221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1108566
Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm (Phần 1)
1
Article
null
Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm (Phần 1)
,

 - Giấc mơ Về Kinh Bắc này là sự siêu thăng của mặc cảm Oedipe, một thực tại siêu thực trong vô thức của Hoàng Cầm. Hoặc vì cái siêu thực ấy, trong mắt nhìn của hữu thức, là quá dung tục, hoặc vì nó quá tế vi, nên đa số những hình ảnh của giấc mơ không phải là những kí hiệu bình thường, đơn nghĩa, hoặc những hình ảnh so sánh, mà đều là những hình ảnh tượng trưng, hay ẩn dụ, thậm chí huyền thoại.

              Mỗi người
                thăm
                     thẳm
                            một chiêm bao

                                   Trần Dần.

 

Nhà thơ Hoàng Cầm (ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Tôi gặp Hoàng Cầm lần đầu tiên vào những năm bảy mươi. Tập thơ Về Kinh Bắc bây giờ còn bản thảo. Một sổ bìa cứng, giấy carô và những con chữ phóng túng như muốn vượt ra ngoài lề. Đặc biệt, thỉnh thoảng lại có một bức tranh minh họa của Bùi Xuân Phái, Sỹ Ngọc..., hay của chính nhà thơ. Về Kinh Bắc với những giai thoại về số phận của nó đã gây cho tôi một ấn tượng bàng hoàng. Tôi nài Trúc Thông dẫn tôi đến nhà Hoàng Cầm. Bấy giờ ông được phép mở quán rượu tại gia để lấy tiền độ nhật. Hoàng Cầm là một người dong dỏng, đẹp trai, giọng nói ấm áp, cách nói hấp dẫn, hơi trình diễn, và đầy một sự dịu dàng nữ tính. Ông thật tương phản với tất cả những gì xung quanh: căn nhà cấp bốn lụp xụp, tối tăm và lũ tửu đồ thô kệch mà ông phải lăng xăng phục vụ. Tôi và Trúc Thông chọn một góc khuất, gọi hai chén rượu và ngắm Hoàng Cầm.

Về Kinh Bắc với tôi có một ma lực khó giải thích. Cả về sau này, năm 1994, khi tập thơ đã được trang trọng in ra, tôi vẫn không thôi cảm giác ấy. Hóa ra, sự lạ lùng khó hiểu đó không phải do những hào quang phụ gây ra, như tình trạng tồn tại bán hợp pháp bấy giờ của tập thơ, thứ rượu “quốc lủi” mà Hoàng Cầm bán cho khách, cái không khí âm thầm của một tửu quán..., mà ở chính tập thơ. Một quyến rũ khó hiểu.

Có lần, ở nhà Hoàng Cầm, trong lúc vui rượu, tôi có nói với ông sẽ viết một bài “nghiêm văn chỉnh” về thi phẩm Về Kinh Bắc. Rồi, sau nhiều đêm thao thức mà vẫn không tìm được một lối đi vào miền thơ ấy, tôi mới thấy hết cái dại miệng của mình. Sao không làm theo lời khuyên của Xuân Diệu: Ai đem phân chất một mùi hương...? Nhất là thứ huơng nữ thoang thoảng của thơ Hoàng Cầm. Sự đọc đi đọc lại nhiều lần thơ ông chỉ làm đầu óc tôi thêm trống rỗng. Có lẽ, trong sự rỗng không ấy, vô thức của người đọc dễ bị mồi chài bởi vô thức của tác phẩm. Và, một đêm kia, tôi bỗng được mặc khải.

***

Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc

Con người từ mẹ sinh ra, nhưng muốn lớn được phải tách mẹ. Mỗi bước trưởng thành là một bước lìa xa nguồn cội. Nhưng càng đi xa bao nhiêu thì lòng về càng nặng bấy nhiêu. Phải chăng đó là nghịch lí của phận người? Bình thường không phải ai cũng nhảy ra khỏi cỗ xe thời gian đang lăn về phía trước. Chỉ những khi vấp ngã, người ta mới quay về lòng mẹ để tìm sự an ủi, giải thoát...

Hoàng Cầm, sau vụ Nhân văn Giai phẩm, đã thực hiện một trở về như vậy. Có điều trong ông, lúc này, hình ảnh mẹ lồng khung vào quê hương thời thơ ấu, còn thi nhân thì dẫu muốn, nhưng không thể tắm hai lần trên dòng sông xưa. Ông chỉ có thể ngồi ở Hà Nội, trong ngôi nhà thụt sâu 43 Lý Quốc Sư, làm một trở về bằng tưởng tượng. Vết nứt tâm - địa chấn và sự gián cách khởi đời sống xã hội càng làm cho nhà thơ dễ chìm vào giấc mơ hồi cố1. Tập thơ Về Kinh Bắc được viết ra trong mấy tháng cuối 59 đầu 60 là biểu thị của giấc mơ này:

Ta con chim cu về gù dặng tre
đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng
đưa mây lành những phương trời lạ
Về tụ nóc cây rơm

