221
12025
Tin Nhanh
tinnhanh
/tinnhanh/
1308002
Li kì chuyện chữa khỏi bệnh bằng “phép thuật”...
0
Article
null
Li kì chuyện chữa khỏi bệnh bằng “phép thuật”...
,

“Thầy” vừa đọc thần chú vừa ấn mạnh hai ngón tay vào ổ bụng nơi tôi bảo đau bấy lâu nay. “Bị đau dạ dày rồi, phải chữa trị bằng phương pháp Quan Thế Âm mới khỏi”, thầy phán. Người “thầy” đó là cô Bốn Ơn (Phước Lộc II, Hòa Thành, Đông Hòa, Phú Yên).

TIN BÀI KHÁC

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

Theo tin đồn, cô có khả năng chữa bách bệnh từ ung thư, thay van tim, đau dạ dày, đường ruột... bằng phương pháp xoa bóp và đọc thần chú làm phép.

Trị bằng "Phương pháp Quan Thế Âm"

Bệnh nhân đến chờ cô Bốn Ơn khám và chữa trị


Trong vai những người bị đau dạ dày mãn tính, chúng tôi đến với cô Bốn. Vừa tới đầu thôn Phước Lộc II, hỏi nhà cô Bốn Ơn, một người sửa xe sốt sắng chỉ dẫn: “Bà thầy chữa bách bệnh chứ gì? Em cứ đi theo con đường bê tông vào khoảng 500m thấy nhà ba tầng đó là nhà bà”. Vừa chạy xe vào chừng 300m, trước mặt chúng tôi xuất hiện hàng loạt dịch vụ giữ xe.

Biết chúng tôi đến “khám bệnh”, người đàn ông giữ xe hướng dẫn: “Đi vào nhà cô Bốn Ơn anh lên thẳng tầng ba, phải tuyệt đối im lặng và tắt điện thoại, nếu ồn ào thần linh không về là cô không chữa cho đâu. Chữa bệnh thì phải chịu đau không được kêu ca, có khi ma nhập bà đánh dữ lắm. Chữa ở đây phải kiên nhẫn, chữa lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai là hết được”.

Cũng theo lời người thanh niên giữ xe thì mỗi ngày anh giữ từ 60 - 70 chiếc, có khi cao điểm lên tới hàng trăm chiếc từ khắp nơi trong tỉnh về đây chữa trị. Theo hướng dẫn, chúng tôi dễ dàng tiếp cận căn phòng chữa bệnh của cô Bốn. Phòng rộng chừng 20m2, phía dưới là bàn thờ người chồng quá cố của cô Bốn Ơn, phía trên là bàn thờ Quan Thế Âm và các vị thần linh khác. Căn phòng lúc nào cũng nghi ngút mùi hương và chật ních bệnh nhân.
Cô Bốn Ơn “chữa bệnh” trong trạng thái lờ đờ nửa tỉnh nửa mơ

Người đến khám bệnh đủ mọi lứa tuổi và thành phần: người già, học sinh, trung niên, nông dân, công chức... Ngồi cạnh tôi là cô bé Bùi Thị Thanh Ý (16 tuổi) tay khấn liên hồi. Em mắc chứng bệnh hở van tim bẩm sinh vừa mới được cô Bốn Ơn “thay lại van tim” cách đây một tháng và mỗi tuần em phải đến nhà cô ba lần để “tái khám”. Tôi thắc mắc thay bằng cách nào, Ý nói gọn lỏn: “Lấy của người chết thay cho người sống đó anh”. Theo lời cô bé Ý, vào các ngày số cuối 3 và 8 âm lịch hàng tháng cô Bốn Ơn tổ chức các ca “thay” não, tim, dạ dày cho những ai bệnh nặng, nhưng phải đăng ký trước một tuần.
Cô Bốn Ơn chữa mắt cận thị cho một bệnh nhân

Câu chuyện giữa tôi và bé Ý đang tiếp diễn thì cô Bốn Ơn xuất hiện. Với quần kaki trắng, áo thun, dáng người mập mạp, mặt đánh phấn hồng, môi son đỏ, cô bước vào tiến tới bàn thờ khoác vội lên mình chiếc áo nâu sồng và bắt đầu chữa bệnh. Sau màn khấn vái và gọi thần linh về, khuôn mặt cô lúc này nửa tỉnh nửa mơ, miệng liên hồi lẩm bẩm thần chú.

Tôi giả vờ ôm bụng hét toáng lên rồi lăn ra quằn quại trên đất. Cô Bốn ngừng khấn vái chỉ vào tôi nói: “Bị nặng vậy sao giờ mới tìm đến với cô?”. Liền sau đó cô bước tới sờ tay lên bụng tôi xoa xoa rồi phán: “Bị đau dạ dày giai đoạn cuối rồi, phải điều trị bằng phương pháp Quan Thế Âm mới hết”. Tôi vờ nhăn nhó hỏi: “Phương pháp Quan Thế Âm là như thế nào thưa cô?”. Cô quát: “Chuyện với thần thánh biết gì mà hỏi, thế giới bên kia đâu phải ai cũng biết, cứ nằm im đi”. Dứt lời một tay cô sờ lên bụng tôi, một tay chắp trước ngực lầm rầm khấn: “Bồ Tát, Bồ Tát”. Dứt một tràng khấn cô nói: “May là đến cô kịp không thì nguy, từ nay hàng ngày phải đến để cô chữa mới khỏi”. Tôi cám ơn cô rồi ôm bụng lủi ra ngoài.

Quay đầu nhìn lại thấy cô Bốn tiếp tục khấn “Bồ Tát, Bồ Tát” với một người đàn ông khác. Cứ như thế, ai đến cũng được cô “chữa trị” theo phương pháp xoa bóp và khấn vái, người nào nhanh thì 5 phút, chậm khoảng 10 phút.
Chữa bệnh đau cột sống bằng phương pháp bóp và đọc thần chú

Coi chừng "Tiền mất tật mang"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít người tin vào phương pháp chữa bệnh mê tín của cô Bốn Ơn đã rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Nhiều người mất hàng trăm triệu đồng nhưng cũng không thể giữ nổi tính mạng.

Một chủ doanh nghiệp vận tải lớn tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) mắc phải bệnh ung thư vú, được cô Bốn Ơn bùa phép gần bảy tháng. Gia đình bệnh nhân đã tốn hàng trăm triệu đồng nhưng cuối cùng bà cũng về với “Bồ Tát”. Vụ việc trên đã gây xôn xao dư luận trong vùng, các thành viên trong gia đình nạn nhân vô cùng bức xúc. Anh H.Đ, con trai của nạn nhân, kể lại: “Do bệnh nặng, chạy chữa khắp nơi không hết nên mẹ tôi tìm đến cô Bốn Ơn để chữa trị. Mỗi ngày mẹ tôi tới nhà bà hai lần, mỗi lần như vậy phải bỏ phong bì biếu cô từ 1 - 2 triệu đồng. Không biết bà thầy làm cách nào mà mẹ tôi tin theo răm rắp, nói gì nghe nấy. Mẹ đem gần 10 triệu đồng biếu bà ấy để xây nhà nữa chứ”.

Cũng theo lời anh H.Đ thì cô Bốn còn gợi ý cho mẹ anh: “Bỏ càng nhiều tiền thì càng nhanh hết bệnh”. Trước khi mất, mẹ anh H.Đ trăn trối: “Sau khi mẹ mất, các con phải qua nhà bà thầy ấy nói cho mọi người xung quanh biết đừng có theo loại người lừa đảo đó”. Cô Bốn luôn miệng nói chữa bệnh không nhận tiền nhưng trong quy trình bắt buộc trước khi “mổ não”, “thay van tim” phải có lễ đặt lên bàn thờ mới linh thiêng. Mỗi lần đặt phong bì như vậy phải từ 500 nghìn đồng trở lên. Vậy mà phương pháp chữa bệnh hoang đường vô căn cứ của cô Bốn vẫn được nhiều người tin tưởng. “Nếu bà ấy có khả năng chữa bách bệnh tại sao không chữa hết cho thằng em bị bệnh tâm thần mà cứ để nó đi ngoài đường cả ngày? Còn chồng bà bị tai biến mạch máu não nằm mấy năm rồi cũng chết sao bà không chữa?”, một người dân bức xúc nói

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng công an xã Hòa Thành - cho biết: “Bà Bốn Ơn tên thật là Đinh Thị Ơn, SN 1954, hành nghề chữa bệnh mê tín hơn bảy năm qua. Xã đã nhiều lần kiểm tra, mời bà lên ủy ban làm việc, viết giấy cam đoan. Sự việc trên cũng đã báo cáo lên cấp huyện để tìm cách giải quyết triệt để, tuy nhiên việc xử lý vô cùng khó khăn, vì không tìm ra chứng cứ nào để chấm dứt hoạt động mê tín của bà Ơn”(!?).

Với những gì chúng tôi đã ghi nhận, thiết nghĩ việc tìm ra bằng chứng không phải là điều quá khó nếu cơ quan chức năng cùng vào cuộc làm rõ vấn đề. Trong lúc chờ cơ quan chức năng đưa ra biện pháp xử lý, người dân bị bệnh nên tìm đến bệnh viện chữa trị, không nên tin vào lời dụ dỗ của cô Bốn kẻo “tiền mất, tật mang”.

(Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,