Những kẻ "lỡ đò" về âm phủ

Cập nhật lúc 05:49, 13/09/2010 (GMT+7)

“Anh ơi, thế là anh em mình đi cùng một chuyến đấy”. “Ừ, lát qua Mộc Châu nhà anh ăn cơm nhé”; “Không, anh phải xuống Thái Nguyên nhà em trước đã”... Đó là lời mời về dự đám ma nhau của hai tử tù sau khi được cán bộ quản giáo thông báo chuẩn bị tới giờ đi trả án.

Thế nhưng trong chuyến về âm phủ được báo trước ấy vẫn có kẻ được lỡ chuyến về âm phủ do được Chủ tịch nước ân xá, tha cho tội chết. Những kẻ dù cuộc sống như được tái sinh lần hai nhưng cũng biết “mùi vị” thế là là đi về cõi chết.

Rít thuốc liên tục, đếm từng tiếng tích tắc để chờ lúc về cõi chết để rồi khi nhận được thông báo:“chưa tới lượt” là đổ gục, trống rỗng, với Phạm Khắc Thủy, phạm nhân đang cải tạo án chung thân ở trại giam Nam Hà, như thế cũng đủ biết thế nào là đi vào cõi chết.

d
Nhớ lại ngày nằm trong phòng biệt giam, Thủy bảo đã biết thế nào là chờ chết. Ảnh: Thu Trinh

Sinh năm 1963 ở Mộc Châu, Sơn La, thuở hàn vi, Phạm Khắc Thủy và vợ cũng lương thiện như bao cặp vợ chồng mưu sinh khác với chiếc xe bán tải, cần mẫn thu gom hàng nông sản để mang ra chợ huyện bán. Những chuyến vào bản giúp vợ chồng Thủy lãi nhiều hơn nhưng song hành với nó là số lần được ngửi mùi thuốc phiện cũng tăng lên.

Tục của đồng bào khi đã coi nhau như khách quý, có cái gì ngon, hiếm, đắt cũng mang ra mời khách và thuốc phiện cũng là một món để đàn ông trong bản mời nhau. Vài lần chưa nghiện, thêm những lần sau nữa, Thủy chỉ thấy nhớ chứ không thèm nhưng rồi chiều theo ham muốn, Thủy nghiện lúc nào không hay. Lúc đầu chỉ là lấy tiền hàng họ để mua thuốc hút, sau Thủy bán cả xe để hút.

Từ chỗ kinh tế khá giả, vì khói thuốc mà gia đình Thủy đi vào chỗ kiệt quệ. Vợ không công ăn việc làm, hai đứa con còn nhỏ, bản thân lại nghiện, trong lúc bế tắc cả kinh tế lẫn nguồn "cơm đen”, Thủy đánh liều đi buôn ma túy. Những chuyến đưa thuốc phiện từ Sơn La về Hà Nội giúp Thủy qua được cơn nghiện cho tới một ngày, khi vừa “ôm” 2 bánh heroin về đến Hòa Bình thì Thủy đã bị bắt.

Chẳng muốn mà được cai, thời gian nằm giam cứu, Thủy mới thấy ân hận, nuối tiếc những ngày lao động vất vả bên vợ con. Anh ta hiểu ra rằng, chính mình đã đánh mất tất cả và cái mất lớn nhất chính là đã không dành thời gian chăm sóc vợ con để giờ đây, chính anh ta là vật cản con đường tương lai của chúng.

Nhiều đêm Thủy đã khóc vì thấy có lỗi với vợ con, anh sợ nhất khi nghĩ đến một ngày, lúc ấy con cái lớn lên, ra ngoài xã hội, chúng sẽ sống sao khi có người cứ chỉ trỏ bảo rằng, bố chúng là tên tử tù. Thời điểm Thủy bị bắt, hai đứa con mới đang tuổi ăn, tuổi học, cô con gái lớn mới học lớp 7, cậu em học lớp 4, tuy còn nhỏ nhưng cũng đủ hiểu những đổ vỡ đang xảy ra quanh chúng.

Vậy nhưng, cả hai đều học rất giỏi, cô lớn được tuyển thẳng vào lớp chuyên toán của trường năng khiếu tỉnh nhưng vì trường cách nhà hơn 100km, gia đình khó khăn, nên đành phải học trường nhà.

Nhận thư con, nghe con động viên: “Bố đừng lo cho chúng con, chúng con sẽ cố gắng học tốt. Chỉ mong bố giữ gìn sức khỏe, cố gắng cải tạo tốt” mà Thủy thấy lòng mình như xát muối. Cũng chính vì nghị lực của con gái, vì tiếng hét đau đớn của nó trong phiên tòa phúc thẩm đã khiến Thủy nhận ra rằng dù còn cuộc sống đã được định đoạt hãy đừng để từng giờ từng phút trôi trong lãng phí.

Tâm sự với chúng tôi trong giờ giải lao giữa ca lao động, Thủy bảo rằng ngày ra vành móng ngựa trong phiên tòa phúc thẩm, tâm trạng của Thủy thật chán chường, tuyệt vọng nhưng tiếng hét đau đớn của cô con gái lúc đó đang học lớp 7 đã khiến người cha tội lỗi như Thủy nghĩ rằng các con đã tha thứ cho người cha lầm lạc và vì thế, Thủy phải trân trọng từng giây, từng phút còn có mặt trên đời.

Tiếng hét của con đã lôi Thủy ra khỏi u mê để rồi thay vì tâm trạng chán chường tuyệt vọng như những ngày đầu ở phòng biệt giam, Thủy chấp nhận với việc làm của mình. Ngày nào Thủy cũng đọc báo Nhân dân, để xem tin tức bên ngoài rồi lặng thầm cầu nguyện, mong vợ con khỏe mạnh.

Tôi hỏi Thủy, vào thời điểm tuyệt vọng nhất, đã bao giờ anh nghĩ đến cái chết? Thủy trả lời rằng, chưa bao giờ anh có ý định trốn tránh, dám làm thì dám chịu nhưng để vượt qua những tháng ngày đó quả thật vô cùng khó khăn. Thời gian chậm chạp trôi, ban ngày ngủ thì thôi, chứ cứ đêm đến là Thủy lại thức trắng, vì những tử tù đều biết, giờ đi trả án thường vào lúc đêm về sáng. Tuy giờ đã được sống, nhưng Thủy cũng đã từng trải qua giây phút chuẩn bị bước chân xuống chuyến đò âm phủ là như thế nào.

Ngày đó, cạnh buồng biệt giam với Thủy cũng có một tử tù khác tên là Nguyễn Văn Thủy. Thủy kia quê ở Thái Nguyên, kém Thủy 5 tuổi, cũng bị kết án tử hình vì buôn ma túy. Ba tháng ở cạnh nhau, mỗi khi đêm xuống, hai người khẽ hát cho nhau nghe, rồi kể chuyện quá khứ, chuyện gia đình, vợ con,…trong lòng cầu mong đêm qua mau bởi những kẻ tử tù như họ đều hiểu khi còn nhìn thấy ánh mặt trời, có nghĩa họ được sống thêm ngày nữa.

Rồi tới một ngày cuối tháng 4/2005, khoảng 2h, khi hai kẻ tử tù cùng tên đang chuyện trò thì tiếng cửa sắt ken két rung lên. Phòng của Phạm Khắc Thủy ở ngay ngoài còn phòng của Nguyễn Văn Thủy ở trong.

Tiếng cán bộ quản giáo vọng tới: “Thủy hôm nay đi trả án nhé”. Dù đã chuẩn bị tâm lý đón chờ giây phút này từ khi bước chân vào khu biệt giam nhưng khi nghe những âm thanh đó, Thủy bỗng thấy tim mình đau nhói, chân run rẩy không thể nhấc nổi. Cố trấn tĩnh, Thủy xin cán bộ quản giáo cho thay bộ quần áo mới và hút điếu thuốc lào.

Trong lúc ngồi hút thuốc, Thủy thấy cán bộ quản giáo sang phòng bên cạnh gọi Thủy kia đi trả án. Rồi từ bên đó, tiếng Thủy kia hồn nhiên: “Anh ơi, thế là anh em mình cùng đi một chuyến đấy”. Thủy đáp lại “Ừ, lát qua Mộc Châu nhà anh ăn cơm nhé”. “Không, anh phải qua Thái Nguyên nhà em trước đã”.

Họ đùa nhau như vậy nhưng với các tử tù, đó là lời mời tới dự đám ma của nhau, tiếng ngọt ngào nhưng lòng chát đắng. Còn gì kinh khủng hơn khi phải tự làm ma “miệng” tế mình trước giờ lên “đoạn đầu đài”.

Thủy kia được đưa ra trước còn Thủy này cứ ngồi như vậy hút thuốc mà tâm hồn trống rỗng. Quá khứ, hiện tại, những kỷ niệm vui buồn cứ ào ạt quay cuồng, trộn lẫn. Mãi đến 7h sáng, một cán bộ quay lại bảo: “Thủy chưa đến lượt nhé”. Thủy ngồi gục xuống, lòng trống rỗng.

Sau lần đó, Thủy hiểu thế nào là sự chấm hết nên lúc nào cũng cảm thấy thời gian trôi quá nhanh. Thủy lo sợ một ngày nào đó phải “ra đi” mà chưa kịp dặn dò vợ con nên đã xin một cái ruột bút bi, tận dụng ánh sáng lọt qua cửa sổ, viết những lời sám hối, dặn dò vào lớp lót trong áo khoác.

Cứ thế, khi những lời căn dặn vợ con được Thủy ghi dày đặc lớp vải lụa lót áo, Thủy đưa cho phạm nhân tự giác, người được phân công dọn dẹp khu buồng của Thủy với lời khẩn khoản nhờ khi nào Thủy chết, hãy mang tấm áo đó về cho vợ con Thủy.

Nhưng tấm áo đó chưa kịp đến tay người cần nhận, thì tròn một tháng sau, vào khoảng 9h sáng, khi đang ngồi cầu nguyện cho vợ con, Thủy được cán bộ quản giáo vào dẫn ra ngoài để nghe quyết định ân xá của Chủ tịch nước. Không còn là tử tù, Thủy thấy tai mình ù đặc rồi sau đó là cảm giác lâng lâng sung sướng. Không chỉ khiến Thủy xúc động mà ngay cả cậu phạm nhân phục vụ buồng tử tù, khi biết tin đã ôm chầm lấy Thủy, nước mắt nghẹn ngào: “Em sợ nhất là phải mang chiếc áo của anh về cho gia đình, giờ thì trả nó cho anh”.

Cùng năm Thủy được giảm án xuống chung thân, con gái Thủy thi đậu trường Đại học Luật Hà Nội còn cậu em giờ đã lên lớp 12. Niềm vui nối tiếp niềm vui, những lần trại tổ chức cho người nhà thăm gặp, vợ chồng Thủy lại được tay trong tay. Giọt nước mắt hạnh phúc của vợ càng khiến Thủy quyết tâm cải tạo để nẻo thiện trở về không còn xa nữa.

Nghe Thủy kể về quãng đời lầm lạc của mình, nhìn nụ cười tươi rói trên gương mặt rắn rỏi, sạm nắng, tôi tin là anh sẽ làm được. Nghị lực và niềm tin là liều thuốc an thần tốt nhất để người ta vượt qua gian khổ, nuôi hy vọng cho một tương lai rộng mở. Với Thủy, dù ngày về chưa định nhưng con đường trở về với gia đình đã có, chỉ còn có quyết tâm và một tấm lòng hướng thiện.

(Theo Đất Việt)

Các tin khác