                    (Về với ta)

Về Kinh Bắc là một giấc mơ. Không chỉ là Hoàng Cầm viết trong trầm mộng, mà chính vì thi phẩm có đường nét của giấc mơ. Có thể nói, đó là một galerie những bức ảnh ấu thời, ảnh hội hè đình đám xứ Bắc, ảnh con người của đời thường và của huyền thoại, ảnh động vật, cây cối…Nhưng lạ là những hình ảnh này như được bày biện bởi bàn tay một người đãng trí, kẻ mộng du hay một đứa trẻ. Tấm này đứng cạnh tấm kia ngẫu nhiên, không chủ ý, hoặc ít thấy liên lạc với nhau. Bởi thế, đọc Hoàng Cầm, dù thơ ông không ngọng nói như Lê Đạt, người ta vẫn thấy khó hiểu. Sự khó hiểu có khi ở bản thân một hình ảnh tân kì: Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh. Thường hơn, bởi có nhiều khoảng trắng. Về Kinh Bắc không còn sự đều đặn ở số chữ trong câu, số câu trong khổ như Thơ Mới và thơ Hoàng Cầm trước đấy (Hôm qua thu mới về / Với một cành hoa gẫy / Sương nặng gieo đầu tre / Lạnh tràn theo gió đẩy - Thu - Huy Cận; hoặc Tôi chỉ xin nàng đôi giọt lệ / Cài lên lá cỏ phía quê hương - Kiều Loan - Hoàng Cầm, 1942). Sự xuống dòng đột ngột, xé câu, leo thang chữ đã để hở ra nhiều khoảng trắng hơn:

Ngày Chị bảo em quên
Tranh tố nữ long hồ gián nhấm
mất chân đi
má đội tổ tò vò
Cuốn chiếu xa rồi
       thơ thẩn vách chiêm bao

            (Nước sông Thương)

Khoảng trắng trong thơ Hoàng Cầm là chỗ trống của giấc mơ. Một cuốn băng ghi hình bị ý thức xóa đi chỉ còn lỗ mỗ những hình ảnh. Đó còn là khoảng trắng của sự không nói, của im lặng. Im lặng của khó nói, im lặng của lời nói bị hãm đà đột ngột, và im lặng của…đối thoại câm:

Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sầm bến cô Mưa
Đi...

           (Quả vườn ổi)

Hai ngày Em tìm thấy Lá
Chị chau mày
       đâu phải lá Diêu bông
Mùa đông sau Em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
       trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
       Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
       Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn

                      (Lá Diêu bông)

Âm vang của im lặng trong Về Kinh Bắc ở liên tưởng đứt đoạn, đột ngột. Trước đây, thơ Hoàng Cầm thiên về lối liên tưởng liền mạch, dựa trên sự kề cận: con thuyền thơ cứ nhẹ nhàng xuôi sông ra biển (Ai về bên kia sông Đuống, Có nhớ từng khuôn mặt búp sen, Những cô hàng xóm răng đen, Cười như mùa thu tỏa nắng - Bên kia sông Đuống). ở thi phẩm này, nhà thơ chuyển sang lối liên tưởng đứt đoạn, theo sự tương tự giữa hai sự vật. Có điều sự tương tự đó chưa chắc đã tồn tại trong thực tế, mà chỉ do cái nhìn riêng của nhà thơ tạo lập. Vì thế, người đọc, một khi chưa nhập kịp vào tác giả, cảm thấy ngỡ ngàng:

Khấn thầm như mẹ lỡ đò ngang
Miệng hé hạt na nhòa bến vắng
Bao giờ mẹ về
Buộc yếm đào phai vỗ hát ru

                          (Đợt mùa)

Ta còn phù du ao trời chật chội
đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao
uống nước mắt con vành khuyên nhớ tổ
vừa rụng chiều này
        dềnh mặt trước hương sen
Ta soi
chỉ còn ta đạp lùi tinh tú
Ngủ say rồi
        Đôi cá đòng đong

                             (Về với ta)

Kể ra, điều này cũng không có gì mới. Xưa nay, thơ hay bao giờ cũng có những liên tưởng đột ngột, tạo ra sự bất ngờ nghệ thuật. Nhiều nhà thơ cổ điển, cũng như Thơ Mới, đã thành tựu ở mặt này. Điều đáng nói ở đây là trong Về Kinh Bắc (nhất là Nhịp một: Khấn Nguyện và Nhịp năm: Còn Em) liên tưởng thơ Hoàng Cầm dường như trở về giai đoạn liên kết tự do các ý tưởng, giai đoạn chuyên sử dụng biểu tượng chỉ có ở người nguyên thủy, hoặc trẻ em: lối tư duy gọi là tiền logic (Lévi - Bruhl) hay logic khác (Lévy - Strauss). Hoàng Cầm có được thứ bảo bối này bởi ông là nghệ sĩ, một thứ người - lớn - trẻ - con, một sự lại giống, một người mơ.

Về Kinh Bắc là một tác phẩm - giấc mơ. Cũng những hình ảnh vừa chồng chất vừa rời rạc, những khoảng trắng, những lời câm, sự liên tưởng tự do… Giấc mơ bao giờ cũng ẩn chứa những ham muốn vô thức. Bao khao khát bản năng, yêu ghét thường tình… không bộc lộ được bởi sự ngăn trở của văn hóa, của lẽ phải thông thường, của hữu thức. Nó bị đẩy lùi vào tiềm thức, rồi vô thức và bị nhốt vào quên lãng. Nhưng rồi đêm đến, hoặc khi tâm trí “có vấn đề”, sự kiểm soát bị lơi lỏng, những dồn nén đó bung ra, thăng hoa thành giấc mơ, thành sáng tạo nghệ thuật. Thơ Hoàng Cầm là một là một giấc mơ lớn, giấc mơ cả đời người, nên nó hẳn chứa đựng một ham muốn căn cốt, phát sinh từ thời thơ ấu…

***

Về Kinh Bắc có tám nhịp (1. Khấn nguyện, 2. Kiếp trước, 3. Rũ bụi gia phả, 4. Rồi tất cả cùng đi, 5. Còn Em, 6. Điểm trang, 7. Rồi lại đi, 8. Về với ta) thì sức nặng dồn cả vào nhịp năm, còn nhịp năm thì dồn cả vào 5 bài thơ Em Chị: Cây Tam Cúc, Lá Diêu Bông, Quả vườn ổi, Cỏ Bồng Thi, Nước Sông Thương. Điều đặc biệt ở năm bài thơ này là nhân vật trữ tình, nhân vật xưng Em, là một cậu trai 8 tuổi, còn chị là một cô gái hàng xóm gấp đôi tuổi em bấy giờ. Những “em” khác trong thơ Hoàng Cầm đều chỉ là những cô gái, những người đàn bà (trừ ở hai bài Gọi Đôi và Chị Em Xanh ở ngoài tập Về Kinh Bắc).

Mảnh đất Kinh Bắc vốn nhiều hội hè, thời gian mà một số những e dè được cỏi bỏ. Hơn nữa, đến thời Pháp thuộc, nhiều hành động hội mang ý nghĩa phồn thực đã nhạt dần chất thiêng, đậm dần chất tục. Nên những câu quan họ tình tứ, lẳng lơ không chỉ quyến rũ trai gái “đương thì”, mà còn thức sớm tình yêu ở cả những cậu trai “miệng còn hơi sữa”. Hoàn cảnh đánh thức cậu bé Hoàng Cầm này thật là điển hình: một buổi tối chầu rìa đám chơi tam cúc. Không gian ấm cúng: ổ rơm (- Rút trộm rơm nhà đi trải ổ; ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì; một sự gần gụi: hơi tóc ấm, má đỏ, - đọng tuổi đương thì; và rất nhiều gợi nhắc: gọi đôi, trầu, xe hồng, chui xấp ngửa… Tình yêu chớm nở ở đây đồng nghĩa với tình dục. Đó là tình trai gái, sự thức tỉnh giới tính đầu tiên ở cậu bé. Nhưng điều oán oăm là ở chỗ đối tượng tình cảm của Em lại là Chị nên điều đó có vẻ như không được phép. Bởi vậy, muốn thỏa mãn được giấc mơ tình dục đó chỉ còn có cách mơ cưới được chị. Hơn nữa, trong xã hội cổ truyền, tình dục chỉ được có sau và trong hôn nhân. Người ta thấy thơ tình Hoàng Cầm nói nhiều đến hôn nhân là vì vậy. Nhưng rồi giấc mơ trong mơ ấy không thành: Quan Đốc Đồng áo đen nẹp đỏ, Thả tịnh vàng cưới chị / võng mây trôi. Có thể quan Đốc Đồng dựa vào quyền uy (áo đen nẹp đỏ) hoặc tiền bạc (thả tịnh vàng) để cưới chị, nhưng sự vỡ mộng của em không phải do viên quan ấy theo ác cảm trẻ thơ hay thành kiến giai cấp, mà do số phận (đỏ đen) trong cuộc chơi của nó (mà Chị hay Em chỉ là một Cây tam cúc), hoặc do chính tự thân tình cảm đó: Lá Diêu Bông.

Lá Diêu Bông là một ảo tưởng, một ảo tưởng tình yêu. Lá Diêu Bông, cũng như Đền Bà Sấm, Bến Cô Mưa…, không phải là có thật. Nhưng có một sự thật khác là Lá Diêu Bông, do âm hưởng, gợi đến lá vông, tức bộ phận sinh dục nữ (ca dao: Ngồi lá vông, chổng mông lá chốc; Hồ Xuân Hương: Đố ai biết được vông hay chốc hoặc chính hình dạng chiếc lá: ngồi lá tre, tè he lá mít) tức thân thể người phụ nữ, tức giấc mơ tình dục ở cậu bé.

Bài thơ như một đối thoại câm diễn ra trong một không gian buồn, cánh đồng chiều sau thu hoạch chỉ còn trơ lại toàn cuống rạ, thơ thẩn hai bóng người, Chị đi tìm… Em đi tìm…

Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng

                          (Lá Diêu Bông)

Hóa ra, Chị đi tìm tình yêu, Em cũng đi tìm tình yêu. Như trong huyền thoại xưa, thuở khai thiên lập địa, loài người trên đời chỉ mới có hai chị em. Họ chia tay mỗi người một ngả hẹn gặp ai thì lấy người ấy. Nhưng có ai đâu nên cuối cùng sau vài lần vẫn chỉ chị gặp em, em gặp chị. Và họ đành phải lấy nhau. Loài người đông đàn dài lũ hiện nay được sinh ra từ cái cặp đôi chị - em - vợ - chồng khởi nguyên ấy. Nhưng hậu thế, cũng là để bảo vệ và duy trì nòi giống, thì không thể cho phép cái tình chị - em - trai - gái ấy. Chị biết thế nên Chị đã đưa ra một chiếc lá không hề có, cũng như cái tình cảm kia là không thể có. Nhưng Em vẫn tìm thấy Lá tức muốn khẳng định cái khồng thể đó, khẳng định tình cảm đó. Nhà thơ chỉ nói Em tìm thấy lá chứ không nói lá Diêu Bông là lấy cớ để cho chị chối đâu phải lá Diêu Bông, nhưng thực ra cả hai đều hiểu lá ấy là gì rồi. Kịch cảnh ở đây phảng phất như cuộc chơi đố lá (để thỏa lòng tìm hoa) của trai thanh gái lịch thời xưa, nhưng lại không phải như vậy, vì đây là cuộc đời, là chuyện nghiêm trọng. Bởi vậy, cứ mỗi lần Em tìm thấy Lá thì đau khổ của chị cứ tăng dần:

Lần 1: Chau mày / Đâu phải lá Diêu Bông (chối cho có chuyện).

Lần 2: Lắc đầu / Trông nắng vãn bên sông (thẫn thờ).

Lần 3: Cười xe chỉ ấm trôn kim (gượng gạo).

Lần 4: Xòe tay phủ mặt chị không nhìn (đau khổ).

Nhiều người cho lá Diêu Bông là ám chỉ một ảo tưởng chính trị, nên cho rằng Chị đã cố ý lừa dối Em. Thực ra, Chị đứng trước một sự thật không thể nên cũng đau khổ như Em. Em chưa hiểu vì còn trẻ, vì thuần bản năng, nhưng Chị thì hiểu, nhưng khó nói được. Vậy nên Em cứ theo Chị mà mè nheo:

Cách nhau ba bước vào Vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
              Em gốc cây
Xin Chị một quả chín!
Quả chín quá tầm tay
Xin Chị một quả ương
Quả ương chim khoét thủng

                (Quả vườn ổi)

Quả ổi đây rõ ràng làm một thứ trái cấm. Chị leo lên cây, xoài người ra cành ngang hái. Chị trở thành trái cây. Em đứng ở gốc cây. Những chữ xoạc (Hồ Xuân Hương: Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài) và gốc cây (câu đố: Có cây mà chẳng có cành, Có hai hòn đá để dành gốc cây) làm hai câu thơ miêu tả này hóa thành hai câu thơ định nghĩa, chị = xoạc cành ngang (chú ý thêm đến ba trong ba bước, tam giác); Em = gốc cây. Và đã là trái cấm thì không hái được, tình thế của hai Chị Em là tình - thế - Cỏ - Bồng - Thi:

Chị đưa em đến bến này
Cheo leo mỏm đá
Trước vực
Sau khe
Thòng lọng tơ gì quấn gót
Tua khăn buông còn buộc búp hoa lan
Ù ù gió thổi
Em vọng ai đâu mà hóa đá.

                          (Cỏ Bông Thi)

Đã ở ngoài sự cho phép thì phải nguy hiểm. Thế đứng phải cheo leo mỏm đá. Những từ vực, khe, thòng lọng, trói, dây muống dại kín… rồi … làm ta nghĩ đến những hình phạt treo cổ, ném xuống vực sâu, trói trôi sông, trầm mình… dành cho những người phạm tội chửa hoang, loạn luân trong các xã hội cổ truyền.

Và cuối cùng, tình cảm đó dừng lại ở sự nước đôi (ambivalence): muốn quên / không quên, thương / giận, yêu / ghét… như con Nước Sông Thương kia từ bao đời nay vẫn chảy đôi dòng.

