,
221
1341
Tin nổi bật
tinnoibat
/tinnoibat/
880444
Sóng thần không còn đe dọa Việt Nam
1
Article
null
,

Sóng thần không còn đe dọa Việt Nam

Cập nhật lúc 02:04, Thứ Tư, 27/12/2006 (GMT+7)
,

Đã qua đi nguy cơ một trận sóng thần ở vùng ven biển Thái Bình Dương... Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương yêu cầu các địa phương thông báo cho nhân dân trở lại sinh hoạt bình thường.

>>> Đe dọa sóng thần lùi dần sau động đất tại Đài Loan
>>> Dân bờ biển VN khẩn cấp sơ tán tránh sóng thần

Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cùng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương thông báo khẩn cấp cảnh báo sóng thần lúc 22h15 ngày 26/12. Cảnh báo này dựa trên nguồn tin của Trung tâm cảnh báo sóng thần Tây bắc Thái Bình Dương, thuộc Cơ quan khí tượng Nhật Bản.

Soạn: HA 993957 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ảnh minh họa (Nguyên Sa)

Lúc 19h34 phút (giờ Hà Nội) đã xảy ra động đất 7,2 độ richter ở tọa độ 21,8 độ vĩ bắc, 120,6 độ kinh đông, phía nam đảo Đài Loan. Trận động đất đã làm rung chuyển cả Đài Loan. Hiện chưa thống kê được thiệt hại.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương đã yêu cầu các địa phương thông báo khẩn cấp, tổ chức sơ tán dân và tàu thuyền ven bờ. Người dân được hướng dẫn chạy sâu vào đất liền 300-500m, tìm nơi đất cao để tạm trú.

Tuy nhiên, lúc 23h ngày 26/12, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cho biết, nguy cơ sóng thần không còn khả năng ảnh hưởng đến vùng bờ biển Việt Nam. Các địa phương cần thông báo cho nhân dân trở lại sinh hoạt bình thường.

Trước đó, thông tin cảnh báo sóng thần tại bờ biển VN của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương được các đài phát thanh và truyền hình phát đi đã gây hoảng loạn trong dân chúng ở nhiều địa phương từ Quảng Bình đến Cà Mau.

Người dân vùng biển nhốn nháo di dời

Nhiều hộ dân ở phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã tìm cách di dời bằng taxi ngay trong đêm qua 26-12. Số người còn lại đang trong tình trạng lo âu dù nguy cơ sóng thần đã qua. Trong ảnh: người dân tổ 35, Thanh Khê Đông suốt cả đêm qua không ngủ được (ảnh chụp lúc 0g ngày 27-12) - Ảnh: Đăng Nam (Tuổi Trẻ)

Chính quyền các địa phương đã họp ngay trong đêm để triển khai việc di dời dân hoặc tính đến các phương án di dời dân.

Tại Quảng Bình, lúc 22g30, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã phát lệnh trực chiến cho toàn bộ lực lượng bộ đội biên phòng ở tất cả các cửa sông, cửa biển xung yếu như Roòn, Gianh, Nhật Lệ, Lý Hòa... nhằm đối phó với khả năng sóng thần xảy ra. Người dân ở đây, tỏ ra rất lo lắng, gọi điện thông báo cho người thân biết để có biện pháp phòng tránh. Rất nhiều người dân sống ven bờ biển Nhật Lệ tập trung ra đường Trương Pháp bàn tán, theo dõi tình hình. Số người dân sống ở các hàng quán dọc bờ biển đã chở con nhỏ, mang một số vật dụng quan trọng vào nhà ở sâu trong đất liền.

Theo chỉ đạo từ UBND tỉnh, các địa phương phải túc trực sẵn sàng di dời 2.000 hộ dân với hơn 10.000 người vào nơi an toàn, trong đó đặt tình trạng di dời khẩn cấp đối với 400 người ở Quảng Trạch, Bố Trạch. Toàn bộ các vùng có tàu thuyền neo đậu cũng đã được thông báo tình hình sóng thần.

