221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
968640
"Đừng để vì tâm tư ảnh hưởng đến công việc"
1
Article
null
Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc
'Đừng để vì tâm tư ảnh hưởng đến công việc'
,

(VietNamNet) - Tôi gặp Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc một ngày trước khi ông bàn giao công việc cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, khi ông đang lúi húi thu dọn tài liệu. Tâm sự với PV VietNamNet, tận đáy lòng ông vẫn thấy có lỗi với ngư dân, những người mà cuộc sống thăng giáng của họ phụ thuộc vào biển cả.

>>"Làm Bộ trưởng càng không được ỷ lại"

Dành trọn buổi sáng trò chuyện với PV về chuyện sáp nhập, công tác quản lý, công việc mà ngành đã triển khai và những thiếu sót, giọng vị Bộ trưởng của ngư dân đôi lúc trầm xuống. Ông nói:

"Đúng là khi sáp nhập nhiều người có tâm tư. Lúc này mà nói không có tâm tư thì cũng là nói dối. Nhưng tôi nghĩ, anh em trong cơ quan, trong ngành cần nhìn thấy nhiệm vụ còn lớn, trách nhiệm còn cao. Không thể vì tâm tư mà không làm được gì cả. Cần phát huy tính tập thể và thích ứng với điều kiện làm việc mới. Vì là cái mới nên việc gì cũng khó".

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc khi sắp nghỉ công tác quản lý (ảnh H.Y)


- Thưa ông, trong quãng thời gian có thể nói là "nhạy cảm" này, ông có tâm sự hoặc khuyên bảo gì với những người đã cùng ông gắn bó với ngư dân, với biển bao năm qua?

Trong sáp nhập thì không ai muốn ngành thuỷ sản yếu đi mà phải mạnh lên. Đừng để quãng thời gian này làm thuỷ sản phát triển chậm lại. Đừng để quản lý Nhà nước về ngành bị gián đoạn vì phải bố cục lại. Sự phát triển vượt bậc của ngành những năm qua khiến cái áo quản lý bị "chật", khó mà kham nổi sự phát triển đó và thách thức với sự tăng trưởng bền vững đang là vấn đề lớn. 

Hiện nay, số CBCNV ngành thuỷ sản ở T.Ư khoảng 1.000 người, ngần ấy cán bộ nữa thuộc biên chế 28 sở thủy sản. 

Cộng với nhân sự thuỷ sản ở các sở NN-PTNT, hệ thống khuyến ngư, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản sản, tổng số CBCNV trong ngành thuỷ sản vào khoảng 4.300 người. 

(Nguồn: Bộ Thuỷ sản)

Tôi nghĩ mọi sự tự giác lúc này là hết sức quan trọng. Cần gắn kết chặt chẽ những suy nghĩ xưa nay có tính đơn lẻ ngành, bộ với sự suy xét mang tầm quốc gia, theo chủ trương quản lý thống nhất. Nếu chúng ta làm tốt thì cũng là dịp để ta lớn lên, công việc sẽ sang một trang mới. 2 năm vừa rồi Bộ Thuỷ sản đã đột phá cải cách hành chính và tổ chức lại sản xuất, tôi rất muốn ngành sẽ có nhiều cơ hội mới để tiếp tục thực hiện và thực hiện tốt hơn chủ trương này.  

Nhưng làm việc gì cũng vậy, tổ chức bộ máy phải mạnh, con người phải có năng lực và có phẩm chất đạo đức. Anh em ở Bộ Thuỷ sản vốn chân chất, nghiêm túc trong công việc, chịu học hỏi. Bây giờ cần hướng vào phẩm chất đó để sớm ổn định, bắt nhịp với cuộc sống hành chính mới.

Tránh nội đồng hoá các tỉnh ven biển

- Là người quản lý lâu năm ngành thuỷ sản, khi chuyển việc quản lý ngành sang Bộ NN-PTNT, ông mong muốn sẽ những điểm gì mà thuỷ sản chưa làm được sẽ sớm được khắc phục?

- Tôi nghĩ là có hai điều. 

Về tổ chức bộ máy, nghề cá là nghề cá nhân dân. Tôi cho rằng đã có sự tích tụ, phát triển, nhưng tính nhân dân không mất dần đi. Trong các ngành liên quan đến biển, không ngần ngại nói rằng ngành này gắn kết chặt chẽ nhất với xã hội ven biển. Chúng ta có 25 triệu dân ven biển, hàng triệu nông dân từ năm 2000 đến nay đã chuyển đổi ruộng đất sang nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). 

Có lẽ vì sự phát triển vượt bậc của nghề cá nhân dân nên lâu nay, càng xuống các sở, càng thiếu bộ máy quản lý. Đứng về mặt tổ chức, điều này phần nào ngược với bản chất và mục đích của nghề cá nhân dân. Tôi rất muốn khi ngành về Bộ mới sẽ có sự thay đổi hoặc nhượng bộ ở trên, như tăng cường vai trò bộ máy cơ sở mà chúng tôi chưa làm được. Phải giao nhiệm vụ cho những người đủ năng lực để thực hiện. Tôi cho rằng đấy là một vấn đề lớn.

Đừng để sự sắp xếp cán bộ mà cán bộ biết biển, biết dân bị mai một. Cố gắng không để tổ chức về biển biến thành tổ chức mang tính đa năng chung chung. Chính sách của Nhà nước về biển ngày một rõ ràng, quản lý từ T.Ư đến địa phương phải là bộ máy mạnh, trong đó nghề cá biển phải được quan tâm hàng đầu. 

Việt Nam là quốc gia ven biển, với 29 tỉnh thực sự gắn bó với biển. Trong quá trình nhập Bộ NN-PTNT, hy vọng sẽ có sự cân nhắc kỹ lưỡng, có sự suy xét để các tỉnh mạnh về biển vẫn mạnh về nghề cá. Không để vì một sự sơ suất hoặc thiếu trách nhiệm nào của các cấp mà để các tỉnh ven biển bị nội đồng hoá. 

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc của ngư dân (ảnh T.Q.N)

Về công việc, sau 20 năm đổi mới, nội lực ngư dân Việt Nam đối với ngành thuỷ sản rất lớn, với 450 doanh nghiệp, đóng được 14.000 tàu xa bờ, xây dựng các vùng nuôi rộng lớn... và tổng hợp nhiều yếu tố khác. Cần hết sức coi trọng và phát huy hiệu quả  tổng hợp nội lực này, có trách nhiệm với nó vì đó là trí tuệ, mồ hôi nước mắt của nhiều thế hệ lao động nghề cá, trong đó có cả các nhà doanh nghiệp lớn. 

Có thể nói: mươi năm trước, công việc quan trọng của Bộ Thuỷ sản là phát huy nội lực trong dân để đầu tư cho tăng trưởng, nay phải làm cho đầu tư đó có hiệu quả, tránh rủi ro cho dân và doanh nghiệp. Rủi ro đó lúc nào cũng sẵn sàng đến từ phương diện thị trường cũng như từ môi trường tự nhiên, từ cung cách làm ăn nhỏ lẻ thiếu được quy hoạch cũng như do yếu kém trong quản lý. 

Phải tính đến An ninh thực phẩm

- Theo ông, đó cụ thể là những rủi ro gì? Làm thế nào để giảm thiểu được những rủi ro đó?

Ví dụ, yếu tố thị trường luôn chứa đựng đầy ắp các loại rủi ro, vấn đề VSATTP đang là rủi ro lớn nhất trong các rủi ro về thị trường. Ta không thể quy kết ở khâu nào mà phải thấy là do chính cách quản lý. Tôi bao giờ cũng đặt cho mình trách nhiệm cao nhất. Bây giờ, bộ máy quản lý mới cũng phải đặt trách nhiệm cao nhất về VSATTP, chỉ có tư duy vậy mới xoay chuyển được tận gốc tình thế hiện nay.  

Nếu chỉ kiểm soát sản phẩm chế biến hoặc hàng hoá đem bày bán, nếu tăng cường kiểm tra chỉ từng bến cá, cảng cá, tàu thuyền, nơi sơ chế... thì chỉ giải quyết được những vấn đề mang tính cục bộ rất nhỏ đối với những sự đã rồi. Chính vì thế mà gần đây, khi xuất hiện các dấu hiệu đáng lo về vệ sinh hàng thuỷ sản xuất khẩu tại một vài thị trường, cả ngành thuỷ sản thật lu bu!.

Tôi nghĩ lượng thuỷ sản để xuất khẩu hiện rất lớn, trong 3,5 triệu tấn thuỷ sản sản xuất mỗi năm, phải dùng mất 1,2-1,4 triệu tấn vào mục đích xuất khẩu. Trong kiểm soát VSATTP, chính tại thị trường nội địa mới là quyết định, nguyên liệu cho chế biến phần lớn cung cấp ở đây.

Đó là vấn đề cái chợ ở Việt Nam, không riêng gì chợ thuỷ sản. Song, cốt lõi vẫn là ở sản xuất chứ không phải là kiểm soát. Không sản xuất sạch thì không có sản phẩm sạch - phương châm đó không chỉ đúng cho thuỷ sản. Mà nói về sản xuất sạch thì phải lo từ khâu giống (an toàn sinh học), đến thức ăn, môi trường nuôi, nghề khai thác tự nhiên gắn với bảo quản trên tàu và ở bến…
Do vậy, VSATTP phải là một vấn đề của An ninh thực phẩm (ở đây tôi không dùng cụm từ An ninh lương thực). Phải coi an toàn vệ sinh là bộ phận cấu thành về chất trong định nghĩa An ninh thực phẩm. Chừng nào chúng ta nhận thức đầy đủ điều đó mới hy vọng giải quyết được vấn đề. Hiện ta đang mới chỉ làm phần ngọn, phần sản phẩm. Có thể coi VSATTP là vấn đề quốc sách vì đó là bộ phận quan trọng của An ninh thực phẩm (Food Security).

