221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
678176
Nguyễn Cường: Tôi thích sự màu mỡ, khao khát sống...
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Nguyễn Cường: Tôi thích sự màu mỡ, khao khát sống...
,

(VietNamNet) - “Lúc nào cũng hồn nhiên như một đứa trẻ không chịu lớn, cứ tí ta tí tởn, yêu đời và yêu người. Không bao giờ nghĩ đến tiền bạc, Nguyễn Cường là một trong những người cuối cùng lãng mạn của thế kỷ 20. Nhưng Cường giống tôi, không yêu lăng nhăng, mà đã yêu ai thì đắm đuối lắm. Một gã cao bồi luôn mang theo mũ, một cặp kính và một nụ cười đến sung sướng, đến hân hoan…”  Nhạc sĩ Trần Tiến đã chân tình nhận xét về người bạn thân của mình như vậy.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Đàn ông tuổi Mùi may mắn lắm!

Nguyễn Cường: - Ừ, thì các cụ vẫn nói : “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi…”. Cứ thân anh mà suy thì tuổi mùi không làm lãnh đạo được, tuổi mùi mà làm lãnh đạo là tiêu. Anh cảm giác thế, chỉ là nghiệm ra từ đời sống của mình thôi. Kể cả một ông mà quá là nổi tiếng như Goóc-pa- chốp đấy thôi…

Anh có thấy mình là người luôn gặp may?

Nguyễn Cường: - Gặp may à? Lúc nào anh chẳng thích vui, lúc nào cũng thấy mình là người sung sướng. Này nhé, mình đã được sinh ra trên cõi đời này, được làm công việc mình yêu thích này… Nói chung, cứ được làm một con người đã là hạnh phúc và sung sướng lắm rồi.

Anh lúc nào cũng lạc quan, chả nhẽ anh không bao giờ buồn sao?

Nguyễn Cường: - Anh lúc nào cũng thấy vui, thích vui. Ít nhất có 3 lần trong ca khúc của anh có câu: Bài ca của anh không biết buồn.

Soạn: AM 470296 gửi đến 996 để nhận ảnh này
NS Nguyễn Cường

Có phải vì thế mà các ca khúc của Nguyễn Cường không bao giờ ẩn chứa nỗi đau đời sâu sắc?

Nguyễn Cường: - Anh cho rằng bài hát buồn hay vui đều có giá trị. Nhưng anh thích niềm vui nên anh hướng các bài hát của mình vào những niềm vui. Anh cũng có bài hát “đau” đấy chứ, nhưng rất ít, như bài Đàn cầm dây vũ dây văn chẳng hạn. Nỗi đau chất chứa đầy những khao khát, là nỗi đau lớn chứ không phải những nỗi buồn lặt vặt.

Nỗi đau lớn ở đây có thể hiểu như thế nào?

Nguyễn Cường: - Cũng khó để định nghĩa một cách chính xác nỗi đau nào lớn và nỗi đau nào không lớn. Với anh, ví dụ như người đàn bà bị phụ tình, 15 năm gặp lại, và người đàn ông không biết rằng mình đã có một đứa con với người tình cũ. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Công Trứ với cô hát ả đào. Đấy là nỗi đau chứ! Không có nghĩa là gặp lại để oán thán, chỉ để chia sẻ thôi. Nỗi đau kìm nén thế cơ mà! Đấy, bài “Đàn cầm dây vũ dây văn” nói về nỗi đau đấy!

Còn anh, có khi nào gặp nỗi đau hạnh phúc như thế?

Nguyễn Cường: - Cuộc đời của mọi người thông qua mình là chất liệu để đi vào tác phẩm. Cái đó mới quan trọng. Anh không thích nói về những chuyện riêng tư.

Nghĩa là anh chỉ đau bằng nỗi đau của người người khác?

Nguyễn Cường: - Không, cái đó không có nghĩa là mình không có nỗi đau mà mình lại bịa ra. Nghệ sĩ là phải trải nghiệm, qua chính mình và qua đời sống mà mình tiếp nhận được.

Tác phẩm của Nguyễn Cường tràn ngập yêu thương, suy ra: anh là người yêu rất nhiều?

Nguyễn Cường: - Đúng! Lúc nào cũng tụng ca tình yêu, ca đến sung sướng, đến hân hoan và thực ra con người sống ở trên đời để làm gì, chẳng lẽ lại để kiếm sống và để ăn à? Sống là để yêu chứ!

Yêu nhiều có tốt không?

Nguyễn Cường: - Không phải yêu nhiều mà là yêu sâu, yêu nhiều thì chẳng phải là yêu. Một anh chàng mà yêu 2 cô gái cùng một lúc chắc không phải là yêu rồi, thí dụ thế!

Có khi nào vợ anh thắc mắc về bài hát nào đó của anh không?

Nguyễn Cường: - Không, vợ anh rất hiểu điều đấy, có lần chị ấy chỉ nói đùa là: khi nào đó em sẽ “truy cứu” ca từ. Nhưng chỉ là nói đùa thôi. Bởi như nhà văn ấy, có phải cứ viết về cái chết thì bắt người ta phải chết à, đúng không? Không phải chuyện ấy, chưa chắc cái người đã yêu là viết được, có khi một người không yêu viết về tình yêu còn hay hơn.  Vợ anh đặc biệt không bao giờ thích dính dáng đến công việc của chồng. Chỉ đứng bên cạnh hoặc đứng đằng sau anh thôi. Vợ anh tuổi Nhâm Dần, vua hổ mà, nên thích độc lập.

Anh sợ vợ không?

Nguyễn Cường: - Anh nghĩ sợ vợ là tốt. Thằng đàn ông nào không sợ vợ là thằng đàn ông... hèn… Nhưng sợ vợ ở đây không phải là theo nghĩa đen, theo nghĩa thông tục. Hay nói cách khác là người đàn ông nên... chơi trò chơi sợ vợ.

Soạn: AM 470298 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Có nhạc sĩ bảo, anh là người không cần tiền?

Nguyễn Cường: - Nói thế cũng không đúng. Bởi vì không ai dám nói là mình không cần tiền. Mà thái độ với tiền và cách tiêu tiền, cách nhận tiền là cách ứng xử văn hóa của từng người. Có khi một người đưa cho mình 1 triệu đồng mình lại quý hơn cái thằng đưa cho mình 5 triệu đồng. Quan trọng là thái độ. Anh cho rằng viết theo đơn đặt hàng chẳng có gì xấu. Đấy mới là chuyên nghiệp. Nhưng có cái khổ của nhạc sĩ, khác với anh thợ mộc, làm ra cái bàn, người ta đến xem thấy đẹp thì bảo làm cho tôi một cái như thế này. Nhưng bảo, Nguyễn Cường ơi, viết một bài về M’Drak như “Ơi M’Drak”, thì chịu. Nếu như em đưa cho anh một củ khoai hay đưa cho anh một tỉ đồng , đặt anh viết, anh đều viết. Nhưng không phải là ít tiền thì viết sẽ không hay nhé!

Anh sẽ bị lợi dụng?

Nguyễn Cường: - Anh không biết, mà anh cũng không quan tâm đến điều đó. Anh luôn nói thẳng với những người đến đặt hàng với mình, tiền ít không có nghĩa là không hay và đặt nhiều tiền sẽ viết hay hơn nhưng qua việc đặt ít hay nhiều vẫn có thể hiểu người ta trân trọng mình đến mức nào, cần mình đến mức nào. Một đại gia đến gặp mình lại đưa cho mình 500 ngàn đồng để viết thì rõ ràng nó không tôn trọng mình rồi, thí dụ thế!

Nguyễn Cường sinh ra đã đầy đủ và sung sướng?

Nguyễn Cường: - Không, tuổi thơ của anh cũng thăng trầm lắm chứ. Từ khi sinh ra đến năm 10 tuổi thì gia đình cũng đầy đủ. Gia đình tư sản mà. Sau đó khi anh bắt đầu vào trường nhạc, thời thế thay đổi, gian khổ vô cùng. Anh và nhạc sĩ Cát Vận phải ăn chung một suất ăn tập thể, đói lắm. Học thì không có đàn, toàn dậy từ 5h sáng để đi học ké. Bây giờ nhìn thấy con cái có đàn đầy đủ mà nhiều khi thấy chúng nó không có ý thức học anh cũng buồn.  

Khổ sao anh không đi làm thêm?

Nguyễn Cường: -  À, anh quyết tâm không đi làm. Có chết đói cũng không đi làm.

Anh có sợ già không?

Nguyễn Cường: -  Không hiểu là anh có sợ không nhỉ?! Có hai điều để nhận biết tuổi già: tuổi tác, cái này thì cũng không quan trọng lắm vì anh không thể sống đến 200 tuổi được. Cái này mới là ghê này, khi mà anh không còn khao khát, không còn sức sáng tạo, đấy mới sợ. Anh thì thấy mình vẫn còn nhiều khao khát lắm!

Nhiều người bảo nhạc của anh không sâu sắc? Anh có biết không?

Nguyễn Cường: - Biết chứ. Nhưng đâu phải cứ có buồn đau trong ca khúc mới là sâu sắc? Thế cứ người không nói là sâu sắc à? Sâu có nghĩa là nói đến tận cùng của vấn đề là sâu, nói đến tận cùng của niềm vui là sâu. Chứ không phải làm bộ mặt buồn gọi là sâu.

Bao giờ anh bớt khao khát, bớt yêu?

Nguyễn Cường: - Trời cho thế nào thì biết đến thế ấy thôi. Anh có ý tưởng viết một bài hát: Trời cho là được - đất gọi là đi. Có số cả thôi. Mỗi bài hát của anh còn có “số” cơ mà. Có những bài hát mà mình cứ nghĩ là ba lăng nhăng, mình vứt nó đi, không còn lưu bút về nó nữa thì nó vẫn tồn tại.

Ví dụ?

Nguyễn Cường: - Như bài “Tôi về đây nghe sóng”. Có mấy anh công an Quảng Ninh đến đặt anh viết một ca khúc dựa trên một bài thơ của một ông công an có tên là Đăng Chức. Anh quên bẵng hẳn đi, đến một hôm họ đến đòi bài hát. Mà anh đã viết đâu. Thế là anh cầm bài thơ và tìm cách chuồn ra quán cafe đầu phố Hàng Bạc. Khi họ chưa mang cafe ra anh đã viết xong và hí hửng mang về. Không phải là “Tôi về đây nghe sóng, sóng hát từ bao giờ…” mà là “Ai đặt tên cho đất, đất có tự bao giờ…người chiến sĩ an ninh, gìn giữ đất quê hương”. Nó là như thế cơ.

Sao lại có hai lời cho cùng một bài nhạc?

Nguyễn Cường: - Bài ấy được ca sĩ Lệ Quyên hát, sau đó cô ấy có gặp anh và bảo: Anh Cường ơi bài này nhạc hay quá, em nhờ Phan Đan thay lại lời để hát cho mọi người cùng nghe nhé! Và cô ấy cũng thuyết phục được các anh công an ở Quảng Ninh đồng ý điều ấy. Cách đây khoảng 2 năm, anh đến chơi chỗ bản quyền tác giả chỗ anh Phó Đức Phương ấy, thì anh Phương bảo: Ông Cường ơi, có người đang kiện ông đây này. Hóa ra chính là ông Đăng Chức, tác giả có cái bài thơ về công an ấy. Anh mới bảo: “Có một bài thơ người ta có thể nhiều bài nhạc, và cũng có thể có một bài nhạc mà có nhiều ca từ. Đó là quyền. Bài này khi là Ai đặt tên cho đất thì là của tôi với ông, còn khi là Tôi về đây nghe sóng thì là của tôi với Phan Đan” . Thực ra anh cũng hiểu cái bức xúc của Đăng Chức. Đấy, nhiều khi khổ thế đấy.

Soạn: AM 470300 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Phần đông người nghe đều nghĩ anh là nhạc sĩ của Tây Nguyên?

Nguyễn Cường: - Sai! Anh không phải là nhạc sĩ của đề tài. Anh là nhạc sĩ của chất liệu âm nhạc. Tây Nguyên là một chất liệu âm nhạc chứ không phải là một đề tài. Trong Con đường âm nhạc số 3 tối nay (10/07), anh sẽ đưa vào một chất liệu âm nhạc nữa là đồng bằng Bắc bộ. Điểm xuất phát của anh là bằng âm nhạc chứ không phải bằng chữ nghĩa, không phải mang thơ của các ông ấy đi phổ. “Sao không phôn cho anh, cao nguyên giờ vẫn mưa. Sao không nghe anh phôn Hà Nội đã sang thu. Chiều thu không có em buồn biết mấy…”, đấy, đâu phải là đề tài Tây Nguyên, tình yêu đấy chứ!

Anh rất lãng mạn, trong ca khúc, vậy trong cuộc sống, sự lãng mạn đã bao giờ đi “quá” chưa?

Nguyễn Cường: -  Quá ở đây là như thế nào?

Là thay vì chỉ nhìn từ xa một em rất xinh để viết ra một ca khúc, thì anh yêu cô ấy để cảm nhận, để trải nghiệm tình yêu, để viết về cô ấy?

Nguyễn Cường: - Đấy là việc của anh, làm sao mà anh có thể cho không được nhờ? Em bảo anh không cần tiền thì cái câu này là phải mua bằng tiền mà là bằng nhiều tiền đấy nhá! Mà này, có biết đàn ông có mấy loại không? Có hai loại: một là Kính thưa các đồng chí bị lộ và hai là Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ.

Với anh, ai là người phụ nữ đẹp nhất?

Nguyễn Cường: - Thị Mầu, người phụ nữ đẹp nhất, Việt Nam nhất đấy! Anh nghĩ rằng cha ông ta đã ký thác vào nó, mà nhiều người không biết được. Em có biết tại sao lại gọi là Thị Mầu không? Em tưởng đấy là cái tên ngẫu nhiên người ta đặt à, không có đâu. Gọi Thị Mầu bởi nó màu mỡ, nó nảy nở, nó khát sống, nó khát yêu. Tại sao gọi Thị Kính? Em kính chị, em thờ chị nhưng em không yêu chị được. Em thích làm Thị Kính hay Thị Mầu? …

Cảm ơn anh, chúc nhạc sĩ Nguyễn Cường thành công trong chương trình tối nay.

  • Đinh Bích Ngọc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,