221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1108242
Hoa hậu cần một kịch bản mới?
1
Article
null
Hoa hậu cần một kịch bản mới?
,

- Nếu cứ tổ chức, cứ thi, cứ chọn lựa hoa đẹp chỉ để ngắm, hay để “chọn vợ cho đại gia” như một ai đó nửa đùa nửa thật. Thì thôi! Đừng tranh luận nữa, đừng đề cao ý nghĩa với tiêu chuẩn này nọ kia nữa, để thời gian trí tuệ giải quyết bao vấn đề mà xã hội đang đối mặt.

 

Những ngày vừa qua, vấn đề hoa hậu lại một lần nữa được hâm nóng, dư âm kéo dài sau khi đêm chung kết khép lại và sẽ còn tiếp tục rộn lên khi có kết luận từ phía các cơ quan chức năng.

 

Vấn đề bằng cấp và “tiêu chuẩn để tham gia đấu trường quốc tế” được bình luận rất nhiều, rất sôi nổi. Đương nhiên, công dân nào trên đất nước này, thế giới này đều có sự tự hào dân tộc, muốn bông hoa của mình tỏa sắc rực rỡ hơn hẳn trong rừng hoa.

 

Hoa hậu Việt Nam 2008 và hai Á hậu Phan Hoàng Minh Thư và Nguyễn Thụy Vân

 

Nhưng ở một khía cạnh khác, hóa ra hoa hậu chỉ được chọn để… thi hoa hậu thôi sao? Nếu chỉ thế, có cần nhiều cuộc thi hoa hậu, có cần phải tổ chức tốn kém, có cần đất nước này chú ý bàn cãi nhiều như vậy? Chẳng lẽ ngoài hoa hậu ra, chúng ta không còn việc gì khác? 

 

Có người sẽ nói, thi hoa hậu hiện nay đã làm được nhiều việc ý nghĩa, kéo sự chú ý của cộng đồng vào công tác từ thiện. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ, hay chính xác hơn, hoa hậu của chúng ta hiện nay mới chỉ là Người mang tiền, chứ không phải Người mang thông điệp, trong khi vị trí thứ hai mới là ý nghĩa thật sự toàn xã hội cần ở một hoa hậu.

 

Công tác từ thiện đương nhiên rất quan trọng, nhưng ở các cuộc thi hoa hậu hiện nay công tác này mới chỉ dừng ở nghĩa hẹp. Hoa hậu là người đại diện các cơ quan, tổ chức đi trao quà cho đồng bào nghèo là một hình ảnh đẹp, thế nhưng đất nước này còn nhiều vấn đề cần hoa hậu tham gia hơn thế.

 

Từ thiện không chỉ là vào bế ẵm các em bé mồ côi, người già neo đơn chụp ảnh đăng báo, một kịch bản nhàm chán đến phát sợ tại mọi cuộc thi người đẹp từ lớn đến nhỏ, rồi sau đó thật hiếm người đẹp nào quay lại. Từ thiện không chỉ là hô hoán lên tôi sẽ đi làm từ thiện, sẽ đóng góp tiền thưởng vào việc nọ việc kia trở thành một dạng “phản xạ có điều kiện” cho mọi người đẹp lúc đứng trên sân khấu.

 

Phản xạ này còn lan cả sang xã hội như một sự “giao khoán” vấn đề từ thiện cho các người đẹp. Những câu hỏi kiểu “Bạn sẽ dùng tiền thưởng để làm từ thiện chứ?” đã xuất hiện thường xuyên trong các cuộc phỏng vấn. Người ta quên mất rằng tiền thưởng thuộc tài sản riêng của người chiến thắng, cô ấy có toàn quyền xử lý nó. Người ta tự cho mình quyền “cưỡng chế” và tước đoạt việc làm từ thiện từ tâm nguyện của người đẹp.

 

Ở những câu chuyện buồn khác, người ta còn gợi ý người đẹp chỉ nhận danh hiệu, còn tiền thưởng đã có người khác “từ thiện” hộ. Từ thiện trở thành một cụm từ được gắn liền với vương miện, thành thước đo phẩm hạnh của người đẹp. Một dạng tiêu chuẩn để đánh giá người đẹp có xứng đáng với vương miện không.  

 

TIN LIÊN QUAN

Nếu chỉ thế, cũng chẳng cần bàn cãi chuyện bằng cấp hoa hậu làm gì nữa, vì chỉ cần người đẹp có nhiều thời gian và nhiệt tình tham gia công tác từ thiện là đủ.

 

Cũng như thi hoa hậu là phải vào trại trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, nước mắt dàn dụa trên gương mặt son phấn trở thành một công thức, thì xã hội sẽ dần hình thành ý thức rằng việc chăm sóc trẻ em, người già neo đơn là trách nhiệm riêng của hoa hậu.

 

Không phải giọt nước mắt người đẹp không thực lòng, mà vì xã hội thấy nhiều quá sẽ cảm thấy bình thường và nghi ngờ nó.

 

Hãy tưởng tượng một kịch bản mới cho hoa hậu: thay vì vào các trung tâm xã hội khóc lóc, các thí sinh ra bờ biển cùng nhau thu gom rác và lên tiếng tuyên truyền bảo vệ môi trường; hoặc BTC đưa các thí sinh tới những di sản văn hóa đang bị xâm hại, cùng tẩy xóa những dòng “lưu bút” vô ý thức, vun đắp chăm sóc cảnh quan và kêu gọi cộng đồng có ý thức giữ gìn di sản; hoặc các thí sinh cùng đi trồng cây ở các khu rừng tái sinh, lên tiếng bảo vệ rừng…

 

Thí sinh hoa hậu đi đến đâu, cả rừng truyền thông đi theo đến đấy, chắc chắn thông điệp từ các người đẹp sẽ nhanh chóng được chuyển tải đến mọi công dân trên đất nước. Chăm sóc vấn đề cộng đồng đâu chỉ có đưa tiền phát quà?

 

Không ít người cũng đặt câu hỏi, tại sao các BTC đã dựng lên một hoa hậu, lại không lên sẵn chương trình để tôn vinh và “sử dụng” cô ấy. Tại sao để hoa hậu tự lang thang bỏ tiền túi làm từ thiện, hay bỏ mặc hoa hậu xoay sở với cuộc sống bỗng chốc nổi tiếng rồi sa chân vào tai tiếng, mà không tôn vinh cô ấy và vương miện với những chiến dịch ý nghĩa.

 

Bao công dân Việt ngồi xem chương trình truyền hình đêm chung kết Hoa hậu VN 2008 đều mừng vì hoa hậu năm nay đã tìm được một tuyên ngôn ý nghĩa: An sinh xã hội vì người nghèo. Thế nhưng chưa biết sự nghiệp "vì người nghèo" của tân hoa hậu sẽ được triển khai ra sao, người đẹp đã dính vào vụ bê bối tai tiếng, liệu mục tiêu ấy có còn thực hiện được?

 

Tại sao những người nổi tiếng ở nước ngoài luôn là đại sứ của những chiến dịch được phát động quy mô, rộng rãi. Trên báo Tiền Phong có không ít bài viết về nạn bạo hành gia đình, trong đó phụ nữ luôn là nạn nhân, một vấn nạn xã hội cấp thiết đang tồn tại hàng ngày hàng giờ. Tại sao Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy, Trần Thùy Dung không phải là đại sứ của chương trình kêu gọi cộng đồng bảo vệ phụ nữ?

 

Hoặc ngay cả vấn đề khá nghiêm trọng trong giới trẻ hiện nay như quan hệ tình dục không an toàn hay nạo phá thai ảnh hưởng đến sức khỏe… hoa hậu hoàn toàn có thể làm rất tốt vai trò Người mang thông điệp với sự giúp sức của những nhà chuyên môn.

 

Sợ những vai trò đó quá sức hoa hậu ư? Hoa hậu chắc chắn trên 18 tuổi, đủ trách nhiệm công dân và hiểu biết xã hội. Đấy mới chính là lý do để chúng ta tìm ra những người đẹp có bản lĩnh, có trình độ để tôn vinh, chứ nếu chỉ tính điểm biết “cười tươi” “cư xử phát ngôn đẹp lòng nhà báo”, giỏi học thuộc lòng những câu hỏi cho trước thì rất nhiều cô gái không tốt nghiệp trung học nhưng năng khiếu ngoại giao có thừa, khỏi cần chúng ta mệt mỏi tranh luận.

 

Hơn nữa, với sự mở cửa thoải mái “người người hoa hậu, nhà nhà tổ chức” thi hoa hậu như hiện nay, không những chúng ta “ra đường vấp phải hoa hậu” đến phát mệt rồi chẳng nhớ nổi danh hiệu đầy đủ của cô nào; mà vô hình chung, người đẹp trở thành một công cụ thương mại.

 

Giữa vô vàn những Hoa hậu trang sức, Hoa hậu Biển, Hoa hậu các dân tộc, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Tài năng, Hoa hậu Ảnh…  Chưa kể với cơ chế mở hiện nay, sắp tới chúng ta có thể sẽ còn có hoa hậu phường, hoa hậu quận, hoa hậu công ty… Người ta khó biết thi hoa hậu để… làm gì, ngoài việc chỉ ra rằng cô này xinh hơn mấy cô kia.

 

Rồi các doanh nghiệp muốn quảng cáo thương hiệu cũng đứng ra tổ chức hoa hậu để gây sự chú ý. Thực tế đã có ý tưởng vĩ đại kiểu tổ chức thi hoa hậu để tuyển người đẹp xách cặp cho đại gia đã ra đời.

 

Không ai có thể nhớ được quy mô và tầm ảnh hưởng của những hoa hậu này. Cũng không ai có thể phân biệt một cô hoa hậu cấp quốc gia với một cô hoa hậu cấp tỉnh.

 

Còn nếu cứ tổ chức, cứ thi, cứ chọn lựa hoa đẹp chỉ để ngắm, hay để “chọn vợ cho đại gia” như một ai đó nửa đùa nửa thật. Thì thôi! Đừng tranh luận nữa, đừng đề cao ý nghĩa với tiêu chuẩn này nọ kia nữa, để thời gian trí tuệ giải quyết bao vấn đề mà xã hội đang đối mặt. Hãy để các người đẹp được thoải mái với thế giới của các cô. Chuyện của các cô đã có BTC và các đại gia lo!

  • Hoàng Hường
     

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,