Săn tìm ấm cổ
11:38' 11/09/2004 (GMT+7)

(VietnamNet) - Dân "ngoại đạo" thường bị choáng bởi kiểu dáng và màu sắc của các chủng loại đồ đồng, đồ bạc, đồ vàng...nhưng dân chơi thứ thiệt lại nghiêng mình kính nể những đồ gốm cổ. Lý do thật giản dị: Đồ gốm có trước đồ đồng và rất khó giữ được nguyên vẹn. Kỳ công của nhân loại hay phép màu của thượng đế đã giữ gìn cho một vài món đồ gốm cổ tồn tại từ khi con người có ý thức về cái đẹp cho đến ngày nay? 

Phân định trình độ thẩm mỹ các triều đại

Ly uống rượu thời Lý màu xanh ngọc.

Những chiếc ấm cổ đầu tiên hình tròn, lớn chỉ có vòi mà không có quai, khi rót phải dùng cả hai tay bê cả bầu để rót. Lâu dần, do nhu cầu sử dụng những chiếc ấm được người thợ thủ công tạo thêm quai để tiện sử dụng. Đây thực sự là cuộc cách tân lớn khiến cho những chiếc ấm trở nên phổ biến hơn. Nếu so với các lọ hoa cổ chỉ có một vài kiểu nhất định thì chiếc ấm đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật vừa đa dạng về chủng loại vừa phong phú về kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. To cỡ bằng quả bầu có ấm quả bầu, hình cây đàn tỳ bà có ấm tỳ bà, hay có khi chỉ nhỏ bằng quả trứng gà chuyên dùng vào việc nho nhã như: Nhỏ thêm vài giọt nước vào nghiên mực thày đồ.

Đồ dùng để uống rượu bao gồm nhĩ bôi (chén hai tai), tước (ly có chân), bát. Ấm pha trà là loại ấm nhỏ chỉ xuất hiện khi có tục uống trà. Chén uống trà cũng đơn giản hơn chén uống rượu gồm có chén tống (to) và chén quân (nhỏ). Theo thời gian, công nghệ làm gốm cũng phát triển, màu men ấm trở nên phong phú hơn. Có loại độc sắc trắng hoặc xanh. Đến thời Lý-Trần đã có thêm màu chàm, thời Lê có thêm màu nâu. Khoảng bốn trăm năm trở lại đây, những tiến bộ vượt bậc trong nghề gốm đã cho ra những chiếc ấm có men, hoa văn màu xanh, vàng, đỏ...  Ở thời kỳ nhà hậu Lê đồ đồng phát triển mạnh, rất nhiều đồ được làm bằng đồng trong đó có ấm. Ấm đồng về cơ bản có hình dáng như ấm gốm nhưng với ưu thế của nghề đúc không sợ co ngót như đồ gốm ấm đồng có hoa văn, hoạ tiết hết sức cầu kỳ và đẹp. Tuy nhiên, dân chơi thứ thiệt bao giờ cũng chuộng đồ gốm hơn đồ đồng: Một chiếc độc bình gốm thời Khang Hy (Trung Quốc) có giá bán tại chợ đấu giá Pari (Pháp) lên tới 2 triệu USD trong khi đó cặp bình đồng cùng niên đại lại chỉ ở mức vài chục ngàn USD. 

Chiếc ấm gần 500 năm tuổi

Việc săn tìm ấm cổ cũng khiến những câu chuyện của người sở hữu càng trở nên ly kỳ, hấp dẫn. Ông Lê Văn Kinh, nghệ nhân chủ tiệm thêu Đức Thành 86 Phan Đăng Lưu - Huế cho biết: Việc sưu tầm cổ vật vốn đã rất công phu, nhưng việc gìn giữ những cổ vật  gia bảo của gia đình còn gian nan không kém. Loạn lạc, chiến tranh rất nhiều cổ vật trong gia đìng đã không còn nữa. Hiện ông còn lưu giữ được những hiện vật như: Bình cắm hoa bằng sứ tô men thời Khang Hy. Chiếc đế đèn dầu lạc bằng gốm men lam có hình con rồng 5 móng. Hai chiếc bình rót rượu “Trúc lâm thất hiền” thời Minh Mạng, được sản xuất tại nội phủ - nơi chuyên sản xuất các đồ dùng trong cung đình Huế.

Bộ ấm sứ pha trà cổ của Trung Quốc.

Nhưng hơn hết thảy, quí nhất vẫn là chiếc ấm cổ gia bảo gần 500 năm tuổi. Đây là báu vật được vua Khải Định ban tặng cho ông ngoại ông Kinh là Tham tri bộ Lễ Nguyễn Văn Giáo - hiệu Chí Thành. Chiếc ấm nhỏ màu gan gà dùng để pha trà là một trong 12 chiếc ấm được sản xuất dưới triều vua Tuyên Đức ( Triều Minh bên Trung Quốc) dưới đáy có khắc 4 chữ: “Tuyên Đức tinh chế”. Qua gần 500 năm, chiếc ấm không hề bị sứt mẻ, hoặc có vết xước nào! Và hình như càng tồn tại cùng thời gian, chiếc ấm càng “lên nước”, bóng, mịn. Theo cụ Kinh, có những lúc dội nước sôi lên ấm, chưa đầy 2 phút  chiếc ấm đã khô như vừa được lau, rửa sạch sẽ. Qua hàng trăm năm, chiếc ấm này vẫn được dùng để uống những loại trà thượng hạng nhất nên khi không còn trà đổ nước sôi vào, nước vẫn có màu vàng và thoang thoảng hương trà.

Trong sưu tầm cổ vật, người chơi có thể không có những cổ vật cỡ lớn như Thạp, âu chứ nhất nhất không chịu thiếu những chiếc ấm, ít thì vài ba chiếc mà nhiều thì hàng chục chiếc. Ở Hà Nội, bộ sưu tập của ông Viên ở Đê La Thành, ông Cự ở Giảng Võ, ông Việt Thành ở Trần Hưng Đạo hay GS sử học Tạ Ngọc Liễn đều thật đáng nể về số lượng và chủng loại. Tuy nhiên, mức độ quí hiếm của những chiếc ấm lại chính là niên đại chứ không phải ở số lượng. Ấm cổ còn nguyên khay, chén đồng bộ là rất hiếm. Ngày nay những bộ ấm còn giữ được khay, chén thường là loại được sản xuất cách nay khoảng 200 năm. Tìm được một bộ ấm còn đủ khay, chén đã khó mà có niên đại hàng nghìn năm còn khó hơn.

Bản lĩnh của dân chơi gốm cổ

Nhĩ bôi cổ dùng uống rượu.

Cách chơi ấm mỗi người mỗi khác. Người thì cất công sưu tầm cho đủ bộ, đủ loại, theo  từng niên đại, đồ ta, đồ tàu cũng cố mua cho kỳ được. Nhưng lại có người sưu tầm theo chuyên đề và theo nhưng quan niệm rất riêng. Sinh thời cụ Vương Hồng Sển đã từng nói: “Người Việt ta nên chơi đồ cổ của ta là quý hơn hết, đừng quăng tiền mua đồ bằng ngọc bằng vàng, đồ Tây phương, hoặc đồ Tàu, như cái nậm đời Khang Hy giá những 500 đô la. Có chúng kể cũng sang, nhưng không có cũng chẳng sao."  Theo cụ Vương đồ cổ của ta không chỉ đồ làm trong nước, mà còn cả những món các vương triều ta đặt làm bên Tàu bên Tây. Hoặc có khi là những thứ gắn với các chuyến đi  xứ của các cụ thời thời khăn đóng áo dài. Những thứ đó  dù có bị lẻ bộ cũng đáng quý so với các thứ đồ cổ ngoại quốc khác. Bởi nó thuộc "gia bảo", có hồn, có "gia phả"…

Cũng vậy, với đồ "quốc bảo", theo cụ Vương người Việt ta cần lựa mua các tô, đĩa, chén Mai Hạc trên đó có ghi mấy câu thơ Nôm: Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ, Hạc là người quen. Thật thú vị và cảm khái nắm trong tay cái tô do Nguyễn Huy Trứ đặt làm có câu: “Một thức nước in trời. Đò ai chiếc lá khơi”..., hoặc đĩa trà đề hiệu "Nhị sĩ nhập Đào Nguyên" thời Tây Sơn chẳng hạn. Theo cụ Vương, yêu thích đồ cổ ta và có được chúng trong nhà mới đúng phép người Việt sành "cổ ngoạn", mới thật là "nhà chơi có bản lĩnh".

Cũng vì lẽ đó mà những phiên chợ Viềng Nam Định năm họp một phiên ta thường bắt gặp những người chỉ đi bán ấm, nắp ấm, chén, hay có khi chỉ vài cái đĩa của bộ pha trà. Ông Việt Thành ở Trần Hưng đạo Hà Nội còn nhớ mãi câu chuyện: năm 1997 ông đi chợ Viềng chọn mãi mới mua được một cái ấm trà cổ màu da lươn, nhưng không có nắp. Hỏi đi hỏi lại, người bán đều nói không may nắp vỡ mất rồi. Năm sau ông xuống chợ, lại bắt gặp anh chàng đó chỉ bán có vài cái nắp ấm cổ. Tất nhiên, vừa bực nhưng cũng buồn cười bởi một trong những cái nắp đó là cái nắp đồng bộ với chiếc ấm ông mua năm trước. Mặc cả, đôi co một hồi cuối cùng ông cũng mua được cái nắp giá đắt hơn cả cái ấm đã mua. Nhưng ông vui vì nắp và ấm đã tái hồi với nhau, ông còn mời anh chàng bán ấm ăn một chầu bê thui nổi tiếng của chợ Viềng và đãi luôn một vò rượu quê.  

Bộ đồ trà của ông Phan Công Thọ mua đuợc ở Huế.

Nhà sưu tầm Phan Công Thọ Hà Nội là một trong số ít người có bộ ấm mộc độc nhất thời Lý còn nguyên cả khay chén có tuổi thọ ngót nghét ngàn năm. Không những thế câu chuyện về cơ duyên mà ông mua được bộ ấm cổ của Hoàng tộc nhà Nguyễn cũng lạ không kém. Sau ngày giải phóng miền Nam (1975), khi đi công tác tại Huế ông Thọ bắt gặp một bà cụ già ngồi bên đường đang bán một bộ ấm chén cổ. Là người sưu tầm cổ vật nên ông sà vào hỏi mua, cũng phải mất 50 đồng thời đó tức là bằng hai chiếc xe đạp tốt ông mới có thể là chủ sở hữu của bộ ấm cổ. Khi mua xong ngồi trò chuyện với cụ già mới biết bà là gia nhân trong phủ Cụ thân sinh ra cựu hoàng Bảo Đại. Sở dĩ phải bán đồ vì thời đó mới đổi tiền mới, mỗi nhà chỉ được đổi một số tiền hạn chế mà việc chi dùng trong phủ lại rất cần tiền mặt.

Có lẽ ấm là đồ vật được người thợ thủ công “thoả sức” sáng tạo từ độ cao, thấp đến hình dáng, màu sắc. Trong các bộ sưu tập hiện nay có rất nhiều loại ấm khác nhau như: Ấm bát giác, lục giác, bầu múi, hồ lô, quả dưa, quả vả, hoa sen, đầu gà, hình chim, thú hay các loại thuỷ tộc... Những chiếc ấm cổ có lẽ ấm hình quả dưa, quả vả là dễ kiếm hơn  ấm múi và ấm hồ lô. ấm hình tròn khi nung thường co ngót đều nên thành phẩm ít hỏng. Còn ấm múi lại thêm hoa văn là loại ấm đòi hỏi kỹ thuật rất cao, khó làm, thành phẩm phải có các múi thật đều không cong, vênh. Đây chính là lý do vì sao mà ấm có múi hiện nay lại đẹp và khó tìm đến như vậy.

Mười năm gần đây, các nhà sưu tầm đều đánh giá việc tìm và sưu tầm được những chiếc ấm đẹp, độc đáo để bổ xung vào bộ sưu tập là rất khó. Phần vì người sưu tầm ngày một đông mà lượng cổ vật có hạn, phần vì giới buôn đồ cổ sắn sàng trả mọi giá để có được cổ vật khiến nhiều người  chơi đành ngậm ngùi nuối tiếc bỏ cuộc đua.

Ấm pha trà bằng sành.
Ấm cổ vẫn được gọi là ấm Mạnh Thần.
Ấm pha trà cổ màu da lươn.
Nậm sứ đựng rượu.
Nậm gốm đựng rượu.
Nậm gốm  Bát Tràng
Ly cổ thời Trần
Ly cổ men anh ngọc Thời Lý
Lý cổ men trắng
Ấm hình quả bí có múi.
Ấm dưa trơn. 
m da trơn có mấu.
m đồng hình đàn tỳ bà.
m hình quả bầu.
m men lam nhà Mạc.
  •  Minh Nguyên
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Tôi không chọn chiến tranh mà chiến tranh chọn tôi" (10/09/2004)
Lịch Hy Chi tìm kiếm sự độc đáo (09/09/2004)
Trương Mạn Ngọc: Bày giải thưởng trong toilet (09/09/2004)
''Lãng du'' - Kết nối không gian (08/09/2004)
Nguyễn Khoa Đăng - Từ nhà văn đến "thầy cãi" (07/09/2004)
Bosnia dựng tượng Lý Tiểu Long (07/09/2004)
Cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa âm thanh và màu sắc (05/09/2004)
''Muốn hạnh phúc, hãy cười thật nhiều!'' (03/09/2004)
Load nhạc trên mạng, "chiến tranh giữa các vì sao" (03/09/2004)
CS Việt kiều Quang Toàn phát hành album tại VN (03/09/2004)
Laura Branigan - ngôi sao yểu mệnh (03/09/2004)
"Món ngon" mùa chay (31/08/2004)
Paris Hilton xuất bản hồi ký (29/08/2004)
Săn lùng tiền cổ (28/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang