221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
754585
Ngôi trường không thích... lên ti vi: Chuyện người khai sáng
1
Article
null
Ngôi trường không thích... lên ti vi: Chuyện người khai sáng
,

(VietNamNet) - Ra đời ngay sau đổi mới, khi chưa hề có một quy chế riêng cho ĐH Dân lập, những người khai sáng ra Thăng Long đã phải vật lộn như thế nào để tồn tại? Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hệ thống trường ngoài công lập đang "phình" rộng, Thăng Long sẽ phải làm gì để tiếp tục giữ được thương hiệu riêng?

Soạn: AM 676693 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ký hợp tác với trường ĐH ISG tại ĐSQ Pháp, 29/2/1990. GS Hoàng Xuân Sính là người thứ 2 từ phải qua. (Ảnh tư liệu)

"Xô nước nấu cơm"

"Hồi trước đổi mới, bạn có biết mơ ước của tôi là gì không? - cô Hoàng Xuân Sính nhìn tôi hóm hỉnh - là mỗi buổi chiều về, nhìn thấy trong góc bếp có một xô nước đầy để thổi cơm". Rồi cô cười ngất khi nhắc lại kỷ niệm khi mới ở Pháp về. Lần ấy, đang đêm, cô "mò" sang ký túc xá ĐH Y xách trộm một xô nước đem về. Ai dè, SV biết, nam lẫn nữ hò nhau đuổi theo.

"Lúc đó, tôi gầy gò lắm, ba chân bốn cẳng chạy bán sống bán chết nhưng quyết không để một giọt nước phải rỏ xuống đất. Nỗi lo lớn nhất trong đầu mọi người lúc ấy là nước, là nồi cơm. Tôi "thoát" không phải do chạy quá nhanh mà vì họ chỉ đuổi theo dọa dẫm để lần sau tôi không còn dám bén mảng sang bên đó nữa"...

Những đêm trước đổi mới, cuộc sống còn quá sơ đẳng, thế nên "người ta không nghĩ được cái gì khác rộng hơn ngoài nồi cơm. Một xô nước phải để dành nấu cơm, tôi còn không dám nghĩ cả đến chuyện sẽ được rửa mặt chứ chưa nói tới tắm". Và thế là, sau mỗi buổi lên lớp, nữ GS đành lang thang tạt vào nhà người này, người nọ. Tiện thì lau qua mặt, "thảo" hơn nữa thì tranh thủ giặt tạm quần áo, có lúc "vớ" được bể nước đầy thì người bạn hào phóng cho tắm nhờ đã là "hoang" lắm. Bài học cay đắng mà cô Sính thấm được từ những ngày ấy, là một khi vẫn còn vướng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thì không ai có thể nghĩ gì đến cải cách hay đổi mới, nhất là giáo dục.

Thế nên, chỉ cần ngay sau ĐH VI, ý tưởng về một trường ĐH dân lập "hội nhập quốc tế và nảy nở tài năng của mỗi người để phục vụ thị trường lao động" đã manh nha trong đầu cô. "Bây giờ, nhiều người gọi tôi là anh hùng. Chứ hồi đó, lúc ngồi soạn thảo lá đơn xin mở trường để gửi lên Bộ Đại học, tôi vừa gõ máy chữ, vừa run lẩy bẩy". Gõ xong rồi, cô Sính vẫn đắn đo, không dám gửi đi bởi hồi đó, lãnh đạo Bộ cương quyết: "...Ở đâu có phi quốc lập chứ giáo dục thì không".

"May nhờ Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gật đầu..."

Chỉ còn một cách... Cô Sính đành "tán" Nguyễn Mạnh Khuê (lúc đó là Giám đốc Ủy ban Khoa học Hà Nội, hiện là Hiệu phó trường ĐH Dân lập Phương Đông) đến khu tập thể ở Khương Thượng, nhờ Ủy ban nhân danh để xin lên Bộ Đại học. Ông Khuê sốt sắng nhận ngay lá đơn, hứa sẽ ủng hộ...

Một tháng sau, không thấy động tĩnh, nhắn nhe gì, cô Sính "xộc" thẳng đến Ủy ban. Đang dở cuộc họp, Giám đốc Khuê đưa trả lá đơn cho cô Sính, khẽ khàng: "Thôi, chị tự viết đơn đi", rồi quay vào, không giải thích gì thêm...

Đã từng trắng đêm với nỗi sợ mặt đối mặt với Bộ Đại học, cô Sính hiểu cái quay người của ông bạn, "ông ấy bắt đầu sợ, như tôi đã sợ lúc tìm đến ông ấy. Lúc đó là ghê gớm lắm, chỉ có chết thôi, sao lại gan cóc tía đi mở trường tư vào lúc này?".

"Chết thì chết, mở trường để góp phần cải cách giáo dục nước nhà chứ không vì mưu cầu lợi ích cá nhân", nghĩ thế nên cô Sính mạnh dạn gửi thẳng đơn lên Bộ Đại học, rồi vững tay ngồi sao thành 4 lá đơn, gửi đi 4 "cửa". Cửa đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc đó là Phó Thủ tướng, phụ trách Khoa học Giáo dục).

Đó là ngày 11/7/1988. Trang nhật ký ố vàng của cô Sính vẫn còn đánh dấu từng giờ những sự kiện "gan cóc tía" đó. Về sau, cô sao ra một bản khác, như những trang đầu trong lịch sử khai sinh của Thăng Long.

Lần này, cô không ngồi để chờ được gọi lên, "trên đời này, có ông nào là tôi đi tìm tất. Từ ông lớn đến ông bé...,tôi "chạy" hết. Nhiều người, lúc nghe tôi trình bày ý tưởng thì hoan hỉ, ủng hộ lắm, cũng hứa hẹn. Nhưng... không làm gì hết".

Người cuối cùng cô tìm đến là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Cô chỉ nói một câu: "Để tôi mở trường, nhà nước không cần phải bỏ một xu nào hết". Thế mà ông Linh hiểu, ông Linh gật đầu liền...

Và một tháng sau ngày khai giảng, cô Sính liên tục xuất hiện trước ống kính báo chí nước ngoài.

"Mọi sự đã thông?"

Soạn: AM 676691 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS. Hoàng Xuân Sính (phải) thuyết trình về ĐH Thăng Long tại một hội nghị về VN, tháng 10/1990. (Ảnh tư liệu)

Cô Sính lần giở lại những trang nhật ký ố vàng. Từng thời khắc của 17 năm trước chầm chậm trở về như một thước phim quay chậm...

Ngày 14/11/1988: Nhận được thư của Ban khoa giáo Trung ương mời lên trình bày về đề án thành lập trường Dân lập Thăng Long.

Ngày 15/11/1988: Họp với các ông Đặng Quốc Bảo và Phạm Tất Dong ở Ban Khoa giáo Trung ương. Ông Bảo đưa xe đến đón tận nhà.

Ngày 16/11: Bộ Đại học mời lên họp cùng với đại diện Bộ, đại diện Ban khoa giáo Trung ương, đại diện Văn phòng Bộ trưởng.

Cô Sính hiểu, thế là mọi sự đã "thông".

Tại phiên họp quyết định này, khi được Bộ trưởng Bộ Đại học Trần Hồng Quân hỏi muốn đặt tên trường là gì, cô Sính nói lên cái tên đã ấp ủ trong đầu: "Viện Đại học Hà Nội". Bộ trưởng bác bỏ ngay, vì rằng: cái tên Hà Nội để dành cho trường công, còn "Viện Đại học" thì "nghe Sài Gòn quá", cũng không được nốt.

Cô Sính "bật" lên ngay: Không phải Hà Nội thì là Thăng Long vậy, Trung tâm ĐH dân lậpThăng Long, được chưa? Chữ trung tâm giáo dục đồng nghĩa với các trung tâm ngoại ngữ, tin học cũng đang nở rộ hồi đó, vậy nên được duyệt luôn vì Bộ trưởng cho là cô Sính "khiêm tốn", đang thử nghiệm. Dĩ nhiên, cô chỉ là Giám đốc của cái trung tâm đó thôi, chưa được làm hiệu trưởng.

Mãi về sau, cô Sính vẫn cười khoái trá khi nhắc lại vụ mà cô gọi là "bịp bợm" này: "Chữ trung tâm dịch ra tiếng nước ngoài rất "to", tương đương với một cụm các trường ĐH. Hơn nữa, chữ "Giám đốc" cũng oai hơn "Hiệu trưởng" nhiều chứ. Ai mà chẳng biết người ta chỉ nói Giám đốc ĐH Quốc gia chứ đâu có gọi là Hiệu trưởng. Vô tình các ngài đẩy tôi lên mà tưởng là "lừa" được tôi. Hồi đó, tôi đang cần tên gọi để quyên tiền nước ngoài mà".

"Vụ bịp bợm" trên còn được cô Sính kể lại trong buổi lễ công bố thành lập Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập ở VN tháng 9/2004.

Cuộc gặp ngày 16/11 kết thúc trong hỉ hả...

 Và thế là, ngày 15/12/1988, Bộ trưởng Bộ Đại học chính thức ký quyết định thành lập Trung tâm ĐHDL Thăng Long. Ngày 15/12 trở thành ngày kỷ niệm thường niên của nhà trường.

Nhận quyết định rồi, nhưng không có sinh viên cũng khó thành trung tâm. Và đến bây giờ, cô Sính cùng hội đồng quản trị của mình vẫn biết ơn cái quy chế tuyển sinh tiền hậu bất nhất của Bộ Đại học hồi đó.

Năm 1988, Bộ vẫn giữ quy định thí sinh trượt ĐH không được phép thi tiếp năm sau (quy định này bị bãi bỏ ngay năm sau, 1989). "Nhờ đó tôi mới hớt được váng của kỳ tuyển sinh ĐH năm 1988. Học sinh thi trượt không còn cơ hội vào tiếp ĐH mới tìm đến tôi chứ có phải họ tin tưởng gì ở tôi đâu. Tin sao được, trường không, lớp không, chỉ là một cái trung tâm trên... giấy". Nhưng cái sự tình cờ và lứa sinh viên 85 người đầu tiên của những phòng học giấy đó, là cái mầm để gieo Thăng Long.

"Những cú điện thoại ban đêm"

 

Soạn: AM 676689 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cô Sính trong giờ dạy toán đầu tiên tại trường năm 1988. (Ảnh tư liệu)

 

Ngày 22/1/1989 đánh dấu kỳ thi tuyển sinh đầu tiên của Thăng Long. 100 thí sinh nộp hồ sơ được xét duyệt vào vòng vấn đáp. Hội đồng vấn đáp có cả GS. Đoàn Quỳnh, GS. Văn Như Cương, TS. Phan Huy Phú (Hiệu trưởng nhà trường hiện nay)... Một kỳ tuyển sinh "độc nhất vô nhị" bấy giờ.

Nhật ký cô Sính còn lưu lại ấn tượng cuộc gặp 85 phụ huynh lần đầu tiên (về sau rơi rụng dần chỉ còn lại 74). Không một ai phân vân với mức học phí 10kg gạo/tháng (hệ B công lập lúc đó là 9kg gạo) hay băn khoăn SV sẽ học ở đâu? Chỉ có một câu hỏi mà 85 phụ huynh đồng thanh nhắc lại, đó là: "Nếu có chuyện gì xảy ra khiến Bộ Đại học không phát bằng tốt nghiệp cho SV thì ai sẽ chịu trách nhiệm?".

Không ai khác, chính là Giám đốc. Lúc ấy, trường phải thuê cơ sở ở trường Quản lý Cán bộ y tế ở 138 Giảng Võ với vỏn vẹn một phòng học và một nửa văn phòng nhưng lễ khai giảng phải được tổ chức ở Văn Miếu, có đầy đủ quan chức tham dự. Truyền hình, báo chí trong và ngoài nước đồng loạt phát đi hình ảnh lễ khai giảng trường ĐH ngoài công lập đầu tiên ở VN. Thầy Văn Như Cương, lúc đó trao tặng cô Sính bó hoa to với lời chúc thành công để rồi mấy tháng sau, ông cho ra đời trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, mở đầu cho hàng trăm trường trung học dân lập trong cả nước.

