221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1202066
Nhập phim vô tư: khán giả sướng, nhà làm phim "méo mặt"
1
Article
null
Nhập phim vô tư: khán giả sướng, nhà làm phim 'méo mặt'
,

 

- Điều gì sẽ xảy ra nếu như lượng phim ngoại nhập vào Việt Nam sẽ không còn giới hạn? Điện ảnh nội sẽ bị "bóp chết" hay có thêm động lực để cạnh tranh?

Không xem phim ngoại thì xem gì? 

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh sẽ trình lên Quốc hội thảo luận vào ngày 28/5 tới có yêu cầu bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim, không hạn chế về số lượng đối với phim nhập khẩu. Do Luật Điện ảnh được ban hành (tháng 6/2006) trước thời điểm VN trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO (11/1/2007) nên trong Luật có một số điều chưa phù hợp với cam kết của VN khi tham gia tổ chức này.

Muốn giành khán giả nội, bản thân phim Việt phải hấp dẫn và phải có chiến lược quảng bá rầm rộ. Ảnh: Hạnh Phương

Một khi bãi bỏ hạn ngạch, lượng phim ngoại nhập vào Việt Nam sẽ phong phú và đa dạng về chủng loại hơn hiện nay rất nhiều. Chắc chắn số lượng phim nhập khẩu sẽ tăng, còn khán giả Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những bộ phim mới nhất của nhiều nền điện ảnh trên thế giới.

Một số nhà sản xuất phim Việt Nam lâu nay vẫn hay kêu ca rằng, phim Việt đang bị phim ngoại chèn ép trên chính sân nhà do lượng phim ngoại vốn đã áp đảo phim nội về số lượng, nhiều phim có kinh phí sản xuất lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD, trong khi phim nội đa phần chỉ có kinh phí dưới 1 triệu USD.

Rõ ràng, phim nội dù có làm hay đến mấy cũng khó "đấu tay bo" với phim ngoại. Việc cho nhập phim không giới hạn càng khiến cho nền điện ảnh trong nước khó cạnh tranh hơn. Nhiều người còn cho rằng ta nên học Trung Quốc, mỗi năm chỉ cho phép nhập 20 phim nước ngoài, với chế độ kiểm duyệt hà khắc chiếu trong thị trường nội địa để bảo hộ cho điện ảnh trong nước.

Song, khác với chúng ta, Hàn Quốc và Trung Quốc có nền sản xuất phim rất mạnh, đủ đảm bảo nhu cầu cho khán giả trong nước. Còn ở ta với tình hình sản xuất phim hiện nay, tính cả trong 2 năm 2007 và 2008 chỉ có chưa đầy 20 phim truyện nhựa thì chỉ có thể trông chờ vào  phim ngoại nhập. Cả năm chỉ có một mùa phim Tết với 3-5 phim, rải rác trong năm có thêm chừng ấy phim ra rạp, nếu dựa vào phim nội thì các rạp chỉ còn nước đóng cửa, còn khán giả thì lâm vào cảnh đói phim thường xuyên.

Không thể chỉ với lý do bảo hộ cho phim nội mà hạn chế nốt phim ngoại, vốn là món ăn chủ yếu ngoài rạp.

Phim ngoại vào ồ ạt, phim nội đau đầu tìm chỗ đứng

Khán giả luôn có nhu cầu thưởng thức những bộ phim hay nhất, mới nhất, chất lượng nhất của điện ảnh thế giới. Hàng loạt các công ty nhập khẩu và phát hành phim nước ngoài như: MegaStar, Galaxy, BHD... đang hoạt động hết sức nhộn nhịp với lượng phim nhập đa dạng, chủ yếu là từ thị trường Mỹ và Trung Quốc. Trung bình mỗi công ty nhập 3-4 phim/tháng, có tuần phát hành tới 2 phim (MegaStar), như vậy là mỗi tuần khán giả đều có phim mới để xem trong khi phim nội, trừ dịp Tết có khi vài tháng mới có một phim ra rạp.

Rất nhiều phim bom tấn của Hollywood được chiếu tại Việt Nam đồng thời với khu vực Bắc Mỹ. Ảnh: Hạnh Phương

Lượng phim ngoại nhập về tăng lên không ngừng và thời gian công chiếu các siêu phẩm điện ảnh lớn liên tục được rút ngắn khoảng cách so với khán giả thế giới.

Khán giả không cần biết một bộ phim được sản xuất với kinh phí lớn hay nhỏ, làm trong hoàn cảnh nào, họ chỉ có khái niệm phim hay và không hay, phim hấp dẫn và không hấp dẫn, bởi số tiền họ bỏ ra để mua vé xem một bộ phim nội có kinh phí sản xuất 300 ngàn USD hay một bộ phim ngoại có giá tới 100 triệu USD là như nhau. Chuyện so sánh là không tránh khỏi, và nhà sản xuất không có quyền đòi khán giả "hãy thông cảm cho tôi".

 

Việc bãi bỏ hạn ngạch nhập phim khiến cho cuộc đấu giành giật khán giả giữa phim nội và phim ngoại càng trở nên căng thẳng. Các nhà sản xuất phim càng có thêm lý do để đau đầu. Giám đốc hãng phim Phước Sang, một nhà sản xuất phim có tiếng ở Việt Nam dù rất mát tay với hàng loạt bộ phim thu về tiền tỷ nhưng vẫn tỏ ra bức xúc: "Giờ tôi thấy phim nội hay phim ngoại ra rạp cũng đều "cá mè một lứa" cả. Một bộ phim VN có chi phí sản xuất 400.000-500.000USD đặt ngang hàng với một bộ phim ngoại nhập có chi phí sản xuất cả trăm triệu USD nhưng khi mua về chỉ có giá vài chục ngàn. Nếu cứ để nhập phim tràn lan thế này thì điện ảnh Việt sẽ mất luôn trên bản đồ".

Nhà sản xuất Phước Sang cũng kiến nghị: "Để bảo hộ khuyến khích phim Việt, tôi nghĩ chúng ta nên đặt ra các chế tài dưới luật khác, thay vì đánh thuế vào phim ngoại chỉ ở mức 5% hiện nay, ta có thể nâng lên 30-40%. Thêm nữa, có thể cho nhập phim ngoại thoải mái nhưng vào những dịp lễ tết phải đặt ra yêu cầu các rạp chỉ được chiếu phim Việt Nam. Trước đây người ta cũng nói nhiều đến chuyện nếu giờ vàng trên truyền hình chỉ dành cho phim nội thì lấy đâu ra phim mà chiếu nhưng giờ thì phim Việt đã chiếm lĩnh giờ vàng trên sóng truyền hình và thậm chí đánh bại cả phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Khi đã có chế tài, có cơ chế khuyến khích thì chắc chắn nhiều người sẽ nhảy vào làm phim. Với phim nhựa cũng vậy. Nếu có cầu thì cung khắc sẽ đáp ứng được".

Bài toán tìm chỗ đứng tại thị trường nội địa mà các nhà làm phim Việt Nam buộc phải giải không hề dễ dàng khi tiềm lực về công nghệ lẫn tài chính còn hạn chế. Tuy nhiên, trước sự tấn công ồ ạt của phim ngoại, họ buộc phải tìm cách chống đỡ, và cách duy nhất là làm những bộ phim thật chất lượng mà khán giả đang cần chứ không phải những bộ phim dùng "tiền chùa", chiếu vài bữa xong là cất vào kho!

* Bài tiếp theo: Nhà nhập phim nói gì?

  •  Bích Hạnh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>