không thấy lực lượng chức năng can thiệp.

Tối ngày 3/10, anh Nguyễn Văn Hùng, nhà ở quận Hà Đông vừa dựng chiếc xe máy trước bãi gửi xe nhà sách Đinh Lễ (phố Nguyễn Xí) thì một thanh niên chạy tới kéo anh lại gửi xe. Khi anh Hùng hỏi mức giá thì được thanh niên này "hét " 45 nghìn đồng/xe.

Đang chèo kéo anh Hùng, người thanh niên bị chủ nhà xe trước nhà sách Đinh Lễ lao tới với vẻ mặt bặm trợn dằn mặt: “Mày ở đâu mà lại đây hỏi trông với gửi xe, mày muốn đi Văn Điển à! Biến ngay...”.

Trước cảnh tranh giành khách này, anh Hùng đành phải đem xe đi gửi trước cổng Bộ LLĐTB&XH với mức giá 20 nghìn đồng/xe.

Thấy mức giá vẫn cao hơn mức quy định của Nhà nước, anh Hùng phân trần thì một phụ nữ trung tuổi nói thẳng: "Đó là giá quy định của nhà nước! Còn giá thực anh có đi cả khu vực này cũng không có nơi nào rẻ hơn đâu".

Mô tả ảnh.
Giá trông xe cao gấp 10 lần giá quy định.

Ngay trước Bưu điện Hà Nội (phố Đinh Tiên Hoàng), một tấm biển quy định giá gửi xe ban ngày 2.000 đồng/ xe máy, ban đêm 3 nghìn đồng, nhưng thực tế khách gửi xe vẫn phải trả với giá 20.000 đồng/xe máy. Nhiều người dân gửi xe thắc mắc thì bị xua đuổi không thương tiếc vì… lắm lời.

Xa khu vực trung tâm hơn một chút, dọc tuyến đường Trần Quang Khải cũng có hàng chục bãi gửi xe tự phát thi nhau mọc lên. Một chủ bãi xe khi thấy khách vào gửi đã hét giá 40.000 đồng/xe máy, Nhưng khi thấy khách lưỡng lự thì liền hạ xuống... 30.000 đồng/ xe.

Việc gửi được 1 chiếc xe máy để đi bộ vào khu trung tâm đã khổ, việc gửi được một chiếc xe ô tô ở khu vực này còn khó hơn nhiều. Các bãi xe ở chân cầu vượt  trên đường Trần Quang Khải luôn chật cứng.

Tại bãi gửi xe phố Lý Thải Tổ, ngày thường mỗi xe ô tô gửi tại khu vực này chỉ với giá 10.000 đồng, nhưng trong dịp này đã tăng lên 50.000 đồng/ xe.

Mô tả ảnh.
Bãi gửi xe ô tô trên đường Lý Thải Tổ được "hét" giá 50.000 đồng/ xe. (Ảnh: VĐ) 


Thế nhưng, theo một chủ bãi, mức giá 50.000 đồng/ xe trong ngày Đại lễ là quá rẻ và không phải ai cũng gửi được. Nếu buổi tối muốn gửi được xe thì phải đi thật sớm, còn không thì bỏ ra 500 nghìn đồng cũng không có chỗ để gửi!

Dịch vụ ăn uống tăng “chóng mặt”

Sáng ngày 3/10, chị Lê Thị Hương (quận Cầu Giấy) đưa cháu vào Bảo tàng quân đội (18 Hoàng Diệu) chơi, khi mua kem và nước uống cho cháu chị Hương mới tá hoả vì giá dịch vụ ăn uống ở đây quá cao so với ngày thường.

Chị bảo: Bình thường giá một hộp kem Tràng Tiền 10 que giá chỉ có 27.000 đồng/ hộp, nhưng tại bảo tàng giá được bán 6.000 đồng/que. Tương tự giá một hộp sữa chua ngày thường chỉ mua 4.500 -  5.000 đồng/ hộp thì tại đây giá bán đã tăng gấp đôi.

Mô tả ảnh.
Nếu không hỏi giá trước khi vào uống nước, nhiều hàng khách sẽ bị chặt chém bởi những quán cóc ven đường gần khu vực hồ Hoàn kiếm. (Ảnh: VĐ)

Tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, giá dịch vụ ăn uống cũng tăng “chóng mặt”. Một chai nước lavie 550 ml, ngày thường chỉ 2.500 đến 5.000 đồng, vào những ngày Đại lễ được bán với mức giá 10.000 đồng/chai. Thậm chí, có người vào ngồi ăn một quả cóc, uống một cốc trà đá phải trả 20.000 đồng.

Trên phố Đinh Lễ, ngày thường một quán trà đá (gần với Bộ Lao động) có một tấm biển ghi mức giá cụ thể là trà chanh 5.000 đồng/cốc, sấu đá 5.000 đồng/ cốc, nhưng vào dịp này các con số tự nhiên biến mất chỉ còn chữ trà chanh, sấu đá và hàng  số 0 đứng chơ vơ.

Chị Dung, ở Gia Lâm sau khi vào quán này ăn một quả sấu và uống 1 cốc trà đá chị bị chủ quán hét giá 20.000 đồng đã bức xúc: “Tôi cứ nghĩ cùng lắm họ chỉ lấy 10.000 đồng, ai ngờ họ lại chặt chém với giá cắt cổ như vậy. Trót ngồi rồi nên đành phải chịu thôi”.

Cũng như chị Dung, chị Nhung ở Hà Nam ra Hà Nội chơi dịp đại lễ, mới 8h sáng ngày 4/10 vừa có mặt tại bờ hồ chị đã bị “chặt” 40.000 đồng một bát phở.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, những cửa hàng, quán cà phê có địa thế đẹp quanh khu vực Hồ Gươm cũng có giá cao ngất ngưởng. Vào những ngày cao điểm của dịp đại lễ, giá một suất ăn nhẹ với một chỗ ngồi đẹp có giá dao động từ 65 đến 150.000 đồng/suất.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,