221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1035723
Fidel Castro - Chân dung một huyền thoại
1
Article
null
Fidel Castro - Chân dung một huyền thoại
,

Chủ tịch Fidel Castro, sinh năm 1926 tại Cuba, là con trai của một chủ đồn điền mía thành công. Ở tuổi 13, ông đã tham gia tổ chức một cuộc đình công của các công nhân mía đường trên chính đồn điền của cha mình.

c
Castro khi còn nhỏ (ảnh BBC)
Cha mẹ ông đều mù chữ song họ quyết tâm rằng con cái của họ sẽ phải được giáo dục tốt. Do vậy, Fidel đã được gửi tới một trường nội trú dòng Tên. Mặc dù không thích nội quy chặt chẽ của trường này song Fidel đã sớm thể hiện sự thông minh đặc biệt của ông. Ngoại trừ môn lịch sử, ông thích thể thao hơn các môn học khác. Fidel giỏi về chạy, bóng đá và bóng chày và năm 1944 đã giành được giải thưởng học sinh giỏi thể thao nhất Cuba.

Giác ngộ cách mạng

Sau khi học xong, Castro trở thành một luật sư ở Havana. Vì ông hay nhận các vụ kiện của người nghèo - những người không đủ điều kiện trả tiền cho ông, Castro liên tục lâm vào cảnh túng thiếu. Kinh nghiệm khi hành nghề luật sư đã khiến Castro nhận ra và kịch liệt chỉ trích những bất bình đẳng lớn về sự giàu có tại Cuba. Giống như nhiều người Cuba khác, Castro phẫn nộ trước sự giàu có và quyền lực của các thương nhân Mỹ, những người kiểm soát quốc gia này.

Năm 1947, Castro gia nhập đảng Nhân dân Cuba. Cương lĩnh vận động tranh cử của đảng mới này - chống tham nhũng, bất công, đói nghèo, thất nghiệp và lương thấp - đã lôi cuốn chàng luật sư trẻ tuổi này. Đảng Nhân dân Cuba đã cáo buộc các bộ trưởng trong chính phủ nhận hối lộ và thiên vị các công ty lớn của Mỹ - những công ty có các nhà máy và văn phòng ở Cuba.

Fidel Castro trở thành một ứng viên của đảng Nhân dân Cuba tranh cử vào quốc hội năm 1952. Ông là một người hùng biện xuất sắc và mau chóng thu hút được sự ủng hộ của đông đảo các đảng viên trẻ tuổi. Đảng Nhân dân Cuba được mong đợi chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử này. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của các lực lượng vũ trang, Tướng Fulgencio Batista đã hủy bỏ cuộc bầu cử và nắm quyền kiểm soát đất nước.

Castro đi tới kết luận rằng cách mạng là con đường duy nhất giúp đảng Nhân dân Cuba lên nắm quyền. Năm 1953, với một nhóm vũ trang gồm 123 nam và nữ, Castro tấn công trại lính Moncada. Kế hoạch lật đổ Batista chấm dứt trong thảm họa và mặc dù chỉ có 8 người thiệt mạng trong vụ tấn công này song 80 người đã bị quân đội sát hại sau khi bị bắt. Castro may mắn vì viên trung úy bắt giữ ông đã phớt lờ lệnh xử tử ông và đưa ông tới nhà tù dân sự gần nhất.

Castro cũng kề cận với cái chết trong tù. Đại úy Pelletier được lệnh bỏ thuốc độc vào thức ăn của Castro. Viên sĩ quan này đã từ chối và tiết lộ mệnh lệnh của cấp trên cho người dân Cuba. Pelletier bị đưa ra xét xử tại tòa án binh. Lo ngại về phản ứng của thế giới, Batista quyết định từ bỏ ý định sát hại Castro.

Castro bị đưa ra xét xử với tội danh tổ chức một cuộc nổi dậy vũ trang. Ông đã nhân cơ hội này để phát biểu về những vấn đề của Cuba và cách giải quyết những vấn đề đó. Bài diễn văn của ông sau đó được đưa vào một cuốn sách có tựa đề Lịch sử sẽ tuyên án tôi vô tội. Castro bị kết án 15 năm tù song phiên tòa và việc xuất bản cuốn sách trên đã làm cho Castro nổi tiếng ở Cuba. Cuộc cách mạng của ông đã giành được sự ủng hộ lớn tại quốc đảo này. Đảng mà ông đại diện có lẽ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử 1952 nếu cuộc bầu cử này được phép diễn ra.

Sau những áp lực lớn từ công chúng Cuba, Batista đã quyết định phóng thích Castro sau khi ông thụ án 2 năm trong tù. Batista cũng hứa hẹn tổ chức các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, khi mọi việc trở nên rõ ràng rằng sẽ không có cuộc bầu cử nào hết, Castro đã tới Mexico, nơi ông bắt đầu hoạch định một cuộc nổi dậy khác để lật đổ chính phủ Cuba.

Phong trào 26/7

Sau khi tích trữ đạn dược, Castro, Che Guevara, Juan Almeida và 80 người khác tới Cuba vào năm 1956. Nhóm này được gọi là Phong trào 26/7 (ngày mà Castro đã tấn công các trại lính Moncada). Kế hoạch là thiết lập căn cứ địa của họ tại dãy núi Sierra Maestra. Trên đường tới dãy núi này, họ bị quân đội chính phủ tấn công. Khi tới được dãy núi này, chỉ còn lại 16 người với vỏn vẹn 12 khẩu súng. Trong vài tháng tiếp theo, đội quân du kích của Castro đã bất ngờ tấn công các trại lính bị cô lập và dần dần tích trữ được đạn dược.

c
AP
Khi quân du kích kiểm soát được lãnh thổ, họ tái phân chia đất đai cho các nông dân. Đổi lại, nông dân đã giúp họ chống lại binh lính của Batista. Nhiều nông dân cũng gia nhập quân đội của Castro, cũng như các sinh viên ở các thành phố và thỉnh thoảng là các linh mục.

Để truy tìm thông tin về quân đội của Castro, Batista đã cho thẩm vấn nhiều người. Nhiều người vô tội bị tra tấn. Các nghi phạm, kể cả trẻ em, bị xử tử công khai và sau đó bị treo trên các khu phố nhiều ngày để răn đe những người khác đang có ý định chạy về phía Castro. Hành động của phe nhóm Batista đã làm gia tăng sự ủng hộ của người dân Cuba đối với quân khởi nghĩa. Năm 1958, 45 tổ chức đã ký vào một bức thư ngỏ ủng hộ Phong trào 26/7. Các cơ quan đại diện cho luật sư, kiến trúc sư, nha sĩ, kế toán và các nhân viên xã hội cũng ký vào bức thư này. Castro, người trước kia dựa vào sự ủng hộ của dân nghèo, giờ giành được sự ủng hộ của các tầng lớp trung lưu có ảnh hưởng.

Fulgencio Batista đã phản ứng bằng cách điều động thêm nhiều binh sĩ tới dãy núi Sierra Maestra. Hắn đã triển khai 10.000 người săn lùng Castro và đội quân hơn 300 người của ông. Mặc dù bị áp đảo về quân số, song các du kích của Castro vẫn gây ra các thất bại liên tiếp cho quân chính phủ. Vào mùa hè năm 1958, trên 1.000 quân của Batista bị giết hoặc bị thương và nhiều binh sĩ khác bị bắt giữ. Không giống quân của Batista, quân đội của Castro nổi tiếng về đối xử tốt với tù binh. Hành động này đã khuyến khích sự ra hàng của các binh sĩ Batista khi mọi việc trở nên tồi tệ trên chiến trường. Nhiều đơn vị quân đội cũng chạy về phía Castro.

Mỹ đã cung cấp cho chế độ Batista máy bay, tàu chiến và xe tăng song lợi thế sử dụng công nghệ mới nhất, chẳng hạn như bom napan đã không giúp họ giành được chiến thắng trước quân du kích. Tháng 3/1958, chính phủ Mỹ, tan giấc mộng với Batista, đã gợi ý ông ta tổ chức các cuộc bầu cử. Batista nghe theo song người dân Cuba đã thể hiện sự bất mãn với chính phủ của ông ta bằng cách tẩy chay bỏ phiếu. Trên 75% cử tri ở Thủ đô Havana đã tẩy chay bầu cử. Tại một số khu vực như Santiago, tỷ lệ tẩy chay lên tới 98%.

Castro lúc đó tin tưởng ông có thể đánh bại Batista trong một trận chiến giáp lá cà. Rời dãy núi Sierra Maestra, quân đội của Castro bắt đầu tiến về các thành phố chính. Sau khi bàn bạc với chính phủ Mỹ, Batista quyết định chạy khỏi Cuba. Các tướng lĩnh bị bỏ lại phía sau cố thành lập một chính phủ quân sự khác. Castro đáp lại bằng cách kêu gọi tổng đình công. Các công nhân đã làm theo ông và quân đội buộc phải chấp nhận nguyện vọng thay đổi của người dân. Castro tiến vào Havana vào ngày 1/9/1959 và trở thành lãnh đạo mới của Cuba.

Bắt tay xây dựng nhà nước mới

Trong thời gian đầu cầm quyền, chính phủ của ông Castro đã thông qua nhiều luật mới. Người có thu nhập thấp được giảm 50% tiền thuê nhà, đất, tài sản của Batista và các bộ trưởng trong chính phủ của ông ta bị tịch thu, công ty viễn thông bị quốc hữu hóa và phí dịch vụ điện thoại được giảm 50%. Đất đai được tái phân chia cho nông dân, trong đó có cả đất mà gia đình Castro sở hữu, nhiều cơ sở dịch vụ dành riêng cho người da đen và da trắng (bể bơi, bãi biển, khách sạn, nghĩa địa, v.v..) bị xóa bỏ.

Castro có quan điểm mạnh về đạo đức. Ông cho rằng rượu cồn, ma túy, đánh bạc, đồng tính và mại dâm là những tội lỗi lớn. Ông coi sòng bạc và các câu lạc bộ đêm là nguồn gốc của sự cám dỗ và suy đồi và thông qua luật đóng cửa những cơ sở này. Các thành viên mafia tham gia điều hành những nơi đó bị buộc phải rời Cuba.

c
AP
Castro tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của giáo dục. Trước cuộc cách mạng, 23,6% dân số Cuba mù chữ. Tại các vùng nông thôn, trên 50% dân số không biết đọc biết viết và 61% trẻ em không có cơ hội tới trường. Castro đã yêu cầu các sinh viên thành phố về nông thôn để dạy người dân cái chữ. Cuba giương cao khẩu hiệu: ’’Nếu bạn không biết, hãy học. Nếu bạn biết, hãy dạy’’. Cuối cùng, mọi công dân đều được hưởng giáo dục miễn phí và tỷ lệ mù chữ ở Cuba đã trở thành quá khứ.

Chính phủ mới của Cuba cũng quan tâm tới vấn đề chăm sóc y tế. Trước cách mạng, Cuba có 6.000 bác sĩ. Trong số này, 64% làm việc ở Havana, nơi sinh sống của đại đa số những người giàu có nhất. Khi Castro ra lệnh rằng các bác sĩ phải được phân bổ đều khắp đất nước, trên 50% đã quyết định rời Cuba. Để thay thế họ, Cuba đã xây dựng ba trường y mới.

Tỷ lệ tử vong của trẻ em là một vấn đề lớn ở Cuba. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là 60 phần nghìn vào năm 1959. Để đối phó với thực trạng này, Cuba đã đưa vào hệ thống chăm sóc y tế miễn phí và bắt đầu một chương trình tiêm chủng toàn quốc. Tới năm 1980, tỷ lệ tử vong trẻ em giảm xuống còn 15 phần nghìn. Con số này hiện ở mức tốt nhất trong số các nước đang phát triển và thực tế tốt hơn nhiều nơi ở Mỹ.

Theo ước tính, trong 7 năm cầm quyền, chế độ Batista đã sát hại trên 20.000 người Cuba. Những người dính líu tới các vụ giết người này không nghĩ rằng họ sẽ mất quyền và giữ lại các tài liệu, kể cả những bức ảnh tra tấn và giết người. Castro đã mở các phiên tòa công khai để xét xử những kẻ có trách nhiệm và ước tính 600 người đã bị xử tử.

Một số luật mới của Castro cũng khiến Mỹ khó chịu. Nhiều đất đai được giao cho nông dân thuộc sở hữu trước đây của các công ty Mỹ. Chính phủ Mỹ phản ứng bằng cách tuyên bố sẽ không cung cấp công nghệ và kỹ thuật viên mà nền kinh tế Cuba cần. Khi biện pháp này không thể thay đổi được các chính sách của Castro, họ giảm đơn đặt hàng nhập mía đường của Cuba.

Castro từ chối khuất phục Mỹ và thông qua các chính sách còn quyết liệt hơn đối với Mỹ. Vào mùa hè năm 1960, Castro quốc hữu hóa tài sản của Mỹ trị giá 850 triệu USD. Ông cũng đàm phán một thỏa thuận để Liên Xô và các nước Đông Âu mua lượng đường mà Mỹ từ chối nhập khẩu. Liên Xô cũng đồng ý cung cấp vũ khí, kỹ thuật viên và máy móc mà Mỹ từ chối cung cấp cho Cuba.

Kế hoạch lật đổ, ám sát Castro của CIA

Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower lúc đó đang trong tình thế khó khăn. Ông càng nỗ lực trừng phạt Castro thì Castro càng thân Liên Xô. Lo sợ chính của Eisenhower là Cuba có thể trở thành một căn cứ quân sự của Liên Xô. Thay đổi đường lối và nỗ lực giành được tình hữu nghị của Castro bằng những thỏa thuận thương mại ưu đãi chắc chắn được coi là một thất bại bẽ mặt của Mỹ. Thay vào đó, Eisenhower tuyên bố ông sẽ không mua thêm đường từ Cuba.

Tháng 3/1960, Eisenhower phê chuẩn một kế hoạch lật đổ Castro của CIA. Kế hoạch này có ngân sách 13 triệu USD để huấn luyện ’’một lực lượng bán quân sự’’ bên ngoài lãnh thổ Cuba để tiến hành các hoạt động chiến tranh du kích. Chiến lược này do Richard Bissel và Richard Helms tổ chức. Ước tính 400 nhân viên CIA tham gia chính thức vào Chiến dịch Cầy Mongoose. Edward Lansdale trở thành giám đốc dự án trong khi William Harvey trở thành trưởng Nhóm đặc nhiệm W. Trạm JM WAVE là trụ sở hoạt động của chiến dịch cầy Mongoose này.

Sidney Gottlieb thuộc Cục kỹ thuật của CIA được yêu cầu đưa ra những đề xuất nhằm phá hoại uy tín của Castro với nhân dân Cuba. Các kế hoạch bao gồm cigar chứa đầy thuốc nổ, phun thuốc gây ảo giác tại một trường quay nơi ông chuẩn bị xuất hiện và tẩm tali vào giày của ông. Họ tin rằng tali có thể làm cho râu của ông rụng hết. Những kế hoạch này đã bị bác bỏ. Thay vào đó, Bissell đã quyết định tổ chức mưu sát Castro. Tháng 9/1960, Richard Bissell và Allen W. Dulles, Giám đốc CIA lúc đó, đã khởi xướng các cuộc đàm phán với hai nhân vật hàng đầu của mafia Cuba là Johnny Roselli và Sam Giancana. Sau đó, các ông trùm tội phạm khác như Carlos Marcello, Santos Trafficante và Meyer Lansky cũng tham gia vào âm mưu chống Castro này.

Robert Maheu, một cựu điệp viên phản gián của CIA, được lệnh trả giá 150.000 USD cho nhóm mafia này để giết Fidel Castro. Lợi thế sử dụng mafia vào công việc này là nó cung cấp cho CIA một câu chuyện vỏ bọc đáng tin. Mafia tức giận với Castro vì đã đóng cửa các nhà thổ và sòng bạc sinh lợi của chúng ở Cuba. Nếu những kẻ ám sát này bị giết hoặc bị bắt, các phương tiện truyền thông sẽ chấp nhận rằng mafia là chủ mưu.

Cục điều tra liên bang (FBI) phải đồng ý không tiến hành các cuộc điều tra chống lại nhóm mafia này tại Mỹ. Sau đó, Castro phàn nàn rằng CIA đã 20 lần mưu sát ông. Cuối cùng, Johnny Roselli và những người bạn của hắn ta tin rằng cuộc cách mạng Cuba không thể đảo ngược chỉ bằng cách ám hại lãnh đạo của cuộc cách mạng này. Tuy nhiên, chúng tiếp tục tiến hành âm mưu này của CIA để tránh bị truy tố về những tội ác mà chúng gây ra ở Mỹ.

Năm 1961, Eisenhower rời Nhà Trắng và vấn đề đối phó với Castro được chuyển cho tổng thống mới là  John F. Kennedy. Kennedy tiếp tục chính sách mưu sát Castro của Eisenhower bằng Chiến dịch Tự do và được đặt dưới sự kiểm soát của Robert Kennedy.

Cuộc xâm lược Cuba

Khi John F.Kennedy thay Eisenhower làm tổng thống Mỹ, ông được thông báo về kế hoạch của CIA xâm lược Cuba. Kennedy nghi ngờ về dự án này song lo ngại ông sẽ bị coi là mềm mỏng với chủ nghĩa cộng sản nếu ông bác bỏ nó. Các cố vấn của Kennedy thuyết phục ông rằng Castro là một lãnh đạo không được lòng dân và ngay khi cuộc xâm lược bắt đầu, nhân dân Cuba sẽ ủng hộ các lực lượng do CIA huấn luyện.

Vào ngày 14/4/1961, các máy bay B-26 bắt đầu ném bom các sân bay của Cuba. Sau các cuộc không kích này, Cuba chỉ còn 8 máy bay với 7 phi công. Hai ngày sau đó, 5 tàu thương mại chở một đội quân gồm 1.400 người Cuba lưu vong tới vịnh Con lợn. Cuộc tấn công của Mỹ thất bại hoàn toàn. Hai trong số thuyền trên bị chìm, trong đó có tàu chở đa số nhu yếu phẩm. Hai máy bay của Mỹ cũng bị bắn hạ. Trong vòng 72 giờ, mọi binh sĩ tham gia xâm lược bị giết, bị thương hoặc ra hàng.

Vào đầu tháng 9/1962, các máy bay do thám U-2 của Mỹ phát hiện Liên Xô đang xây dựng các địa điểm phóng tên lửa đất đối không (SAM) ở Cuba. Số tàu Liên Xô tới Cuba cũng tăng lên. Chính phủ Mỹ lo ngại những tàu này đang chở vũ khí cho Cuba. Tổng thống John Kennedy đã phàn nàn với Liên Xô về những động thái này và cảnh báo rằng Mỹ sẽ không chấp nhận các vũ khí tấn công ở Cuba (SAM được coi là vũ khí phòng vệ).

Khi Cuba đã có các căn cứ SAM, họ có khả năng bắn hạ các máy bay U-2. Kennedy rơi vào tình thế khó xử. Các cuộc bầu cử quốc hội sắp diễn ra ở Mỹ trong thời gian hai tháng tới. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền.

Trong hai năm đầu tiên cầm quyền, các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ bảo thủ trong quốc hội Mỹ đã phong tỏa hầu hết các đề xuất lập pháp của Kennedy. Các cuộc thăm dò cho thấy sau các cuộc bầu cử, ông có lẽ sẽ ít được ủng hộ hơn trong quốc hội. Kennedy lo ngại rằng mọi bất ổn về Cuba sẽ khiến đảng Dân chủ mất nhiều phiếu hơn, vì nó sẽ làm cử tri nhớ tới thảm họa vịnh Con lợn, nơi CIA đã cố lật đổ Castro. Một cuộc thăm dò cho thấy trên 62% dân số Mỹ không ủng hộ các chính sách về Cuba của Kennedy.

Do vậy, Kennedy đã quyết định hạn chế các chuyến bay của U-2 trên bầu trời Cuba. Các phi công cũng được lệnh tránh bay từ đầu tới cuối đảo. Kennedy hy vọng quyết định này sẽ đảm bảo rằng máy bay U-2 sẽ không bị bắn hạ và sẽ ngăn Cuba trở thành một vấn đề lớn trong chiến dịch vận động tranh cử.

Khủng hoảng tên lửa Cuba

Vào ngày 27/9, một điệp viên CIA ở Cuba nghe lỏm được một phi công Cuba nói chuyện với một người khác trong quán bar rằng Cuba lúc đó có vũ khí hạt nhân. Các bức ảnh do máy bay U-2 chụp cho thấy hoạt động bất thường đang diễn ra ở San Cristobal. Tuy nhiên, mãi cho tới ngày 15/10, các bức ảnh mới tiết lộ Liên Xô đang đặt các tên lửa tầm xa ở Cuba.

Phản ứng đầu tiên của Kennedy trước thông tin về tên lửa ở Cuba là triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận nên làm gì. 14 quan chức tham dự cuộc họp này, gồm các lãnh đạo quân đội, các chuyên gia Mỹ Latinh, đại diện CIA, các bộ trưởng trong nội các và các cố vấn riêng của Kennedy. Nhóm này được gọi là Ban chấp hành của Hội đồng an ninh quốc gia. Trong vài ngày tiếp theo họ nhóm họp vài lần nữa.

Tại phiên họp đầu tiên của ban chấp hành thuộc Hội đồng an ninh quốc gia, CIA và các cố vấn quân sự khác đã giải thích tình hình. Sau khi nghe những phát biểu, cảm tưởng chung của cuộc họp là cần phải tiến hành một cuộc không kích vào khu vực có tên lửa. Nhớ lại những lời khuyên không mấy khôn ngoan mà CIA đưa ra trước cuộc xâm chiếm Vịnh con lợn, John F.Kennedy quyết định chờ đợi thay vì kêu gọi tiến hành một cuộc họp vào buổi tối đó. Vào thời điểm đó, vài người nghi ngờ việc liệu có thông minh khi tiến hành vụ đánh bom, sợ rằng nó sẽ dẫn tới một cuộc chiến hạt nhân với Liên bang Xô viết. Ủy ban chấp hành lúc đó bị chia rẽ về việc liệu có thể ra một quyết định cứng rắn hay không.

Ban chấp hành Hội đồng An ninh quốc gia tranh cãi trong hai ngày tới. CIA và quân đội vẫn ủng hộ đánh bom hoặc mở một cuộc xâm lấn. Tuy vậy, phần đông ủy ban dần dần ủng hộ phong tỏa hàng hải đối với Cuba. Kennedy chấp nhận quyết định của họ và chỉ thị cho Theodore Sorensen, một thành viên của ban, đã viết một bài diễn văn, trong đó Kennedy sẽ giải thích cho thế giới là tại sao cần phải phong tỏa đường biển của Cuba.

Cùng với áp đặt bao vây hàng hải, Kennedy cũng yêu cầu không lực chuẩn bị cho các vụ tấn công nhằm vào Cuba và Liên bang Xô Viết. Quân đội Mỹ phái 125.000 binh sĩ ở Florida và được lệnh chờ những chỉ thị xâm lược Cuba. Nếu tàu của Xô viết chở vũ khí cho Cuba không quay lại hoặc từ chối bị lục soát, chiến tranh sẽ bùng nổ. Kennedy cũng hứa với các cố vấn quân sự rằng nếu một trong hai máy bay do thám U-2 bị bắn hạ, ông sẽ ra lệnh mở cuộc tấn công nhằm vào các khu vực tên lửa Cuba.

Thế giới chờ đợi trong lo ngại. Một cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ cho thấy, 3 trong số 5 người hy vọng chiến tranh sẽ nổ ra giữa hai bên. Đã có những cuộc biểu tình đầy giận dữ bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại London khi có nhiều người phản đối chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra. Biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác ở châu Âu. Tuy vậy, ở Mỹ, các cuộc thăm dò cho thấy phần đông ủng hộ hành động của Kennedy.

Ngày 24/10, Tổng thống John F.Kennedy được thông báo rằng tàu của Xô viết đã dừng lại trước khi đến điểm mà tàu Mỹ bao vây Cuba. Đêm đó, Nikita Khrushchev đã gửi một thông điệp giận dữ tới Kennedy, cáo buộc nhà lãnh đạo này tạo ra một cuộc khủng hoảng nhằm giúp đảng Dân chủ thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Ngày 26/10, Khruschev gửi cho Kennedy một lá thư khác. Trong đó ông nói rằng Liên bang Xô viết sẽ sẵn sàng tháo dỡ tên lửa tại Cuba để đổi lại lời cam kết của Mỹ rằng nước này sẽ không chiếm Cuba. Ngày sau đó, lá thư thứ 2 của ông Khrushchev được gửi tới Mỹ yêu cầu nước này từ bỏ căn cứ hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi tổng thống và các cố vấn đang phân tích hai bức thư của Khrushchev, có tin tức cho rằng một máy bay U-2 đã bị bắn hạ trên bầu trời Cuba. Lãnh đạo quân đội cho rằng Kennedy nên ra lệnh ném bom Cuba như ông đã hứa. Kennedy từ chối và gửi một bức thư cho Khrushchev chấp nhận những điều khoản trong lá thứ thứ nhất.

Khrushchev đã nhất trí và ra lệnh tháo dỡ các tên lửa tầm xa ở Cuba. Tám ngày sau đó, cuộc bầu cử quốc hội Mỹ diễn ra. Phe dân chủ gia tăng được đa số của họ và ước tính rằng Kennedy lúc đó có thêm ít nhất 12 người ủng hộ trong Quốc hội về những chính sách của ông.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba là cuộc đối đầu hạt nhân đầu tiên và duy nhất giữa Mỹ và Liên Xô. Sự kiện này dường như khiến cả hai bên hốt hoảng và đánh dấu sự thay đổi trong diễn biến của cuộc Chiến tranh lạnh.

Castro vẫn phụ thuộc vào sự ủng hộ của Liên Xô. Nikita Khrushchev bị phế truất vào ngày 15/10/1964 song những người kế nhiệm ông là Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, Konstantin Chernenko và Mikhail Gorbachev tiếp tục cung cấp viện trợ cho Cuba. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã năm 1989, viện trợ kinh tế này chấm dứt.

Năm 1984, Fidel Castro đã trả lời câu hỏi của nhà báo Mỹ Tad Szulc tại sao ông sẵn sàng cho phép đặt tên lửa Liên Xô ở Cuba. Ông nói rằng cần làm cho Mỹ thấy rõ một cuộc xâm lược Cuba sẽ gây ra chiến tranh với Liên Xô. Chính lúc đó họ đề xuất các tên lửa này. Chúng tôi thà chịu nguy cơ căng thẳng, khủng hoảng lớn hơn là nguy cơ bất lực ngồi chờ Mỹ xâm lược Cuba.

Hai sử gia James Daniel và John Hubbell viết về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba: Mỹ đã dự đoán rằng vào giữa những năm 60, sẽ có khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo xung quanh Mỹ. Tổng số tên lửa của Liên Xô có thể tới các mục tiêu ở Mỹ là khoảng 125... Bằng cách đưa tên lửa tầm trung và tầm xa tới Cuba, sâu vào Tây bán cầu, Nga đang thu hẹp nhanh chóng khoảng cách này. Sự hiện diện của tên lửa Nga tại Cuba đã làm thay đổi quyết liệt cân bằng sức mạnh trên thế giới.

Ngày 19/2/2008, Chủ tịch Fidel Castro đã tuyên bố sẽ không tiếp tục cương vị lãnh đạo đất nước. Tuy vậy, vị lãnh tụ này được người dân Cuba thực sự yêu mến. Họ coi ông là David, người không khuất phục trước gã khổng lồ Mỹ.

  • Minh Sơn-Hoài Linh (tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,