Học phí chỉ đủ thuê trường, sở một cách chật vật. Khóa đầu tiên phải học luân chuyển ở bất kỳ phòng học trống nào tình cờ thuê được. Có những lúc học trong căn phòng hoang của một trường cơ sở, SV xì xụp thắp hương diệt muỗi dưới gầm bàn còn thầy giáo cắn răng chịu muỗi đốt chân tay, mặt mũi suốt tiết học. Trường đã đón phu nhân tổng thống Pháp, bà Danielle Mitterrand trong nỗi khiếp sợ muỗi sẽ thịt khách và trường không có nhà vệ sinh. Tiền lương cho giáo viên được góp nhặt từ lòng hảo tâm của những Việt kiều Pháp, Úc, Nhật, Canada, các giáo sư cũng làm công ăn lương như cô Sính. Họ tình nguyện giúp cô Sính là để Thăng Long "khởi động" thuận lợi.

Nhật ký cô Sính vẫn đánh dấu đỏ chói những ngày hè bỏng rát năm 1993.

Sinh viên khóa I và II bắt đầu xôn xao, rằng "Thăng Long không có bằng, chỉ phát giấy chứng nhận tốt nghiệp". Muốn có bằng, trường phải tổng kết mô hình thí điểm ĐHDL để Bộ xem kết quả. Tổng kết phải dựa trên quy chế ĐH dân lập. Oái oăm thay, Thủ tướng mới ban bố quy chế ĐH tư thục (dù chưa trường nào ra đời) chứ chưa có quy chế dân lập.

"Một nhà máy mà phá sản thì chỉ có người chủ chịu thiệt. Trường học mà phá sản thì bỏ SV đi đâu? Nhà nước không cho tôi phá sản nhưng cũng không giúp tôi sinh tồn..." Cô Sính thở dài nhớ lại.

Dấu hiệu phân rã bắt đầu manh nha. Mùa tuyển sinh 1993-1994, chỉ có 6 SV vào Toán - Tin và 29 SV vào Quản lý. Tập thể phụ huynh đồng loạt gửi thư "đòi" bằng. Nửa đêm, những cú điện thoại "khủng bố" nã xuống đầu cô Sính, "người ta chọn đúng vào khoảnh khắc yếu nhất của tôi trong ngày, khi tôi không thể tự vệ được. Tất nhiên họ làm thế là để "kích" tôi phải chạy cật lực thôi. Đó là giai đoạn tôi cô đơn đến cùng cực. Không chia sẻ được với ai. Chỉ cần tôi kêu, họ sẽ bảo: Ai bắt mở dân lập làm gì???

Thế là xắn tay vào làm, gửi 29 SV khoa Quản lý đi học tiếng Pháp ở Alliance Francaise rồi hợp lực với những người bạn tâm huyết soạn thảo quy chế. Và cái quy chế ấy còn được Bộ dùng mãi đến năm 2000 mới thay thế bằng một quy chế khác.

Ngày 11/8/1994, quy chế được thông qua, Trung tâm ĐHDL Thăng Long đổi tên thành ĐHDL Thăng Long, hội đồng quản trị được công nhận. Cô Sính trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên.

Ngay sau buổi tổng kết mô hình Thăng Long và ban bố quy chế dân lập tạm thời, hàng loạt trường ĐHDL đã đăng ký xin phép mở.

"Phải xây trường đã..."

Theo Chiến lược phát triển giáo dục của Chính phủ, đến năm 2010 sẽ có 40% SV ngoài công lập, mô hình mà gần 20 năm trước gần như chỉ là một đứa con "ghẻ". Hàng loạt quan chức cũng như các giáo sư trường công, khi về nghỉ hưu đã nhoai ra mở trường tư.

Mở ĐH dân lập bây giờ không chỉ để "tăng cơ hội học tập cho thanh niên" mà những người sáng lập còn vạch đường đi rõ ràng, để 10-15 năm tới "đạt đẳng cấp quốc tế". Đã có những đề án cho việc mở trường, những cuộc bàn thảo gấp rút cả trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn bàn nghị sự. Thủ tướng sau chuyến đi Mỹ cũng đang chỉ đạo thành lập tổ nghiên cứu để cho ra đời trường ĐH mang đẳng cấp quốc tế.

Ít ai biết, 17 năm trước đây, cô Sính đã vạch rõ mục tiêu "đột phá để hòa nhập với thế giới" ngay trong lời đầu của bản Hiến chương nhà trường: "Tất cả cho một nền học vấn hội nhập với quốc tế làm nảy nở tài năng của mỗi người và phục vụ thị trường lao động".

Hiện, tất cả đang dồn tâm trí vào mục tiêu trước mắt là dự án xây dựng ngôi trường mới khang trang ở Đại Kim với diện tích ước tính khoảng 2 hecta và số tiền đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Ban lãnh đạo nhà trường suy nghĩ "trong giai đoạn hiện nay, có xây dựng được một ngôi trường cho ra trường, khang trang, hiện đại thì mới nói được đến những chuyện khác".

Soạn: AM 676685 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sinh viên ĐH Thăng Long giờ thực hành. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Xây được trường rồi, mới mong trang bị những phòng thí nghiệm hiện đại, mới mong hút được những giáo viên giỏi, mới hy vọng SV có sân chơi, phòng tập thể thao... "Hội đồng quản trị phải lăn lộn hơn 10 năm mới kéo được khoản tài trợ xây trường. Thiếu thì vay ngân hàng chứ chúng tôi kiên quyết không kêu gọi cổ đông góp vốn. Xã hội chẳng đã rạn nứt vì những mối lợi khác nhau rồi đó sao?" cô Sính cười nhẹ.

"Ở đây, chúng tôi gọi đó là Văn hóa Thăng Long. Văn hóa của sự trung thực và hợp tác", TS Đặng Kim Nhung, hiệu phó nhà trường, người rất "say" các lý thuyết "siêu hình" cho biết. Cô giải thích thêm "Trong Hội đồng quản trị không có sự cát cứ phòng ban, mỗi người nhận một phần gánh nặng và tiếp sức cho nhau cùng chạy. Đó là sự phát triển bền vững".

Hay nói như cô Sính: "Với giáo viên, không vắt chanh bỏ vỏ. Với SV, phải đào tạo theo mục tiêu ra trường có việc làm".

Và còn gì nữa? Những kế hoạch của tương lai? Cả cô Sính, cô Nhung lẫn thầy Phú đều mỉm cười trước câu hỏi này. "Người ta sống trên đời dễ thành nói khoác lắm. Tuyệt đối mai danh, ẩn tích, cứ im lìm mà làm. Chỉ nói, khi đã ra được kết quả mà thôi".

Thăng Long - ngôi trường 17 năm - bằng tuổi trưởng thành của một con người. Nhiều dự định còn ngổn ngang phía trước.

  • Lê Ngọc Nhung

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Ho ten: Hoàng Thanh Hải
Dia chi: Láng Hạ, Đống Đa - Hà Nội
Email: hai670@gmail.com
Tieu de: Toi la SV Thang Long
Noi dung: Tôi click chuột vào bài viết vì tò mò xem trường nào thời buổi này mà không thích... lên ti vi. Thì ra đó là Thăng Long, nơi tôi học khoa Toán Tin ngày xưa. 7 năm rồi, từ ngày tôi ra trường. SV
bây giờ hiện đại hơn chúng tôi nhiều, mà nghe nói còn sắp được học trường mới (đang xây thôi). Nhưng có một đìều tôi muốn nói với cô Sính và thầy Phú, là: Em ra trường, đi làm ngon lành, và khi em bảo học Thăng Long thì nhiều người gật đầu: "Thảo nào"... Cảm ơn VietNamNet rất nhiều. Chắc SV Thăng Long sẽ vào đọc bài của các bạn nhiều lắm đấy.

Ho ten: trangbinA02999
Dia chi: Hà Nội
Email: trangbin2512@yahoo.com
Tieu de: Em xin cảm ơn trường Thăng Long và các thày cô.
Noi dung: Em là 1 sinh viên đã học ở trường Thăng Long khoá 12 khoa Quản trị kinh doanh. Vì thích đi làm để khẳng định bản thân nên em đã bỏ lỡ việc học ở trường của mình. Đến khi em muốn quay lại học thì đã quá muộn vì em đã không thực hiện đúng như qui định của nhà trường khi muốn bảo lưu. Em rất buồn và tiếc vì đã học được học trọn vẹn tại trường nhưng đó là lỗi của em. Đã bao lần muốn quay lại trường thăm thày cô và các bạn nhưng em thấy chưa đủ can đảm để gặp lại mọi người. Nhưng thày cô ơi, bây giờ em đã làm được nhiều việc thật sự có ích và đa số việc em làm được là do em đã áp dụng những bài học ở trường mình. Em thấy tự tin hơn và em rất muốn nói lời cảm ơn đến các thày cô và các bạn ở trường đã dạy cho em, giúp đỡ em rất nhiều khi em còn học ở trường. Cô Sính ơi, thày Phú, cô Nhung, cô Thuỷ và cô Trinh ơi... Em luôn mong cho các thày các cô được m&# 7841;nh khoẻ và mãi là những người thày, người bạn tốt nhất của chúng em, cho chúng em những bài học tốt để sẵn sàng bước vào đời thật tự tin. Sinh viên cũ của trường: A02999

Ho ten: Bông Mai
Dia chi: Làng Quốc tế Thăng Long, Hà Nội
Email: mailt@yahoo.com
Tieu de: Trường tôi
Noi dung: Tôi đang học K17 Thăng Long. Quả thật, tôi vào trường theo nguyện vọng 2 và lúc đó mọi người chỉ nói với tôi rằng, học ở đây yên tâm lắm (dù học phí có... hơi đắt một tý). Một năm qua, so với tụi bạn học trường công, tôi thấy mình tự tin và chững chạc hơn nhiều. Thầy cô dù trẻ nhưng rất nhiệt tình, vả lại, khi học ĐH thì xác định tự nghiên cứu là chính. Thế nên, tôi ngạc nhiên vì nhiều người kêu ca chuyện thầy cô mới ra trường mà đòi đi dạy ĐH. Tôi không hiểu các bạn ấy nghĩ học ĐH là gì nữa. Bài báo rất hay, rất đúng về Thăng Long chúng tôi.

Ho ten: Thanh Mai
Dia chi: Đống Đa, Hà Nội
Email: mail420@yahoo.com
Noi dung: Tôi làm việc trong một tờ báo của ngành giáo dục. Năm ngoái, tôi cũng có xuống Thăng Long để viết bài về học tín chỉ. Nhưng quả thật, tôi không phát hiện ra rằng, những ứng dụng hiện đại của ngôi trường này rất đáng kể. Tác giả bài báo quả thật đã có một cái nhìn rất sắc sảo để viết đúng ưu thế nổi trội của Thăng Long: Tin học hóa tất cả mọi khâu.

Ho ten: Hoàng Long
Dia chi: Hà Nội
Email: hoanglongtt76@yahoo.com
Tieu de: Trường ĐH Thăng Long - những điều cần biết!!!
Noi dung: Trường này lấy học phí thuộc dạng hàng đầu Hà Nội, chỉ thua trường ĐH Quốc tế. Trong khi đó, sinh viên có khi phải học cả buổi tối. Mặt khác, khi bạn là sinh viên trường này phải chắc chắn rằng bố mẹ bạn phải thường xuyên có thời gian rảnh rỗi để tham dự những khoá "họp phụ huynh" như thời bạn còn đang học trường phổ thông. Dù bạn vẫn đang bận thi học kỳ buổi sáng, dù nhà bạn ở xa, nhưng đến tối bạn vẫn phải đến trường để "chen vai hích cánh" với các sinh viên khác mong đăng ký được môn học phù hợp với mình ở học kỳ sau. Nếu chậm chân, lớp đầy thì chỉ còn cách "waiting" - đợi kỳ sau Diễm nhé! Tóm lại, học trường này trung bình 5-6 năm thì ra trường đối với phần lớn sinh viên. Học không ra nhanh, chuyên ngành thay đổi môn học thì bạn lại phải học lại, học thêm và dĩ nhiên là tốn thêm 1 khoản không ít (mà học phí đang tăng theo cấp số cộng đấy nhé!).

Ho ten: Trần Hồng Phúc
Dia chi: TP. HCM
Email: phuc_icon@yahoo.com.vn
Tieu de: rat thich thu
Noi dung: Đây là lần đầu tiên tôi được biết về một ngôi trường có xu hướng rất phù hợp với hiện tại. Ước mong sao tôi cũng mau chóng được học trong một ngôi trường như thế này. Rất hay!!!

Ho ten: giấu tên
Email: xlim5@yahoo.com
Tieu de: Đây là một bài viết rất chân thực!
Noi dung: Tôi là một sinh viên của trường Thăng Long đã 4 năm rồi và tôi biết rõ về ngôi trường này cũng như các thầy cô trong trường. Như bài viết này đã nói, cô Hoàng Xuân Sính là một người đáng kính, đáng trân trọng, không chỉ giúp cho những sinh viên trong trường những điều kiện tốt nhất để học tập, mà cô còn cho các bạn sinh viên xuất sắc một con đường tốt hơn để phát triển đó là đi du học tại Pháp, riêng khoa Toán Tin khoá 15 của tôi có một bạn học rất giỏi và được sang Pháp học từ ngay năm đầu tiên, bây giờ sau 3 năm cậu ta đã tốt nghiệp IUT bên Pháp, và đang theo học lớp kỹ sư tin học (học chuyển tiếp và được ưu đãi về học phí), vì vậy tôi luôn kính trọng và yêu mến cô Hoàng Xuân Sính, một người luôn tiên phong và mở ra con đường tốt nhất cho sinh viên.

Ho ten: Do Le Khanh
Email: khanhdl1750@yahoo.com
Noi dung: Kính gửi Ban biên tập. Những điều cơ bản thì đã được thể hiện trong bài viết. Tôi có anh bạn dạy ở một trường đại học trong "top 5" ở nước ta cho biết: Thăng Long là một mô hình dạy học tiên tiến, lấy sinh viên làm trung tâm, sinh viên hoàn toàn chủ động, không phụ thuộc vào thời lượng học "xơ cứng". điều quan trọng sinh viên không cần biết nhà thầy cô ở đâu để mà "trình bày hoàn cảnh" của mình trong đợt thi vừa qua.

Ho ten: Nguyen Thanh Huong
Dia chi: Ha Noi
Email: thanhhuonghnpc@yahoo.com
Tieu de: Chuyen ve DH Thang Long
Noi dung: Tôi là một cựu sinh viên Thăng Long. Tôi đã học khoá đầu tiên về Marketing (Q9M) của trường. Đến nay tôi đã có một công việc với thu nhập ổn định . Tôi xin cám ơn Thăng Long đã giúp tôi có được sự nghiệp như ngày hôm nay.

Ho ten: Nguyễn Mai Phương
Dia chi: Khu tập thể Kim Liên. Hà Nội
Email: phuong67@yahoo.com
Noi dung: Tôi là SV Thăng Long năm cuối. Sắp ra trường và tôi lạc quan về việc sẽ tìm được việc làm. Tôi chưa gặp cô Sính lần nào, có học cô Nhung vài buổi và đó là cô giáo tôi thích nhất từ hồi đi học đến nay.

Ho ten: Nguyen Duc Manh
Dia chi:
Tay Ho, Ha Noi
Email: tranghh81@yahoo.com.vn

Noi dung: Tôi là SV Thăng Long ra trường 3 năm rồi. Hồi tôi học chưa có đăng ký qua mạng mà lại học theo tín chỉ nên vất vả cực nhọc lắm. Nghĩ lại vẫn sợ. Tôi đi làm từ trước khi ra trường nên chẳng bao giờ băn khoăn chuyện bằng của mình là là dân lập. Nghe nói ở trường bây giờ SV học khá hơn chúng tôi ngày xưa. Tôi chưa được nói chuyện với cô Sính lần nào, còn thầy Phú thì rất cởi mở, cô Nhung hồi mới về trường rất ấn tượng vì giọng nói mạnh mẽ. Cám ơn VietNamNet đã cho đăng bài viết về trường Thăng Long.

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,