Sức ép giảm thu, tăng thu
17:45' 15/07/2003 (GMT+7)
Thủ tướng Phan Văn Khải: ''Tăng thu phải đi đôi với giảm chi phí, chống thất thoát''.

(VietNamNet) - Dưới sức ép giảm thuế để hội nhập và khuyến khích đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của DN, ngành tài chính đang phải đối mặt với số giảm thu lớn mà vào năm 2006 có thể đến 13.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Bộ Tài chính luôn phấn đấu tăng thu hơn 5% so với dự toán, năm sau cao hơn năm trước. Ở trong thế ''gọng kìm'' này, Bộ Tài chính đã làm gì?

Gánh nặng giảm thu đổ dồn

Việt Nam bắt đầu thực hiện lộ trình giảm thuế tham gia AFTA từ năm 1996 nhưng trước đây, ''bước ban đầu'' của lộ trình này có vẻ nhàn nhã và gánh nặng lại dồn hết vào phía cuối của lộ trình.

Từ 1/7 năm nay, Việt Nam tiếp tục cắt giảm hơn 1.400 dòng thuế đang có mức thuế 30-100% xuống thuế suất không cao hơn 20%, và đến năm 2006 các mức thuế sẽ về 0-5%. Theo tính toán của Bộ Tài chính, thuế suất thấp vào năm 2006 sẽ làm giảm thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Dưới ảnh hưởng của hội nhập, hàng hoá nhập khẩu ưu đãi thuế giá sẽ rẻ hơn bắt buộc hàng trong nước cũng phải giảm để cạnh tranh. Hàng giảm giá kéo theo thuế GTGT, thuế thu nhập DN.

Trong giai đoạn 2001-2010, một số nguồn thu sẽ giảm. Dầu thô vào năm 2006 sẽ giảm khai thác và giảm xuất khẩu để chế biến trong nước. Dự kiến thu từ dầu thô giảm 25% vào năm 2006 và đến năm 2010 sẽ giảm thu 50% so với hiện nay. Việc giảm mức thuế phổ thông thuế thu nhập DN đối với DN trong nước xuống 28% sẽ làm giảm thu khoảng 2.740 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng thực hiện chủ trương giảm phí và lệ phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Vừa qua, UBTVQH đã thông qua ưu đãi miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn điền (khoảng 1.950 tỷ đồng thực hiện từ năm 2003 đến 2010), miễn thu sử dụng vốn DN nhà nước 1.700 tỷ đồng. Tổng giảm thu theo tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính, đến năm 2006, khoảng 13.000 tỷ đồng. 

Thu năm nay phải cao hơn năm trước!

Theo Bộ Tài chính, cơ cấu thu 3-4 năm tới thì thuế gián thu (chẳng hạn thuế thu nhập DN) vẫn là chính và phải nâng cao dần tỷ lệ thuế trực thu trên cơ sở sắp xếp lại các khoản thu và ban hành thêm một số thuế mới như thuế tài sản, đánh thuế thu nhập chuyển quền sử dụng đất, thuế tài sản, thuế môi trường... Bộ Tài chính sẽ khuyến khích thu hồi vốn nhanh thông qua áp dụng mức khấu hao nhanh đối với một số ngành kinh tế mũi nhọn như điện tử, tin học hoặc có thay đổi nhanh về thiết bị công nghệ.

Trong một hội nghị gần đây của ngành tài chính, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng thay mặt ngành tài chính đã hứa với Chính phủ phấn đấu thu ngân sách năm 2003 tăng 5% so với dự toán.

Theo kế hoạch của ngành tài chính, thu ngân sách năm 2003 tăng 12% và năm 2004 tăng 10% so với năm trước. Đồng thời, tỷ lệ động viên về thuế và phí đảm bảo 19-20% GDP trong giai đoạn 2001-2005 và 20-21% trong giai đoạn 2006-2010. 

Giảm thuế, phí để khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu và nuôi dưỡng nguồn thu, nhưng nguồn thu cần có thời gian để ''nuôi dưỡng'' nên không thể ''lớn'' ngay được.

Cũng bởi việc giảm thu và sức ép tăng thu như đã nói trên, Bộ Tài chính đã tìm biện pháp ''hợp lý'' để tăng thu. Chẳng hạn thuế thu nhập DN giảm nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng lên do mở rộng đối tượng chịu thuế; thuế GTGT có xu hướng đưa về 10% nhưng sẽ thu hẹp đối tượng được miễn thuế; mức thuế môn bài của năm 2003 (đã thu) tăng gấp 3,6 lần. Các hàng hoá chưa đưa vào diện cắt giảm ngay cũng được tận dụng để tăng thuế trước khi buộc phải cắt giảm để hội nhập...

Nhiều người quan sát đã đặt câu hỏi: Có phải Bộ Tài chính đã ''thổi phồng'' việc giảm thu để tăng thuế và đặt thêm một số loại ''thuế hợp lý'' không? Việc giảm thu là chắc chắn thực nhưng con số giảm đến 13.000 tỷ có lẽ lớn hơn thực tế sẽ xẩy ra?!

Thất thu, thất thoát ngân sách còn lớn.

Thủ tướng Phan Văn Khải khi tham dự một hội nghị của ngành tài chính đã nhấn mạnh, tăng thu phải đi đôi với giảm chi phí, chống thất thu, thất thoát ngân sách nhà nước. Nghĩa là chúng ta không chỉ tăng thu mà phải thực hiện thu đúng, thu đủ, chống gian lận về thuế, đồng thời chi tiêu tiết kiệm, chống thất thoát vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Hiện nay, thực trạng gian lận về thuế đang là ''báo động đỏ'' mà nếu thống kê được con số thất thu có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Gian lận hoàn thuế GTGT đến thời điểm này xác định gần 400 tỷ đồng. Tổng số gian lận thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN của những vụ như Công ty Đông Nam, Công ty TNHH Bắc Sơn... gần đây lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn gốc thất thu thuế lại chủ yếu nằm trong kẻ hở của chính sách, sự tiếp tay của chính những cán bộ, thuế, hải quan. Cho nên giải pháp tăng thu (chống thất thu) cũng đòi hỏi quyết tâm và biện pháp mạnh của chính ngành tài chính.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra chống thất thoát vốn đầu tư và lãng phí tiền ngân sách. Vấn đề này được coi là ''biết rồi, nói mãi'' nhưng thực tế thì biểu hiện thất thoát, lãng phí không giảm. Công trình đầu tư đã hoàn thành nếu không bị ''sờ gáy'' thì không sao chứ đụng đến rồi thì hầu hết đều ''ra việc''.

Theo con số không chính thức, thất thoát chiếm 20-30% vốn đầu tư. Về chi tiêu ngân sách, theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính 6 tháng đầu năm 2003, việc chi sai chế độ, định mức có nơi nghiêm trọng hơn, có nơi năm ngoái đã nhắc nhở năm nay tiếp tục vi phạm.

Như vậy, bài toán tăng thu, chống thất thu, thất thoát  và lãng phí ngân sách không chỉ của ngành tài chính mà liên quan đến tất cả các bộ, ngành và phải đặt dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.

  • Thanh Minh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ngân hàng nước ngoài đầu tiên thực hiện nghiệp vụ Option (15/07/2003)
WB sẽ cho Việt Nam vay thêm 700 triệu USD (15/07/2003)
DN cần có kế hoạch dự trữ gạo cho 6 tháng cuối năm (15/07/2003)
Yahoo sẽ mua lại Overtue với giá 1,6 tỷ USD (15/07/2003)
Xuất khẩu hàng Việt Nam sang Campuchia tăng vọt (15/07/2003)
Giữ nguyên thuế suất ưu đãi nhập khẩu xăng dầu (15/07/2003)
Cho vay bằng USD tăng cao (15/07/2003)
Sản lượng tiêu Việt Nam năm nay sẽ thấp hơn dự kiến (15/07/2003)
Du khách đến Phong Nha - Kẻ Bàng tăng đột biến (15/07/2003)
Tiềm năng lớn, chủ trương có, nhưng kết quả thấp (15/07/2003)
TP.HCM xuất khẩu hơn 2,5 triệu USD hoa, cây cảnh (14/07/2003)
Nên thuê công ty dịch vụ trọn gói để vượt ''cửa ải'' hải quan Mỹ (14/07/2003)
Xi măng Sài Gòn ''mượn'' clinker của Hà Tiên 1 (14/07/2003)
Thuế nhập khẩu thép của Mỹ vi phạm luật lệ WTO (14/07/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang