Nguyễn Khoa Đăng - Từ nhà văn đến "thầy cãi"
18:35' 07/09/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Được nhắc đến rất lặng lẽ và bình dị, cùng với những truyện ngắn, bài báo nóng hổi tính thời sự, nhưng Nguyễn Khoa Đăng lại nổi lên bởi tính cách bộc trực và “viết thẳng”. Tò mò muốn được trò chuyện với nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chúng tôi đã nhờ nhà văn Phan Đức Nam đưa đến nơi ẩn dật của ông ở tận Gò Vấp, cách ngôi Chùa Nghệ sĩ gần cây số. 

 

Vì tự trọng đổi… bút danh

 

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi ông giãi bày: Thật ra tôi là Nguyễn Đăng Khoa nhưng vì nhiều người nhầm lẫn với nhà thơ Trần Đăng Khoa nên đổi bút danh thành Nguyễn Khoa Đăng. Có rất nhiều chuyện vui xoay quanh cái tên Nguyễn Đăng Khoa, ví như nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn dám “cãi” với cô giáo để bênh vực cho tôi và hình phạt là một trận quỳ nhớ đời. Rồi nhà thơ Chế Lan Viên bảo đổi bút danh như thế là tự trọng. Tôi có thơ đăng báo trước cả Thần đồng từ năm 1962 ở báo Thiếu niên.

 

''Là một trong bốn học sinh không được vào đại học, tôi chuyển sang dạy học nhưng lại dạy môn Toán và đặc biệt lại không qua một trường lớp đào tạo về sư phạm. Hồi ấy ở quê tôi chỉ có một trường cấp 3'' - Nguyễn Đăng Khoa bộc bạch.

 

Năm 1971 thành lập Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, nhà văn Bút Ngữ làm chủ tịch hội, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng là ủy viên. Sau đó, ông vào Nam và thành lập Hội VHNT Kiên Giang được bầu làm Phó Chủ tịch hội. Năm 51 tuổi về Sài Gòn làm báo.

 

Từ “thầy giáo” trở thành “thầy cãi”…

 

Tác giả đang "cãi" trong một phiên tòa ở Kiên Giang.

Thời gian ở Kiên Giang, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cũng như nhiều trí thức, thấy sự bất công trong việc xử án, ông đã xông pha vào lĩnh vực hoàn toàn mới này: làm… thầy cãi. Cũng may với sự nhanh nhạy và óc quan sát tỉnh táo cộng với lòng thương yêu người bị oan ông đã cãi liên tù tì 216 cuộc tại tòa. Có nhà báo đã gọi ông “người ra tòa hơn 216 lần”.

 

Khi chúng tôi hỏi lý do vì sao chuyển sang làm nghề ''thầy cãi'' ông cười xòa và nói: “Xưa nay tôi chỉ làm nghề viết báo, đôi lúc ngẫu hứng, cũng viết vài ba truyện ngắn để đăng nhưng những cái đó cũng chẳng gây được tiếng vang gì. Vậy mà không ngờ một hôm nhờ nó. Vâng! Đúng, nhờ vào một cái truyện ngắn mà tôi đã có thêm được một nghề khác, nghề bạn bè tôi chưa ai từng làm. Đó là nghề bào chữa cho các bị cáo hoặc những người bị hại tại các phiên tòa dân sự và hình sự, một nghề đúng ra là của các luật sư chính cống, những người từng có nhiều năm miệt mài trên ghế trường Luật, trong khi tôi chưa hề có được một ngày bước qua các cổng trường sang trọng ấy. Vậy tại sao tôi lại phải…

 

(Ngớp một ngụm bia, ông khẳng khái): Ở địa phương tôi đang sống, các vụ kiện cáo, các phiên tòa ngày một gia tăng, mảnh sân rộng mênh mông trước cổng tòa án không mấy ngày vắng khách. Rồi nữa, ở những phiên tòa ấy bị cáo thì ít, rất nhiều phiên chỉ có một người, trong khi số người ngồi ghế xét xử, ít nhất cũng phải là ba, một tỷ lệ quá chênh lệch, trong khi nhiều người trong số họ mang mặc cảm tội lỗi nên đã tự đánh mất của mình cái quyền tự do, quyền ăn nói mà vào thời điểm đó pháp luật chưa hề tước đoạt của họ… Ai sẽ thay mặt họ những lúc này để đảm bảo cho vần đề được lật đi lật lại, được nhìn nhận dưới mọi khía cạnh để họ khỏi bị thiệt thòi hoặc oan ức…

