221
5082
Chuyên đề
chuyende
/vanhoa/chuyende/
748698
Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương (Phần 1)
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Dịch thuật Việt Nam thời @:
Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương (Phần 1)
,

(VietNamNet) - Với băn khoăn giản dị và xem ra có phần chính đáng, chúng tôi hy vọng và rất mong tất cả những ai quan tâm tới việc nâng cao khả năng tri nhận kho báu nhân loại sẽ cất lên tiếng nói tâm huyết và xây dựng cho nền dịch thuật đương đại hữu ích hơn. Những bài viết như vậy, chúng tôi xin phép được đăng tải trên chuyên đề: Dịch thuật Việt Nam thời @.

Trong nhiều thập kỷ qua, các dịch giả đã chuyển tải một lượng kiến thức không nhỏ của nhân loại sang Việt ngữ, làm giàu thêm và mở rộng tầm nhận thức của người Việt trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn học nghệ thuật. Độc giả ham hiểu biết có nhiều khả năng lựa chọn hơn, có nhiều đối chứng hơn để tri nhận thế giới phức tạp và kỳ diệu của tâm hồn con người hay nói một cách lãng mạn nhưng không kém phần chính xác là: thâm nhập sâu hơn vào vương quốc cái đẹp, tiệm cận tới những phẩm tính xứng đáng với con người.

Tuy nhiên, công việc dịch thuật không phải bao giờ cũng đạt đích mặc dù cả người đọc lẫn người dịch đều tự biết và tự giới hạn bởi một hình ảnh có tính biểu trưng, phổ quát: bản dịch như mặt trái của tấm thảm thêu. Nghĩa là người đọc thông qua trạm trung chuyển là bản dịch phải hình dung ra bức tranh thêu là văn bản gốc. 
 
Chính quá trình thẩm thấu tri thức như vậy đã làm nảy sinh ít nhất 2 vấn đề cần phải giải quyết: Quyền hạn và khả năng sáng tạo của dịch giả và quan trọng hơn là phẩm chất nghi ngờ độ chính xác của các văn bản dịch nơi người đọc
 
Thái độ nghi ngờ văn bản dịch là hoàn toàn hữu lý và chính đáng vì thông qua nhiều luồng thông tin (phần lớn là công của dịch thuật) độc giả không thể minh xác được giá trị thực của văn bản gốc. Nếu chỉ đọc những bản dịch thơ Puskin bằng Việt ngữ thì rất khó đi đến kết luận Puskin là đại thi hào không chỉ của nước Nga. Mặt khác chúng ta cũng không nhận thấy rõ sự khác biệt (thi pháp, hiệu ứng cảm xúc, nhận thức...) giữa Puskin với những nhà thơ Nga hoặc các nhà thơ Anh, Đức hoặc Ba Tư cổ đại. 
 
Sự kiện văn bản dich Mật mã Da Vinci vẫn còn nóng hổi và gây bức xúc không chỉ cho độc giả mà còn góp phần chia rẽ những quan điểm về dịch thuật của giới chuyên môn. Đáng buồn là sự kiện này không phải độc nhất vô nhị trong làng dịch thuật mà nó đặc sắc bởi nó chỉ là "giọt nước làm tràn ly" cái tình trạng dịch ẩu, dịch lấy được hay chính xác hơn là "dịch lấy tiền" của thời thương mại hoá tâm hồn đại chúng.

Một sự kiện khác cũng rất đáng quan tâm: sự ra đời Nhà xuất bản Tri thức với chủ trương dịch và xuất bản từ 500 đến1000 đầu sách trong số những cuốn sách quan trọng nhất của tri thức nhân loại. Ý định tốt đẹp này hiển nhiên là đáng mừng và gieo niềm hy vọng nơi người đọc nhưng nó cũng gieo luôn hạt giống của sự nghi ngờ: Chỉ với một triết gia thôi, người dịch cũng cần phải bỏ rất nhiều công sức để tiếp cận tư tưởng trước khi tiếp cận văn bản gốc. Kể cả khi đã tiếp cận và hiểu được tư tưởng cũng như phương pháp luận của triết gia đó thì công việc chuyển ngữ cũng quá khó bởi tính không tương dung giữa ngôn ngữ văn bản gốc và Việt ngữ.

Con người không thể giấu mình qua ngôn ngữ và càng không nên im lặng trước thực tại mà mình biết rõ là chưa ổn, chưa tốt. Làm thế nào để chuyển tải đúng tư tưởng, quan niệm và mục đích của văn bản gốc tới độc giả người Việt? Với băn khoăn giản dị và có phần chính đáng này, chúng tôi hy vọng và rất mong tất cả những ai quan tâm tới việc nâng cao khả năng tri nhận kho báu nhân loại sẽ cất lên tiếng nói tâm huyết và xây dựng cho nền dịch thuật đương đại. Những bài viết như vậy, chúng tôi xin phép được đăng tải trên chuyên đề: Dịch thuật Việt Nam thời @

*                     * 

*

Xin giới thiệu bài viết của dịch giả trẻ Cao Việt Dũng dưới tiêu đề: 
 

Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương
 (Phần 1)
 

Trong một bài báo, Cao Xuân Hạo[1] kể về công việc dịch bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của nhóm bốn dịch giả mà ông là thành viên. Câu chuyện trở nên vô cùng lý thú khi ông nói đến bản tiếng Pháp của bộ sách do Henri Mongault thực hiện. Ở lời nói đầu, Mongault viết những câu như “Tolstoy không biết viết văn” hay “Chiến tranh và hòa bình giống như một con gấu mới đẻ chưa được mẹ nó liếm cho sạch”, và rằng dịch giả phải sửa khá nhiều chỗ, thậm chí còn bỏ hẳn một số đoạn vì không thể chấp nhận được. 
 
                                                     Nịnh đời dễ chửi đời cũng dễ
                                                     Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi
                                                                               (Lưu Quang Vũ
 
Soạn: AM 662861 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Dịch giả Cao Việt Dũng
Tiếp nhận Tolstoi ở Pháp là cả một câu chuyện dài. Người đầu tiên giới thiệu bốn tác gia chủ chốt của văn chương Nga, Tolstol, Gogol, Dostoievski và Tourgueniev, là tử tước Eugène Melchior de Vogüé, một nhà ngoại giao từng công cán ở Nga, cộng tác viên tờ tạp chí uy tín Revue des Deux Mondes (Tạp chí hai thế giới); tuy vậy, dĩ nhiên không thể bỏ qua vai trò quan trọng của chính Tourgueniev, bạn thân của Flaubert, trong việc truyền bá văn chương Nga ở Pháp. Năm 1886, cuốn sách lớn của Vogüé, Tiểu thuyết Nga (Le Roman Russe) được in, và cũng chính nhờ cuốn sách này mà Vogüé sẽ được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1888. Tiếp sau đó là cả một “cơn sốt văn Nga”, lôi kéo hầu hết anh tài văn chương Pháp thời kỳ đó vào cuộc tranh cãi, cả Gide lẫn Proust cũng không phải ngoại lệ.

Lần đầu tiên các nhà văn Pháp phải đối mặt với một kiểu tiểu thuyết khác lạ đến thế. Hình thành dần hai phe rõ rệt: một bên ủng hộ và ngưỡng mộ các bậc thầy tiểu thuyết Nga, còn bên kia chê người Nga không biết viết tiểu thuyết, vì rõ ràng tiểu thuyết Nga khác xa với tiểu thuyết tâm lý Pháp thịnh hành hồi đó, kiểu Paul Bourget, với một cấu trúc rõ ràng và một lôgic “theo lối Descartes”. Rất có thể (đây là giả thuyết của cá nhân tôi) một phần do ảnh hưởng của tiểu thuyết Nga mà Proust “cả gan” viết Đi tìm thời gian đã mất, cuốn tiểu thuyết ngay từ khi ra đời đã chịu rất nhiều chỉ trích của giới phê bình coi Proust không biết cách xây dựng tiểu thuyết, viết một câu chuyện không được cấu trúc như “tiểu thuyết phải thế”. 
 
Những diễn giải kỳ quặc, đầy định kiến, và cũng đầy quyền uy của Henri Mongault vừa nói ở trên chính là ví dụ về cách nhìn nhận của “phe chống Nga” bắt đầu tồn tại từ cuối thế kỷ XIX. Nói rộng hơn, đó cũng là cách tiếp nhận theo lối “ethnocentrisme” (tôi dịch là “trịch thượng văn hóa”, theo văn cảnh) mà Antoine Berman từng nói đến trong tác phẩm về dịch thuật của ông[2]. Cũng trong cuốn sách này, Berman nói đến một dịch giả Pháp, Coste, khi dịch một tiểu luận của triết gia John Locke từ tiếng Anh sang đã tự ý thay thế rất nhiều từ và bỏ bớt đi một đoạn “vì lố bịch đến quá, quá mức hiển nhiên”[3]. Một biểu hiện khác không thể chấp nhận trong dịch thuật là cái mà Berman gọi là “traduction hypertextuelle”, nghĩa là dịch theo lối coi văn bản gốc là một cái cớ để sử dụng các kỹ thuật như nhại, phóng tác, viết lại… rồi nhào nặn, biến hóa thành một văn bản khác hẳn (hypertextualité cần được hiểu theo truyền thống Gérard Genette, một trong năm quan hệ cơ bản của liên văn bản được trình bày trong Palimpsestes, 1982, và cũng là quan hệ được Genette chú trọng phân tích hơn cả). 
 
Những suy nghĩ sâu hơn về dịch thuật là một đòi hỏi bức bách ngày nay, khi mà những giới thuyết vẫn được trích dẫn tràn lan đã không chỉ trở nên cũ kỹ mà còn tỏ ra sai lầm đến đáng kinh ngạc, khi mà các hội nghị dịch thuật được tổ chức liên tiếp không đóng góp được gì cho việc nâng cao chất lượng dịch thuật, trong khi việc thiếu vắng nền tảng lý thuyết đã gây ra những hiệu ứng bề mặt hiển nhiên, thể hiện ở một nền dịch thuật yếu kém, vừa không đủ sức truyền tải một cách đầy đủ và toàn diện văn chương thế giới, vừa nhiều khi còn bóp méo dị dạng tác phẩm gốc, giống như một họa sĩ truyền thần kém tay nghề biến bức ảnh trước mặt thành ra một biếm họa đầy chất khôi hài. 
 
Rõ ràng, với toàn bộ lịch sử của mình, cộng thêm với toàn bộ những vấn đề ngôn ngữ ẩn đằng sau, dịch thuật không thể chỉ yêu cầu đơn giản một cuốn sách, một cuốn từ điển, một cây bút, một tập giấy trắng và rất nhiều thiên kiến cũ mòn trong đầu. Cũng còn may là dịch thuật thoát được cái “nạn biệt ngữ” của giới sáng tác, với những phát ngôn theo kiểu “Tôi viết bằng cả trái tim mình”, “Tâm huyết của tôi đặt cả vào tác phẩm”, vân vân và vân vân; vẫn còn có chỗ để bàn luận một cách thẳng thắn và trung thực về dịch thuật. Để tạo hứng thú cho người đọc trước khi bước vào một bài viết khá dài (dù tôi đã cố rút ngắn hết mức có thể được), tôi xin trích dẫn ngay một ý kiến về dịch thuật của triết gia Đức Walter Benjamin, một trí tuệ độc đáo của tình thế con người trong thời kỹ nghệ hóa phương Tây, mà Antoine Berman lấy làm đề từ cho cuốn sách của ông: “Bản dịch không giống tác phẩm văn chương, nó không đắm chìm vào bên trong khu rừng rậm ngôn ngữ, mà nằm bên ngoài, đối diện với nó [khu rừng rậm đó], và đứng ở bên ngoài đó mà với gọi bản gốc đến gặp mình ở điểm hẹn duy nhất [khả thi] khi mà tiếng vọng trong ngôn ngữ của nó [ngôn ngữ của bản dịch] có thể ngân đúng cỡ âm của một tác phẩm trong ngôn ngữ khác [ngôn ngữ của văn bản nguồn].” 
 
Tại sao có dịch thuật?
 
Đây là câu hỏi khó hơn vẻ bề ngoài của nó. Thực ra có cần dịch thuật hay không? Rõ ràng người ta có thể đặt cùng câu hỏi này cho văn chương: có cần viết văn hay không? Điều quan trọng ở đây là ngay cả khi một số lượng rất đông (thậm chí đến 5,9 tỉ người trên tổng số 6 tỉ người) trả lời rằng không, và ngay cả nếu trên thực tế 5,9 tỉ người kia không có gì băn khoăn khi cả đời không đọc cuốn sách văn chương nào ngoài vài đoạn trích bắt buộc phải học khi còn cắp sách đến trường, lẽ sống của văn chương vẫn không bị đưa ra thành vấn đề.

Bởi vì văn chương tồn tại trước hết trong một quan hệ cá nhân với bản thân anh ta, sau đó mới đến quan hệ cá nhân-cá nhân khác - chỉ trong một số trường hợp số lượng cá nhân khác kia mới đạt đến con số tương đối lớn nào đó. Dịch thuật trước hết cũng là mối quan hệ giữa cá nhân với bản thân anh ta. Phải giải quyết được câu hỏi với chính mình xem bản thân mình có nhu cầu dịch một cuốn sách không, anh ta mới bước vào mối quan hệ thứ hai, với văn bản.

Tất nhiên để đơn giản hóa, tôi lược bỏ tạm các mối quan hệ phái sinh khác: quan hệ với nhà xuất bản, xin bản quyền, với độc giả sau cùng... Mặt khác, tôi được biết sự tồn tại của rất nhiều bản dịch không được công bố. Ngay bản thân tôi nhiều lúc cũng dịch một câu, một đoạn, thậm chí cả một văn bản dài mà không hề nghĩ đến chuyện công bố, xuất bản ở đâu cả. Vì vậy, trước hết, dịch thuật xuất phát từ nhu cầu của một cá nhân nào đó. Một bản dịch, cũng giống với một tác phẩm văn chương, nhiều khi mang lại những điều thú vị vô bờ bến, chính là cái “khoái lạc” do văn bản đem lại, mà Roland Barthes từng sử dụng làm tiêu đề cho một tiểu luận ngắn gọn nhưng sâu sắc của mình. 
 
Người trả lời câu hỏi “tại sao” này ngắn gọn hơn cả có lẽ là George Steiner. Ông viết : “Dịch thuật tồn tại vì con người nói các ngôn ngữ khác nhau[4]”. Đó chính là tình thế Sau Babel - tên tác phẩm của Steiner. Vấn đề này hết sức phức tạp, vì thật khó tìm được lời giải đáp cho thực tế nhiều người sống rất gần nhau nhưng lại nói những thứ tiếng khác nhau hoàn toàn (thậm chí còn có thể nói đến “ngôn ngữ cá nhân hóa” thuộc về mỗi con người). Hiểu một cách phúng dụ, dịch thuật là thứ vữa trát xây bức tường tòa tháp huyền thoại đã bị Chúa đẩy đổ từ khởi thủy lịch sử con người. Dĩ nhiên, gạch để xây tháp Babel là tác phẩm văn chương. Để xây lại tòa tháp kia, để chứng minh sức mạnh của con người, văn chương không thể thiếu dịch thuật, bức tường không thể thiếu vữa trát; chiều ngược lại thì đã rõ: không bức tường nào tồn tại được nếu không có gạch, và chỉ có vữa mà không có gạch không thì cũng không thể có tường. 
 
Vậy thì ai là người sẽ làm công việc dịch thuật? Dĩ nhiên điều kiện tiên quyết là người biết tối thiểu một ngoại ngữ (rất khác với Nghiêm Phục của Trung Quốc ngày xưa, người thường nhờ bạn bè biết ngoại ngữ dịch phác nội dung rồi viết lại bằng tiếng Trung Quốc, bằng cách đó mà trong một thời gian ngắn đưa được vô số tác gia lớn của phương Tây đến với độc giả nước mình). Nhưng lại nảy sinh một vấn đề nan giải: tại sao cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người giỏi ngoại ngữ nhất, trong đó đại đa số là người có học vấn rất tốt, và với một số lượng không nhỏ làm việc trong ngành hoặc vô cùng quan tâm đến văn chương, mà số lượng dịch giả Việt kiều lại nhỏ đến như vậy? Trên thực tế, có thể nói rằng gần như giới trí thức Việt Kiều không tham gia vào công việc dịch thuật (dĩ nhiên vẫn có thể dẫn ra một số cái tên, nhưng số lượng đó không thể đủ để có thể nói đến một “lực lượng dịch giả Việt kiều”).

Giải thích hiện tượng này như thế nào? Theo tôi lý do nằm ở đặc điểm sau đây: Việt Kiều không cảm thấy cùng một niềm hứng khởi, cùng một động lực, cùng một sự tò mò của những người “đứng ở bên ngoài”. Nói thế nghĩa là họ không thích truyền bá văn chương nước ngoài đến Việt Nam? Không phải, nhưng dần dần họ sẽ thích viết về văn chương nước ngoài hơn là dịch văn chương nước ngoài. Tôi có biết một số Việt Kiều rất ưu tư về vấn đề dịch thuật Việt Nam, nhưng họ sẽ chỉ nhận đảm bảo công việc hiệu đính sau khi dịch. Giả thuyết của tôi là chỉ có người dịch khi tồn tại một khoảng cách nhất định giữa bản thân anh ta với một ngôn ngữ, văn hóa và xã hội nào đó. Chính khoảng cách đó là nơi nuôi dưỡng sự tò mò, cái động lực thôi thúc khiến rất nhiều người Việt Nam sống trong nước lao vào công việc thực chất hết sức nặng nhọc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai lầm, rất dễ tự biến mình thành một cái đích ngắm thường trực giữa đám đông này. Khi nào cái khoảng cách ấy còn, thì còn có dịch thuật.

Chính vì vậy một người biết ngoại ngữ (ở trình độ nào đó) sẽ có xu hướng làm dịch thuật hơn là một người song ngữ hoàn hảo. Tất nhiên đây chỉ là một giả thuyết, nhưng chí ít nó cũng giải thích cho tôi rất nhiều về việc thiếu vắng những người nắm ngoại ngữ tốt nhất trong hàng ngũ dịch thuật Việt Nam. Dù gì đi nữa, thế hệ những người vừa làm chủ được tiếng Việt vừa nắm vững tiếng nước ngoài rất đông đảo hiện nay sẽ sớm mất đi, thay vào đó là thế hệ mới với sự nổi trội của ngôn ngữ tại nơi họ sống và sự xuống dốc của tiếng Việt. Đến khi đó, sẽ chỉ còn lại một nhu cầu trong thế giới Việt kiều: dịch từ tiếng Việt sang các thứ tiếng khác. Đây chính là cơ hội của văn chương Việt Nam đến với thế giới, cánh cửa mở ra quốc tế, vì lịch sử di dân thế kỷ XX đã cho thấy rất rõ vai trò của nhóm diaspora này trong việc truyền bá văn hóa tổ tiên sang những nơi khác. 
 
Rất có thể câu trả lời cho hiện tượng thiếu vắng dịch giả Việt Kiều đơn giản hơn rất nhiều: họ không dịch, hoặc ít dịch, vì họ không có độc giả, nói đúng hơn là những người xung quanh họ không ít thì nhiều cũng có khả năng đọc được tác phẩm trong nguyên bản. Nhưng nếu quả thật là như vậy, họ vẫn hoàn toàn có thể dịch để in trong nước. Cách giải thích này chỉ đóng một vai trò rất phụ, vì như trên đã nói, dịch thuật xuất phát chủ yếu từ nhu cầu và động lực vô cùng cá nhân. 
 
Hơn thế nữa, theo phân tích của Georges Mounin[5], ngôn ngữ đối với một người song ngữ dẫn đến nhiều hiện tượng hết sức rắc rối. Một người nói trôi chảy, đủ để tư duy bằng cả hai thứ tiếng Pháp và Anh chẳng hạn, sẽ có xu hướng tìm đến những cách chuyển dịch nhiều khi kỳ khôi. Mounin dẫn kết quả nghiên cứu của Uriel Weinreich để chỉ ra rằng ở thứ ngôn ngữ mà người song ngữ đó sử dụng, có rất nhiều khả năng tồn tại những “giãn cách”, những “giao thoa” (interférence). Chẳng hạn khi nói bằng tiếng Anh, người đó hay nói “a simple soldier” (lính trơn) để chuyển cụm “un simple soldat” của tiếng Pháp, trong khi từ đúng của tiếng Anh là “a private”[6]. Có thể nói rằng cả hai ngôn ngữ của một người song ngữ hoàn hảo khó đủ độ sáng sủa để có thể làm công việc dịch thuật, công việc đòi hỏi hơn hết sự rành mạch, cách diễn đạt dễ hiểu đối với một lượng người đọc có khi khá đông.

Người song ngữ trước hết có nhu cầu lớn nhất là giải quyết những vấn đề ngôn ngữ đặt ra cho chính bản thân mình. Claude Hagège[7], về phần mình, cũng đã chỉ ra rằng tuổi 11 là cái “ngưỡng định mệnh” đối với bất kỳ đứa trẻ nào trong việc có thể trở thành người song ngữ hay không: khả năng ngôn ngữ, đặc biệt là phát âm (phonétique) sẽ biến mất, hay ít nhất là giảm xuống, sau tuổi đó. Và tất nhiên khi đã trở thành người song ngữ từ sớm như vậy, động lực thôi thúc để dịch thuật, một động lực đòi hỏi rất nhiều nhận thức sâu và ý thức vừa hướng nội vừa hướng ngoại, cũng mất đi từ tuổi nhỏ. 
 
Một người rất có kinh nghiệm cả về tiếng Anh và tiếng Pháp một lần nhận xét với tôi: nhiều khi dịch giả Pháp khi chuyển ngữ một tác phẩm từ tiếng Anh rất có xu hướng dùng luôn từ hoặc cách nói, thành ngữ… theo kiểu tồn tại trong tiếng Anh, trong khi thực chất tác giả không muốn nói như vậy, hay nói đúng hơn là thực ra cần tìm tòi trong tiếng Pháp để chọn được cách dịch phù hợp nhất. Hiểm họa ngầm ẩn đối với việc dịch thuật giữa các ngôn ngữ gần nhau trong việc chọn từ đúng đã lớn như vậy, sang đến các ngôn ngữ cách xa nhau đầu trời cuối bể sẽ còn lớn hơn nhiều lần. 
 
Những điều tôi viết trên đây khá tương hợp với kinh nghiệm của cá nhân tôi. Càng thạo tiếng Pháp hơn, tôi càng cảm thấy hoang mang vì dường như cái khoảng cách tôi nói đến ở trên bị thu ngắn lại một cách nguy hiểm, mà hậu quả thể hiện ở hai mặt: thứ nhất, sự tò mò và động lực dịch thuật giảm bớt độ thôi thúc, và thứ hai, điều này giống như một nghịch lý, do chính sự “thạo” kia mà tôi lại càng dễ mắc sai lầm. Mắt tôi sẽ lướt qua câu văn nhanh hơn, tâm lý của tôi sẽ được thỏa mãn với độ chính xác sớm hơn. Điều này khá khác khi tôi dịch một văn bản tiếng Anh, thứ ngôn ngữ tôi ít thạo hơn rất nhiều. Giải pháp của tôi là giữ cái khoảng cách cần thiết kia, ở đây không phải là “tự chặn mình lại”, không tiếp tục đi sâu thêm nữa vào tiếng Pháp, bởi con đường đi vào một ngôn ngữ là con đường không có điểm dừng, mà theo nghĩa phải cộng thêm vào rất nhiều thận trọng. 
 
Tiêu chí của dịch thuật
 
Đã nói về lẽ tồn tại của dịch thuật, giờ là lúc nói đến một định nghĩa: dịch thuật là gì? Thật ra tôi cũng sẽ chỉ có thể nói rất tầm thường, giống như bất kỳ người dịch nào từng suy nghĩ về công việc của mình (đây chắc chắn không phải là điều tất yếu ở mọi người). Với tôi, dịch thuật là công việc chuyển một văn bản từ một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác, với điều kiện cốt tử là văn bản sau phải thật giống văn bản trước. “Giống” ở đây nghĩa là tạo được một văn bản mới giữ nguyên được các tính chất và hiệu quả ban đầu của văn bản gốc. Một người Pháp cảm thấy gì khi đọc Stendhal thì một người Việt Nam cũng cần được cảm thấy (ít nhất là gần) giống như thế. Cộng thêm vào sự giống đó là một cảm giác về khoảng cách, vì một tiểu thuyết của Stendhal không bao giờ có thể đột nhiên trở thành một tiểu thuyết của… Bảo Ninh chẳng hạn.
 
Tôi xin quay trở lại với George Steiner. Tác phẩm Sau Babel lấy xuất phát điểm là bản dịch tiếng Pháp tác phẩm Shakespeare (cụ thể là bản dịch của François Victor-Hugo, con trai Victor Hugo). Giả thuyết đầu tiên của Steiner là: “Bất kỳ sự đọc sâu sắc một tác phẩm rút ra từ quá khứ nào của một ngôn ngữ hay một nền văn chương đều là một công việc diễn giải gồm vô số thành tố[8]”. Sở dĩ như vậy là dù các dịch giả muốn hay không, ngôn ngữ vẫn liên tục ở trạng thái phát triển, biến hóa không ngừng. Đó là mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thời gian, mà Steiner cho là then chốt hơn cả: “Khi nào quá khứ dưới dạng ngôn ngữ đập vào mắt hay tai chúng ta […] chúng ta sẽ dịch[9]”. Theo ông, ngôn ngữ thường che giấu và “nội tâm hóa” hơn là “truyền tải”. Công việc của người dịch, do đó, vô cùng gian nan, công việc diễn giải của mỗi người dịch là một công việc vô bờ bến; sự diễn giải là điều không thể thiếu, dù cho Susan Sontag không hề sai khi tuyên bố “chống diễn giải”. Kết luận của Steiner chính là tên chương đầu tiên cuốn sách của ông: “Dịch nghĩa là hiểu”. Nghiên cứu dịch thuật đồng nghĩa với nghiên cứu ngôn ngữ. 
 
Ở trường học, trong giờ ngoại ngữ, có hai môn học: dịch xuôi và dịch ngược. Bất kỳ người giáo viên nào cũng dễ dàng nhận ra nỗi khiếp sợ của học sinh khi phải thực hiện một bài dịch ngược (từ tiếng mẹ đẻ sang ngoại ngữ). Trong tâm lý chung, dịch xuôi (từ ngoại ngữ sang tiếng mẹ đẻ) tương đối dễ hơn dịch ngược. Rõ ràng ở nước nào cũng vậy, đội ngũ dịch xuôi bao giờ cũng đông đảo gấp nhiều lần so với đội ngũ dịch ngược. Tôi nghĩ ở đây có một sự nhầm lẫn nào đó - những người từng nghiên cứu, dù chỉ một chút, lý thuyết dịch thuật hẳn biết nhầm lẫn này không có gì mới mẻ.

Thực ra cái khó khi dịch ngược nằm ở chỗ người dịch cảm thấy (có thể cảm giác này không thật sự đúng) mình không nắm được hoàn toàn một ngoại ngữ. Còn khi đã nắm chắc được ngôn ngữ đích ở mức có thể viết một câu mà người bản xứ không thấy buồn cười, một câu đúng, chấp nhận được, dù không hay, dịch ngược chắc chắn đơn giản hơn dịch xuôi, vì người dịch dĩ nhiên hiểu được sâu sắc ngôn ngữ mẹ đẻ, và công việc còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật, và ở lĩnh vực này, rất nhiều khi người dịch sẽ chọn lối nói vòng (paraphraser) để chuyển dịch ý trung thành nhất có thể được, nên kết quả nhiều khi là một câu khá lôi thôi, nhưng về cơ bản ít khi bị bóp méo trầm trọng. Trong khi đó, dịch xuôi bao giờ cũng ngầm ẩn tai họa sẽ hiểu không thật đúng một “tournure”, một lối hành văn quá khó, và sau đó, dĩ nhiên là một bản dịch không thật sự chuẩn. Do vậy, dịch xuôi hay dịch ngược về bản chất đều khó, nhưng có lẽ trong dịch thuật, khó nhất là dịch sắc thái.

Ví dụ của Cao Xuân Hạo trong bài báo trên Tia Sáng về việc dịch câu nói đùa trong Chiến tranh và hòa bình (đoạn về lão đánh xe tên là Tit) thuộc vào những cái khó này. Khó để chọn đúng từ cần phải chọn, để biết được làm cách nào “giải quyết vấn đề” (trancher la question, theo cách nói của người Pháp, mà tôi không tìm được cách dịch hữu hiệu sang tiếng Việt), để giữ được cái sự “giống” mà tôi đã nói ở trên. 
 
Khi dịch tiểu thuyết Cuộc sống không ở đây của Milan Kundera, tôi gặp phải một vấn đề nan giải nhưng cũng vô cùng thú vị: dịch những câu nói có vần của cậu bé Jaromil như thế nào? Ngay từ trước khi thực sự quyết định bắt tay vào công việc dịch cuốn tiểu thuyết, trong đầu tôi luôn thường trực câu hỏi làm thế nào để dịch những câu nói nhiều khi rất ngớ ngẩn đó sang tiếng Việt, mà phải đảm bảo các yếu tố: là những câu có vần, và nhất là, vẫn hết sức ngớ ngẩn. Đó chính là bài học lớn đầu tiên của tôi trong việc dịch sắc thái ngôn ngữ. 
 
Đến đây tôi nghĩ nên nhắc lại một thuật ngữ khác khá cơ bản của dịch thuật mà ít người chịu quan tâm. Không thể chỉ nói đến kỹ thuật, khiếu ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa, mà nhất định tồn tại một yếu tố quan trọng nữa: đạo đức dịch thuật. Với tôi, công việc dịch thuật bao hàm một thao tác: thao tác áp chế ngôn ngữ. Từ một tác phẩm “cho trước”, công việc của người dịch là sử dụng các chất liệu ngôn ngữ mà mình có để ra khuôn được một sản phẩm một mặt rất giống với bản mẫu, nhưng mặt khác cũng có thể rất khác, điều hoàn toàn có thể xảy ra với các công việc thủ công, chẳng hạn làm gốm hoặc chép tranh.

Nếu nói một cách hình tượng, ngôn ngữ đích giống như một người nô lệ bị ông chủ là văn bản nguồn ra lệnh, phải thực hiện những mệnh lệnh nhiều khi khá là quá quắt. Có thể áp chế ngôn ngữ đến đâu? Có thể “uốn” ngôn ngữ đến đâu? Một ngôn ngữ có thể chịu đựng được đến mức độ nào sự uốn nắn có chủ ý của người dịch? Đặc biệt trong dịch xuôi, công việc của người dịch là áp chế chính ngôn ngữ của mình, ngôn ngữ ngay từ khi sinh ra anh ta đã sử dụng, và cùng với hiểu biết lớn dần về ngôn ngữ mẹ đẻ đó, tình yêu ngôn ngữ cũng lớn dần lên; dịch thuật rất có thể động chạm đến những nơi sâu kín trong tâm hồn ngôn ngữ của mỗi người, trước hết là người dịch, sau đó là người đọc.

Cảm giác này nằm ở trong thế xung đột với một cảm giác khác: người dịch khi chấp nhận làm công việc này tất yếu phải ngầm chấp nhận trung thành hết mức với văn bản gốc. Tất cả những vấn đề tinh tế đó đều thuộc vào yếu tố đạo đức kia. Đạo đức là cái tồn tại ngay cả trong công việc sáng tạo, và càng không thể không nói đến trong công việc dịch thuật, nơi tồn tại nhiều mối quan hệ hơn trong sáng tác; chính vì thế tôi hoàn toàn đồng ý với Antoine Berman khi ông chú trọng hết mức đạo đức (éthique) dịch thuật trong cuốn sách của mình. 
 
Cũng trong phạm vi đạo đức dịch thuật này, sự hy sinh phong cách là một yếu tố tiên khởi. Người dịch buộc phải chấp nhận mình là người không có phong cách, giống như nhân vật Ulrich của Robert Musil là “người không phẩm chất” vậy. Thật đáng sợ khi gặp phải một dịch giả dịch nhà văn nào cũng giống như nhà văn nào, không một chút phân biệt, vì với những người như thế, thật ra chỉ tồn tại một tác phẩm duy nhất: tác phẩm của chính họ, một con dê đội tấm da sư tử, nhưng lại vẫn tự nhận mình là dê; đó là một thái độ hai lần “ngụy tín”, theo thuật ngữ của Jean-Paul Sartre. Một nhà văn, vì thế, rất khó trở thành một dịch giả tốt.

Nhưng nếu khi hợp văn phong với một tác giả nào đó, chẳng hạn trường hợp Nguyễn Tuân và Tchékhov, nhà văn sẽ trở thành một dịch giả vô cùng “đáng gờm”. Tôi nghĩ vẫn phải quay lại hiện tượng Bùi Giáng dù biết sẽ làm rất nhiều người cảm thấy khó chịu. Nerval viết ba truyện ngắn cho loạt Les Filles du feu, gồm Angélique, SylvieOctavie, trong đó Bùi Giáng dịch Sylvie thành Mùi hương xuân sắc. Tôi phản đối cách dịch này. Vấn đề ở đây không phải ai giỏi tiếng Pháp hơn ai, mà là thái độ trung thành của một dịch giả, điều mà thực sự Bùi Giáng không mấy quan tâm. Nếu dịch Angélique, chẳng nhẽ ông sẽ dịch thành Mùi hương thu sắc, ví dụ thế, để giữ nguyên được tính série của loạt truyện ngắn này ư? Thực ra thay đổi tên nguyên bản là điều hoàn toàn chấp nhận được. Tôi xin đưa một ví dụ (tôi chỉ có một số kinh nghiệm về văn học Pháp, nên rất tiếc không thể bao trùm được vấn đề rộng hơn; vả lại, khi đề cập lý thuyết, phạm vi bài viết không nhất thiết phải mở rộng ra toàn thế giới): cuốn tiểu thuyết lớn đưa Elias Canetti lên hàng tiểu thuyết gia hàng đầu của châu Âu có tên nguyên bản Die Blendung, trong tiếng Đức nghĩa là “Sự mù quáng”, hoặc “Mù”, nhưng hai bản dịch tiếng Pháp đều không mang tên đó: bản thứ nhất dịch thành La Tour de Babel (Tháp Babel - chúng ta vẫn chưa thể thoát được khỏi cái bóng của tòa tháp khổng lồ này!) và bản thứ hai, được biết đến rộng rãi hơn, tên là Auto-da-fé (Thiêu hủy), cả hai cách dịch này đều chấp nhận được vì thể hiện được điều Canetti muốn nói tốt hơn là nếu dịch mot-à-mot. Nhưng Sylvie là một kiểu hiện tượng khác hẳn. Theo tôi, vị thế của Sylvie trong văn chương Pháp không thấp kém hơn vị thế của những Manon Lescaut của thầy tu Prévost hay Julie của Jean-Jacques Rousseau, và một khi chấp nhận được hai cái tên nước ngoài kia trong văn bản tiếng Việt, không lý do gì để hạ thấp Sylvie đến mức phải tìm một tiêu đề khác. 
 
Chỉ nên có một tiêu chí dịch thuật: chuẩn. Dĩ nhiên đây là một khái niệm mơ hồ, nhưng không hoàn toàn là một sự mơ hồ bay lơ lửng trong bầu không khí. Ai có thể nói một bản dịch là chuẩn? Không phải là độc giả nói chung - nhìn chung một bản dịch tương đối “sạch sẽ”, không mắc nhiều lỗi ngớ ngẩn rõ ràng đã đủ thỏa mãn phần lớn người đọc. Cũng không phải một hội đồng nào đó, tập hợp đây đó theo kiểu thời vụ. Tôi muốn sử dụng lại khái niệm “độc giả lý tưởng” của Paul Valéry. Theo nhà thơ Pháp, nhà văn khi sáng tạo sẽ nghĩ đến một độc giả lý tưởng, một thứ siêu độc giả, rất gần với con người nhà văn, nhưng không đồng nhất. Và mối quan hệ trong sáng tạo sẽ là mối quan hệ hai bên: nhà văn viết, và khi nào vị độc giả tưởng tượng kia - một “phân thân” của nhà văn - hài lòng, thì bản thân nhà văn cũng hài lòng.

Khi tác phẩm được in ra, mối quan hệ trở thành tay ba, với sự xuất hiện và can dự của người đọc thực tế. Không bao giờ có chuyện độc giả lý tưởng và độc giả thực tế trùng khớp làm một. Tôi nghĩ trong dịch thuật cũng vậy, sẽ có một độc giả lý tưởng, kết tinh của hiểu biết về ngôn ngữ (hai ngôn ngữ trở lên, với toàn bộ sự tinh tế cần thiết để hiểu hết được các tầng nghĩa nhiều khi vô cùng nhiều và rất khó nhận ra), văn hóa (đặc biệt hiểu biết tác phẩm của nhà văn được dịch ra, chứ không thể chỉ dừng lại ở hiểu biết tiểu sử, hiểu biết kiểu Sainte-Beuve, cùng hiểu biết về xã hội, lối sống, phong tục, lịch sử để biết được, chẳng hạn, Britannicus là tên nhân vật kịch Racine chứ không phải “người đàn ông Anh quốc”), và sau cùng, cuộc đời (để hiểu được một dịch phẩm như thế này có giá trị tức thời và giá trị lâu dài như thế nào). Người độc giả vô hình này mới là vị thẩm phán tối cao, vì đó là con người không thiên kiến, đủ hiểu biết và đủ độ lịch lãm để thưởng thức được đến tận cùng một tác phẩm, điều mà nhiều khi ngay nhà văn và dịch giả cũng chưa chắc làm được. 
 
Dịch thuật còn là một trong những thao tác thử-sai rất độc đáo. Một bản dịch là một cách diễn giải của một cá nhân, nên đối với những văn bản có mức độ khó cao, việc một cá nhân không nắm được tất cả nội dung, giá trị và sắc thái là việc hoàn toàn bình thường. Phê bình dịch thuật, do vậy, rất cần những sự chỉ trích, nhưng những chỉ trích đó nên được đặt trên nền tảng khách quan, vô tư, với ý thức sai lầm là bản chất của con người.

Trong những thử-sai đó, bản dịch Mỹ học của Phan Ngọc là một ví dụ. Hegel là một tác giả khó, điều đó không nói ra ai cũng biết. Một thái độ phê bình đúng đắn là chỉ ra những chỗ sai lầm của bản dịch, để rồi sau này sẽ xuất hiện một bản dịch khác tốt hơn, chuẩn hơn, vì được chuẩn bị bởi một bản dịch có sẵn và những ý kiến chỉ trích (đúng) cũng đã có sẵn. Một trong những biểu hiện của một nền phê bình dịch thuật không lành mạnh là khi “ghét” sẵn ai đó, hoặc khi ai đó phạm phải cái lỗi tày đình là phê phán mình, thì vội cuống cuồng thu thập cóp nhặt thông tin đây đó để “phản pháo”. Chỉ trích là cần thiết, nếu không nói là tối cần thiết, nhưng chỉ trích mù quáng thì chỉ khiến những người hiểu biết nở nụ cười châm biếm. 
 
Không phải ai cũng có diễm phúc như Nerval, 18 tuổi dịch Faust ra tiếng Pháp và ngay lập tức được Goethe vĩ đại công nhận là dịch còn hay hơn bản gốc. Công việc thử-sai có ở ngay truyền thống ngữ văn phương Tây: bản dịch Edgar Poe của Baudelaire thực chất sai lầm khá nhiều, nhưng vẫn được lưu giữ như một văn bản lịch sử quý, và vẫn được tái bản thường xuyên. Giới nghiên cứu ngôn ngữ xlavơ từng chỉ ra rất nhiều lỗi trong bản dịch Pouchkine của Prosper Mérimée (nổi tiếng nhất là Con đầm pique, đăng lần đầu trên Tạp chí hai thế giới), nhưng trách cứ hay lên án đều là chuyện thừa. Charles Mauron từng có bản dịch Tristram Shandy nổi tiếng trong tiếng Pháp, nhưng gần đây kiệt tác của nhà văn Anh Laurence Sterne vẫn được Guy Jouvet thực hiện lại. Ở Việt Nam, những văn bản như của Hegel, Barthes hay Bakhtine rất cần và nên được dịch nhiều lần, chỉ với một điều kiện duy nhất: bản dịch sau tốt hơn bản dịch trước, và mang được tính thời đại của thời điểm dịch. 
 
Công việc tìm kiếm tư liệu và ý tưởng về dịch thuật đưa tôi đến một ngả rẽ không ngờ tới: những tiếp xúc đầu tiên với bộ môn văn học so sánh, tuy ngay bản thân tôi, cho đến giờ, cũng không thật sự tin văn học so sánh là một ngành khoa học đúng nghĩa, vì sự thiếu vắng của các chuẩn mực (phải cần đến uy tín vô song của George Steiner để văn học so sánh trở thành một môn học tại Oxford). Dù thế, những thành tựu của môn này đóng góp không nhỏ cho lý thuyết dịch thuật, những ai thực sự quan tâm đến vấn đề quan hệ giữa các nền văn chương và ngôn ngữ rất nên biết văn học so sánh.

Trên thực tế, Tạp chí văn học so sánh đã xuất hiện ở Pháp ngay từ năm 1921, nghĩa là trước cả tạp chí Phê bình (Critique) do Georges Bataille thành lập và càng trước tạp chí Thi pháp (Poétique) dưới sự chủ trì ban đầu của Gérard Genette và Tzvetan Todorov. Với các nhà so sánh học ban đầu như Paul Hazard hay René Étiemble, trải qua lịch sử, cộng thêm các gương mặt xuất sắc như Jacques Voisine và hiện nay là Pierre Brunel hay Jean-Louis Backès, văn học so sánh đã đi được những bước rất dài, đặc biệt trong nghiên cứu tiểu thuyết châu Âu. Toàn bộ những công trình về Cervantès và Don Quichotte tạo nên một chỉnh thể đáng ngưỡng mộ, thể hiện một thái độ lao động khoa học vô cùng nghiêm túc. Bất kỳ lý thuyết gia lớn nào đều phải từng đi qua Cervantès, kể cả Vladimir Nabokov, Italo Calvino hay Milan Kundera.

Thế nhưng, dù đã tồn tại từ khá lâu, đã có nhiều thành tựu, với tính chất riêng biệt của mình, văn học so sánh vẫn là một ngành mới mẻ. Nó vẫn chưa thể mở rộng đến hết các giới hạn. Chẳng hạn chỉ riêng sự thiếu vắng của văn học Việt Nam trong mạng lưới văn học thế giới cũng đã là một thiếu sót không nhỏ. Chính đây là mắt xích duy nhất của ngành nghiên cứu văn học thế giới mà Việt Nam có thể tiếp cận ngay được, và có thể sớm có đóng góp. Tôi đã nghe không chỉ một thầy giáo Pháp của tôi nói rằng ở thời điểm hiện nay văn học so sánh là lĩnh vực duy nhất còn có cái để làm. Lợi ích của ngành nghiên cứu này sẽ không chỉ to lớn riêng cho dịch thuật, mà chắc chắn còn rộng hơn thế rất nhiều. 
 
