Có đòi lại được tiền tạm ứng cổ tức khi Bibica thua lỗ?
16:15' 28/05/2003 (GMT+7)

Bibica sẽ họp đại hội cổ đông vào ngày 28/6 tới.

(VietNamNet) - Theo Luật Doanh nghiệp, do thua lỗ 5,4 tỷ đồng trong năm 2002, cổ đông Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hoà (Bibica) sẽ phải hoàn trả tiền tạm ứng cổ tức 5% đã nhận. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là liệu có đòi lại được số tiền ''lỡ'' chia này.

Theo kế hoạch chia cổ tức, năm 2003 Bibica dự kiến mức cổ tức 12-13% cho cổ đông và Công ty đã tạm ứng trước cho cổ đông 5%. Việc tạm ứng cổ tức đã dựa trên mục tiêu ''khả quan'' và được chứng minh bởi có số lãi 4,1 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2002. Sau một thời gian khất lần báo cáo tài chính cả năm 2002, cuối cùng Công ty này đã ''bất ngờ'' công bố lỗ 5,4 tỷ đồng. Khoản tạm ứng cổ tức 5% trở thành lỗi vi phạm của Bibica. Vì theo Khoản 1, Điều 67, Luật Doanh nghiệp, ''công ty cổ phần chỉ được chi trả cổ tức cho cổ đông khi kinh doanh có lãi''.

Trong một công văn mới đây, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã đề nghị: ''Các công ty niêm yết nên cân nhắc khi tạm ứng cổ tức giữa kỳ trên cơ sở khả năng lợi nhuận thực tế của công ty và chỉ công bố chi trả cổ tức cuối kỳ sau khi đã có kết quả kinh doanh chính thức của năm tài chính''.

Theo Điều 68, Luật Doanh nghiệp: cổ đông phải hoàn trả cho công ty số cổ tức tạm ứng (bằng tiền hoặc tài sản) đã nhận; trường hợp cổ đông không hoàn trả cổ tức tạm ứng cho công ty thì cổ đông đó và thành viên Hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nợ Công ty. Trong thực tế, số tiền cổ tức đã ''thả rồi khó bắt''. Bởi vì giá tham chiếu của ngày giao dịch không trả cổ tức đã được trừ đi số tiền cổ tức tạm ứng. Hơn nữa, người nắm giữ cổ phiếu đã nhận cổ tức sau đó lại chuyển giao cho người khác thì việc đòi lại là rất khó khăn. Vấn đề này trở nên tế nhị khi nhà đầu tư không có lỗi mà xuất phát từ việc vi phạm của công ty niêm yết. 

Cho nên, một phương án được đưa ra là Bibica sẽ ''treo lỗ'' số tiền tạm ứng cổ tức để hạch toán vào năm sau. Hoặc khoản ''treo lỗ'' sẽ được giải quyết bằng giảm vốn, sử dụng vốn chủ sở hữu, bao gồm lợi nhuận tích luỹ qua các năm để bù cho phần cổ tức tạm ứng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia của Tổ Công tác thi hành Luật DN, phương án này lại vướng luật. Chia cổ tức của năm nào thì lấy lợi nhuận của năm đó còn phần lợi nhuận tích lũy qua các năm thì được nhập vào phần vốn của chủ sở hữu không dùng để chia cổ tức. Cũng không thể ''lách luật'' như một công ty chứng khoán giải thích ''Luật DN chỉ nói kinh doanh có lãi mà không nói lãi này của năm trước hay sau năm chia cổ tức''.

Không chỉ mình Bibica, trong số các công ty niêm yết, việc trả cổ tức của Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu cũng đã vi phạm Luật Doanh nghiệp. Năm 2002, BTC chỉ lãi 388,8 triệu đồng trong khi chia cổ tức lên đến 1,62 tỷ (bằng khoảng 12% vốn điều lệ). Trong khi đó lợi nhuận giữ lại qua các năm của BTC âm hơn 133 triệu đồng. Có lẽ các DN đều viết việc chia cổ tức là không đúng nhưng ''cố tình'' vi phạm? Điều đáng nói là thực tế hiện nay vẫn còn ''lỗ hổng'' của luật, chưa xác định ai sẽ xử lý các vi phạm này, xử lý như thế nào.

  • Văn Tiến

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
5 tháng, vốn FDI đạt 194 triệu USD (28/05/2003)
Không lo vải thừa, nhãn ế (28/05/2003)
Thiếu trầm trọng cán bộ đăng ký kinh doanh (28/05/2003)
Đường song hành xa lộ Hà Nội chậm 2 năm do liên tục thay đổi thiết kế (28/05/2003)
Sắp xử tiếp 90 vụ gian lận hoàn thuế (28/05/2003)
Nhiều đoàn nhà báo quốc tế đến tìm hiểu du lịch Việt Nam (28/05/2003)
Công chức cũng có thể làm xã viên (28/05/2003)
Đồng Nai tạm đình chỉ hoạt động của Interfood (28/05/2003)
''Chốt'' mức thuế TNDN là 28% và thông qua Luật Ngân hàng (28/05/2003)
Sẽ phân bổ hạn ngạch cho các nhà máy đường (27/05/2003)
Ngành giấy cần 1 tỷ USD (27/05/2003)
Đổi mới, sắp xếp DNNN: 4 tháng chỉ đạt 10% (27/05/2003)
Khai trương thư viện điện tử nông nghiệp (27/05/2003)
Việt Nam tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại APEC (27/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang