Thích nghi với ''luật chơi'' thời hội nhập
08:15' 11/02/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Kể cả khi chế độ hạn ngạch đã được dỡ bỏ thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn  tuyên bố sẽ tiếp tục áp hạn ngạch với hàng dệt may Trung Quốc và ra quyết định kiểm soát hàng dệt may Việt Nam.  Việt Nam cũng sẽ phải quen với các vụ kiện chống bán phá giá cả khi chưa hay đã là thành viên WTO. 

Soạn: AM 262557 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Dệt may cũng có thể trở thành đối tượng bị kiện chống bán phá giá? Ảnh: Nguyên Vũ.

Rất nhiều chuyên gia thương mại đã đưa ra cảnh báo rằng DN Việt Nam nên chấp nhận và sẵn sàng đối phó với những bất thường của đối tác cũng như những cái ''hắt hơi sổ mũi'' kể cả không có trong bất kỳ quy định nào của thị trường thế giới khi hội nhập ngày càng sâu. 

Quen với kiện chống bán phá giá

Một trong những biện pháp phổ biến được các nước sử dụng để bảo hộ hàng trong nước trước làn sóng hàng ngoại nhập là kiện chống bán phá giá. Theo thống kê của WTO, các thành viên của tổ chức này cho tới nay đã nộp tới 321 hồ sơ kiện chống bán phá giá. Theo số liệu của Bộ Thương mại, từ năm 1994 đến nay, VN đã phải đối phó với khoảng 16 vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với hàng hóa nhập khẩu từ VN liên quan đến thuỷ hải sản, nông sản, da giày, xe đạp...

Riêng Mỹ, kiện chống phá giá và chống trợ giá là hai biện pháp được dùng quá phổ biến. Từ năm 1980 đến 2003, nước này tiến hành tới 981 vụ kiện chống bán phá giá (trung bình 43 vụ mỗi năm). Từ cá basa rồi đến tôm Việt Nam đều lần lượt đã bị áp các mức thuế phi lý. Và tới đây, các chuyên gia cũng đã cảnh báo mặt hàng đồ gỗ, dệt may Việt Nam nên chủ động ''phòng thủ'' các vụ kiện này.  

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh trong trả lời báo chí gần đây cũng cho biết: ''Theo kinh nghiệm của các chuyên gia về luật pháp và kinh doanh Hoa Kỳ thì một Hiệp định hoặc một Thoả thuận về Dệt may bao gồm cả vấn đề quota cũng không có thể  giúp để tránh khỏi hoàn toàn một vụ kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc Tự vệ của nước nhập khẩu''.

Bà Charlene Barshefsky - Cựu đại diện thương mại Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam cũng nhận xét: ''Là nước xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nhẹ và nông nghiệp, Việt Nam phải đối mặt với các quy chế nặng hơn nhiều về các biểu thuế, hạn ngạch, quy định chống phá giá, các yêu cầu vệ sinh dịch tễ thường xuyên hơn. Trong hoàn cảnh đó, khả năng giữ một đối tác thương mại theo các quy định đã định là đặc biệt quý''. 

Vào WTO - chấp nhận quy tắc ''cộng''

Và để vào WTO thì một luật bất thành văn Việt Nam đang phải chấp nhận đó là quy tắc ''WTO - cộng''. Lúc Việt Nam đàm phán để gia nhập WTO cũng chính là lúc các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới ra sức đòi hỏi các nước muốn trở thành thành viên phải cam kết tuân thủ không những các điều kiện có sẵn của WTO mà còn phải chịu thêm những điều kiện khác -  điều kiện có lợi riêng cho DN nước họ. 

Mặc dù đối với lĩnh vực dịch vụ, VN đã đồng ý cho các công ty quốc tế tham gia 92 tiểu lĩnh vực trong khu vực dịch vụ, bao gồm tài chính, nghiệp vụ chuyên môn, viễn thông và pháp lý, trong khi, Trung Quốc chỉ đồng ý cho tiếp cận 85 tiểu lĩnh vực, Thái Lan 74 và Philippines 50, tuy nhiên, các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản vấn muốn Việt Nam mở cửa nhiều hơn nữa. 

Động lực chính để các nước đang phát triển tìm cách gia nhập WTO là hy vọng với tư cách thành viên sẽ thúc đẩy xuất khẩu của họ. Việt Nam cũng hy vọng như thế, nhất là mở rộng được việc bán nông sản, thuỷ sản, hàng dệt may... Tư cách là thành viên WTO cũng làm tăng sức hấp dẫn của đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng trông đợi tận dụng lợi thế của cơ chế xử lý tranh chấp của WTO, một cơ chế áp dụng các luật lệ thương mại quốc tế. 

Tuy nhiên, những lợi ích quan trọng này có thật sự được đảm bảo trong một thế giới đầy bất trắc như hiện nay? Tổ chức Oxfam trong báo cáo gần đây đã khuyến cáo: ''các nước đang phát triển nhỏ yếu khó lòng dựa được vào WTO để bảo vệ các quyền của mình, bởi tiến trình theo kiện quá tốn kém và thiếu năng lực kỹ thuật trong lúc phải chịu rất nhiều sức ép chính trị''. 

Cựu Tổng giám đốc WTO Mike Moore đã đưa ra lời khuyên với Việt Nam: ''Chính các bạn phải biết mình đang ở đâu trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO. Việt Nam sẽ gia nhập WTO khi nào thấy thoải mái, đủ điều kiện, nghĩa là các bạn sẽ quyết định với năng lực của  DN như vậy  thì mở thị trường nào và mở với mức độ nào là có lợi nhất. Gia nhập WTO cũng quan trọng, nhưng trước hết, các bạn cần phải đem đến cho người dân một mức sống cao hơn. GDP 400 USD/năm là một con số quá nhỏ, các bạn phải nâng thu nhập bình quân lên cao hơn nữa''.

  • Phương Thanh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hừng hực ra quân sản xuất đầu năm (11/02/2005)
Hà Nội: Nhiều chợ và cửa hàng đã mở trở lại (10/02/2005)
Valentine 2005 vào mùa sớm (10/02/2005)
Khách sạn, nhà hàng và những show hấp dẫn ngày Tết (09/02/2005)
Sữa cô - sữa ông (08/02/2005)
Xu hướng mới của đồng USD (08/02/2005)
Buồn vui chuyện đất (08/02/2005)
Samsung Vina thu hút 23.000 khách tham "hái lộc" (07/02/2005)
Phong lan tràn ngập thị trường hoa Tết (07/02/2005)
Đi chợ ngày 29 Tết (07/02/2005)
Nghịch lý của hệ thống tiêu chuẩn thực phẩm VN (06/02/2005)
Sẽ có thương hiệu ''Du lịch Lào Cai'' (04/02/2005)
Tiêu dùng Tết, hàng nội thắng lớn (04/02/2005)
Tìm biểu trưng cho hàng VN ra thế giới (03/02/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang