221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
933734
Người lập bàn thờ Bác trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch
1
Article
null
Người lập bàn thờ Bác trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch
,

(VietNamNet) - "Với tất cả tấm lòng thành kính, năm 2001, tức ba năm trước khi về hưu, tôi "xin" Bác một phòng ngay gần nhà sàn, nơi Bác ngồi ký các sắc lệnh xưa kia, làm nơi thờ cúng Người". Anh cảnh vệ năm xưa nay đã ngoại lục tuần, Trần Viết Hoàn, kể.  

 

 

 

h

Ông Hoàn (giữa) cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là PTT Chính phủ) đứng trước căn phòng có bàn thờ Bác. Ảnh chụp năm 2003.

Trong số những cảnh vệ trẻ khi xưa của Bác Hồ, có lẽ ông Trần Viết Hoàn là người gắn bó lâu năm nhất với Bác. Tự nhận có "diễm phúc" được ở bên Người trong 3 năm cuối ở nhà sàn và 16 năm ở cương vị Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, ông Hoàn được mọi người gọi với cái tên "Ông từ giữ đền".

"Ông từ giữ đền"

Dáng cao dong dỏng, tóc bạc trắng, ông Trần Viết Hoàn gây ấn tượng ở đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ. 

"Từ khi về hưu năm 2004 đến nay, cứ ngày mồng 1 hàng tháng, tôi lại tới thắp hương cho Cụ ở căn phòng mà tôi đã "xin" Bác. Năm nào cơ quan cũng làm giỗ cho Bác vào ngày 21 tháng 7 âm lịch".

Bao năm ở bên Bác, canh cho Bác từng bữa ăn, giấc ngủ, nay "ông từ" Hoàn vẫn nhớ nguyên cảm giác lạnh lẽo khi bước vào nhà sàn sau khi Bác mất.

u

"Từ khi về hưu năm 2004 đến nay, cứ ngày mồng 1 hàng tháng, tôi lại tới thắp hương cho Cụ". (Ảnh chụp ông Hoàn đang thắp hương trước bàn thờ Bác ngày 17/5/2007, tức 1/4 âm lịch).

"Tại nhà nơi Bác mất, anh em đặt lư hương để thắp hương cho Bác bên cạnh cửa sổ. Đến năm 2001, tôi "xin" Bác cho một phòng mà Bác vẫn ngồi ký các sắc lệnh để mọi người về có chỗ tưởng nhớ người ông, người cha của mình".

Trong căn phòng nhỏ nằm ngay gần nhà sàn, ông Hoàn cho đặt tượng Bác, bên trên có tấm hoành phi ghi 4 chữ "Cần, kiệm, liêm, chính". Hai bên tượng là câu đối: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công.

Sau khi Bác Hồ mất, ông Trần Viết Hoàn cùng một số anh em cảnh vệ tình nguyện được tiếp tục bảo vệ nơi ở và làm việc của Bác. 

Ông đã có trên 30 công trình nghiên cứu về Bác đăng trên nhiều tạp chí và một số đầu sách: 105 lời nói của Bác Hồ; Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch - Hà Nội; Hồ Chí Minh gương sáng đời đời...

Khi được hỏi "Ông cầu khấn gì mỗi lần thắp hương cho Bác?", ông Hoàn cười: "Tôi chỉ khấn đúng như thế này: Cầu mong Bác trong giấc ngủ bình an ban phước ban lộc cho mọi người được mạnh khỏe, tiến bộ. Chứ tuyệt nhiên tôi không xin cho mình điều gì cả".

Thế nhưng ngẫm ra, ông thấy mình được Bác ban phát rất nhiều "lộc": một gia đình hạnh phúc, con cái phương trưởng. Lạ một điều, cả nhà ông đều quây quần bên Bác. Vợ ông trước khi về hưu làm kế toán ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Con trai ông hiện là trưởng phòng bảo vệ Khu Di tích, con gái làm ở phòng thuyết minh. 

Nhớ lại cách đây 44 năm, chàng sinh viên ngoại ngữ Trần Viết Hoàn, khi đó mới tròn 20, được chuyển sang trường Công an Trung ương (C500) rồi được phân công về Cục Cảnh vệ, Bộ Công an. 

"Năm 1963, khi còn học ở trường Ngoại ngữ, tôi được đứng ở cổng Nhà khách Chính phủ vẫy chào Chủ tịch Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ. Đó cũng là lần đầu tiên, tôi được nhìn thấy Cụ Hồ trong lễ đón. Người cứ lâng lâng vì vui và tự hào", ông Hoàn nhớ lại.

Năm 1966, Trần Viết Hoàn được điều về đội 1 trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, tổ bảo vệ nhà sàn. "Đó là cả một diễm phúc. Người Việt Nam ta, từ cụ già đến em nhỏ, ai mà chẳng muốn gặp Bác dù chỉ một lần. Đằng này, tôi lại được nhìn thấy Bác hàng ngày".

Một buổi trưa, chàng cảnh vệ Hoàn đi gánh nước tưới rau, đúng lúc Bác đi bách bộ theo thói quen mươi - mười lăm phút trước bữa ăn. "Thấy Bác, tôi giật mình lùi lại. Bác mới bảo: Này chú, việc chú, chú cứ làm, việc Bác, Bác đi". 

Ông kể, có anh gặp Bác trên đường khi đang đi xe đạp bèn xuống xe. Bác liền nói: "Bác có phải đền Bạch Mã đâu mà các chú xuống xe". 

"Bác thường xuống thăm anh em nhà bếp và cảnh vệ, xem anh em ăn uống thế nào. Đi công tác về, bao giờ Bác cũng có quà, lần thì điếu thuốc, lần thì cái kẹo, quả táo". 

Theo lời ông Hoàn, những dịp đặc biệt, Bác Hồ cho anh em bảo vệ bắt cá từ ao mà thường ngày Bác vẫn chăm sóc để biếu các cụ già, cháu nhỏ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và để anh em cải thiện bữa ăn.

"Năm 1968, chúng tôi bắt được một con cá trắm cỏ rất to. Bác bảo: Các chú thử cân xem con cá nặng bao nhiêu. Anh em nhà bếp lấy bàn cân ra nhưng không sao cân nổi, vì đầu, đuôi con cá cứ chạm xuống đất. Bác nói: Một chú bê con cá và đứng lên cân, rồi trừ trọng lượng của chú ấy đi. Mọi người làm theo lời Bác thì biết được con cá nặng tới 24 kg. Lúc đó, Bác nói: "Bắt con cá này lên để đề phòng cá lớn nuốt cá bé".

Sau này, khi giữ chức Giám đốc Khu di tích, ông Trần Viết Hoàn kể câu chuyện trên cho nhiều đoàn khách, trong đó có các nguyên thủ quốc gia, nhiều vị nghe mà lặng người. 

’’Các chú cứ lo cho dân trước đi đã!’’

 

a

Đón các vị lãnh đạo Việt Nam tại nơi ở và làm việc của Bác Hồ.

Kỷ niệm về Bác, ông Hoàn có thể kể hàng giờ. Mỗi câu chuyện là một bài học. Về một nhân cách lớn. 

"Ngần ấy năm sống ở gần Bác, tôi không hề thấy Bác cáu giận. Thư ký của Bác, ông Vũ Kỳ kể với chúng tôi: Có lần, ông tự nhận với Bác là còn cáu gắt với anh em. Bác bảo: Chú ở với Bác lâu, Bác cũng ở với chú lâu, Bác chưa bao giờ thấy chú cáu gắt với Bác cả. Thế cáu gắt với anh em có phải vì chú cậy mình là cấp trên không?".

Ông nhớ hồi chiến tranh phá hoại, Bác Hồ dứt khoát không đi sơ tán, "Bác bỏ dân làm sao được". Bộ Chính trị bèn bàn việc xây cho Bác một căn hầm bằng bê tông để tránh bom bi, mảnh đạn.

Nhưng Bác vẫn nói: "Trước khi lo cho Bác, các chú hãy lo cho dân đi đã".

Tháng 5/1967, đúng dịp sinh nhật mình, Bác lại "đi vắng" như mọi năm, tránh phiền mọi người đến chúc mừng. "Bác sang Trung Quốc trong thời gian 2 tháng để chữa bệnh luôn. Ở nhà, Bộ Chính trị quyết định làm nhanh cho Bác căn nhà bê tông, tường dày đến 60 phân, do bên công binh thiết kế, thi công". 

Ông Hoàn nhớ như in, ngày 20/7, Bác về. Bộ Chính trị chuẩn bị đón Bác ở ngôi nhà mà trước khi đi chưa có. "Hôm đó, Bác chỉ hỏi: Đây là sáng kiến của chú nào?". Đồng chí Phạm Hùng thay mặt Bộ Chính trị đứng lên báo cáo: "Thưa Bác, đây là nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Bác nói: "Bộ Chính trị làm thì Bộ Chính trị ở đi, Bác có nhà sàn rồi!".

"Thế nhưng, với tinh thần tôn trọng tập thể và giữ kỷ luật của Đảng, Bác quyết định nơi đây sẽ là nơi họp hàng tuần của Bộ Chính trị. Căn nhà kiên cố mà Bộ Chính trị làm cho Bác đã trở thành trụ sở của Bộ Chính trị như thế đó".

Người cảnh vệ năm nào kể: Nhiều đêm, Bác xuống hầm để ở, tránh bom, vì thế trong nhà có một chiếc giường. Từ ngày 12/8/1969, tuy mệt nhưng Bác vẫn lên, xuống nhà đó. Đến ngày 17/8, Bác yếu đi nhiều, bác sỹ đề nghị Bác ở lại. Bác chấp hành ý kiến. "Không ngờ, căn nhà đó lại là nơi chứng kiến những ngày cuối cùng của Bác, chứng kiến quy luật của cuộc đời".

Ở bên Bác đến 3 năm, hình ảnh in đậm nhất trong trí nhớ của ông Trần Viết Hoàn là hình ảnh vị lãnh tụ ngồi làm việc, mặc quần cộc, áo cộc rất thoải mái, bên chiếc đèn bàn có chao làm bằng giấy hồng. "Gương mặt Bác hồng lên, gió thổi nhẹ làm chòm râu đung đưa. Những lúc ấy, Bác giống hệt một ông tiên".

Được Tổng thống Putin mời thăm Nga

â

Tổng thống V.Putin được ông Hoàn giới thiệu về Khu Di tích tháng 3/2001. 

Ông Trần Viết Hoàn nhận quyết định làm Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch vào 8h sáng ngày 8/8/1988. Suốt trong 16 năm đất nước bắt đầu hội nhập thế giới, "Ông từ giữ đền" đã có hơn 60 lần tiếp các nguyên thủ quốc gia, những người lần đầu tiên đến thăm Việt Nam.

"Đoàn nào có ông Hoàn xuất hiện, tiếp đón, thuyết minh thì không khí trang trọng lên rất nhiều", các cán bộ của ông nói.

Ông nhớ mãi chuyến du lịch sang Nga cùng vợ tháng 11/2002. Dù chỉ đi một tuần lễ nhưng vợ chồng ông được Bộ Văn hóa Nga tiếp đón thân tình, theo yêu cầu của đích thân Tổng thống Putin.

"Ấy là nhờ một năm trước đó, sau khi thăm xong khu Di tích, Tổng thống Putin dừng lại nói với tôi: Tôi xin hỏi ông, ông có được gặp Cụ Hồ bao giờ không? Tôi trả lời: Cám ơn Tổng thống, tôi là một trong những người trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Ông Putin bèn nói: Tôi rất kính trọng Bác Hồ. Tôi sẽ mời ông và cả phu nhân sang thăm Nga. Ngay 4 giờ chiều nay, tôi bay về nước, mời ông đi ngay với tôi".

Trước lời mời bất ngờ của Tổng thống Nga, ông Hoàn phải tìm cách thoái thác: "Tôi còn công việc bề bộn, thu xếp chưa xong. Xin khất ngài vào dịp khác". Nghe vậy, Tổng thống Putin yêu cầu vị đại sứ đi cùng làm việc với Bộ Văn hóa Nga thu xếp một chuyến thăm Nga cho ông Hoàn và vợ. 

Trước đó, vào năm 1998, sau khi được ông Hoàn tiếp đón, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức TW Đảng CS Trung Quốc Tăng Khánh Hồng cũng quyết định mời ông Hoàn sang thăm Trung Quốc và giao cho Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông tiếp đón ông. Sau chuyến đi của ông Hoàn, Khu Di tích Phủ Chủ tịch và Nhà tưởng niệm đã kết nghĩa với nhau và duy trì những chuyến thăm hỏi, học tập lẫn nhau đến tận bây giờ.

Còn rất nhiều kỷ niệm nữa giữa ông Hoàn với các vị lãnh đạo cấp cao trên thế giới, từ chuyện tặng Huy hiệu Bác Hồ cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro, chuyện "đuổi theo" Tổng thống Pháp Mitterrand khi ông bất ngờ vào thăm ao cá Bác Hồ... Vị cựu Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch chẳng khác nào một pho từ điển sống.

"Có ai được những diễm phúc ấy. Tôi cho rằng đó là "lộc" của Cụ Hồ. Hưởng lộc, hưởng phước mà Cụ ban cho thì phải sống và làm việc cho xứng đáng", ông Hoàn vẫn tự răn mình.

Người lính bảo vệ Bác năm xưa tự hào trong suốt cuộc đời luôn giữ được mình, rèn mình không để vi phạm điều gì về đạo đức, nhân cách, không mảy may thu vén mưu lợi riêng. Nay đã ngoại lục tuần, ông Trần Viết Hoàn đang chuẩn bị tập hợp các bài viết, các bài nói chuyện của mình thành một cuốn sách.

"Nhớ Bác Hồ, những điều bình dị" - người cảnh vệ năm xưa của Hồ Chủ tịch dự định đặt tên cho cuốn sách mà mình ấp ủ lâu nay.

 

 

 

  • Vân Anh

 

Hãy bày tỏ tình cảm của bạn với Bác Hồ tại đây!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,