 

Chính vì thế, sau khi Bộ Luật hình sự ra đời, Nhà nước ta đã có ngay Luật Tố tụng hình sự trong đó cho phép bị cáo hoặc người bị hại có quyền nhờ người bào chữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đoàn Luật sư ở các nơi được thành lập là vì lẽ đó. Nhưng vì ở thời điểm này, số luật sư ra trường họ không chịu về hoặc có về nhưng con số còn quá ít… nên tỉnh tôi không thể nào thành lập Đoàn Luật sư được. Đó là lý do địa phương tôi ra đời một tổ chức gọi là Đoàn Bào chữa viên, mà tôi được chỉ định là một thành viên của Đoàn.

 

- Và thế là nhà văn bất đắc dĩ trở thành thầy… cãi?

 

- Thực ra, lúc đầu tôi chỉ nghĩ làm việc này cho vui, có thêm điều kiện để thâm nhập thực tế. Nào ngờ càng làm càng thấy hứng thú và nó quan trọng đối với xã hội biết chừng nào… Tôi vào việc một cách hứng thú là vì thế. Sự hứng thú này, không ngờ, sau một thời gian ngắn, đã tạo dựng cho tôi  sự tín nhiệm nhất định với bà con xa gần.

 

Các em học sinh đang đọc thơ của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, nhà văn Phan Đức Nam(thứ 2 và 3 - từ trái sang).

Chuyện vui mà có thật thế này: Số là ông Mười đánh máy chữ, viết đơn thuê ở đường phố trong thị xã, giấu kín số nhà của tôi trong con hẻm vắng, để lãnh tiền “cò”. Chuyện cháu bé khoảng 5, 6 tuổi sau khi thăm cha nó đang bị giam, khi ra cổng, đã chỉ tay vào gấu áo, để mẹ cháu lôi ra một mẩu giấy nhỏ cuộn tròn, trong đó ghi vỏn vẹn mấy chữ: “Nhờ bào chữa viên… cho ba” vân vân…

 

(Rồi ông trăn trở). Nói những điều này ra, tôi chỉ muốn thưa rằng, hình như trong công tác tư pháp còn rất mới mẻ của ta, trên con đường xây dựng một nhà nước pháp quyền lâu nay đang có điều gì bất cập.

 

- Được biết nhờ truyện ngắn “Con gấu” mà ông…

- (Ông cười cắt ngang). Một hôm, tôi nhận được bì thư có đóng tiêu đề bên ngoài là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của tỉnh, bóc ra xem tôi nhận ra đó là quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh đích danh cử tôi tham gia đoàn “Bào chữa viên”. Thắc mắc tôi gọi điện, được ông Phó Chủ tịch mặt trận tỉnh Kiên Giang giải thích: “Chúng tôi có được đọc nhiều bài báo của ông, đặc biệt là truyện ngắn vừa đăng báo (Con gấu-N.V). Tôi thấy ông cũng tỏ ra am hiểu và có nhiều trăn trở về công tác thi hành pháp luật hiện nay, nhất là tinh thần đấu tranh cho lẽ phải, rồi cách lập luận để làm sáng tỏ một vấn đề gì đó, điều rất cần thiết cho công việc của người bào chữa trước tòa. Vì thế mà chúng tôi cử ông…”.

Bìa sách "Khóc cười trước vành móng ngựa".

Sau những lần ra vào tòa, ông đã trở về Sài Gòn – mảnh đất hội tụ của giới báo chí. Và năm 1998, để kỷ niệm những lần đối đáp làm thầy cãi ấy, ông đã viết cuốn sách “Khóc cười trước vành móng ngựa”. Cuốn sách là những bộc bạch rất thẳng thắn như tính cách của ông.

 

Cho đến... “tiếp thị” thơ

 

Rồi vào nghề báo, ông lấy bút danh Vương Thân tổ chức trắc nghiệm tâm lý mới với chuyên mục “Trăm nỗi éo le” (và ra hai tập năm 1997 và 1999) trên tờ Tài Hoa trẻ của Bộ Giáo dục – Đào tạo đã thật sự thu hút nhiều đối tượng độc giả nhất là lứa tuổi ô mai. Cũng có nhiều cô qua sự rỡ rối ấy mà len lén “ngỏ lời”… Nhưng rồi vì tự trọng ông lại bỏ. Chúng tôi thắc mắc, ông cười bí hiểm chỉ tay ra sau nhà. Vợ ông như bắt mạch chồng đã nói hộ: “Tôi đâu dám bảo ổng bỏ, nhưng nhiều bạn bè văn nghệ “khuyên” ấy chứ vì sợ hỏng ngòi bút văn chương. Chứ tôi đâu có…ghen!”. 
 

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm: “Nguyễn Khoa Đăng là nhà văn từng xuất bản hàng chục cuốn tiểu thuyết dài, bây giờ lặng lẽ chăm chỉ say mê ghi lại từng mẩu truyện ngắn vài chục dòng… có chuyện về người lớn với trẻ em. Có chuyện về người lớn với người lớn nhưng có liên quan đến trẻ em, đến nhà trường… Làm sao tiếp cận được phương pháp dạy làm người hợp với nhịp phát triển của thời đại”.

Ông đã tự mình tiếp cận hồn thơ với thế giới trẻ thơ. Bằng cách đến ngôi trường tiểu học ở Gò Vấp, TP.HCM nói chuyện thơ với thầy cô giáo và học sinh. Các em được tận mắt thấy chân dung nhà thơ và cách đọc thơ nên “khoái” và bỏ tiền ăn sáng mua thơ về đọc. Ấy là tập thơ viết cho thiếu nhi “Đội nón cho cây” được tác giả viết cách đây đã ba mươi năm và tái bản đến những 9 lần.

 

- Các nhà văn hiện nay thường tự mình “tiếp thị” thơ bằng cách đem biếu, ông cũng nằm trong số đó?

 

- (Nhà văn tủm tỉm cười): “Thơ không chết đâu, chẳng qua chúng ta chưa khai thác cách hưởng thụ thơ. Bằng chứng là các em học trò kể cả phụ huynh và thầy cô giáo… vẫn mê thơ. Làm thơ cũng như sản xuất một sản phẩm công nghiệp… phải có cách tiếp thị. Trước tiên người sáng chế ra nó phải biết vận dụng. Tôi cho rằng, văn chương vẫn sống được nếu đánh thức, kích thích được lòng ham mê văn chương của độc giả''.  

 

 

Vài nét về nhà  văn Nguyễn Khoa Đăng

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.

Tên khai sinh Nguyễn Đăng Khoa, sinh ngày 1/9/1941 tại Hòa Bình. Bút danh: Phạm Hoàng Xá, Vương Thân. Nhà văn từng trải qua công việc dạy học, biên tập sách báo ở Hội Văn nghệ Thái Bình, Hội Văn nghệ Kiên Giang rồi Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang.

 

Tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện: Khói đốt đồng, 1981; Nước xanh biêng biếc, 1986; Tình yêu một thuở, 1990; Tiểu thuyết: Chuyện riêng của Cẩm Linh, 1987; Trò hề, 1990; Ngõ tre rì rào, 1991; Cuộc tình nghiệt ngã, 1991; Người bị cáo Hồ Uyên Ương, 1992, 1995;

 

Mẩu chuyện: 81 câu chuyện sư phạm, 1996; Truyện thơ: Sự tích Hòn Rùa, 1984; Kịch bản phim: Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc, 1986; Giai điệu xanh, 1987. Thơ cho thiếu nhi: Đội nón cho cây, 1985, 2001… Thơ phổ nhạc: Bài “Đi giữa biển vàng” (nhạc Bùi Đình Thảo) được thiếu nhi cả nước bình chọn là một trong 50 bài hát cho các em hay nhất thế kỷ 20. 

  • Nguyễn Tý
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bosnia dựng tượng Lý Tiểu Long (07/09/2004)
Cuộc gặp gỡ kỳ thú giữa âm thanh và màu sắc (05/09/2004)
''Muốn hạnh phúc, hãy cười thật nhiều!'' (03/09/2004)
Load nhạc trên mạng, "chiến tranh giữa các vì sao" (03/09/2004)
CS Việt kiều Quang Toàn phát hành album tại VN (03/09/2004)
Laura Branigan - ngôi sao yểu mệnh (03/09/2004)
"Món ngon" mùa chay (31/08/2004)
Paris Hilton xuất bản hồi ký (29/08/2004)
Săn lùng tiền cổ (28/08/2004)
Bob Dylan phát hành hồi ký (26/08/2004)
Chương trình hòa nhạc Toyota 2004 (25/08/2004)
Nghe "Đường xa ướt mưa" (21/08/2004)
"Phong cách mới" trong âm nhạc (21/08/2004)
Chơi xe đạp Peugeot thời @ (20/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang