221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1175500
Siêu lừa Bernard Madoff và hành trình tới nhà tù
1
Article
null
Siêu lừa Bernard Madoff và hành trình tới nhà tù
,
Từ một điểm xuất phát khá khiêm tốn, Bernard Madoff đã trở thành một ông trùm tài chính giàu kếch xù ở Mỹ, trước khi phải dành những năm tháng cuối đời ngồi sau song sắt nhà tù. 

Bernard Madoff trên đường đến Tòa án liên bang Manhattan ở New York. (Ảnh: AFP)


Dư luận khắp thế giới đều sốc trước thông tin Madoff là tác giả của các kế hoạch Ponzi lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Điều đó cho thấy, ảnh hưởng của người đàn ông này không chỉ ở New York mà còn tại nhiều nơi khác nhiều đến cỡ nào.

Trùm gian lận Madoff bắt đầu sự nghiệp tài chính ở tuổi 22 với 5.000USD trong tay. Khoản tiền này ông ta có được nhờ làm các công việc trong kỳ nghỉ hè, chẳng hạn như lắp đặt hệ thống tưới vườn ở New York, trước khi thành lập Công ty Đầu tư Chứng khoán Bernard L Madoff vào năm 1960.

Nhiều người kính trọng

Madoff trở nên nổi tiếng ở Phố Wall và công ty Bernard L Madoff trở thành một trong những nhà tạo lập thị trường lớn nhất. Sau đó, ông ta giữ chức Chủ tịch Thị trường chứng khoán Nasdaq và là một thành viên trong nhóm ưu tú (elite) bị chính ông ta bòn rút tiền.

TIN LIÊN QUAN
 
Hầu hết thời gian, Madoff sống trong một căn hộ cao cấp trị giá 7 triệu USD ở Manhattan. Ngoài ra, trùm lừa đảo này còn sở hữu một biệt thự ở Florida và một con thuyền sang trọng dài 17m mang tên Bull.

Mặc dầu Madoff xoáy được tiền từ các thể chế và ngân hàng, nhiều khách hàng của ông ta là những người lắm tiền nhiều của trong các câu lạc bộ người giàu ở khắp nơi. Rất nhiều trong số các "nạn nhân" lớn nhất của Madoff là thành viên Câu lạc bộ hạt Palm Beach ở Florida.

Sức hấp dẫn của Madoff nằm ở niềm tin vô lo của ông ta. Cựu Chủ tịch Thị trường chứng khoán Nasdaq dường như đã tạo dựng được dáng vẻ của một trùm tài chính nổi bật và chỉ cần thì thầm vài câu là có thể thuyết phục được đối tượng.

Madoff còn là một người "từ tâm", sẵn lòng giúp đỡ người khác để duy trì vị trí của mình trong giới thượng lưu. Đổi lại, các quỹ từ thiện tin tưởng phó thác tiền của họ cho ông ta. Khi được Thời báo New York Times phỏng vấn, một nhân vật có uy tín đã nhắc đến Madoff như là một "Jewish T-bill," tức tín phiếu Kho bạc Mỹ (không có rủi ro), bởi vì "ông ta an toàn giống như vậy".

Lòng tin bị phản bội

Với những lý do như trên, nên khi vụ việc bị phát giác, cộng đồng Do Thái vốn rất gắn bó đoàn kết ở New York và Florida cảm thấy bị một người đàn ông từng có mặt trong hội đồng trường Đại học Yeshiva và từng làm thủ quỹ của Hiệp hội Do Thái Mỹ phản bội ghê gớm.

Các quỹ khác nhau của Madoff tuyên bố chi trả các khoản lãi trên 10% hàng năm. Hồ sơ chống lại ông ta ở Tòa án cho biết trùm lừa đảo thậm chí còn cam kết mức lợi tức ít nhất 46% với một số khách hàng nhất định.

Tuy nhiên, Madoff không bao giờ nói với khách hàng của mình về việc làm thế nào ông ta kiếm được các khoản lời lớn đến như vậy.

Theo các nhà chức trách Mỹ, đó chính là một kế hoạch Ponzi, nơi tiền từ túi các nhà đầu tư mới được sử dụng để chi trả cho các nhà đầu tư cũ, chứ chẳng hề có một khoản lợi tức nào hết.

Trong số các nạn nhân của Madoff có Elie Wiesel, người đoạt giải Nobel Hòa Bình. Elie Wiesel đã mất hết các khoản tiết kiệm cả đời trong khi quỹ của ông này thiệt hại 15,2 triệu USD. Nhà Wilpon, sở hữu phần lớn đội bóng chày New York Mets, cũng bị lừa một khoản không nhỏ. Các thông tin cho biết, quỹ từ thiện Wunderkinder của đạo diễn Steven Spielberg cũng đầu tư gần 70% vốn cho Madoff.

Không chỉ từ những nhân vật giàu có, tiền còn chảy vào túi Madoff thông qua các công ty tư vấn đầu tư và quỹ phòng hộ (hedge) trong nhiều năm liền.

Ngân hàng Tây Ban Nha Banco Santander cho biết, các chi nhánh của họ ở Thuỵ Sĩ đã mất 3 tỷ USD trong khi BNP Paribas thông báo đã rót 350 triệu Euro cho các quỹ phòng hộ, mà các quỹ này sau đó lại đầu tư vào quỹ của Madoff. Đại gia HSBC của Anh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Ảnh minh họa Bernard Madoff là "người pha trò" trên trang bìa của Tạp chí New York. Các công tố viên cho biết họ đang tìm cách thu hồi 177 tỷ USD mà Madoff đã lừa đảo. (Ảnh: AFP)

Điều tra của SEC

Một trong những vấn đề then chốt là tại sao không một ai nhận thấy điều gì đang diễn ra. Trong vòng 16 năm qua, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã tiến hành điều tra công ty của Madoff tổng cộng 8 lần. Harry Markopoulos đã đầu quân cho một hãng đối thủ và cố gắng thực hiện các mức lợi tức giống như Madoff đưa ra. Nhưng ông đã không thể làm được.

Markopoulos đi đến kết luận rằng, các quỹ của Madoff thực sự có vấn đề và ông đã than phiền với SEC nhiều lần kể từ năm 2001. Thậm chí sau khi rời công ty đó, Markopoulos đã dành tâm trí và sức lực để tìm hiểu đâu là cốt lõi các khoản lời khác thường của Madoff.

Trong năm 2005, Markopoulos trao cho SEC ở New York một bản tài liệu dài 21 trang, trong đó ông khẳng định, Công ty Đầu tư Chứng khoán Bernard L Madoff  là "kế hoạch Ponzi lớn nhất thế giới".

Kết luận của SEC? "Các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng gian lận", một bản ghi nhớ tuyên bố. Những gì họ kết luận chỉ là Madoff vi phạm các quy định về chứng khoán khi hoạt động như một nhà tư vấn không đăng ký.

Không có lời giải thích trong sáng

Và cuối cùng, điểm kết trong hành trình của Madoff đã xuất hiện vào tháng 12 năm ngoái. Các nhà đầu tư, bị ảnh hưởng bởi suy thoái tài chính, đã đòi rút khoảng 7 tỷ USD từ các quỹ của ông ta và trùm lừa đảo không thể chạy đâu ra tiền để xoay xở.

Vào ngày 9/12, những hồi chuông báo động đã vang lên khi Madoff yêu cầu trả tiền thưởng sớm cho các nhân viên.

Vào ngày 10/12, ông yêu cầu hai nhân viên cấp cao đến căn hộ của mình ở Manhattan. Tại đây, theo tài liệu của tòa án, Madoff bảo với họ rằng, công ty chứng khoán của mình "chỉ là một sự dối trá" và "thực chất, là một kế hoạch Ponzi khổng lồ".

Nếu như khủng hoảng tài chính không xảy ra vào năm ngoái thì hẳn khó ai biết được kế hoạch ấy sẽ kéo dài bao lâu.

Madoff nói với hai nhân viên trên rằng, ông ta sẽ đi tự thú trong vòng một tuần nữa nhưng trước tiên, ông ta muốn trả cho gia đình mình và một số nhân viên 300 triệu USD còn sót lại.

Nhưng mọi sự không diễn ra như thế. Các đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tới nhà Madoff vào ngày 11/12. Họ yêu cầu ông ta giải thích về các khoản thua lỗ. "Chẳng có lời giải thích trong sáng nào hết" - Madoff trả lời.

Trùm lừa đảo thú nhận đã "khánh kiệt" và biết chắc sẽ vào tù.

Điều đó, cùng với lời nhận tội trước tòa hôm 13/3, hóa ra lại là những gì chân thành nhất mà Madoff từng nói.

  • Thanh Hảo (Theo BBC, AFP)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,