Cuối cùng, để tóm tắt bằng một câu vấn đề đang thảo luận: Dịch thuật không phải là một thứ phái sinh của văn học; nó là nó. Những suy nghĩ của tôi rất có thể không có gì mới, cũng như rất có thể rất khác với suy nghĩ của nhiều người, nhưng điều quan trọng, theo tôi, là cần có những suy nghĩ thật sự cho dịch thuật, một công việc quan trọng hơn rất nhiều người tưởng. Lĩnh vực nghiên cứu chính của tôi là lý thuyết văn học, có thể cách lập luận của tôi không giống với những người không quan tâm đến lý thuyết, nhưng tôi không sợ sai lầm bằng chuyện lười biếng suy nghĩ, lẽ sống còn của ngành phê bình, lý luận nói chung.

Phê bình dịch thuật không thể chỉ bao gồm những bài viết riêng lẻ, những phê phán cụ thể từng văn bản. Điều đó cần, nhưng đó là một công việc vô tận không có điểm kết. Và điểm kết sẽ càng xa hơn một khi không có những suy tư làm nền tảng cho chúng; hậu quả trước mắt là “hiện tượng Henri Mongault” vốn bị các nền dịch thuật tiên tiến thanh toán từ lâu, sẽ vẫn hiện diện ở Việt Nam, như một thứ trở lực nặng nề. 
 
Để kết thúc, tôi nghĩ cần phải nói rõ điểm này: Nắm vững lý thuyết, thậm chí trở thành học trò giỏi, học trò trung thành của George Steiner hay Georges Mounin cũng không hề đảm bảo trở thành người dịch tốt. Lý thuyết chỉ là công cụ. Tri thức cũng chỉ là công cụ. Xét về mặt chức năng, lý thuyết cũng giống như đạo đức dịch thuật, chúng là những cái “phanh hãm” hữu hiệu ngăn chiếc xe chở người dịch rơi xuống hố sâu của sai lầm. Thái độ nên có là biết về lý thuyết để tự trang bị hệ thống phanh hãm hoạt động tốt, nhưng không nên tuyệt đối hóa theo lý thuyết nào. Có lẽ ý nghĩa của lý thuyết, không chỉ trong văn chương và dịch thuật, là như vậy. 
 
Tuy đã nói khá nhiều, tôi nghĩ vấn đề lý thuyết hãy còn rất dài. Không ai có thể nói mình giải quyết được rốt ráo mọi vấn đề. Ở thì hiện tại, còn lại hai câu hỏi nằm ngoài tầm hiểu biết và suy nghĩ của tôi, mà có lẽ chỉ các nhà ngôn ngữ học mới có thể trả lời thấu đáo, và tôi thật sự mong có được câu trả lời: 
 
1. Cả hai dòng lý thuyết dịch thuật của Trung Quốc và phương Tây dường như chỉ bàn về việc chuyển ngữ trong một hệ thống: theo tôi hiểu thuyết "Tín đạt nhã" của Trung Quốc được đưa ra trước khi có tiếp xúc giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, còn các học thuyết dịch thuật như của George Steiner, Antoine Berman, Georges Mounin… đều chỉ tập trung trong phạm vi các ngôn ngữ tương đối gần nhau. Điều gì xảy ra khi việc dịch thuật được thực hiện giữa hai ngôn ngữ về bản chất cũng như lịch sử đều rất xa nhau: tiếng Việt và các ngôn ngữ Ấn-Âu?
 
 2. Đây thực ra là một câu hỏi phái sinh từ câu hỏi trước: khi dịch từ một thứ tiếng phương Tây, chẳng hạn tiếng Pháp, nhiều khi có những cụm từ rất dễ dịch, những cách nói hoàn toàn có tương đương trong tiếng Việt. Liệu có phải ngay từ đầu tiếng Việt đã có những tương đồng gần đến vậy với tiếng Pháp? Hay ngay cả cách nói, thành ngữ… Việt Nam cũng vay mượn khá nhiều từ tiếng Pháp? Sự thiếu vắng một cuốn từ điển từ nguyên đi kèm với thành ngữ là một thiệt thòi vô cùng to lớn cho công việc của những người liên quan đến chữ nghĩa ở Việt Nam. Sự im lặng vô tận của giới ngôn ngữ học khiến mọi nỗ lực tìm kiếm câu trả lời có vẻ như đều vấp vào bức tường vô hình nhưng rắn chắc của sự thiếu hụt hiểu biết về lịch sử ngôn ngữ của chính mình.

(còn tiếp)

  • Cao Việt Dũng

     
    Chú thích: 
     
     [1] Tạp chí Tia Sáng số 13, 15/10/2005, đăng lại trên trang web của báo Tia Sáng ở địa chỉ http://www.tiasang.com.vn/news?id=103
      
      [2] Antoine BERMAN. La traduction et la lettre ou l’auberge du lointain (Dịch thuật và chữ, hay quán trọ mờ xa). Seuil/L’ordre philosophique 1999. Tiêu đề khá kỳ lạ này thể hiện quan điểm của Berman: dịch thuật phải tránh xa lối “mot-à-mot” và được thúc đẩy bởi chữ (lettre), với tư cách “thực thể ngôn ngữ”. Cụm “quán trọ mờ xa” lấy lại ý của “nhà thơ đường phố” (troubadour) Jaufre Rudel, người của TK XII, từng tham gia cuộc Thánh chiến thứ hai, cảm hứng về khoảng cách (từ xa) của Rudel là điều mà Antoine Berman sử dụng lại; dịch giả, theo Berman không được phép mù quáng “Pháp hóa” văn bản gốc, biến tiếng Pháp thành “quán trọ nơi xa” của ngôn ngữ gốc.
      
      [3] Sđd., tr. 31.
      
      [4] George STEINER. After Babel. Aspects of Language and Translation (Sau Babel, các khía cạnh của ngôn ngữ và dịch thuật). London, Oxford University Press 1975, tr. 48.
      
      [5] Georges MOUNIN. Les Problèmes théoriques de la traduction (Những vấn đề lý thuyết của dịch thuật), Gallimard/Tel 1982.
      
      [6] Sđd., tr. 3.
      
      [7] Claude HAGÈGE. L’Enfant aux deux langues (Đứa trẻ biết hai thứ tiếng). Éditions Odile Jacob 1996.
      
      [8] Sđd., tr. 17.
      
      [9] Sđd., tr. 28.

Gửi phản hồi về bài viết:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,