- Dù còn nhiều vấn đề chưa đồng thuận, cần tiếp tục nghiên cứu trên tinh thần "mở", nhưng hội thảo đã là cơn gió mới khách quan - trung thực - công bằng khi nhìn nhận lịch sử và đã tạo được sự thay đổi nhận thức về thời kỳ chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn.
> GS Phan Huy Lê:Khách quan-Trung thực-Công bằng về chúa Nguyễn, triều Nguyễn
> Đột phá trong nhận thức về chúa Nguyễn, triều Nguyễn
Chiều 19.10, Hội thảo quốc gia về "Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến TKXIX" kết thúc tại Thanh Hóa.
Các nhà khoa học tham dự Hội thảo"Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến TKXIX"
Trong 2 ngày, hàng trăm nhà khoa học đã thảo luận và đã thống nhất được nhiều vấn đề cơ bản mang tính thay đổi nhận thức lịch sử về thời kỳ này.
Các nhà khoa học đã thống nhất ghi nhận công lao to lớn chúa Nguyễn trong việc khai phá vùng Thuận Quảng, mở rộng lãnh thổ vào tận đồng bằng sông Cửu Long, xác lập chủ quyền trên vùng đất mới... Công lao thống nhất quốc gia là sự tiếp nối của cả quá trình lịch sử cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX chính thức được ghi nhận là của Nguyễn Ánh, dù có sự tiếp nối kết quả của phong trào Tây Sơn.
Những thành quả của vương triều Nguyễn trong việc xây dựng nhà nước quân chủ phong kiến tập quyền thống nhất trên toàn lãnh thổ cũng được ghi nhận từ việc quản lý đất nước (đặc biệt là những thành tựu trong cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng),
Những di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể mà thời kỳ lịch sử này đã để lại cho hậu thế, tiêu biểu là 3 di sản văn hóa mang ý nghĩa toàn cầu (Cố đô Huế, phố cổ Hội An, nhã nhạc cung đình Huế), hàng trăm công trình văn hóa mang đậm dấu nhà Nguyễn, các bộ quốc sử, địa chí, hội điển, văn bia, châu bản, địa bạ, gia phả... thay thế hoàn toàn quan niệm thờ ơ hoặc phủ nhận (do cả triều đại bị đánh giá tiêu cực) trước đây.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề còn đang tranh luận sôi nổi như mối quan hệ giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, hành động của Nguyễn Ánh khi cầu viện quân Xiêm và tư bản Pháp trong "bước đường cùng" dù là hành động "không thể biện hộ", là "tì vết" trong sự nghiệp của Nguyễn Ánh, thì vẫn cần sự nghiên cứu và đánh giá sâu sắc.
Hai vấn đề liên quan chặt chẽ là thái độ của triều Nguyễn trước xu thế canh tân và trách nhiệm của triều Nguyễn khi để Việt Nam mất vào tay thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX chưa đạt đồng thuận về nhận thức, tuy có sự nhất trí khi phân tích bối cảnh thế giới, xu thế thời đại trong thời kỳ này. GS Phan Huy Lê đã đề nghị tiếp tục nghiên cứu và phải dựa trên căn cứ, sử liệu: "Trách nhiệm không thể chối cãi của nhà Nguyễn dưới triều Tự Đức khi để mất nước, nhưng về nguyên nhân thì phải phân tích kỹ hơn, cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan, cả những chính sách không đáp ứng được yêu cầu canh tân và quá trình 26 năm kháng chiến chống Pháp (1858 - 1884) với nhiều hạn chế trong đối sách - điều hành. Do triều Nguyễn bế tắc không kết hợp được hai yêu cầu này, nên đã không giữ được nước".
Với thành công của hội thảo này, giới Sử học đã đủ tự tin để bắt tay biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam, cũng như kiến nghị với Chính phủ để sửa đổi sách giáo khoa Lịch sử, không chỉ đính chính lại về toàn bộ thời kỳ nhà Nguyễn, mà còn là thay đổi cách tiếp cận lịch sử và tư duy làm sách, để học sinh sẽ yêu lịch sử nước nhà.
-
Khánh Linh