Tóm lại, qua 5 bài thơ Chị - em, có thể thấy được sơ đồ cảm hứng của nhà thơ là: có sự ham muốn tình dục với một người lớn tuổi hơn, muốn cưới để thỏa mãn ham muốn này trong sự hợp thức hóa (Cây Tam Cúc), nhưng không được người nữ chấp nhận (Lá Diêu Bông, Quả vườn ổi) và cũng không được xã hội chấp nhận vì không hợp lẽ và nguy hiểm (Cỏ Bồng Thi) nên rơi vào tình trạng nước đôi, vừa yêu vừa ghét, vừa thương mến vừa hờn giận, vừa muốn quên vừa mong nhớ (Nước Sông Thương). Đây cũng là cấu trúc cảm hứng của toàn bộ tập Về Kinh Bắc, và toàn bộ sáng tác của Hoàng Cầm.

Thi sĩ biết yêu từ tuổi lên tám không phải là chuyện lạ trên thi đàn thế giới. Dante (1265 - 1321), thi sĩ mở đầu cả thời đại Phục Hưng, vào năm lên tám, trong một vũ hội đã yêu Béatrice. Lermontov (1814 – 1841) cũng vậy, lần đầu tiên theo bà ngoại đi nghỉ suối nước nóng ở Kavkaz cũng phải lòng một cô bé. Tình yêu của Hoàng Cầm với chị Vinh, đặc biệt hơn ở chỗ Chị là người lớn tuổi. Đó không đơn giản chỉ là tình yêu trai gái thuần túy, mà có lẽ là sự phóng chiếu của một tình cảm khác, mặc cảm Oedipe (Complexe d’Oedipe)2.

Là một di sản của loài người từ thời tiền sử, thậm chí tiền nhân loại, mặc cảm Oedipe có trong mỗi người. Nhưng sự diễn biến bình thường hay nổi cộm của nó, và do đó, quá trình hóa giải nó thì không ai giống ai. ở những người thời thơ ấu có hoàn cảnh đặc biệt gây ra những chấn thương tâm lí, những ám ảnh hoặc những huyễn tưởng cá nhân, thì phức cảm này dâng lên và cuộn thành một cơn lốc xoáy, và sự giải tỏa nó là vô cùng khó khăn, có khi là công việc của cả đời người. Hoàng Cầm là một người có tuổi thơ không bình thường.

Mẹ Hoàng Cầm là một cô gái làng Bựu, một làng quan họ nổi tiếng, làng đã sinh ra bà Trần Thị Tần, mẹ thi hào Nguyễn Du. Bà cũng là một cô gái quan họ, có giọng hát hay lại có nhan sắc. “Một cô gái Kinh Bắc có nhan sắc óng ả, kiều diễm, có đôi mắt “lúng liếng” thật tình tứ, đôi mắt rất quan họ, có dáng đi đài các, uyển chuyển, thanh tao, và khi mẹ tôi mặc chiếc váy lụa kiểu Đình Bảng, mép váy buông chùng cửa võng xuống đến mu bàn chân, ai trông thấy phía trước đều tưởng như người con gái này đang đi trên sóng dập dờn” (Vĩ Thanh, tr 150). Một người đàn bà tài sắc như vậy mà đến khi làm vợ, làm mẹ lại phải chịu một cuộc sống hẩm hiu. Ông bà lấy nhau rồi chê nhau đến trên mười năm trời. “Bố tôi nguyên là một nhà nho, ba lần thi trường Nam Định không đậu nổi cái cấp hạng bét là tam trường, sau đó bất đắc chí, bỏ làng đi dạy học lang thang, rồi làm thầy lang cũng lại lang thang chữa bệnh khắp các huyện trong hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang” (Vĩ Thanh, tr. 152). Bởi vậy, khi Hoàng Cầm sinh ra, mẹ nhà thơ phải vượt cạn một mình, rồi cũng một mình tần tảo nuôi con... Nhà thơ đã sớm cảm nhiễm cái gia cảnh của mình. Ta hãy nghe ông tâm sự: “Không hiểu sao, tôi sớm có cái buồn cô đơn ngay từ những năm lên sáu, lên bảy tuổi. Bẩm sinh chăng? Hay chính nỗi buồn của người con gái tài sắc lấy chồng từ năm mười bảy tuổi mà phải sống cô đơn đến hơn mười năm?” (Vĩ Thanh, tr.154). Nỗi buồn ấy thực ra là mặc cảm Oedipe, yêu mẹ ghét bố, mà nhà thơ, chưa nói là bấy giờ mà ngay cả bây giờ, vẫn chưa ý thức được. Nhưng cứ đọc lại những đoạn văn mà ông mô tả mẹ mình, bạn sẽ thấy Hoàng Cầm nhìn mẹ bằng cặp mắt đàn ông. Và khi nói về bố thì bằng cái giọng không mặn mà lắm lại còn pha chút giễu cợt nữa (“Không đậu nổi cái cấp hạng bét”, “bỏ làng”, “cũng lại”...). Trong tập thơ Về Kinh Bắc chúng ta thấy rõ hơn điều đó.

Tuy nhiên, thực tế tâm phân cho thấy cái tam giác cha - con - mẹ trong mặc cảm Oedipe không phải bao giờ cũng nguyên vị như thế, mà luôn có những trường hợp chuyển vị. Có sự thiên di như vậy phải chăng do đứa trẻ cảm nhận được tội lỗi trong cái phức tâm ấy? Ngôi cha có thể chuyển sang một người đàn ông khác. Ngôi mẹ cũng vậy. ở Hoàng Cầm, tình yêu với mẹ đã được di chuyển sang Chị, Chị - Vinh - cô - hàng - xóm. Sự di chuyển ít khi ngẫu nhiên, mà thường cũng có thể do những nét tương đồng nào đó giữa Mẹ và Chị: Cả hai người đều đẹp và hát quan họ hay. “Một chiều thứ bảy, khoảng hơn 4 giờ, tôi về nhà thấy một cô gái đang mua gì của mẹ tôi. Khi cô ấy ngửng đầu lên, nhìn ra đường thì cậu bé tám tuổi choáng người (...). Rồi thứ bảy sau, về nhà, tôi trao bức thư tỏ tình đầu tiên viết bằng thơ lục bát, dài hơn một trang giấy kẻ học sinh trên có vẽ hoa vẽ bướm, một vài ngọn núi, một dòng sông với chữ viết đậm, mực tím, nắn nót: Em gửi chị Vinh của em” (Vĩ Thanh, tr.163).

Em gửi chị Vinh của em. Yêu mà vẫn Em Chị, phân biệt ngôi thứ chứ không hòa đồng thì chỉ có thể là một tình yêu kiểu Oedipe. Bởi vậy, như trên đã nói, Lá Diêu Bông là ước mơ tình dục bất hợp pháp đã chi phối suốt cả cuộc đời Hoàng Cầm. “Trong viên ngọc kết tinh của muôn vàn nỗi niềm, cảnh sắc, hương vị, âm thanh, tiết tấu của cuộc sống vừa xa xưa, vừa đương đại, lúc huyền ảo, lúc hiện thực, như mê mà tỉnh, như ngủ mà thức, hư hư thực thực ấy, thì hình ảnh mẹ tôi bàng bạc bao phủ cả tập thơ, rồi đến cậu bé con cầm chiếc Lá Diêu Bông trong tay đi xuyên thời gian”. Có thể nói Lá Diêu Bông là chiếc lá định mệnh của Hoàng Cầm, và chính nhà thơ cũng tự nhận như vậy. Hoàng Cầm, bút danh của nhà thơ, là tên một vị thuốc đắng, dường như để bổ sung điều đó. Người ta có thể “đọc” ở bài Lá Diêu Bông những ý nghĩa khác nhau. Có người cho đó là chiếc lá ảo tưởng, một thứ “quả lừa” mà nhà thơ nhận được (Thanh Thảo, Bài phổ nhạc của Phạm Duy); có người cho đó là nói về tình yêu (Bài phổ nhạc của Trần Tiến); có người cho đó là nói về dân gian, dân tộc (Bài phổ nhạc của Lê Yên)... Có thể, tất cả những ý nghĩa ấy đều đúng, nhưng chúng chỉ là ý nghĩa phái sinh hay đúng hơn hệ quả của mặc cảm Oedipe.

Hoàng Cầm đã sáng tác để giải tỏa mặc cảm Oedipe, hay nói khác đi, mối phức tâm ấy đã “mượn” tài năng thơ Hoàng Cầm để giải tỏa, để thăng hoa ra ngoài. Bởi vậy, Hoàng Cầm thường hay nói về việc ông sáng tác một số bài thơ, những bài hay nhất của mình, là do một người nữ vô hình nào đó đọc cho chép. Có khi một câu, có khi một đoạn, thậm chí có khi trọn vẹn cả bài. Việc sáng tác bài thơ Lá Diêu Bông là một trường hợp tiêu biểu: “Chẳng có chuyện gì phải lo nghĩ, chẳng có ý định gì trong đầu mà sao về quá nửa đêm một mùa rét ấy, tôi vẫn không ngủ được (...). Im lặng. Chợt bên tai văng vẳng lên một giọng nữ rất nhỏ nhẹ mà rành rọt, đọc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như từ thời nào xa xưa vẳng đến, có lẽ từ tiền kiếp vọng về:

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng...

Tôi xoay người trong chăn về phía bên trái và ghi ngay. Giọng vẫn đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ. Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bỗng đi, một lát sau tôi ngủ thiếp. Sớm hôm sau nhìn lại thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ này xóa mất chữ khác. Phải mất gần tiếng đồng hồ, tôi mới tách ra được theo đúng thứ tự như lời người nữ kì diệu đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm hôm qua” (Vĩ Thanh, tr. 160 -161).

Có người cho Hoàng Cầm bịa, bởi ông muốn phủi trách nhiệm về sự táo bạo, sự vi phạm cấm kị của bài thơ. Nhưng nhiều người đã sáng tác như vậy, không chỉ Hoàng Cầm. Và, có lẽ, nhất là Hoàng Cầm. Sáng tạo là một giấc mơ. Giấc mơ là hình thức sơ đẳng nhất của sự tự phân tích của người mơ. Về Kinh Bắc là một giấc mơ. Tác phẩm - mơ tái lập sự cảm thông giữa cái tôi và cái phi tôi, giữa nguyên lí khoái lạc và nguyên lí thực tiễn, bằng cách tạo ra cái thực thể ngôn ngữ. Nó hiện thực hóa sự phối hợp của hiện thực và cái thầm kín nhất của chính chủ thể. Bởi vậy, giấc mơ và sự sáng tạo nghệ thuật có khả năng giải tỏa và thăng hoa những dồn nén. Nhưng giấc mơ, cũng như tác phẩm văn học, bao giờ cũng là những hình ảnh hóa trang. Về Kinh Bắc là một vũ hội hóa trang của các hình ảnh, màu sắc, âm thanh, nhịp điệu, tưởng như hỗn độn, nhưng thực ra được gắn kết với nhau bởi một ẩn ngữ - mặc cảm Oedipe - và được viết ra bằng bút pháp của sự ham muốn (écriture du désir).

Mặc cảm Oedipe chi phối toàn bộ tập thơ Về Kinh Bắc nói riêng và cả đời thơ Hoàng Cầm nói chung. Trước hết, người ta có thể thấy ảnh hưởng của nó tới cấu trúc tác phẩm. Kết cấuVề Bắc Kinh gồm có 8 nhịp thì nhịp một Khấn nguyện tách hẳn với 7 nhịp kia. Nhịp một gồm 5 bài thơ đêm đặt tên theo ngũ hành Thổ, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa. Một vũ trụ thu nhỏ. Trong chòm sao năm này, Đêm Thủy là bài thơ tiêu biểu:

Chùa Phật tích ruỗi trong màn lụa bạch
Tượng Quan Âm má ửng bồ quân
Chuông chiều cởi yếm
Chuông sớm đội khăn
Câu kinh tê tê mười ngón tay măng
Mõ đêm hè cuốc lội
Ao mưa dằng dịt lá trường sinh
Gió vào trăm cửa
           Gió ra hồng da trinh nữ
 Gió vào xanh quan lục
           Gió ra vàng thớ mít
           Ong bay vai áo tiểu thon mình
Thập điện diêm vương mở hội
Trong mắt trẻ lên năm
Trưa hè gãy rắc cành hoa dại
Mái hậu cung bồ các tha rơm
Liếu điếu vỗ hoa xoan lả tả
Nâu sồng nén nghẹn búp thanh xuân
Tờ kinh đắp mặt ru bươm bướm
Chuối chín cây đổ gục đứt dây bìm.

Đêm là ẩn ức; thủy là nước, một chất hoạt động thuận theo tự nhiên. Đêm thủy là dục vọng tự nhiên trong sự đè nén (Nâu sồng nén nghẹn búp thanh xuân), là ẩn ức và giải tỏa ẩn ức. Bởi vậy Khấn nguyện là chìa khóa mở vào thi phẩm của Hoàng Cầm, vào 7 nhịp thơ còn lại. Trong bảy nhịp này thì nhịp năm Còn Em là trung tâm, như trên đã nói, hoặc như chính Hoàng Cầm nói (trong Vĩ Thanh) là thời điểm ông xuất hiện trên cõi đời này. Trước ông và đè nặng lên ông là cả một truyền thống chính thức, truyền thống của người cha: nhịp hai Kiếp trước là truyền thống của dân tộc (Thánh Gióng, Mỵ Châu Trọng Thủy, Trai cầu vồng Yên Thế...), nhịp ba Rũ Bụi Gia Phả là truyền thống của gia đình, dòng họ (Đèn nhang, Ngựa, Hội vật), nhịp bốn Rồi tất cả cùng đi, những truyền thống đó tuy đã lui vào quá khứ, vào sử sách, nhưng vẫn luôn luôn hiện về ám ảnh con người, nhất là với những đứa trẻ. Từ nửa nhịp năm trở đi, chính xác hơn là bài thơ 27, là truyền thống phi chính thức, truyền thống người mẹ, những người đàn bà với số phận cực nhọc của họ, thân phận bị đè nén của họ; nhịp sáu Điểm Trang là những hội hè Kinh Bắc, là sự giải tỏa; nhịp bảy Rồi lại đi, những hồi ức suy tư về số phận của người đàn bà; nhịp cuối Về với ta là sự đi tìm chân tính (Ta) của thi sĩ: Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh. Kết cấu của Về Kinh Bắc tuy phức tạp, và có vẻ hỗn độn của một giấc mơ, nhưng nhìn sâu vào người ta sẽ thấy đó chính là cấu trúc tam giác Oedipe: cha - con - mẹ.

Trong tam giác này, hình ảnh người - mẹ - người - đàn - bà là đậm nhất và đẹp nhất: Những cô hàng xóm răng đen, Cười như mùa thu tỏa nắng. Hoàng Cầm nhiều kỉ niệm về mẹ (Hơi mẹ ơ hờ chỏm tóc tơ, Đêm được nằm mẹ gối đầu tay; - Đêm khoanh tròn ngủ tay bưng đầu, Ngón cụt thói quen rờ ngực yếm...). Nhưng tình cảm thường trực trong ông là nỗi sợ bị mất mẹ, người mẹ bỏ con đi lấy chồng khác:

Chị lỡ xe hồng
Mẹ đi lấy chồng
Cỗ cưới chênh vênh khoai luộc
Mật vàng mọng rách vỏ nâu non

                     (Đợi mùa)

Và đứa con luôn sống sự mong đợi mẹ về:

Mùa chưa về
        Tú hú gọi Em đi tìm Mẹ
Dặng tre xa giấu biệt giải khăn điều
Khi gậy nắng ăn mày đã quăng sau núi
Hàng tre nhả yếm
            trả Mẹ về
                lều dột đón mưa đêm
Thì Chị đi mấy lối chân chim
Để Mẹ về bao phương bèo nổi
Riêng Em nằm trơ đợt giờ tu hú gọi

                        (Đợi mùa)

Nhưng sự đợi chờ là tuyệt vọng. Mùa tu hú đã hết. Bầy chim đã ngủ ở một cánh rừng xa nào đó. Hình ảnh người Mẹ và người Chị hòa lẫn vào nhau. Và trong nỗi nhớ, họ càng trở nên đẹp hơn: Miệng hé hạt na nhòa bến vắng, Cổ tay tròn đẫn mía gie... Nhưng điều đáng nói hơn cả là không phải hình ảnh trực diện, mà là những hình ảnh hóa trang đã tạo nên những đặc điểm và đặc sắc trong thơ Hoàng Cầm.

Ẩn ức tình dục không được thỏa mãn của thời thơ ấu đã phổ vào thơ Hoàng Cầm. Thi nhân làm thơ rất nhiều đề tài, nhưng đề tài nào rồi cũng quay về tình yêu, mà tình yêu thì nổi bật ở chất nhục dục. Ông không làm thơ về tính dục như Hồ Xuân Hương, dù ông rất khâm khoái nhà thơ này, nhưng chất tính dục như nằm ngoài chủ định của ngòi bút cứ hiện lên khi kín đáo, khi lồ lộ trên trang trắng:

- Ngủ lại giấc mơ dang dở
 Chũm cau căng nứt mạch tằm
 Yếm may ba ngày mẹ vá lại
Khuyên nghe buồng động bóng đêm rằm

                              (Đêm Mộc)

- Nâu sồng nén nghẹn búp thanh xuân

                              (Đêm Thủy)

- Chợp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ

                            (Đêm Thổ)

- Hội Gióng dong chiêng
  Bé em về nằm khoanh lòng mẹ
  Nghe nghìn muôn năm sau
               xoa nắn đôi bầu vú lửa

 - Sông dài sóng đôi
   Mượt mà gò nổi
   Cánh rừng rưng say
   Hồng hoang hương ấm mấy chân trời

                        (Nắng phù sa)

Màu sắc nhục dục có lẽ là điểm làm thơ Hoàng Cầm khác với thơ tình trước Bốn Nhăm. Tầng lớp trí thức đô thị tiền chiến bừng dậy ý thức cá nhân, muốn khẳng định cá tính của mình chủ yếu trong tình yêu. Nhưng tình yêu thể xác thì rất dễ giống nhau, họ bèn đi tìm sự khác biệt trong tình yêu tâm hồn. Họ say sưa với cái thâm cung nội tâm mà họ vừa mới khám phá. Còn thơ Hoàng Cầm thì đâu đâu cũng thấy luẩn quất giấc mơ tình dục. Biểu tượng của tình dục trong thơ Hoàng Cầm trước hết là cái yếm. Yếm là một thứ y phục dùng để che ngực của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cổ truyền. Ngực là bộ phận sinh dục vừa nhạy cảm vừa lộ liễu nhất của cơ thể người nữ(3). Cái yếm dùng để che ngực, đè vú xuống (khác với xu-chiêng nâng vú cao lên), làm cho người ngoài không để ý đến nó. Nhưng màu sắc rực rỡ của yếm lại hút mắt. Tuy không đặc sắc như cạp váy của phụ nữ Mường, nhưng chiếc yếm của người đàn bà Việt với màu sắc (thâm, nâu, son, điều, thắm...), với hình dáng (yếm cổ xây) cũng làm người ta tơ tưởng:

Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu
Ngực yếm phập phồng bưởi ngọt

                      (Hội vật)

- Đêm khoanh tròn ngủ tay bưng đầu
Ngón cụt thói quen rờ ngực yếm

- Mùa chưa về
Tu hú gọi Em đi tìm Mẹ
Dặng tre xa giấu biệt giải khăn điều
Khi gậy nắng ăn mày quăng sau núi
Hàng tre nhả yếm
      Trả Mẹ về
     lều dột đón mưa đêm

                       (Đợi mùa)

  • Đỗ Lai Thúy
     
    (còn tiếp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,