,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
712256
Phá cách trong nhạc Trịnh nói riêng và...
1
Article
null
,

Phá cách trong nhạc Trịnh nói riêng và...

Cập nhật lúc 16:30, Thứ Tư, 28/09/2005 (GMT+7)
,

Báo giới  sáng ngày 28/9 bàn về chuyện phá cách trong nhạc Trịnh, đặt ra những câu hỏi về giới hạn của sự phá cách. Đề tài này, Giai Điệu Xanh – VietNamNet cũng đã bàn tới nhiều lần trong những bài như:  Bất tử và vô thường,  Chuyện mới/cũ trong âm nhạc, Đào xới trong nhạc Trịnh,  Những thách thức trong Đêm thần thoại   Nhân đây, xin được  lạm bàn thêm đôi chút về việc phá cách trong âm nhạc của ca sỹ - không chỉ giới hạn trong nhạc Trịnh. 

Soạn: AM 565794 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Sự phá cách trong âm nhạc bắt nguồn từ khát vọng làm nên những điều mới mẻ của nhạc sỹ và ca sỹ. Dù là nhạc xưa, nhạc Trịnh hay nhạc trẻ, những cách thể hiện mới lạ, mang tính đột phá đều gây hưng phấn cho cả người sáng tác, biểu diễn lẫn người nghe. Tuy nhiên, những phá cách – dù táo bạo đến đâu chăng nữa – cũng phải dựa trên một cái gốc, một cơ sở  lý luận nghệ thuật nhất định. Vậy mà bây giờ nhà nhà phá cách, người người phá cách, nhập nhằng và rối rắm, khiến người nghe hoang mang chẳng biết đâu mà lần.  

Cần phân biệt hai xu hướng phá cách: thứ nhất, xu hướng phá cách kiểu "bình mới rượu cũ", nhuận sắc tác phẩm cho phù hợp với thời đại nhằm thu hút và chinh phục nhiều người nghe, người xem nhằm mục đích giải trí hay thương mại (dễ chào bán). Thật ra đây là những phá cách nửa vời và vẫn còn lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thẩm mỹ cũ. Thứ hai, xu hướng phá cách nhằm mục tiêu khám phá sáng tạo. Xu hướng này thường có tính chất cách tân triệt để và thường phát lộ những quan niệm mỹ học mới mẻ, nếu không muốn nói là thường dựa vào một hệ thẩm mỹ mới. Những phá cách, cách tân của xu hướng này thật sự là một sự thách thức mặt bằng thẩm mỹ đương thời. 

Nhìn từ bối cảnh nhạc Việt hiện tại, có thể nói là những tìm tòi thuộc xu hướng thứ hai chưa phát lộ rõ nét. Riêng trong lĩnh vực nhạc nhẹ, có thể tạm chia ra hai dạng phá cách trong âm nhạc: phá cách mang tính giải trí như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng… trong nhạc Trịnh và phá cách bắt nguồn từ những khát vọng, trăn trở về mặt nghệ thuật của nhạc sỹ và ca sỹ về một không gian âm nhạc mới, một sự cách tân như trường hợp của Lê Minh Sơn – Trần Mạnh Hùng – Thanh Lam hay Dương Thụ - Quốc Trung – Hồng Nhung, Huy Tuấn – Anh Quân – Mỹ Linh và Ngọc Đại – Đỗ Bảo – Trần Thu Hà… từng làm. 

“Phá cách” của Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng nói là làm màu, chơi nổi cũng không sao. Họ vẫn loay hoay trong khuôn khổ của nhạc Trịnh, gọi là phá cách, nhưng thực tế là phá phách đôi chút cho vui thì đúng hơn, bởi nếu chỉ gây shock kiểu biến Trường ca Đóa hoa vô thường của Trịnh Công Sơn thành rock như Mỹ Tâm thì nghe lạ đấy, nhưng thật sự người biết chuyện chẳng ai quan tâm, bởi phá cách kiểu ấy mang tính giải trí nhiều hơn là cống hiến điều gì mới mẻ. Không cổ súy cho kiểu phá cách này, nhưng mặt khác, phải nhìn nhận những đóng góp mang tính tích cực của nó về mặt giải trí, thị trường, đáp ứng nhu cầu nghe – xem của đại chúng. Tuy nhiên, làm gì thì làm, những người trong cuộc nên “tự biết mình là ai” để bớt đi những tuyên ngôn, hô hào kệch cỡm vượt quá khả năng giới hạn của mình. 

Nói qua một chút về cuộc trình diễn nhạc Trịnh trong Đêm thần thoại, sự kết hợp nhạc Trịnh với dàn nhạc giao hưởng và ca đoàn phụ họa hoàn toàn không phải là một cuộc phá cách ghê gớm gì mà đơn giản chỉ là chút đổi thay có vẻ mới lạ với một số khán giả Việt, bởi thực tế, Khánh Ly đã hát nhạc Trịnh cũng với dàn nhạc giao hưởng và ca đoàn phụ họa cách đây… mấy chục năm ở Nhật rồi, có cả đĩa CD thu âm lại. Nếu có gì mới mẻ hơn trong Đêm thần thoại thì đó chính là hình thức biểu diễn thanh xướng kịch, một cuộc chơi musical/visual art, nhưng điều này lại vượt ra khỏi khuôn khổ bình thường của âm nhạc Trịnh mất rồi. Dù sao đi nữa, sự thay đổi còn nửa vời này đã báo hiệu một tư duy mới trong cách thể hiện nhạc Trịnh đối với người Việt, bớt đi lối hát chân phương áp đặt cho nhạc Trịnh từ xưa tới nay.   

Về dạng phá cách thứ hai, kiểu mà ê-kip đình đám nhất hiện nay là Lê Minh Sơn – Trần Mạnh Hùng – Thanh Lam đang làm trong nhạc Trịnh. Trước tiên, phải thấy rõ một điều là không chỉ trong nhạc Trịnh mà bất cứ nhạc nào lọt vào tay bộ ba này cũng được (hay bị?) phá cách như thế, từ tiền chiến, dân tộc đến hiện đại vào tay họ đều được “Lam hóa” triệt để, đến nỗi biến dạng hoàn toàn, chỉ thấy shock và shock. Phải khẳng định, không phải ai cũng dám “phá” như Thanh Lam, bởi mấy ai dám đi ngược lại cách hát được xem là truyền thống, là điều đương nhiên phải thế? Mặt khác, phải nhìn nhận một điều rằng những bài Thanh Lam hát ít được số đông chấp nhận, khen ngợi, đơn giản vì nó không lọt tai người nghe. Tuy nhiên, những ai đã lỡ thích Thanh Lam rồi lại càng thích sự “phá” của cô, “phá” càng nhiều, phiêu càng bốc càng tốt. Bởi vậy, có thể nói, về mặt “bảo tồn truyền thống”, Thanh Lam không làm được, nhưng về tinh thần sáng tạo và cá tính nghệ sỹ, cô lại ghi điểm. Cần phải khen ngợi cô về điều đó.   

Nói vậy không có nghĩa là tất tần tật những gì xưa cũ đều có thể làm mới, phá cách được, và dù có làm mới thì mới đến mức nào cũng là một vấn đề cần cân nhắc. Sự sáng tạo trong nghệ thuật, cá tính nghệ sỹ, dù mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, cũng phải nằm trong một giới hạn nhất định. Nếu vượt quá giới hạn đó, nó sẽ gây tác dụng ngược với chính người thể hiện. Thanh Lam trong album Trịnh Công Sơn Ru mãi ngàn năm bị chê nhiều, nhưng mặt khác, cô và cộng sự (Lê Minh Sơn & Trần Mạnh Hùng) đã có công khai phá một cách thể hiện mới nhạc Trịnh đủ gây ấn tượng. Tuy nhiên, album Trịnh thứ hai Này em có nhớ lại khai thác quá mức chất kịch, chất tuồng trong cách thể hiện của ca sỹ, và nếu kịch quá, đi quá đà, nó dễ trở thành kệch (cỡm). Nghệ thuật và đời sống chỉ cách nhau một sợi chỉ mỏng manh của sự sáng tạo, nghệ thuật và cái phản nghệ thuật cũng vậy, chỉ cách biệt nhau một khoảng cách nhỏ nhoi của sự tiết chế và buông thả. Và không phải ai cũng có thể đạt đến đỉnh cao của sự tiết chế. Làm sao để sáng tạo, gây shock mà người ta phải phục, phải khen mới khó. 

Lật lại mặt khác của vấn đề, nói vậy không có nghĩa là bị chê thì không làm nữa. Nghệ thuật cần lắm những người dám nghĩ dám làm như họ. Nếu làm chưa hay, chưa đạt thì làm nữa, làm tiếp, chỉ sợ lửa và lực sáng tạo của họ không đủ mạnh để đi tiếp con đường mà thôi. Phải nhìn nhận rằng họ đang thực hiện những phá cách thực sự, mang tính cách tân triệt để, tạo ra một không gian âm nhạc mới hoàn toàn (trong nhạc Trịnh) có thể đem lại hiệu quả thẩm mỹ nhất định. Những gì họ làm mang tính khai phá, cống hiến đáng trân trọng. Và phải khẳng định, họ có quyền làm mới, có quyền phá cách, bởi họ là một phần trong tam giác sáng tạo: nhạc sỹ - ca sỹ - khán giả. Còn chuyện khán giả có chấp nhận hay không thì… cũng còn tùy, bởi không phải khi nào cái mới, cái hay cũng dễ dàng được thừa nhận ngay lập tức. Bởi vậy, nên chăng cần một cái nhìn rành mạch giữa những người viết báo, phê bình lý luận để định vị rõ ràng, vàng ra vàng, thau ra thau chứ không thể nhập nhằng đánh đồng mọi giá trị, dù chỉ trong chuyện ca sỹ phá cách. 

  • Hải Thủy 

VietNamnet

"Ai cũng đòi làm người tình cuối cùng của anh Sơn!"

Nhạc Trịnh và những phiên bản mới?

Tuổi trẻ

Nhạc Trịnh: có thể phá cách đến đâu?

Đẹp rộn ràng Đêm thần thoại

Thanh Niên

Tình yêu của nhạc Trịnh trong Đêm thần thoại

Âm nhạc, tình yêu trong Đêm thần thoại

Tiền phong

Hà Trần: "Ai cũng tìm thấy mình trong nhạc Trịnh"

Thêm một bài hát của Trịnh Công Sơn được công bố

 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này:

,
,