Tại Thừa Thiên - Huế, 22h, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã phát đi công điện khẩn yêu cầu chủ tịch các huyện, thành phố, các cơ quan ban ngành: tìm cách để thông báo khẩn cấp thông tin sóng thần, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn, neo đậu an toàn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Nguyễn Huy Ngọc và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Thiện triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và phân công cán bộ lãnh đạo tỏa đi 5 nhánh: Phú Vang, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc để chỉ đạo các huyện triển khai công tác di dân khẩn cấp. Trên dọc tuyến đường, hàng trăm hộ dân các xã Thuận An, Phú Thuận... đã dùng tất cả mọi phương tiện từ xe máy, taxi và kể cả chạy bộ chạy ngược lên Huế để tránh sóng thần...

Người dân ven biển Đà Nẵng di tản trong đêm. Ảnh Hữu Trà (Thanh Niên)

Tại Đà Nẵng, ngay trong đêm 26-12, nhiều hộ dân sống dọc bờ biển thuộc các quận Thanh Khê (Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Tam Thuận, Xuân Hà), quận Liên Chiểu (Hòa Minh, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc...) cùng hàng nghìn hộ dân khác của hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn trở nên nháo nhác.

22h30, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã xuống các khu vực dân cư để trực tiếp chỉ đạo tình hình. Ông cho biết đã tập trung toàn bộ lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng... sẵn sàng ứng cứu ngay khi có trường hợp xấu xảy ra.

Tại khu vực Nam Ô, Xuân Thiều - nơi cách đây gần hai năm người dân tại khu vực này đã phải bồng bế nhau di dời lên đèo Hải Vân vì có tin sóng thần - nay cũng đã vội vàng di dời. Tại phường Thanh Khê Tây, chính quyền địa phương tính đến phương án sơ tán dân lên cao, nhiều hộ dân đã gọi taxi đến tận nhà để sơ tán, khiến tình hình tại nhiều khu dân cư càng trở nên nhốn nháo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ lúc 23g, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cho biết các phương án di dời 20.000 dân ở các vùng ven biển đã sẵn sàng, tất cả lãnh đạo của các quận và phường ven biển đều phải trực 24/24 chờ TP phát lệnh sơ tán. Đến 23g30, thành phố thông báo để người dân các địa phương an tâm không có sóng thần.

Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh đã họp khẩn với các ban ngành liên quan triển khai các biện pháp trong trường hợp sóng thần xảy ra. Lúc 21g, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu tất cả các đơn vị di dời dân để tránh khả năng sóng thần. Đến 23g, chính quyền tỉnh đã ra lệnh dừng việc di dời dân.

Lệnh di dời dân do phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Xuân Hòa, ký được thông báo vào khoảng gần 23g. Ngay sau đó, việc di dời dân được tiến hành ở các xã ven biển từ Phước Diêm đến Vĩnh Hải (khoảng 70.000-80.000 dân). Ở một số vùng, những người dân đã bắt đầu rút sâu theo hướng vào đất liền khoảng 300m. Việc di dời diễn ra trong trật tự và người dân phần nào yên tâm khi các lực lượng công an, dân quân triển khai ngay việc bảo vệ nhà cửa, tài sản của họ.

Cũng trong đêm qua, UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện ven biển Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa khẩn cấp triển khai phương án di dời dân ở vùng triều cường, xung yếu như các xã Xuân Hải, Xuân Hòa (Sông Cầu), An Ninh Tây, An Hòa, An Hải (Tuy An), Hòa Tâm (Đông Hòa), thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa)…

Tại Cà Mau, vào khoảng 23g, chủ tịch UBND tỉnh Bùi Công Bửu phát công điện khẩn cho các địa phương ven biển về việc di dời dân. Tại các vùng ven biển như Sông Đốc, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm..., tình trạng hoảng loạn đã xảy ra. Khá nhiều người đã thuê canô lên TP Cà Mau để tránh sóng thần. Tuy nhiên, sau khi VTV thông báo không còn ảnh hưởng của sóng thần, người dân đã bình tĩnh trở lại.

TP Hồ Chí Minh: Ngay sau khi nhận được tin cảnh báo nguy cơ sóng thần, người dân TP.HCM đặc biệt là huyện Cần Giờ và những hộ sống ven sông rạch đã hết sức bàng hoàng, lo lắng. Huyện Cần Giờ đã cho phát loa kêu gọi người dân bình tĩnh.

Những hộ sống ven biển khẩn trương sơ tán lên những khu vực cao nằm sâu trong đất liền, cách bờ biển tối thiểu 500m, yêu cầu chủ các tàu thuyền đưa tàu, thuyền ra xa bờ. Ngay trong đêm, lãnh đạo lực luợng biên phòng đã gấp rút xuống huyện Cần Giờ để cùng địa phương chỉ đạo việc sơ tán dân.

23 giờ 5 phút, bản tin cuối ngày của VTV1 phát đi cho biết sóng thần không còn khả năng ảnh hưởng đến vùng biển Việt Nam, Văn phòng Ban chỉ huy PCLB cũng phát lệnh ngừng sơ tán dân.

Người dân huyện Cần Giờ như vừa thoát khỏi tảng đá đang đè nặng trên ngực. Tuy không còn hoảng hốt nhưng phải mất nhiều giờ, mọi sinh hoạt của người dân nơi đây mới trở lại bình thường.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trên các tuyến đường dọc bờ bãi ở bãi trước và bãi sau, hầu hết người dân sinh sống ở đây đều đã chuẩn bị thu dọn những tài sản có giá trị. Nhiều xe đã chở người dân Vũng Tàu lên TP.HCM, những dòng người đen kịt đi trên đường Bình Giã. Hàng nghìn người nhốn nháo đổ xô di tản lên hai núi lớn và núi nhỏ để tránh sóng thần. Ủy ban Phòng chống lụt bão tỉnh tập trung các phương tiện để di tản dân ven biển ở Long Hải, Phước Hải, Bình Châu vào các khu vực an toàn cách bờ biển hơn 300m...

Dù nhận được lệnh chuẩn bị di dời nhưng nhiều người dân Kiên Giang vẫn bình tĩnh chờ đợi. Khoảng 23g45, ông Phạm Thành Tươi - phó chủ tịch UBND tỉnh - đã gọi điện cho các địa phương để rút lại lệnh di dời dân. Tại Tiền Giang, không khí hoảng loạn đã diễn ra ở các xã vùng biển Tân Thành, người dân dùng tất cả các phương tiện để chạy về Gò Công, một số hộ dân xin được tạm trú tại các nhà dân ở xa vùng biển.

Theo ghi nhận của nhóm PV Tuổi Trẻ, đến 0g30 sáng nay (27-12), một số người dân ở các địa phương vẫn chưa trở về nhà.

Đài Loan: 1 người chết, 3 người bị thương

Trước đó, vào lúc 19g34 (giờ VN) ngày 26-12, đúng vào thời điểm cả châu Á cùng tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa động đất và sóng thần tại Ấn Độ Dương tròn hai năm trước đây, một trận động đất có cường độ 6,7-7,1 độ Richter xảy ra tại phía tây nam quần đảo Đài Loan, dẫn đến cảnh báo nguy cơ sóng thần. Trận động đất có tâm chấn sâu 22km dưới lòng biển phía tây tây nam bán đảo Hengchun, thuộc mũi phía nam quần đảo Đài Loan.

Theo Cục Thời tiết trung ương Đài Loan, cơn địa chấn có cường độ 6,7 độ Richter. Tuy nhiên, Cơ quan khí tượng Nhật (JMB) và Trung tâm Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) khẳng định trận động đất mạnh tới 7,1 độ Richter. Ngay sau đó là một đợt dư chấn mạnh tới 7 độ Richter. Các tòa nhà tại Đài Bắc rung chuyển, cửa kính vỡ tan.

Trận động đất cũng gây hỏa hoạn và làm hai căn nhà tại thành phố Pingtung sụp đổ, khiến một người chết và ba bị thương nặng, bốn người khác bị chôn vùi trong đống đổ nát. Đường phố Pingtung xuất hiện nhiều vết nứt rộng, một cây cầu lớn bị hư hại nặng. Miền nam Đài Loan rơi vào cảnh mất điện trên diện rộng. Sóng chấn động cũng lan đến cả Hong Kong và miền nam Trung Quốc.

Ngay sau khi trận động đất diễn ra, JMB cảnh báo nguy cơ sóng thần hướng về phía thành phố Basco, thuộc tỉnh Batanes, Philippines, cách tâm chấn khoảng 200km. Tuy nhiên, hai giờ sau, JMB thông báo mối nguy cơ đã qua khi không có dấu hiệu sóng thần lớn xuất hiện.

 

(TTXVN,Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong)

 

,
,