Phố cổ Hà Nội tiến tới di sản thế giới - Hành trình chưa bắt đầu
08:20' 02/08/2003 (GMT+7)
Chưa biết bao giờ mới được công nhận là di sản thế giới.

(VietNamNet) -  "Cứ bàn đi, bàn cho kỹ đi đã..." - GS Sử học Lê Văn Lan đã trả lời như vậy khi được hỏi về việc đưa phố cổ Hà Nội vào lộ trình công nhận di sản văn hoá thế giới của UNESCO. Nói vậy thôi nhưng mọi người ai cũng biết ông là người rất tâm huyết với phố cổ Hà Nội, chẳng gì thì ông cũng sinh ra và hiện đang sống trong một không gian rất "phố"....

- Thưa giáo sư, ông cho rằng để hướng tới danh hiệu di sản thế giới - về phố cổ - vẫn còn phải bàn?

- Phải bàn chứ, bàn cho thật kỹ trước khi đưa vào thực hiện. Mọi người thấy đấy, chúng ta cũng đã bàn nhiều rồi, có nhiều hội thảo, nhiều ý tưởng dành cho tôn tạo phố cổ - nào là dự án phố đi bộ, nào là lập lại đường tàu điện, nào là biến phố Hàng Ngang, Hàng Đào thành vườn hoa, công viên... Tất cả những ý tưởng ấy đều rất tốt đẹp, đầy thiện ý, thiện tâm, đều chăm lo cho phố cổ nhưng khi đưa vào thực hiện thì... Đưa phố cổ hướng tới danh hiệu di sản thế giới cũng vậy, trên lý thuyết - hoàn toàn có thể được. Nhưng từ lý thuyết đến thực tế lại là một quãng đường dài. Và phần lớn những dự án vẫn còn đang nằm trên... giấy!

- Nghĩa là chúng ta vẫn chưa làm được gì?

- Mới chỉ làm được rất ít thôi. Có thể lấy ví dụ ngay ở Chương trình 05 của Thành uỷ Hà Nội do Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Phú Trọng ký từ tháng 5/2001. Trong đó khu phố cổ được "hưởng" vài dòng cơ bản thế này: "Lập dự án và tiến hành bảo tồn, tôn tạo thí điểm các tuyến phố và ô phố trọng điểm trong phố cổ Hà Nội. Thực hiện một bước quan trọng dự án giãn dân khu phố cổ". Chỉ "cơ bản" thế thôi mà suốt hai năm nay cũng chưa làm được gì nhiều. Nói qua về nhiệm vụ bảo tồn - tôn tạo, bây giờ khu phố cổ đã khoanh lại 100 ha, 8 vạn dân, khoảng 1000 nhà cổ, địa bàn 10 phường và quan trọng là 80 phố - hiện thực, cụ thể quá rồi còn gì! Chưa nói đến việc bàn xem nên thi công, quét vôi, rào tường... như thế nào, chỉ lựa chọn tuyến phố nào để thí điểm thôi cũng còn đang tranh cãi. Tình hình này đến 2005 chắc giỏi thì tôn tạo được 2-3 phố.

- Còn về chủ trương giãn dân thì sao, thưa ông?

- Dù với mục đích hướng tới danh hiệu di sản thế giới hay quy hoạch phố cổ thì mục tiêu trọng điểm của thành phố vẫn là nâng cao chất lượng sống, nâng cao cảnh quan cho khu phố cổ, cho Hà Nội nghìn năm văn hiến của chúng ta.

Tôi rất thích chuyên khảo của một nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp có nhan đề: Chúng ta đã "chén" hết rừng rồi! Nói thật, nhiều khi cứ sợ rằng một lúc nào đó cũng phải hô lên rằng: chúng ta đã chén hết phố cổ rồi - thế thì thật là đau xót! Thử nghĩ mà xem, chúng ta có 8 vạn người trong 100 ha, một mật độ có thể vào Guiness như chơi, ngay như tôi cũng đang ở trong một gian phòng chỉ có... 6m2, kê được một chiếc giường rộng 60cm, khách đến quá hai người là phải ngồi ra lối đi chung... Trong không gian ấy, khó mà làm được cái gì gọi là bảo tồn với tôn tạo cho ra trò được. Thế là, vì chất lượng dân cư và cũng vì nguy cơ sợ họ "nuốt" mất phố cổ nên giãn dân mới trở nên nhiệm vụ bức xúc hơn bao giờ hết. Nhưng suốt hai năm qua chúng ta cũng mới chỉ thực hiện được một "mẫu mực của sự giãn dân" đấy là chuyển 5 hộ dân cư từ số nhà 87 phố Mã Mây sang phố Hàng Bạc, cũng nằm trong khu phố cổ. Đấy là "thí điểm" giãn dân một trong số 1000 nhà cổ thống kê được với kinh phí được Pháp tài trợ.

- Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì và trong thời gian bao lâu?

- Bà KTS Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó trưởng ban thường trực BQL phố cổ Hà Nội đã ví phố cổ như một cô gái rất xinh nhưng không được đi thi hoa hậu nên không ai biết được cô ấy đẹp thế nào. Tham gia vào lộ trình của UNESCO tiến tới công nhận phố cổ Hà Nội là di sản thế giới cũng như là đăng ký đi thi vậy. Theo tôi, muốn thế giới công nhận, muốn "đăng quang" thì trước hết phải làm đẹp cho "cô gái - phố cổ" ấy đã. Muốn vậy, chúng ta phải có một đội ngũ trí thức, chuyên gia thực sự am hiểu lịch sử, truyền thống, thực sự yêu và tâm huyết với phố cổ... Không phải bỗng dưng tôi lại bảo: cứ bàn đi đã, bàn thật kỹ trước khi cho ra một quyết định hợp tình, hợp lý và nhất là phải hợp lòng dân.

Công việc bảo tồn, tôn tạo phố cổ không thể chỉ làm trong chốc lát. Nó đòi hỏi một quá trình thật tỉ mỉ. Ngay như Hội An, điều kiện thuận lợi hơn Hà Nội rất nhiều nhưng vẫn phải khổ công ở từng mái nhà, từng góc phố mới có thể trở thành di sản thế giới. Tôi muốn nói rằng : phố cổ Hà Nội - hành trình hướng tới danh hiệu di sản văn hoá thế giới mới chỉ bắt đầu....

  • Bích Vượng (thực hiện)
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tràng Tiền: Phố đi bộ hay nửa đi bộ? (01/08/2003)
Kỷ lục thế giới mới: Bữa tiệc khiêu vũ kéo dài 51 giờ (01/08/2003)
Robbie Williams tham gia sự kiện lớn nhất của âm nhạc Anh (01/08/2003)
Các tài năng trẻ cần phải được tiếp tục giúp đỡ (01/08/2003)
Festival Huế 2004: Thêm hai ''sân hội'' mới (01/08/2003)
"Phượng hoàng lửa" chấm hết sự nghiệp nghệ thuật của Lưu Hiểu Khánh? (01/08/2003)
"Hà Nội 36 phố phường với ý tưởng cho một Góc phố đẹp" (01/08/2003)
Ngày hội trang phục các dân tộc và nghề truyền thống Việt Nam 2003 (01/08/2003)
Ricky Martin đến Australia (31/07/2003)
Vân Khánh với album đặc biệt ''Thương Huế mùa Đông'' (01/08/2003)
20/8 bắt đầu "VTV Bài hát tôi yêu" lần 2 (31/07/2003)
Độc đáo búp bê dân tộc phục vụ SEA Games 22 (31/07/2003)
"Hoa đất làng nghề"- triển lãm đầu tiên của nữ hoạ sĩ Phạm Thị Thuỳ (31/07/2003)
Bỏ khâu đăng ký kế hoạch đề tài (31/07/2003)
Cần một cú hích cho Mỹ Sơn (31/07/2003)
Tro ve dau trang