,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1129929
Đỗ Việt Khoa: Góc u tối và sự lấp lánh con tim
1
Article
null
,

Đỗ Việt Khoa: Góc u tối và sự lấp lánh con tim

Cập nhật lúc 03:06, Thứ Năm, 20/11/2008 (GMT+7)
,

-…Đời là vậy. Nơi này có thể là góc khuất u tối, nhưng nơi kia vẫn lấp lánh ánh sáng của con tim. Mà vì điều đó, nói như nữ sĩ Xuân Quỳnh, "cho con người trở lại người hơn". Đó có lẽ cũng chính là sứ mệnh của các nhà giáo chính trực.

 

Góc khuất u tối

 

Thật buồn và cũng thật xấu hổ, khi chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày tôn vinh các nhà giáo Việt Nam, thì sáng 17/11 mới đây, đồng loạt trên trang nhất các báo điện tử đưa tin: “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa bị hành hung, bị cướp máy ảnh(!). Nội dung câu chuyện chỉ vỏn vẹn: 22 giờ ngày 14/11, thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín- Hà Nội) đã bị một nhóm bốn người, trong đó có hai bảo vệ trường, và hai người khác ở huyện xông vào nhà đấm đá, xé rách áo của thầy Đỗ Việt Khoa và giật chiếc máy ảnh trị giá 19 triệu đồng, đập vỡ (sau đó vứt xuống ao).

 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa cho thầy giáo Đỗ Việt Khoa - Ảnh: VNN
Nguyên nhân của vụ “dằn mặt” này theo thầy Khoa, do thầy liên tục tố cáo những sai phạm của Trường THPT Vân Tảo lên Sở GD và ĐT Hà Tây (cũ) và Bộ GD và ĐT. Những người có chút am hiểu “sự kiện Đỗ Việt Khoa” và có lương tâm, sau phút sửng sốt, dường như đã không lấy làm lạ!

 

Lần thứ hai, hay thứ ba…thầy giáo Đỗ Việt Khoa lại tiếp tục “thua” trên sân nhà, sau những thời khắc dũng cảm chống gian lận thi cứ tại kỳ thi tốt nghiệp năm nào. Khác chăng, những lần trước, thầy Khoa “thua” vì bị xử theo “luật…lệ” của nhà trường, bị lập biên bản, bị cắt danh hiệu thi đua tiên tiến…bởi những nguyên cớ rất vu vơ...mà đến ngay người có trí tuệ trung bình nhất cũng hiểu, đó là sự trả thù ngọt ngào nhân danh đủ lý lẽ và tiêu chí “mô phạm”.

 

Còn lần này, thầy Khoa “thua” vì bị xử theo “luật rừng” một cách thô bạo, bị đánh đập, bị xúc phạm thân thể và bị cướp tài sản.

 

Có điều lạ, đã có hai người trong nhóm hành hung thầy Khoa, ngay ngày hôm sau, tới nhà thầy xin lỗi, cho biết họ được thuê để đánh thầy Khoa với giá 5 triệu đồng và họ sẵn sàng ra làm chứng.

 

Nhưng căn nguyên của câu chuyện hành hung thầy Đỗ Việt Khoa lại không vỏn vẹn như thế. Nó quanh co, ngoắt ngoéo hơn nhiều. Nó là sự kéo dài của sự xung đột, đối đầu, nói thẳng ra vẫn là giữa cái cái tốt và cái xấu, cái nhân bản và cái vô cảm, giữa sự chí tình vô tư và sự cá nhân vị kỷ, có khi trong mỗi con người, nhiều khi trong một tập thể.

 

Chỉ nản thay, con đường muốn sống và làm việc chính trực ở thầy, nó lại không có “hậu” như trong chuyện cổ tích thầy từng kể cho trò nghe, hay huy hoàng như trong sách giáo khoa thầy vẫn dạy. Mà nó chông gai, cay đắng, và tiếc thay vô cùng cô đơn, đơn độc.

 

Ông Trần Văn Xường, một trong hai bảo vệ đã lớn tiếng dọa nạt rằng, “Người đương thời Đỗ Việt Khoa” nay chỉ là “Người hết thời”. Nếu còn thích “chọc ngoáy”, theo cách nói của ông ta, thì sẽ giết cả nhà. Còn những người “khôn ngoan” hơn lại nói “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa là “Người không thức thời”, thậm chí “Người lỗi thời”.

 

Việc thầy Đỗ Việt Khoa bị hành hung liệu đã là cái kết cuối cùng chưa của một câu chuyện, mà sự dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực của một người thầy giáo tốt, rút cục rơi vào trạng thái “bùng nhùng”, luẩn quẩn, lẻ loi giữa sự vô cảm vì nhiều nguyên nhân của số đông đồng nghiệp, sự trả miếng ngấm ngầm ngụy danh, và cả sự thờ ơ của các cấp quản lý. Nó như minh chứng cho một triết lý sống thỏa hiệp mang tính răn đe, đã được con người ta tổng kết từ lâu: “Đấu tranh- tránh đâu”, như minh chứng cho một triết lý khôn ngoan:"Sống chung với tiêu cực".

 

Thầy Đỗ Việt Khoa đang kể lại chuyện bị hành hung - Ảnh: vietbao.vn
“Nhân vô thập toàn”, Đỗ Việt Khoa cũng chỉ là một con người với tất cả cái hay, cái dở, cái mạnh, cái yếu, cái mặc cảm thân phận và cái bướng bỉnh của người tin mình có lẽ phải, đến mức có người cho là "soi mói", thậm chí có lúc có cả sự ảo tưởng, hãnh tiến của một anh giáo làng. Nhưng không thể phủ nhận, thầy giáo Đỗ Việt Khoa có lý tưởng của đời mình, đến mức trở nên “gàn”, “ngang ngạnh”. Trong thẳm sâu của sự “ngang ngạnh” ấy, có chất lấp lánh của con tim lương thiện, một niềm tin chính trực và sâu sắc về nghề

 

 Đó là dạy học phải thực sự vì cuộc đời, vì tương lai của học sinh thân yêu. Nó rất khác với không ít lối hành xử giáo dục, dạy học vì chính lợi ích của người nhân danh làm thầy, vì sự tiến thân và bổng lộc của người quản lý. Thái độ sống ấy, đương nhiên gây khó chịu và đối lập với số đông mệt mỏi vì cơm áo, muốn tìm sự an phận,  gây khó chịu và đối lập với những ai muốn lấy tỷ lệ tốt nghiệp gian dối làm “bàn đạp” của chính mình.

 

Bản chất thực hư của vụ hành hung thầy giáo Đỗ Việt Khoa như thế nào? Ai là người đứng đằng sau giật dây bốn người đã hành xử trên, là điều các cơ quan chức năng còn tiếp tục điều tra làm sáng tỏ. Nhưng việc cuộc sống của thầy giáo Đỗ Việt Khoa luôn bất an, bất ổn, liệu có làm cho lương tâm các cán bộ lãnh đạo, các cơ quan quản lý từ phòng, đến sở, đến Bộ GD và ĐT nghĩ gì không?

 

TIN LIÊN QUAN
Đã hơn một lần, thầy giáo Đỗ Việt Khoa viết thư gửi các cơ quan báo chí cầu  cứu. Cách đây ít tháng, người viết bài này đã phải đưa câu chuyện lá thư cầu cứu của thầy Khoa, một số phận nhà giáo thực sự bị “bạo hành tâm lý”, bởi những hệ lụy đấu tranh do chính thầy Khoa chọn lựa, để mong các cơ quan quản lý, ở đây là Bộ GD và ĐT có giải pháp.

 

Tại cuộc họp báo đó, ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT đã hứa sẽ xem xét và chỉ đạo ngành có hướng giải quyết. Không biết việc điều tra và xử lý, phân xử, giải quyết đúng sai của ngành có thành hiện thực hay không, đến mức độ nào?...Nhưng những ngày này, trong lúc xã hội, học sinh háo hức chuẩn bị kỷ niệm Ngày Nhà giáo VN 20/11, câu chuyện thầy giáo Đỗ Việt Khoa bị hành hung, để lại “dư âm” buồn và đáng hổ thẹn cho ngành GD và ĐT.

 

Hổ thẹn cho những ai đó, đứng đằng sau giật dây những người nông nổi, đẩy họ hành động nông cạn. Những ai đó, có thể hả hê vì thầy giáo Đỗ Việt Khoa bị đau thân thể thì ít, đau nhân phẩm thì nhiều. Nhưng việc làm ném đá giấu tay của họ lại bộc lộ góc khuất u tối, thảm hại của tâm hồn, bộc lộ sự lệch lạc của nhận thức, tư duy và nhân cách, dù họ chữ nghĩa có thể đầy mình.

 

Nó ngẫu nhiên như một phép so sánh tự nhiên với câu chuyện dưới đây về một cô giáo có thật, mà người viết, một sinh viên đã gửi cho Thư Thăng Long- Hà Nội. Đời là vậy. Nơi này có thể là góc khuất u tối, nhưng nơi kia vẫn lấp lánh ánh sáng của con tim. Mà vì điều đó, nói như nữ sĩ Xuân Quỳnh, "cho con người trở lại người hơn". Đó có lẽ cũng chính là sứ mệnh của các nhà giáo chính trực.

 

... Và sự lấp lánh của con tim: Cô giáo Hòe ơi... Mẹ của con ơi!

 

                                                                                                 (Viết cho T)

                                                                                                                                   

Nguồn ảnh: Gettyimages
Hôm giờ về quê, lúc đi ngang qua vườn sắn, tôi như "thấy" mẹ cặm cụi vạc cỏ, tôi gọi. Mẹ thảng thốt ngó trước ngó sau rồi giật tung cái khăn mặt che miệng vừa băng qua những cây sắn non vừa luống cuống lau mồ hôi. Mẹ vẫn thế, vẫn hấp tấp, tất bật. Hồi còn nhỏ, tôi thích nhất được ngồi xổm giữa vườn xem mẹ dỡ sắn. Tạng người mẹ nhỏ như chính những thứ khí độc của Trường Sơn năm nào hút hết từng dòng nhựa sống cuối cùng của người đàn bà một thời ăn và ngủ với Trường Sơn.

 

Tôi chợt nhớ da diết…

Từ trong vô thức, trong ký ức, tôi nhìn thấy người đàn bà đội lụp xụp cái nón rách, cúi gằm xuống mặt đường, dắt tay thằng bé con quoắt queo, đen nhẻm. Thằng bé luôn bấu chặt tay người đàn bà.

 

Họ đi như hai kẻ xa lạ. Bất cứ ở đâu, dù những gã đàn ông ngồi bệt bên vệ đường hay đang rít sòng sọc điếu thuốc lào mua ở quán nước bà cụ rìa làng cũng đều văng ra những câu thô tục khi thấy họ. Đứa bé ấy run rẩy lén lút ngẩng đôi mắt nhìn trộm mẹ. Nó chỉ thấy trong đó ánh nhìn vô cảm, lạnh lẽo và sâu hun hút. Nó khẽ rùng mình, lại cúi gằm níu chắc hơn vào chiếc quần bê bết đất của mẹ.

 

…Hôm đó, tự nhiên nhà tôi đông một cách lạ thường. Giữa sân có một cái rạp to dựng vội. Mặt tôi tái xanh. Những gã đàn ông ru đẩy tôi, phả vào mặt tôi thứ mùi thuốc lào hôi rích, thứ mùi tanh ngắt của cá tép, của chuột đồng, đôi khi của cả ốc sên. Họ cười hô hố, hỏi tôi về bố, nhe răng cười nhạo một cách ác độc: “Khéo mày lại là con của tao chứ ai!”. Tôi bặm chặt môi lại, uất ức nhưng nhất định không khóc.

 

 Tôi thấy họ bàn tán về mẹ tôi ghê lắm. Mà mẹ tôi đi đâu giờ này chưa về. Tôi mênh mang cô độc, thèm day dứt một bàn tay khô nháp, bàn tay của mẹ để bám. Bỗng có một tiếng la lớn: “Đây rồi…Tìm thấy rồi! Không thì thối làng…Thằng T. đâu? Mẹ mày này!”. Tôi len vào trong đám đông. Mẹ nằm dài trên cáng. Tóc xoã ra, mặt bợt bạt. Lũ đàn ông lục vấn nhau ai là kẻ làm nhục người đàn bà khốn nạn đến nông nỗi nhảy sông tự tử. Tôi thấy căm thù ánh mắt tiếc nuối của những gã đó.

 

Mẹ tôi đã chết như thế, oan khuất và nhục nhã. Một nữ thanh niên xung phong của một thời chiến tranh, một thời đạn lửa. Một người đàn bà chửa hoang giữa ngôi làng đầy thù hằn và đơm đặt, đã phải gánh chịu số phận nghiệt ngã. Rồi sau đó bị làm nhục và nhảy sông tự vẫn. Coi như thế cũng là một sự giải thoát. Nhưng ngày ngày, tôi vẫn phải đi dọc con đường có những gã đàn ông ngồi bệt ở vệ cỏ. Ban đầu tôi khóc oà lên, nức nở khi bị trêu ghẹo, xô đẩy hay bạt tai.

 

 Rồi sau đó, tôi chai lì và sẵn sàng nghênh chiến, lúc thì ném vào họ những câu chửi tục tĩu, đúng với bản chất của một đứa con hoang. Có khi quyết liệt hơn, tôi thản nhiên vốc cả cứt trâu quăng đại rồi co cẳng chạy. Tôi bị coi như đứa trẻ sống ngoài vòng pháp luật của làng. Bất cứ nơi đâu, người ta cũng có thể đánh tôi. Thậm chí, lũ trẻ còn quây vào, đái lên người tôi. Tôi không cha, không mẹ, không có lí do để tồn tại trên đời này nữa. Thế mà tôi vẫn sống... 

    

Nguồn ảnh: Gettyimages
Căn nhà tối om, ghép bằng những tấm phên nứa nằm trầm mặc giữa khu vườn mọc um tùm một thứ dền gai. Cô đặt ba lô của tôi lên bờ sân rồi xăng xái vén ống tay áo ném cái gàu kéo lên cho tôi gàu nước giếng khơi trong vắt. Cô nói cười luôn miệng nhưng tôi chẳng nhớ gì cả.

 

Tôi hoang mang. Hoang mang về nơi tôi đứng, về căn nhà lá ọp ẹp này. Liệu đó có phải là giấc mơ không? Nhưng chắc chắn một điều, tất cả là quá nhiều cho một đứa con hoang. Những ngày sau khi mẹ tôi nhảy sông tự vẫn, tôi sống lay lắt bằng lòng tốt ít ỏi của vài người đàn bà nhân hậu trong xóm, bằng củ sắn, củ khoai bới trộm, bằng cả thịt chuột đồng những ngày không may mắn.

 

Một buổi chiều như hôm giờ, cô đứng mân mê vành nón rách đợi tôi ở con đường có những gã đàn ông ngồi bệt trên cỏ. Tôi chỉ nhớ lờ mờ đó là cô giáo lớp một của tôi. Vì ngày mẹ còn sống, tôi có được đi học ít lâu nhưng rồi bỏ ngang chừng vì không chịu nổi sự hành hạ của lũ bạn cùng lớp.

 

 Buổi chiều ấy, cô gọi tôi. Tôi thờ ơ đi qua đó nhưng ngẫm nghĩ thế nào tôi quay lại vì nhìn thấy quả chuối trên tay cô. Tôi hoảng hốt giật lùi khi cô bảo tôi về ở với cô. Có lẽ đó cũng chỉ là trò chòng ghẹo như của những con người ác độc kia.

 

Tối đó, tôi ngồi bên bờ sông khóc nức nở. Mẹ thật tàn nhẫn, đưa tôi đến nơi này rồi bất chợt bỏ tôi đi mà không hề báo trước. Nhưng ngày nào cô giáo lớp một của tôi cũng kiên nhẫn đợi tôi đúng chỗ đó. Cô vờ như không nhìn thấy tôi đào trộm sắn trong vườn nhà cô. Rồi có một ngày, tôi đi theo cô về nhà.

 

 Một người đàn bà bốn mươi, không chồng, không con luôn khát khao một tiếng gọi “mẹ”. Thế mà khi tôi đã về ở với cô, chưa bao giờ tôi gọi một tiếng “mẹ”, chỉ “cô” và “con”. Tôi thấy sợ tiếng ấy như tiếng “bố” vậy. Để thu phục được đứa trẻ hoang, cô đã mất bao nhiêu nước mắt và những đêm thức trắng. Cô thức trắng đêm trông tôi lên sởi, trông tôi khi cảm sốt…Cô nhường cơm, áo cho tôi đi học. Nhưng quan trọng hơn, ngồi sau chiếc xe cọc cạch của cô, tôi cảm nhận được sự che chở, cảm nhận được sự bình yên. Năm tháng cứ thế qua đi…

 

Bữa cơm tôi ăn, có thịt gà đồi cô nuôi, có rau rền cơm ở đầu hồi. Cô thì luôn tay gắp cho tôi, rồi ngắm tôi ăn ngon lành như chính mình đang ăn vậy. Tôi nhìn chiếc bàn cụt chân ở góc nhà vẫn thấy sách vở, giáo án bày la liệt, buột miệng hỏi: “Tẹo nữa con soạn giáo án giúp mẹ nhé?”

 

Tôi gọi tiếng “mẹ” tự nhiên như chính tôi cũng không nhận ra nó bất thường vậy. Hai mươi tuổi tôi mới lại được gọi mẹ. Mẹ luống cuống, những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ, héo hắt như giãn ra. Mẹ cười nói rôm rả hơn: “Không! Người ta bắt mẹ về hưu rồi. Người ta bảo nghị định bốn mốt gì đó. Nhưng nhớ nghề quá, mẹ soạn cho vui ấy mà”.

 

Giọng mẹ thì vui mà đôi mắt buồn thăm thẳm. Tôi thương mẹ quá, thương cô giáo Hoè của tôi, thương tuổi thơ cay đắng của chính mình. Cố nén tất cả, tôi chỉ dồn tụ được lòng mình vào câu nói thoảng nhẹ: “Mẹ có tuổi rồi. Nghỉ ngơi thôi! Đợi ra trường con sẽ nuôi mẹ, mẹ ạ!”. Mẹ bật khóc hu hu…Nước mắt lã chã rơi trên bát cơm chiều. Tôi cũng khóc…

 

Mưa Hà Nội đầu đông buồn rả rích. Ngồi trong gác trọ, tôi bó gối nhìn ra màn mưa mờ mờ, buông một câu lửng lơ: “20/11 các cậu có về nhà không? “. Cậu bạn tôi tròn mắt ngạc nhiên: “Trường cậu không nhạc nhẽo gì à? Trường tôi hoành tráng lắm…Về làm sao được!”

 

Nó hào hứng kể bô bô về kế hoạch của lớp, của khoa. Mưa vẫn rơi đều đều. Không gian dần ắng lại. Tôi bất chợt nói vu vơ như nói với chính mình: “Tớ thì phải về thôi!”

 

Mưa thế này chắc mẹ lại đang cặm cụi rẫy cỏ vườn sắn ở quê…

 

  • Kỳ Duyên - Nguyễn Anh Thế                 

Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Thăng Long - Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vietnamnet.vn   

PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ: 

Ho ten: Vũ Đức Khái
Dia chi:Quảng Ninh
Email: vukhai58@...
Tieu de: Thẩy giáo Khoa
Noi dung: Tôi là một cựu chiến binh . Xin cho tôi gửi lời chào kính trọng của tôi tới thầy Khoa. Bao nhiêu năm lăn lóc ở chiến trưòng Campuchia, tự tay ẫm bế chôn cất những đồng đội hy sinh,  chúng tôi đều cố gắng không rơi nứơc mắt vì đó là chiến tranh. Nhưng trên trang báo điện tử này, tôi đặc biệt xúc động và quan tâm tới thầy Khoa. Với nghĩa cử cao đẹp của mình -và những hành động chống lại những điều vô luân trong ngành giáo dục của thầy, cho tôi niềm tin rằng lẽ phải và lòng nhân hậu vẫn còn tồn tại ở quanh tôi  

Dia chi: An Giang
Tieu de: Bài viết thật xúc động
Noi dung: Tôi đã khóc  rất nhiều khi đọc bài báo của hai bạn. Những người như cô Hòe, thầy Khoa thực đáng trân trọng. Dù hơi muộn tôi vẫn muốn gửi đến những người thầy như thế sự kính trọng sâu sắc nhất.

Ho ten: Trần Nhạc
Dia chi: Gia Lai
Email: tranvannhac@...
Tieu de: Chia sẻ
Noi dung: Cảm ơn đời đã cho ngành giáo dục những tấm gương sáng như cô giáo Hoè, thầy Khoa...

Ho ten: Thanh
Dia chi: Hà Nội
Email: trungb28@...
Noi dung: Tôi là nam giới và là người cứng rắn nhưng nước mắt tôi đã chảy rất nhiều khi đọc bài viết này

Dia chi: UBND xã Tự Nhiên- Thường Tín- Hà Nội
Tieu de: Không ai xa rời thầy đâu
Noi dung: Thầy hãy bảo vệ lẽ phải thầy nhé, thầy là ngưòi tốt, ngưòi mà chúng em và những người chính trực kính trọng. Hãy vượt qua những sóng gió này thầy nhé

Ho ten: Lương Thanh Tuyền
Dia chi: Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Email: luongthanhtuyen75@...
Noi dung: Khi đọc những thông tin trên báo và xem truyền hình nhìn thầy Khoa khóc, tôi đã không thể cầm lòng được. Một người có tấm lòng như vậy mà bị những người đồng nghiệp xa lánh, cô lập, bị hành hung. Tại sao một người tốt lại khó sống đến như vậy? Bộ Giáo dục khó có thể kêu gọi chống tiêu cực khi mà một người như thầy Khoa lại trở thành nạn nhân  

Ho ten: Nguyễn Thị Mai Hương
Dia chi: Xóm 4 Tự Nhiên Thường Tín Hà Nội
Email: huongtin06b3@...
Noi dung:  Thưa thầy Khoa, em là học sinh cũ của thầy, thầy đã giảng dạy bộ môn địa lý cho chúng em. Khi em đọc bài viết trên em thấy bất công với thầy nhiều quá thầy ơi. Xã hội hiện tại là như vậy sao, Trường THPT Vân Tảo còn là một mái trưòng nữa không, từ năm 2006 đến nay em thấy quá nhiều chuyện đã xảy ra với thầy và nhà trưòng, thầy hãy cố gắng vượt qua khó khăn này thầy nhé

Ho ten: Huy Nam
Dia chi: Hà Nội
Email: Namnguyen@...
Tieu de: Bon xấu phải bị trừng trị, nhưng bao giờ?
Noi dung: Đọc báo, xem TV hình ảnh nhà cửa thầy Khoa, cảnh thầy đi làm trên một chiếc xe đạp cũ, nghe tâm sự của thầy tôi thật sự chạnh lòng, bực tức, phẫn nộ. Đúng, bọn xấu phải bị trừng trị, nhưng bao giờ bọn người xấu ấy mới bị trừng trị, và trừng trị thế nào? Còn bây giờ, thầy Khoa đang bị bon người ấy "trừng trị", ai bảo vệ thầy, những người ấy ở đâu?. Qua việc này, liệu có ai còn dám đấu tranh? Chẳng lẽ chúng ta cam chịu để cái xấu hoành hành, học sinh sẽ nghĩ gì khi chúng ta để thầy Khoa rơi vào cảnh ngộ này?

Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Đâu rồi pháp luật và nhân tâm con ngưòi ?
Noi dung: Tôi và các đồng nghiệp tại bệnh viện thực sự đau lòng khi đọc dòng tin về thầy giáo Khoa. Thật đáng buồn vì người tốt lại bị cô lập và hành hung mà không có ai đứng ra bảo vệ. Việc này đâu phải chỉ là trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Đâu rồi PHÁP LUẬT và NHÂN TÂM CON NGƯỜI? Mong thầy giáo Khoa sớm bình phục. Có thể chúng tôi không làm được gì để trực tiếp giúp thầy nhưng mong thầy tin rằng vẫn có nhiều người biết quý trọng sự thẳng thắn dũng cảm của thầy và đồng lòng mong cho nền giáo dục Việt Nam có những đổi thay tốt đẹp. Mong thầy và gia đình đứng vững trước những thử thách này.  

Ho ten: Minh Thái
Email: lanhuonghic@...
Noi dung: Lâu rồi tôi mới lại đọc được một bài viết thực sự làm tôi phải suy nghĩ, và phải đọc chậm xem bài viết kết thúc như thế nào. Tôi thấy báo chí cũng cần tham gia tích cực hơn vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho mọi người. Tôi mong có nhiều hơn những bài viết như của Kỳ Duyên và Nguyễn Anh Thế. Cảm ơn các tác giả đã truyền tải đến bạn đọc thông điệp tuy hơi buồn nhưng theo tôi rất có ý nghĩa với xã hội ta hiện nay, khi giá trị đạo đức dường như đang xuống cấp. Nhân dịp 20-11 chúc các thầy cô giáo mạnh khoẻ hạnh phúc và làm tròn sứ mệnh trồng người, giúp Việt Nam nhanh chóng phát triển theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới!

Ho ten: Trần Anh
Dia chi: Đà Nẵng
Email: honganh.1952@...
Tieu de: Gửi đến trường nơi thầy Khoa đang công tác
Noi dung: Qua bài báo viết về thầy Khoa bị hành hung, trong đó có hai bảo vệ của nhà trường, tôi thiết nghĩ đến thời điểm này các cơ quan chức năng đang điều tra và không biết khi nào mới có kết luận thì thực là đáng buồn. Bởi thầy Khoa là tấm gương dám đấu tranh chống tiêu cực trong học đường. Mong rằng chính quyền, các cơ quan chức năng nơi thầy Khoa đang cư trúhãy dám nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết cho thực công bằng, công minh trừng trị những kẻ côn đồ.

Ho ten: Hoàng Hồng (Luật sư)
Dia chi: Tây Hồ, Hà Nội
Email: hnhong45@...
Noi dung: Tôi đọc dòng tin: “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa bị hành hung, bị cướp máy ảnh(!). Nội dung câu chuyện chỉ vỏn vẹn: 22 giờ ngày 14/11, thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín- Hà Nội) đã bị một nhóm bốn người, trong đó có hai bảo vệ trường, và hai người khác ở huyện xông vào nhà đấm đá, xé rách áo của thầy Đỗ Việt Khoa và giật chiếc máy ảnh trị giá 19 triệu đồng, đập vỡ (sau đó vứt xuống ao) đăng tải trên VNN mà thấy bất ngờ. Cá nhân mỗi người sinh ra có tốt-xấu, có khôn ngoan-đần độn, có khéo léo và "thẳng như ruột ngựa"...nhưng không nên vì những mặt "khiếm khuyết" của con người mà cấp quản lý chính quyền "vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm" với sinh mạng con người. Những kẻ trực tiếp xông vào nhà riêng thầy Khoa đã phạm vào tội: a. Xâm phạm chỗ ở của công dân, b. Hành hung, xâm phạm thân thể người khác, c. Thoá mạ nhân phẩm người khác. Dư luân đang chờ thái độ của chính quyền xã-huyện nơi thầy Khoa sinh sống giải quyết dứt điểm vụ này.

Dia chi: Bắc Giang
Noi dung: Cả hai bài viết  đều sâu sắc, triết lý, nhưng sao cái ác vẫn tồn tại. Đây là câu hỏi lớn mà mỗi chúng ta phải trả lời.

Ho ten: Nguyễn Ngọc Anh
Dia chi: Quảng Ninh
Email: nguyen_ngoc_anhvn119@...
Tieu de: Thật xúc động
Noi dung: Lâu lắm rồi tôi mới đọc được bài viết hay như vậy, câu chữ mộc mạc như chính những gì mình cảm nhận được. Những lời ngắn gọn nhưng lại truyền tải được cái tâm của người viết, khơi lên cái tâm trong mỗi người đọc trách nhiệm cho một xã hội tốt đẹp hơn! Cảm ơn tác giả bài viết này!

Ho ten: Hiếu
Dia chi: Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội
Email: hyl080@...
Tieu de: Khó hiểu
Noi dung: Tôi không biết thực sự nội dung và bản chất sự việc. Qua những gì mà một số báo đã đăng tải, tôi thực sự không hiểu, không thể hiểu...Cả một ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương, rồi cả chính quền nữa...tại sao lại để xảy ra tình trạng như vậy?  Những gì xảy ra kéo dài từ năm này sang năm khác. Đến ngay cả như hai người gọi là "đầu gấu" mà còn bất bình và sẵn sàng làm chứng. Mong các cơ quan chức năng giải quyết vụ này nhanh, gọn, rõ ràng và thỏa đáng. Trân trọng cảm ơn!

Ho ten: Không nêu tên:
Noi dung: Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải mà cụ thể là bảo vệ gia đình thầy Khoa

Ho ten: Huỳnh Thị Thủy
Dia chi: Nha Trang, Khánh Hòa
E-mail: htthuy.khh@...
Tieu de: Thư gửi thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Noi dung: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), kính chúc thầy có sức khỏe và nghị lực để vượt qua những thách thức của những vấn đề tiêu cực trong xã hội nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng. Lẽ phải luôn luôn là lẽ phải, trong lương tâm của mỗi con người đều cảm nhận được điều đó. Nhưng không phải ai cũng làm được. Nếu trên đất nước ta mà không có những con người mạnh mẽ, trung thực thẳng thắn, dám đấu tranh để bảo vệ lẽ phải như thầy thì xã hội sẽ ra sao? Tôi tiếc thay trong ngành giáo dục lại có những con người có tri thức nhưng lại không có lương tâm, không có đạo đức.Chúc thầy thành công trong sự nghiệp "Vì trăm năm trồng người" của mình.

Ho ten: Nguyễn Xuân Trường
Dia chi: TP Nha Trang
Email: truongpecc4.@...
Tieu de: Góp ý
Noi dung: Sau khi đọc bài báo về vụ thầy Khoa, tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì chúng ta đang sống trong một xã hội có pháp luật, có các chế tài, có những đội ngũ bảo vệ pháp luật bảo vệ con người hùng hậu, vậy mà không bảo vệ được một người thầy dũng cảm như thế, thử hỏi còn ai dám đứng lên tố cáo những hành vi sai trái khác. Vậy tôi đề nghị các cấp uỷ đảng ở địa phương ấy xem xét lại thái độ đối xử với thầy Khoa, và truy xét tận gốc những kẻ đã dùng tiền, quyền để sai khiến người khác hành hung thầy Khoa, nhằm làm gương cho các địa phương khác.

Ho ten: Nguyễn Thị Thuỷ
Dia chi: Hoàng Mai - HN
Email: bichthuyhong1960@...
Tieu de: Bài viết cảm động quá
Noi dung: Đọc bài viết tôi không cầm được nước mắt. Ngày nhỏ tôi đi học, mẹ tôi mất sớm,bố tôi bận công tác. Tôi cũng được cô giáo thương yêu chiều chuộng, cô dậy cho tôi biết nấu ăn, đan lát, biết cách sắp xếp cuộc sống gia đình. Đến bây giờ tôi cũng không bao giờ quên cô, mặc dù tôi không giúp cô được gì, nhưng tôi luôn gọi điện động viên và thăm hỏi cô. Có nhiều lắm, nhiều lắm những thầy cô giáo như thế, trong cuộc đời này. Tôi viết những dòng chữ này bằng cảm xúc trào dâng. Tôi cầu chúc cho tất cả các thầy cô giáo nhân ngày 20/11 luôn khoẻ, hạnh phúc, gặt hái nhiều thành công

Ho ten: Phạm Văn Hùng
Dia chi: Giảng viên trường Đại học Công nghiệp- Tp.Hồ Chí Minh
Email: hungchinhtri@...
Tieu de: Dấu lặng ngày vui nhà giáo Việt Nam...
Noi dung: Trong không khí của ngày cả xã hội tôn vinh những người thầy, tôi chợt thấy lòng lắng xuống, buồn vô hạn... Vui làm sao được khi nghe chuyện của thầy Khoa? Thầy Khoa - người tôi chưa từng gặp mặt, người đồng nghiệp, nhưng cũng là người từ lâu tôi cảm mến, quí trọng, đơn giản vì tấm gương "dám xả thân" tranh đấu để bảo vệ và gìn giữ cái thiện, cái đẹp, cái cao cả và đáng tự hào của nghề "kĩ sư tâm hồn"! Vậy mà, cứ hết lần này đến lần khác, mỗi lần thầy "lên tiếng", thì gần như ngay sau đó, thầy lại phải "trả giá" cho cái sự "không chịu ngồi yên" của mình. Thật khó có thể tin được, một người đầy nhiệt huyết, yêu nghề và khát khao được cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" cao cả trong một môi trường giáo dục "mô phạm" mà vẫn bị từ chối bởi những con người thiếu cả lương tri lẫn trách nhiệm xã hội... Thật đau xót... Tôi có thể bày tỏ sự chia sẻ của mình trước thầy, nhưng trên hết, tôi mong ngành giáo dục nước nhà và những người có trách nhiệm hãy chung tay, góp sức cùng thầy Khoa đẩy lùi những tiêu cực. Tôi không mong đợi những sự đồng cảm, những lời hô hào "suông" mà mong đợi những hành động thiết thực, cụ thể, "nói" phải đi đôi với "làm". Không thể để một người đầy nhiệt huyết đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực như thầy Khoa cuối cùng lại bị đánh gục bởi chính cái tiêu cực, cái ác...Trong ngày kỉ niệm đáng nhớ này, sẽ thật buồn nếu thầy Khoa không nhận được những đoá hoa và những lời chúc mừng đẹp nhất do học trò dành tặng. Nhưng tôi tin, xã hội và những ai có lương tri sẽ luôn ghi nhận và gửi lời tri ân chân thành nhất tới thầy, vì những việc làm của thầy đã, đang và sẽ mang lại một xã hội thực sự công bằng, tốt đẹp; mang lại sự trong sạch cho ngành ta. Tôi chợt nhớ tới hai câu thơ rất hay và đầy ý nghĩa của một Người thầy đáng kính, cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân: "Bạn ơi! Nhiệm vụ nghề ta đó. Nhiệm vụ thiêng liêng quí nhất đời" Mong rằng, trong ngành và xã hội sẽ có nhiều hơn nữa những Đỗ Việt Khoa, và trên hết, có nhiều hơn nữa những hành động thiết thực, cụ thể để hoàn thành tốt "nhiệm vụ thiêng liêng" mà nhân dân và xã hội đã trao cho chúng ta - những người thầy mang trên mình sứ mạng lịch sử - sứ mạng "trồng người". Xin được gửi lời chúc sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và thành công tới thầy và gia đình.

Ho ten: Nguyễn Quốc Tú.
Dia chi: Vĩnh Phúc
Email: nguyenquoctu86@...
Tieu de: Đồng cảm
Noi dung: Đó là những dòng tâm sự thật xúc động. Tôi cũng là một đứa trẻ lớn lên ở một vùng quê lam lũ. Tuy tôi không có hoan cảnh éo le như vậy, nhưng khi đọc những dòng tâm sự này, tôi càng thấy giá trị của cuộc sống. Cám ơn cuộc đời đã có những nhà giáo như thế!

Ho ten: Hoàng Đình Phúc
Dia chi: Tp.HCM
Email: hdphuc@...
Tieu de: Bài báo hay
Noi dung: Quá hay. Quá xúc động. May mắn cho tôi được đọc bài này vào sáng 20/11

Ho va ten: Lê Văn Hùng
Dia chi: Hà Nội
Noi dung: Thầy Khoa là một người dũng cảm, khi tôi đọc bài viết trên.

Ho ten: Đông Hoàng
Dia chi: Hà Nội
Email: vonglongl@...
Tieu de: Xót xa !
Noi dung: Đọc bài của KD- NAT mà thấy xót xa cho cuộc đời này ! Cuộc sống của thầy Khoa liệu hơn cuộc đời của cậu bé mồ côi, không nơi nương tựa, bị người đời coi khinh và hành hạ kia là mấy ? Chuyện thầy Khoa cũng như chuyện câu bé côi cút kia xẩy ra giữa " ĐƯƠNG THỜI " mà chẳng thấy vai trò gì của các tổ chức ra tay bảo vệ. Bỗng dưng muốn khóc quá. Ai là kẻ ném đá giấu tay? Những người bị coi là "đầu gấu" còn có chút nghĩa hiệp với thầy, còn những người mang tiếng "đạo cao chức trọng" kia lại im hơi tiếp tay cho cái ác, lại ra tay " làm thịt" đồng loại thì còn đạo lý gì nữa?

Ho ten: Hoàng Đua Tam
Dia chi: tphcm
Email: thuthachdoi_2005@...
Tieu de: Nhìn vào sự việc
Noi dung: Không thể ngờ rằng thầy Đỗ Việt Khoa lại bị đánh, bị xúc phạm cả nhân phẩm. Ai là những kẻ có hành vi tiểu nhân đến vậy?

Ho ten: Thaphuong
Noi dung: Bài viết xúc động quá

Ho ten: Hoàng Văn Hậu
Dia chi: sinh viên
Email: toikhongquen_pt@...
Tieu de: Đáng buồn
Noi dung: Tôi thật sự bàng hoàng, những con người dám đứng ra đấu tranh cho lẽ phải như thầy Khoa và còn những người khác nữa vẫn bị đe doạ, hành hung.Trong khi những người lãnh đạo vẫn hứa,vẫn hứa...và kết quả là gì? Tôi thấy buồn quá.

Ho ten: Nguyễn Hữu Chiến
Dia chi: Hà Nội
Email: chienkm77@...
Tieu de: Cùng chia sẻ
Noi dung: Thực tế cho thấy hành động tố cáo của thầy Khoa là hết sức đúng đắn, hết sức nhân văn. Tuy nhiên, từ đó thì thầy Khoa cũng đã gặp không ít khó khăn trong công việc chuyên môn cũng như công việc đời thường. Có phải đây là sự thờ ơ của xã hội hay không? Có phải là sự bất lực của các cấp, ngành liên quan hay không? Cuộc thi "Sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" kết thúc chưa lâu. Hãy sống và làm việc như vậy, không chỉ là hô hào.

Ho ten: Nguyễn Quang Thạch
Email: sachchonongdan@...
Noi dung: Một sự thật mà thậỳ Khoa và những người dám chống tiêu cực phải gánh chịu là họ hay bị đám đông trong cơ quan cho là thần kinh, là hâm...Quả thật trong xã hội mà số đông không đứng về phía những người dũng cảm, không đứng về lẽ phải vì ai cũng muốn yên thân hoặc tư túi cho mình thì  họ- những người dũng cảm rất khó được yên thân.

Ho ten: thinking man
Dia chi: Koera
Tieu de: Thầy thật dũng cảm
Noi dung: Người Việt mình có một tính xấu đó là chỉ nghĩ tới bản thân, bàng quan với những sự việc xảy đến với người khác, miễn là không phải mình. Chỉ khi mình là người trong cuộc thì lúc đó mới đấu tranh, mới "nhảy dựng" lên hặc im lặng ngậm đắng nuốt cay nếu thế lực đó lớn quá, không đủ sức chống chọi. Nhưng chung quy cũng vì  pháp luật không nghiêm minh.

Ho ten: Nguyễn Văn Nam
Dia chi: Tỉnh Bắc Ninh
Noi dung: Qua vụ việc, thầy Đỗ Việt Khoa là một người chính trực và thẳng thắn, dũng cảm nhìn vào và nói ra sự thật.

Ho ten: Nguyễn Anh Việt
Dia chi: japan
Email: nguyenvietvm23@...
Noi dung:  Tôi hiện vẫn là một sinh viên đang du học xứ người. Tôi đã đọc mấy bài viết về thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Thật sự, khi đọc xong mỗi bài viết, tôi lại như thấy nỗi đau mà thầy Khoa phải chịu đựng Trong tôi cảm thấy nỗi đau về đất nước mình, vì sao lại để xảy ra những việc như thế? Bởi thầy Khoa là một người đáng làm gương cho cả ngành GD học tập và làm theo. 

Ho ten: Thu Hương
E-mail: Thang152ba@...
Noi dung: Câu chuyện thầy giáo Đỗ Việt Khoa bị hành hung, để lại “dư âm” buồn và đáng hổ thẹn cho ngành GD và ĐT". Sao lại chỉ có ngành giáo dục buồn và hổ thẹn. Còn chúng ta ? Có lẽ việc này không đáng để "Ai còn lương tâm" quan tâm nữa hay sao?

Ho ten: Nguyễn Văn Tăng
Dia chi:  Tp. Hồ Chí Minh.
Email: tang@...
Tieu de: Về bài: Góc tối u và lấp lánh con tim
Noi dung: Lãnh đạo Bộ GD và ĐT có đọc bài báo này không nhỉ?  

Ho ten: YếnTrang
Email: t_yen54@...
Tieu de: Gửi con trai cô giáo Hoè
Noi dung: Bài viết thật cảm động. Chàng SV con trai của cô giáo Hòe hãy về bên mẹ trong ngày lễ tri ân các cô giáo, thầy giáo, bởi chính mẹ nuôi của em đã cứu vớt một đứa trẻ mồ côi đang bên bờ vực sa ngã về cả thể chất và tâm hồn, đã cứu vớt một con người.Hãy cố gắng học thành tài để đền đáp công ơn của người mẹ bất hạnh đã cưu mang em. Đây cũng là cách để em trả ơn cuộc đời. Chúc em vượt qua mọi khó khăn để thành công trong cuộc sống.

ten: Nguyễn Việt Lương
Dia chi: Ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng
Email: luong_nguyenviet2001@...
Tieu de: Về bài góc u tối và....
Noi dung: Bài hai bạn viết quá hay. Ông giáo già này đọc và thật xúc động. Rất mong có nhiều bài như vậy. Cuộc sống đâu tất cả chỉ là tiêu cực. Thầy Khoa, cô giáo Hòe là những đáng được tôn vinh, những bông sen không mùi bùn. Xã hội vẫn có nhiều người tôn vinh họ.

Ho ten: Nguyễn Việt Thuận
Dia chi:  TP.HCM
Email: thuan1026@...
Tieu de: Sao không có ai bảo vệ thầy Khoa vậy ?
Noi dung: Đọc một số bài viết liên quan đến thầy Đỗ Việt Khoa, tôi thấy buồn quá. Phải có cơ quan, tổ chức, thậm chí cá nhân lãnh đạo có trách nhiệm về việc này chứ ! Trước hết, cơ quan công an địa phương phải có biện pháp với những hành vi vi phạm pháp luật đối với một con người chứ chưa nói đến người đó là một công chức trong ngành giáo dục và là một người được gọi là thầy. Hệ thống ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương cần có động thái cụ thể, chứ không nên chờ báo cáo sự việc từ dưới lên trên. Cứ như thế này thì khó mà đổi mới hệ thống giáo dục như mong muốn của ông Nguyễn Thiện Nhân được. Buồn lắm!

Ho ten: Kim Quang Minh
Dia chi: 10/91/35 nguyenchithanh
Email: minhkq@...
Noi dung: Một người đàn ông 47 tuổi đọc và đã khóc.

Ho va ten: Phạm Cường.

Noi dung: Cám ơn các bạn đã có một bài viết "Cho con người trở lại người hơn" khi mà sự nhân ái và tình người đang ngày càng trở nên hiếm hoi

Ho ten: Đinh Quang Hoạch
Dia chi: Hà Nội
Email: bachmahoangtu44@...
Noi dung: Cảm ơn hai tác giả! Một bài viết thật hay! 

Ho ten: Phúc
Dia chi: Hà Nội
Email: miencattrang1185@...
Tieu de: gui tang Thay Khoa
Noi dung: Nhân Ngày 20-11 xin chúc thầy cùng gia đình mạnh khỏe luôn giữ được tấm lòng của một nha giáo chân chính. Nếu ngành GD nước nhà co nhiều thầy , cô dám nghĩ dám làm như thầy thì tốt biết mấy. Qua đây tôi mong Bộ GD cần có những hanh động cụ thể để bảo vệ cũng như động viên thầy. Mong thầy luôn hạnh phúc!

Ho ten: Nguyễn Gia Tuấn Anh
Email: anhngt2002@...
Tieu de: Cái tốt còn quá lẻ loi, nhỏ bé
Noi dung: Bộ Giáo dục phát động các phòng trào 2 không, rồi 4 không. Nhân ngày 20-11 một số thầy cô được tôn vinh trên các phương tiện truyền thông vì có những đóng góp ít nhiều cho sự nghiệp giáo dục. Vậy mà ở một không gian khác, có một nhân vật đang dũng cảm hành động theo phong trào đó chứ không chỉ dừng lại bằng lời nói. Thầy Khoa người trung thành với lý tưởng đấu tranh cho những điều sai quấy vẫn cô đơn, và có thể là vô vọng. Cái tốt còn quá lẻ loi, nhỏ bé. Biết bao giờ ngành giáo dục mới buớc tới vùng anh sáng của sự thật, nếu mỗi chúng ta, những người còn một ít lương tri không thắp lên một ngọn nến.  

Ho ten: Hoàng Tử Bạch Long
Dia chi: Vân Tảo- Thường Tín- Hà Nội
Email: nguoimubuon281@...
Tieu de: Người cùng quê
Noi dung: Tôi là người cùng quê với thầy giáo Khoa. Thật đáng tiếc là pháp luật Việt Nam còn quá nhiều vấn đề đáng phải bàn đến. Nhà tôi ở gần Trường THPT VânTảo ThườngTín HàNội, nhưng đươc biết là ban giám hiệu trường này không có động tĩnh gì cả. Không phải mỗi lần này đâu mà rất nhiều lần trước đó không những không giúp, thậm chí còn gây thêm khó khăn cho thầy giáo Khoa.

Ho ten: Thân Thi Thuận
Dia chi: Đăc Lắc
Email: phanthuan_2010. ..
Noi dung: Tôi cũng là một giáo viên, tôi thấy thầy Khoa quả là một người dũng cảm. Xã hội đang rất cần những người như thầy . Nhân dịp 20/11 chúc thấy mạnh khoẻ gặp nhiều tốt lành trong cuộc sống

Ho ten: Trần Bách
Dia chi: HN
Email: TBACH07@...
Tieu de: Gủi phản hồi bài viết Góc u tối và sự lấp lánh con tim
Noi dung: Xin cảm ơn Kỳ Duyên - Nguyễn Anh Thế đã có bài viết làm tôi thực sự cảm động .Bài viết hay, mang đậm tính nhân văn. Tôi thấy hổ thẹn thay cho những kẻ đã lợi dụng danh nghĩa để trù úm thầy. Nhân dịp 20/11 chúc thầy cùng gia đình mạnh khỏe, mong thầy luôn đứng vững trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong giáo dục.Thầy Khoa ơi còn rất nhiều người tốt đứng bên cạnh thầy. Bọn người xấu sớm muộn gì cũng phải gánh chịu hậu quả do họ gây ra.

Ho ten: Vũ Long
Dia chi: Nha Trang
Email: Longqaqc@gmail.com
Tieu de: Làm sao không thỏa hiệp với cái xấu
Noi dung: Kính gởi Việt Nam Net .Tình trạng hiện nay thầy Khoa đang gặp phải không phải là cá biệt trong cuộc sống. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, ngành nghề nào, thôn xóm nào cũng đều gặp những chuyện tương tự, dĩ nhiên bản chất và mức độ là khác nhau Tôi là một người bình thường, chắc chắn không mạnh mẽ và lý tưởng bằng thầy Đỗ Việt Khoa, nhưng cũng biết hướng thiện trong từng công việc của cuộc sống hàng ngày, biết căm giận khi có những việc đi ngược với lợi ích cộng đồng và đạo lý, biết đứng về phía lẽ phải để bảo vệ công lý. Nhưng thú thật, giả định thầy Khoa hỏi tôi một lời khuyên, có lẽ hoặc tôi từ chối hoặc khuyên thầy nên dừng lại, dù biết rằng với những sự việc đã xảy ra, việc dừng lại cũng là rất khó khăn. Tại sao vậy? Vì trong bối cảnh hiện nay, những người như thầy thật quá đơn độc (xin lỗi thầy Khoa). Tôi có thể hình dung trong tình trạng hiện nay thầy phải chịu áp lực như thế nào khi về với gia đình và khi đối diện với lực lượng vô cảm hoặc chống lại những việc làm tốt đẹp của thầy ( lực lượng này không nhỏ) vì có thể chuyện thầy làm, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Đôi khi tôi tự hỏi (vì không biết hỏi ai) rằng tại sao trong môi trường sống hiện nay, tiếng nói chính nghĩa lại khó cất lên đến vậy? Tại sao những chuyện hàng ngày chúng ta đọc trên báo, những chuyện xảy ra xung quanh…thật dễ dàng giải quyết nếu nhìn với góc độ của các em học sinh được thầy Khoa dạy hàng ngày, hay bằng con mắt của một luật sư chính nghĩa, lại không thể giải quyết được? Phải chăng chúng ta đã vô tình tạo một hệ thống giá trị không phù hợp để khá nhiều cá nhân trong xã hội (trong đó có những người có khả năng ảnh hưởng lớn) làm thước đo cho các hành vi của mình, hậu quả là dồn những người chính trực vào thế cô độc?

Ho ten: Hồ Quốc
Dia chi: Hà Nội
Email: jeevani_vietnam@...
Tieu de: Thật kính phục thầy Khoa, nhưng không có kỳ vọng gì đâu
Noi dung: Thực ra thầy Khoa đã đụng chạm đến lợi ích không chính đáng của những người có chức có quyền ở trong ngành, mà suy rộng ra số này cũng rất nhiều. Những người ủng hộ thầy Khoa là số đông, nhưng thật buồn, họ không thể làm gì được, đơn giản là họ không có quyền gì...Nhiều người đã phải khóc với hai chữ "niềm tin". Thầy Khoa thật là hạnh phúc, khi chính ngày này có đến mấy chục triệu người khâm phục thầy...

Ho ten: Đức Sơn
Email: discovery0087@...
Tieu de: Chia sẻ cùng thầy
Noi dung: Nhất trí cùng bạn Thinking man... Dân mình nói chung đều sống rất lãnh cảm, nhà nào biết nhà nấy. Việc không liên quan đến mình thì mặc kệ cho yên lành (trong số đó có cả mình và các bạn). Mình đảm bảo rằng: Nếu không có thầy Khoa thì sẽ không ai dám lên tiếng về những sự việc đó (bằng chứng là đã mấy chục năm nay mọi kỳ thi tốt nghiệp đều "láo nháo" như vậy). Chúng ta cần nhiều hơn những người như thầy Khoa... Nói giống như ông Obama vậy: "We need Change". Chúng ta cần một sự thay đổi.

Ho ten: Trần Quốc Tuấn
Dia chi: San Jose CALIFORNIA
Email: dalat.lamvien@...
Noi dung: Là một nguời Việt định cư tại nuớc ngoài, tôi vẩn quan tâm theo dõi tình hình tại quê nhà. Câu chuyện của thầy Khoa là một thưc trạng xã hội Việt Nam ngày nay. Nguời tranh đấu với cái ác thì không đuợc bảo vệ. Tôi không nói đến Truờng THPT Vân Tảo, mà phải qui trách nhiệm truớc hết là cơ quan pháp luật từ địa phuơng, sau đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục.

Ho ten: Trần Thuý Hoà
Dia chi: Đà Nẵng
Email: bome1402@...
Tieu de: Pháp luật và nhân tâm con người hãy lên tiếng
Noi dung: Một nhân cách đẹp đẽ như thầy Khoa mà sao lại cứ để bị đớn đau như thế. Luật pháp ở đâu mà sao không bảo vệ thầy, một con người dũng cảm dám đấu tranh cho lẽ phải? Những kẻ gây ra chuyện này không ai khác ngoài những người bị lột trần bộ mặt tiêu cực xấu xa. Là một nhà giáo , tôi thật đau lòng khi thấy cái cao đẹp đang bị đày đoạ . Tôi mong các cấp của ngành giáo dục hãy vào cuộc đi để bảo vệ giáo viên của mình . Tôi mong các cấp chính quyền hãy vào cuộc đi để bảo vệ đạo đức tốt đẹp của xã hội. Nếu mọi cấp có thẩm quyền mà chậm chạp một giây thì cái xấu sẽ lấn át mà hàng chục năm sau vẫn không đẩy nổi chúng ra ngoài xã hội được đâu. Và câu khẩu hiệu " Hãy nói không với tiêu cực " sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Ho ten: Đức Minh
Dia chi: Bỉ
Email: nghevn@...
Tieu de: Về bài: Góc u tối và lấp lánh con tim
Noi dung: Hôm qua, đọc tin về việc thầy Khoa bi hành hung tôi đã rất đau lòng và chán nản hơn khi nghĩ đến ngành giáo dục nước nhà. Tôi đã tự hỏi liệu không biết thầy Khoa có còn đủ nghị lực để tiếp tục làm tiếp những gì mà thầy mong muốn với tấm lòng của một nhà giáo chân chính không nữa. Cám ơn bài viết này rất nhiều, tôi đã khóc ròng khi đọc bài viết. Tôi hy vọng thầy Khoa cũng sẽ đọc bài viết và sẽ cảm thấy đỡ cô đơn. Tôi đồng tình với quan điểm của bài viết, xã hội chỉ có thể tốt hơn khi càng ngày càng có nhiều người như thầy Khoa và họ không cảm thấy cô đơn, trơ trọi khi tố cáo những cái sai, cái ác. Tuy nhiên, theo cách hành xử của các cấp quản lý ngành GD và của các cấp bảo vệ pháp luật hiện nay, tôi thấy hình như họ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này hay tính mạng, tư tưởng của một con người là quá bé nhỏ so với những gì mà họ đang phải quan tâm? Tôi không thể hiểu nổi tại sao bảo vệ nhà trường lại dám xông vào nhà hành hung thầy giáo? Họ quá coi thường pháp luật, hay họ biết cùng lắm sẽ chỉ bị la rầy cho qua chuyện vì đã có những "cái ô" to hơn che chắn cho họ. Tôi thấy Bộ GD và ĐT hiện nay đang lúng túng trong việc đưa ra các chiến lược, sách lược cải tạo, đổi mới hệ thống GD nước nhà. Hình như họ đang chưa biết nên bắt đầu từ đâu, giáo dục tiểu học, trung học hay đại học. Tôi thiết nghĩ cái đầu tiên họ có thể làm ngay mà không cần phải mời đến nhiều chuyên gia, tốn nhiều tiền là hãy tạo điều kiện để những nhà giáo như thầy Khoa dũng cảm tố cáo những cái sai, cái xấu đang diễn ra ở ngành giáo dục mọi nơi, mọi cấp và hãy bảo vệ những nhà giáo như vậy. Chỉ khi nào có thật nhiều nhà giáo như thầy Khoa chúng ta mới hy vọng có một nền giáo dục tốt đẹp hơn. Tôi tin là xã hội ta vẫn còn rất nhiều các thầy cô giáo hết lòng vì học trò, căm ghét điều sai trái và đấu tranh chống lại nó, tuy nhiên với cách làm như hiện nay chắc sẽ chẳng ai muốn mang vạ vào thân như thầy Khoa. Chiến lược cải cách có hoàn mỹ đến đâu, có tiêu tốn nhiều tiền đến đâu cũng sẽ thất bại nếu không có các thầy cô giáo tận tâm với học trò, hết lòng và dũng cảm với nghề.

Ho ten: Bùi Văn Thanh
Dia chi: Đại học Hải Phòng
Email: buivthanh@...
Tieu de: Bài viết quá hay
Noi dung: Mấy ngày nay tôi theo dõi nhiều bài viết về thầy giáo Đỗ Việt Khoa mà thấy xót xa cho thân phận một người thày hiếm có trong mặt trận chống tiêu cực ở ngành giáo dục. Thày Khoa là tấm gương sáng đã dũng cảm, bền bỉ chống lại các hành vi tiêu cực, nhưng tiếc là các cơ quan chức năng chưa thật tâm ủng hộ thày Khoa. Tôi nghĩ nếu Sở Giáo dục HN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng khác mà ủng hộ thì sẽ có hàng ngàn thày giáo khác như thầy Khoa trên toàn quốc cũng sẽ nói lên những lời nói chống tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục mà cả xã hội đang quan tâm hiện nay

Ho ten: Lê Danh Quý
Dia chi:Tỉnh Gia Lai
Email: ledanhqui_53 @...
Tieu de: thư
Noi dung: Vụ hành hung thầy giáo Đỗ Việt Khoa cần phải được đưa ra ánh sáng. Không thể để một số người mang danh "kỹ sư tâm hồn" người làm "nghề cao quý trong các nghề cao quý" mà lại vi phạm pháp luật một cách trắng trợn như thế được. Nếu vụ việc không được truy cứu, không được xử lý một cách nghiêm minh thì lòng tin của nhân dân, nhất là của học trò với các thầy các cô sẽ ra sao, nếu những hiện tượng như thế này cứ thỉnh thoảng lại xảy ra ở nơi này nơi khác.Chúng tôi mong các ngành các cấp nhất là nhưng người trực tiệp làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật hãy vào cuộc.

Ý kiến bạn đọc :

                  

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,