221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1062381
Xóm bán thận
1
Article
null
Xóm bán thận
,

Từ những manh mối được hé mở qua trường hợp anh Tô Công Luân đi bán thận dẫn đến thân tàn, phóng viên đã có mặt tại xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng nơi có nhiều người rủ nhau đi bán thận.

Thật khó để tiếp cận những người bán thận nơi ấp nghèo nằm cuối dòng chảy con sông Hậu đổ ra cửa biển thuộc tỉnh Sóc Trăng, bởi cuộc sống của họ đang bị xáo trộn khi thông tin về đường dây bán thận bị lộ. Người môi giới lặn mất tăm, gọi điện dặn dò những người bán thận tìm cách đối phó với chính quyền, báo chí…

Ngại búa rìu dư luận

Ngay dưới chân cầu Đen trên đường ra cảng Trần Đề, căn nhà nhỏ xây khang trang nằm ngay lộ được người trong vùng cho biết nhờ hai vợ chồng cùng bán thận mới có đủ tiền để xây. Anh chồng, một người môi giới cho những người trong xóm bán thận sang Trung Quốc, đã lặn đi biệt xứ từ mấy tháng nay, chỉ còn lại cô vợ sinh năm 1983 cùng hai con nhỏ.

a

Anh Nhàn tiết lộ thêm: “Ở Sài Gòn có hai đường dây rủ người đi Trung Quốc bán thận, chỉ cần chặn hai đầu mối này tại các cửa khẩu sẽ hạn chế ngay được nạn bán thận qua Trung Quốc thôi” (hình chỉ có tính chất minh hoạ). Ảnh: TL.HT

Đến gõ cửa nhà nhưng không hôm nào gặp, chỉ có vài thanh niên hỏi với ánh mắt đầy dò xét là tìm chị ấy có chuyện gì? Đến các nhà khác có người bán thận cũng gặp thái độ như vậy.

Câu chuyện những người bán thận với xóm nghèo nơi cửa biển không hề xa lạ, ghé quán xá, hàng chợ, hỏi chuyện những người bán thận, ai cũng trả lời là có nghe qua, có người còn “nhiệt tình” kể chuyện vợ chồng nhà nọ đi bán thận về hơi xanh xao tí xíu nhưng chị vợ khoẻ hẳn ra, mập thù lù nặng đến gần 80kg, trước đó chỉ khoảng 60kg.

Nhưng khi hỏi cụ thể thêm thông tin và tên những người bán thận khác thì ai cũng lảng tránh. Chính quyền cũng rất dè dặt, e ngại, thậm chí từ chối khéo khi nghe đề cập đến câu chuyện bán thận của một số người dân trong vùng.

Sau gần ba ngày kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận, mặt đối mặt với một trong số những người của xóm trong đường dây sang Trung Quốc bán thận. Anh thẳng thừng: “Mấy anh đừng đi tìm nữa, mất công, kể cả nhờ đến chính quyền đưa giấy mời lên xã, thậm chí bắt ngoài đường các anh cũng chẳng khai thác được gì đâu, tụi tui đâu có làm gì sai, vì cần tiền nên nghe lời đi bán thận.

Người môi giới cũng bán thận về thấy khoẻ mạnh mới giới thiệu tiếp cho tụi tui, báo chí đưa chuyện lên làm bà con chòm xóm biết tụi tui đi bán thận, thử hỏi còn mặt mũi nào nữa… Mới đầu khi báo đăng, mấy người cò có gọi điện xuống cho hay tin, người môi giới ở đây cũng gọi điện nói mọi người đừng tiếp xúc với báo chí”.

Tôi đi bán thận!

Anh Nhàn, đang sống tại một ấp nghèo ở Sóc Trăng, từng trực tiếp sang Trung Quốc bán thận, kể về hành trình đi bán thận của mình mục đích kiếm tiền trả nợ và mua một chiếc ghe nhỏ đi biển.

Anh là lao động chính nuôi vợ và hai con nhỏ, mức lương đi ghe mướn mỗi ngày 40 ngàn. Ngày đi ghe, cả nhà có tiền ăn, nghỉ chừng hai ba ngày là lâm cảnh đói. Tiền đi ghe mướn chưa đủ sống, vợ chồng phải vay mượn lo cho hai đứa con đi học. Đang cơn túng quẫn, trong xóm có người đến rủ anh đi Trung Quốc bán thận.

Tháng 9.2007, sau ba tuần làm đủ thứ xét nghiệm tại viện Pasteur ở Sài Gòn, mọi chi phí ăn ở cò lo cho hết, sau khi đạt chuẩn, anh Nhàn theo cò lên đường sang Quảng Châu bán thận chỗ bệnh viện ông Phong. Cùng đi với anh là bốn người khác cũng đi bán thận, trong đó một người ở Sài Gòn bán thận với giá có 45 triệu.

Giấy thông hành qua Trung Quốc cấp 15 ngày, anh Nhàn phải qua một lượt kiểm tra khắt khe khác trong suốt một tuần lễ tại bệnh viện ở Quảng Châu và lên bàn mổ.

Anh kể tiếp: “Quả thận tui được ghép cho một kỹ sư xây dựng ở Đà Lạt, ông này đã ghép thận mua được từ một người nghe nói đâu cũng ở Trung Quốc với giá 400 triệu, sau sáu tháng bị thải ghép, buộc phải trở lại bệnh viện phẫu thuật cắt bỏ và tìm thận mới thay thế”.

Ngay trong phòng mổ hôm đó, trước lúc gây mê, anh Nhàn vẫn nhớ như in: “Cả phòng mổ rộng lắm, có bốn giường, hai người bán thận là tui cùng một người trong xóm, và hai người ghép thận một ông người Phi, và một người Việt. Ông người Phi nói đã tốn tiền cho cò qua các đường dây hết hơn 40.000 đô la rồi, còn ông kỹ sư xây dựng người Việt cho biết phải bán căn nhà 1,7 tỉ, ghép lần một 400 triệu nhưng không thành công, lần thứ hai quả thận tui được ông mua ghép với giá 520 triệu…”

Ngay trước khi mổ lấy thận, bác sĩ đưa tờ đơn được soạn sẵn hai bản tiếng Trung và tiếng Việt, nội dung về việc hiến thận hoàn toàn không vì mục đích mua bán, trên đó có ghi tên người hiến thận đã được thay đổi họ tên thành tên Trung Quốc, trùng họ với người được ghép thận, như người cùng huyết thống trong dòng họ, gia đình. Đọc xong, cả người bán thận và người nhận thận cùng ký vào hai lá đơn đó, rồi bác sĩ mới gây mê”.

“Hai ngày sau khi bán thận, tui nằm hoài một chỗ khó chịu quá nên đòi bác sĩ cho về, nhưng bệnh viện giữ lại, truyền dịch, cho ăn cháo lỏng đúng một tuần sau, hết hạn giấy thông hành mới cho về. Từ khi mổ đến lúc về, không thấy uống viên thuốc nào, khi về cũng không có một toa thuốc hay giấy tờ gì từ bệnh viện bên Quảng Châu đưa ra, chỉ đưa lại tấm giấy chứng minh giữ khi làm giấy thông hành. Cò lo chi phí đưa tui đi đường bộ đến Hà Nội, lên máy bay về Sài Gòn.

Mấy ngày ở lại Sài Gòn để rửa vết thương, cắt chỉ, đều phải tự lo hết. Hai ngày sau cò đến đưa 25 triệu, hơn hai tuần sau mới đưa đủ số tiền 70 triệu, còn mượn lại tui hơn chục triệu để tiêu xài”. Anh Nhàn cho hay thêm: “Trước khi lên bàn mổ, người nhận thận của tui hứa cho 10 triệu để bồi dưỡng vì đã bán thận cho ông, nhưng khi về đến Việt Nam, số tiền này bị cò ăn mất. Ông người Phi cũng bồi dưỡng cho người cùng xóm tui, nhưng anh này cũng chẳng nhận được đồng nào”. Về gia đình, đến giờ sau tám tháng vết mổ đôi lúc vẫn nhói đau khi anh trở mình.

Khi anh Nhàn đi bán thận về, nhiều người địa phương tìm đến, có cả người từ Sài Gòn cũng lặn lội xuống, nhờ giới thiệu, năn nỉ nhờ anh đưa đi Trung Quốc bán thận. Nhưng anh một mực từ chối, phần vì đường dây anh hoàn toàn mù tịt, phần anh không thể giới thiệu những người này cho cò được, anh lý giải: “Tui biết hết giá tiền cò lo cho một người qua tới Trung Quốc, giấy thông hành hết 5 triệu, tiền xe từ Hà Nội lên Quảng Châu khoảng 900 ngàn, vé máy bay khứ hồi Sài Gòn – Hà Nội hơn 3 triệu và vài chi phí ăn ở khác cho thêm 5 triệu nữa. Nhưng giá bán thận mỗi người mỗi khác, mỗi đợt đưa đi ít nhất từ bốn người trở lên, cò ăn trực tiếp từ người bán 30 – 40 triệu, chưa kể chặn luôn cả tiền mấy người ghép thận bồi dưỡng cho người bán thận. Đều là cảnh nghèo với nhau, mà ăn chặn kiểu đó, tui ức lắm”.

  • Theo Ngọc Tùng – Lam Phong (SGTT)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,