Việt Nam và châu Phi:
Đối thoại thẳng thắn, hợp tác đa dạng
18:03' 28/05/2003 (GMT+7)
(VietNamNet) - Cuộc gặp lớn nhất giữa Việt Nam và các đối tác đến từ châu Phi đã chính thức khai mạc sáng nay (28/5) tại Hà Nội. Tất cả đều đặt nhiều hy vọng vào một cuộc gặp cởi mở, thân thiện để giải toả những vật cản trong hợp tác. Tất cả các khía cạnh trong hợp tác Việt Nam  - Châu Phi đã được đề cập một cách thẳng thắn dưới mọi góc độ đánh giá của tất cả các bên và đem lại những cái nhìn khá "mới mẻ".  
Các doanh nhân châu Phi rất háo hức tìm hiểu thông tin về DN VIệt Nam.
Ảnh: Lê Anh Tuấn

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phát biểu khai mạc hội thảo và nhấn mạnh đến nhu cầu và lợi ích chính đáng của sự phát triển quan hệ Việt Nam - châu Phi trên tinh thần và mô hình hợp tác song phương và hợp tác Nam - Nam. Thủ tướng bày tỏ :"Cuộc hội thảo này là một cố gắng đáng khích lệ. Chúng ta hãy trao đổi thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần bạn bè, đối tác tin cậy. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ thành công". 

Tinh thần đó là chủ đạo và được thể hiện ngay trong phiên họp tổng quan đầu tiên về hợp tác Việt Nam - Châu Phi do Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chủ trì. Các đại biểu đến từ Châu Lục đen đã không "ngại ngần" chút nào khi được hỏi về những cơ hội và khó khăn thực sự đang cản bước tiến của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang Châu Phi và ngược lại. Đại sứ Cộng hoà Congo, Pierre Passi, trao đổi thẳng thắn: "Đất nước chúng tôi vẫn còn những bất ổn về chính trị và sắc tộc mà các bạn đã biết. Tuy nhiên, chúng tôi muốn hợp tác thẳng thắn với Việt Nam. Chúng tôi có nhiều tài nguyên rất quý như kim cương, vàng... Nếu các DN Việt Nam thực sự muốn đầu tư vào lĩnh vực này thì tôi nghĩ các bạn sẽ không phải thất vọng". 

Những đại biểu khác lại nhìn thẳng vào những yếu kém từ cả hai phía như sự hiểu biết hạn chế; thiếu hệ thống thanh toán; tập quán kinh doanh khác biệt; nhu cầu và khả năng trong từng lĩnh vực cụ thể. Các DN Việt Nam đều cho biết, họ "ngại" nhất khi sang làm ăn với Châu Phi là thiếu hệ thống thanh toán cũng như những cơ chế bảo đảm đầu tư tại một thị trường khá nhiều "rủi ro" như thế. Đó cũng là những vấn đề mà Thủ tướng Phan Văn Khải đề cập thẳng trong bài diễn văn khi nói đến trở ngại trong buôn bán với Châu Phi.

Cùng chia sẻ cơ hội

Tuy thế, "cơ hội" hay "thế mạnh"... vẫn là những từ được nghe và nói đến nhiều nhất. Đại sứ Algeria tại Việt Nam, Tewfik Abada nói: "Dầu khí là một thế mạnh của Algeri. Tháng 7/2002, Petro Vietnam đã ký tại Algeria một hợp đồng khai thác dầu trị giá 21 triệu USD trong 3 năm. Nếu phía Việt Nam tìm được dầu khí thì 75% sẽ thuộc về Việt Nam, 25% thuộc về Algeria. Đây là một lĩnh vực rất hứa hẹn mà chúng ta có thể tiếp tục hợp tác trong tương lai." Ngoài ra, ông cũng nêu một loạt mặt hàng mà theo ông, Việt Nam có thể "đưa" vào Algeria khá dễ dàng. Đó là các hàng thủ công, đồ gia dụng, hàng may mặc... 

Các đại diện Việt Nam cũng rất "háo hức" với thị trường mới mà cũ này. Hơn 70 DN thuộc nhiều lĩnh vực đã có mặt tại hội thảo này, trong đó có cả những DN đến từ các tỉnh như Hải Dương, Vũng Tàu... Một đại diện công ty Đá mài Hải Dương cho biết: "Chúng tôi còn chưa biết nhiều về châu Phi nhưng tin rằng mình có thể tìm được đối tác và cơ hội tại một số nước". Với những người đã có nhiều trải nghiệm tại châu Phi thì việc bây giờ Việt Nam mới hướng mạnh sang thị trường này là một sự ngạc nhiên. Ông Nguyễn Đức, nguyên là một chuyên gia Việt Nam công tác nhiều năm tại các nước như Senegal, Angola... tâm sự: "Nhân dân châu Phi rất chân thật. Họ yêu mến Việt Nam và rất thích các mặt hàng của Việt Nam như quần áo, giày dép...Tôi từng sống ở đó và thấy nếu DN Việt Nam mạnh dạn xuất khẩu sang châu Phi thì chắc chắn sẽ được đón nhận".

Có một mô hình hợp tác Việt Nam - châu Phi đã thành công đến mức trở thành biểu tượng cho sự hợp tác Nam - Nam, đó là mô hình 2 cộng 1. Đây là mô hình hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam, một nước châu Phi và một tổ chức quốc tế hoặc một nước phát triển. Các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đã có công lớn trong cải thiện năng suất lúa tại Senegal, Congo... Đại diện FAO, ông Joseph Tchicaya ca ngợi "Việt Nam đã đi tiên phong trong công cuộc xoá đói nghèo và giúp đỡ nhân dân châu Phi bằng những kinh nghiệm quý giá của mình". 

Ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, lại đưa ra những phân tích khá mới. Ông "mổ xẻ" Việt Nam như một mô hình tin cậy mà các nước châu Phi có thể học hỏi: "hiện Việt Nam phát triển 80% là bằng nội lực, chỉ dựa 20% vào viện trợ trong khi nhiều nước châu Phi vẫn hoàn toàn dựa vào viện trợ. Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ những kinh nghiệm này với châu Phi". Nói về cuộc chiến chống đói nghèo và tụt hậu mà Việt Nam và châu Phi đang tiến hành, ông chốt bằng một câu "tự tin": We'll win the game. (Chúng ta sẽ thắng).

Trong hai ngày hội thảo sẽ diễn ra các phiên họp: Nông nghiệp và hợp tác 3 bên; Hợp tác thương mại, tài chính, công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải; Hợp tác về lao động, y tế, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Sẽ có 4 Hiệp định được ký kết trong dịp này, trong đó đáng chú ý có Hiệp định Thương mại và Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Namibia.

  • Quang Dũng

 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việt Nam dùng 5,5 triệu USD để tiết kiệm điện (28/05/2003)
Có đòi lại được tiền tạm ứng cổ tức khi Bibica thua lỗ? (28/05/2003)
5 tháng, vốn FDI đạt 194 triệu USD (28/05/2003)
Không lo vải thừa, nhãn ế (28/05/2003)
Thiếu trầm trọng cán bộ đăng ký kinh doanh (28/05/2003)
Đường song hành xa lộ Hà Nội chậm 2 năm do liên tục thay đổi thiết kế (28/05/2003)
Sắp xử tiếp 90 vụ gian lận hoàn thuế (28/05/2003)
Nhiều đoàn nhà báo quốc tế đến tìm hiểu du lịch Việt Nam (28/05/2003)
Công chức cũng có thể làm xã viên (28/05/2003)
Đồng Nai tạm đình chỉ hoạt động của Interfood (28/05/2003)
''Chốt'' mức thuế TNDN là 28% và thông qua Luật Ngân hàng (28/05/2003)
Sẽ phân bổ hạn ngạch cho các nhà máy đường (27/05/2003)
Ngành giấy cần 1 tỷ USD (27/05/2003)
Đổi mới, sắp xếp DNNN: 4 tháng chỉ đạt 10% (27/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang