221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1016074
Thảm bại của "pháo đài bay"
1
Article
null
Điện Biên Phủ trên không (Kỳ 1)
Thảm bại của 'pháo đài bay'
,

(VietNamNet) - Những ngày mùa đông 35 năm trước, cả Hà Nội rực lửa với 12 ngày đêm "đất rung, ngói tan, gạch nát". Hà Nội kiên cường khuất phục "pháo đài bay B.52" và làm nên một "Điện Biên Phủ trên không". 

35 năm, đã là quá khứ, Hà Nội hôm nay đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” ở tất cả góc cạnh. Những dấu vết của chiến tranh chỉ còn trong bảo tàng, ở một vài tượng đài kỷ niệm và trong trí nhớ của những người đã lớn tuổi, nhưng không một ai, không một điều gì bị quên lãng. 35 năm trước vẫn rất sống động trong ký ức và cả hồi niệm của nhiều người ngày đó.   

"Sút bóng trước khung thành"

Trong bối cảnh lịch sử, tháng 5/1972, Tổng thống Mỹ Nixon hạ lệnh mở chiến dịch không quân “Linebecker 1”- Tiền vệ, dùng B.52 đánh rải thảm bom đường mòn Hồ Chí Minh, chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nhưng không thể làm được gì.

a
Xác máy bay B.52 tại Bảo tàng Chiến thắng B.52 - Ảnh: ANTĐ
Quân Mỹ gặp thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam. Mỹ liều lĩnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng, nhằm khống chế thắng lợi của ta, buộc ta phải chấp nhận những điều kiện có lợi về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong đàm phán, kết thúc chiến tranh.

Hà Nội không thể quên ngày 18/12/1972. Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh bắt đầu chiến dịch “Linebacker 2”- Sút bóng trước khung thành, dùng máy bay chiến lược B.52, cường kích “tàng hình” F111A và hàng ngàn chiến đấu cơ tiêm kích chiến thuật, cùng sự hỗ trợ của 5 tàu sân bay tấn công Hà Nội, Hải Phòng với mục đích: "Đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”.

Từ ngày 18-29/12/1972, 12 ngày đêm Hà Nội rực lửa, với "đất rung, ngói tan, gạch nát". Nhưng, quân và dân Hà Nội hiệp đồng tác chiến, với những cách đánh mưu trí, dũng cảm, sáng tạo làm lưới lửa của tên lửa phòng không, pháo phòng không các loại, bủa vây máy bay Mỹ.

Hình ảnh của Hà Nội những ngày cuối năm 1972 được mô tả bằng các cụm từ hiên ngang, ngẩng cao đầu trực diện với kẻ thù.

“Điện Biên Phủ trên không” là cụm từ mà báo chí phương Tây ngày ấy đã "giật tít” như thế để diễn tả thất bại cuộc tấn công chiến lược của Mỹ ở Hà Nội. Và cùng với những thắng lợi trên chiến trường miền Nam, Mỹ bắt buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ngày 27/1/1973 ở thế của kẻ thua trận. 

Những người thầm lặng

Trong chiến dịch "Linebacker 1”, Mỹ đã đưa máy bay chiến lược B.52 rải bom xuống chiến trường miền Nam. Như đã dự liệu trước, ta đã có chỉ thị cho các nhà nghiên cứu khoa học quân sự nghiên cứu cách bắn hạ B.52. Đồng thời, kết hợp với những chiến sĩ tình báo chiến lược của ta tìm tài liệu về loại máy bay này.

Đến tháng 9/1972, tài liệu “Cách đánh B.52”- hay còn gọi là “Cẩm nang đỏ”, sau nhiều lần bổ sung, hoàn chỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu của các đơn vị phòng không. Đặc biệt, ngày 22/11/1972, ta bắn hạ 1 chiếc B.52 ở phía tây Nghệ An, đã bổ sung thực tế về cách đánh B.52 hay là "pháo đài bay" của đối phương.

Chiến thắng 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, còn có một phần đóng góp thầm lặng của các chiến sĩ tình báo, đã mưu trí, dũng cảm, ẩn thân giấu mình ngay trong lòng địch, cung cấp các thông tin quý giá, kịp thời chuyển về để Hà Nội chủ động đánh địch. 

12 ngày đêm quyết chiến, quân và dân ta đã bắn rơi 77 máy bay hiện đại thuộc không quân chiến lược, chiến thuật của Mỹ, trong đó có 33 máy bay B.52 chiếm tỉ lệ tổn thất 18% máy bay chiến lược của Mỹ.

35 năm sau, đó vẫn là những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ tình báo âm thầm cống hiến cho Tổ quốc. Những bản báo cáo ngày đó thật sự là thông tin đặc biệt giá trị.

Đầu tháng 12/1972 tin báo về: "Mỹ điều động tăng cường thêm 2 hàng không mẫu hạm ở Biển Đông thành 4 cái. Trong đó hàng không mẫu hạm Saratoga từ Philippines và Interprise từ Nhật Bản đã áp sát bờ biển Thanh Hóa… Số máy bay chiến lược B.52 đến sân bay Utapao - Thái Lan tăng đột ngột, chật chỗ. Các xe chở bom đi lại liên tục. Thêm 3 chiếc KC.135, máy bay tiếp dầu đã đến sân bay Ubon, 5 chiếc KC.135 ở căn cứ Subich - Philippines cũng sẵn sàng. Một bộ chỉ huy quân sự về không quân chiến lược mới thành lập để điều hành 2 căn cứ Utapao và Guam.”

Ngày 14/12/1972, báo cáo khẩn, từ Văn phòng Nhà Trắng: ”Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức ra lệnh 17/12/1972 tiếp tục rải thủy lôi phong tỏa các cảng và cửa sông Bắc Việt. Ngày 18/12/1972, không quân chiến lược B.52 tấn công vào Hà Nội, Hải Phòng. Bắt đầu chiến dịch  Linebacker 2”.

Sáng ngày 18/12/1972, thông tin báo về: "6 giờ sáng, hàng không mẫu hạm America đậu ở phía đông Hà Tĩnh điện hỏi Sở Chỉ huy không quân chiến lược - trực thăng hôm nay làm nhiệm vụ cấp cứu ở đâu? 10 giờ, 11 giờ 30, 2 lần máy bay trinh sát không người lái bay vào Hà Nội, Hải Phòng.

14 giờ, tin khẩn: "Một chiếc RF-4C, máy bay trinh sát vũ trang, điện về căn cứ - thời tiết Hà Nội bảo đảm cho không quân hoạt động tốt". 

14 giờ 30, tin khẩn tiếp tục báo về: "Tất cả các máy bay B.52 ở 2 căn cứ Guam và Utapao đã được tiếp xăng cho 4-5 giờ bay. Đã lắp bom theo cơ số. Các máy bay chiến thuật cường kích, tiêm kích đang khởi động chuẩn bị…".

19 giờ - Rada của Đại đội 6, Trung đoàn Ba Bể nhận được tín hiệu B.52 đang bay từ Nam Lào lên phía Bắc, hướng về Hà Nội. 19 giờ 15, toàn Quân chủng Phòng không - Không quân và toàn bộ lực lượng dân quân, tự vệ, các lưới phòng không tầm trung, tầm thấp của Hà Nội, Hải Phòng nhận lệnh: Sẵn sàng chiến đấu với B.52!

20 giờ 30, Tiểu đoàn tên lửa 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn 361 bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 bắn rơi tại chỗ một chiếc B.52 trên vùng trời Hà Nội.

Những bản tin khẩn của các chiến sĩ tình báo trong lòng địch lặng lẽ gửi về, với những thông tin chính xác gần như tuyệt đối, góp phần vào chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. 

Cuộc họp báo gây bàng hoàng

Đêm 18/12/1972, mở đầu chiến dịch “Linebacker 2” nhằm “đè bẹp Việt Nam, buộc Hà Nội phải chấp nhận mọi điều kiện của Mỹ trên bàn đàm phán Hiệp định hòa bình…”, Mỹ đã đưa máy bay chiến lược “pháo đài bay” B.52, máy bay cường kích chiến thuật “tàng hình - cánh cụp cánh xòe” F111A hiện đại nhất của Không lực Mỹ, cùng hàng trăm máy bay tiêm kích các loại như: "Người nhà trời” - AD6, “Thần sấm”-F105, "Con ma”- F4, "Thập tự quân”- F8, "Kẻ đột nhập”- A6, "Ngôi sao chiến đấu”- F104, “Cướp biển”- A7, “Chim ó nhà trời”- A4… mang hàng chục ngàn tấn bom phá, bom sát thương, rocket… thảm sát, hủy diệt Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận.

g
Lực lượng phòng không bảo vệ bầu trời Hà Nội.
Hà Nội, với danh hiệu “Thủ đô của lương tri loài người”, quân và dân Hà Nội đã đồng lòng, hiệp sức, kiên cường, dũng cảm bảo vệ vùng đất, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Cái giá đầu tiên Mỹ phải trả khá đắt: 2 chiếc máy bay B.52G, in huy hiệu hình nắm đấm, tia chớp và cành ôliu cùng hàng chữ Strategic Air Command, phơi xác ở Phù Lỗ - Sóc Sơn - Hà Nội và Thanh Oai - Hà Tây. Không dừng lại thế, còn có những bằng chứng “sống”: Fernando Alexander - Thiếu tá, hoa tiêu; Hause Cilson - Đại úy, lái chính; Richard Tomat Simson- Đại úy, điều khiển điện tử; Robert Clenxartel, Henrie Charbaron, Character Browels - ba viên Đại úy hoa tiêu…

24 giờ Hà Nội đêm 18/12/1972, các nhà báo phương Tây và báo chí Việt Nam đã dự một cuộc họp báo lịch sử tại Câu lạc bộ Quốc tế giữa lòng Hà Nội trong tiếng ầm ầm của bom rền đạn nổ… Hà Nội thông báo với cả thế giới việc B.52 mang bom hủy diệt Thủ đô Việt Nam và thất bại của Mỹ trên bầu trời Hà Nội.

Cả nước Mỹ bàng hoàng khi chứng kiến sự thảm bại của “uy lực Mỹ” - B.52, bị bắn rơi tại Thủ đô nhỏ bé của đất nước bé nhỏ bên bờ Thái Bình Dương.

Những “niềm tự hào” của nước Mỹ, những “quân nhân ưu tú” trong lực lượng không quân chiến lược, những phi công “pháo đài bay” đầy kiêu hãnh, là niềm mơ ước, thần tượng của các phi công Mỹ khác, nay khiếp sợ cúi đầu run rẩy thốt lên trong ánh mắt còn vương nỗi kinh hoàng khi trả lời các phóng viên báo chí: "sợ lắm”, “rất sợ”, “thật khủng khiếp”, “tôi không ngờ hỏa lực phòng không của Hà Nội mạnh và bắn chính xác đến thế”…

Lúc này, thiếu tá, chỉ huy điện tử Fernando, người Texas cay đắng thốt lên: "Mọi sự tính toán của chúng tôi đã bị đảo lộn hết. Cấp chỉ huy và các kỹ sư điện tử của chúng tôi đã khẳng định như đang nắm trái ngọt trong tay... Phương án bay và tất cả các máy điện tử đủ loại này rất tuyệt vời. Không một loại tên lửa và máy bay Mig nào của Bắc Việt có thể bám, bắt được B.52 của ta… Tôi đã thực hiện đúng quy trình thao tác để bịt mắt đối phương… thế mà… như các ông thấy… tôi đang ở đây và là tù binh”.

Đại úy Henrie Charbaron: "Khi được phổ biến nhanh ở căn cứ Guam trước lúc bay, tôi sửng sốt bởi nghĩ rằng Hiệp định Hòa bình sắp ký kết như ông Kissinger tuyên bố cách đó ít ngày. Đến trước lúc nhảy dù, tôi biết máy bay của tôi lọt vào một ổ dày đặc tên lửa SAM 2 và cao xạ. Máy bay bị trúng đạn, rung lên dữ dội, khói mù mịt… Tôi rơi xuống một đám ruộng và thấy nhiều người chạy tới. Tôi không kịp làm gì theo hướng dẫn nếu máy bay rơi… Tôi cúi đầu giơ 2 tay đầu hàng”.

Một mảnh xác máy bay B-52 bị bắn rơi ở Hà Nội trong Chiến dịch Linebacker II (Nguồn Wikipedia)

Một mảnh xác máy bay B-52 bị bắn rơi ở Hà Nội trong Chiến dịch Linebacker II (Nguồn: Wikipedia)

Cả nước Mỹ và thế giới còn được tận mắt thấy những quân nhân ưu tú của quân đội Mỹ đã đánh mất uy lực của mình ra sao trước đối phương. Họ đã không đủ can đảm để thực hiện bài học quy định - quân lệnh khi thành tù binh: Chỉ khai tên, tuổi, cấp bậc, chức vụ, đơn vị, số hiệu. Họ đã khai cả bí mật kỹ thuật, cả lệnh của cấp trên phải ném bom ở đâu, đổ tội cho chỉ huy: "Chúng tôi là quân nhân, phải tuân lệnh chỉ huy. Chúng tôi biết B.52 có sức chứa bom và thả bom rải thảm tạo sự hủy diệt rât lớn, nhưng phải theo lệnh và chấp nhận tội ác của mình”. 

Điều này còn được nhắc lại trong một bài báo trên Tạp chí Quân lực Mỹ số ra tháng 7/1977: "Thật hãi hùng. Tôi cứ nơm nớp lo sợ mỗi lần bước lên máy bay đến Hà Nội. Cứ nghĩ cảnh các bạn tôi cúi đầu ê chề trước hàng chục ống kính trong buổi họp báo 19/12/1972, khủng khiếp. Trong căn cứ, ai cũng mang nỗi lo sợ…”

Buổi họp báo lịch sử là một “đòn” tử huyệt đối với Mỹ. 12 ngày đêm Hà Nội đã quyết tử cho một “Điện Biên Phủ trên không”, chấn động cả nước Mỹ và lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

  • Hoài Hương
     
    Kỳ 2: Cuộc cân não không quên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,