 

Cần nhìn vào năng lực bản thân

Trong quá trình sáp nhập sẽ có sự cắt giảm biên chế hay tinh giản bộ máy, cần nhìn vào năng lực bản thân. Làm gì, ở đâu cho phù hợp năng lực của mình mới là điều quan trọng. Điều này cũng đòi hỏi anh phải nhìn nhận công việc cao hơn, có trách nhiệm hơn.  

Tôi nghĩ, sự vẻ vang đâu chỉ nằm trong chức vụ, sự chắc chắn đâu chỉ nằm trong biên chế. Nhiều khi, còn phụ thuộc vào góc độ của người sử dụng lao động. 

(Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc)

Rủi ro nữa là chỉ cần một cái ho, hắt xì hơi từ thị trường xuất khẩu ngay lập tức lan truyền đến toàn bộ hệ thống sản xuất, tác động cộng hưởng rất mạnh. Lại hòa chung trong nhịp điệu các sản phẩm mang tính nông nghiệp "được mùa thì mất giá" là cái khổ của nông dân chúng ta. 

Tôi cũng lo về giúp dân chống thiên tai. Phải nắm được tàu thuyền lúc bình thường thì đến khi có bão mới chỉ đạo được. Đây là việc tôi rất trăn trở. Đầu năm, tôi đã có công điện yêu cầu các địa phương đăng kiểm tàu thuyền xong trước 30/4, nhưng phần không hoàn thành còn rất lớn. Chỉ đạo mệt nhưng chết người, mất tài sản thì dân chịu. Đây cũng sẽ phải là một việc chính trong quản lý nhà nước sắp tới.


Không thể rạch ròi giữa tài nguyên và kinh tế

- Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ quản lý ngành thuỷ sản, trong khi Bộ Tài nguyên môi trường lại đứng ra phụ trách Chiến lược phát triển kinh tế biển, điều này có bất hợp lý không? Hai bộ cần làm gì để có thể vừa thúc đẩy phát triển, vừa quản lý được tài nguyên?

- Phải xem kỹ Tờ trình của Thủ tướng trước Quốc hội về chức năng của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT). Nếu nói là không phải bộ kinh tế, chỉ quản lý chung về biển và tài nguyên biển thì cũng chỉ là tương đối. Tài nguyên gắn với hoạt động kinh tế rất chặt chẽ, không thể rạch ròi được.  

Tài nguyên biển đâu chỉ có cá, tôm mà trong lòng biển còn rất nhiều của cải khác, hay đáy biển là dầu khí và nhiều loại khoáng sản. Ngoài ra còn có các nguồn tài nguyên phi vật thể quan trọng gắn với con người vùng biển. Phải biết hài hoà tất cả các nguồn - đó là công việc quản lý về tài nguyên và môi trường. 

Phần quản lý sản xuất phải nhìn vào tài nguyên môi trường để có sự bền vững. Phần quản lý về tài nguyên và môi trường phải nhìn vào sản xuất để có cách quản lý đúng nhất. Chúng ta cần nhớ rằng ngay tổ chức khắt khe về môi trường như Hoà bình xanh tại Hội nghị Kyoto (12/1995) về Đóng góp của Nghề cá Bền vững cho An ninh Thực phẩm, mà tôi có tham dự, cũng phát biểu ý rằng, chúng ta không thể huỷ hoại môi trường để sinh sống bằng mọi giá nhưng cũng không thể nhịn đói nhìn môi trường trong sạch.

Nhiều khi mải chạy theo chỉ tiêu...

- Hình ảnh nào luôn làm ông ám ảnh sau mỗi lần về với bà con ngư dân, hay đi chỉ đạo thực tế tại các địa phương? Cần phải làm gì để cuộc sống ngư dân khá hơn, thưa ông?

- Tôi nhìn nhận vấn đề cuộc sống ven biển với 2 góc độ: phát triển và nhân đạo. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được nhân đạo trong phát triển và phát triển trong nhân đạo. Điều này có nghĩa, hãy làm tất cả những gì cho sự tăng trưởng của ngành thuỷ sản biến thành những hành động cụ thể trong xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, tạo việc làm, chất lượng cuộc sống cao hơn, có nguồn nhân lực tốt hơn.

Vì vậy, nhiều khi trong quản lý, nhiều khi mải đuổi theo một số chỉ tiêu mà quên mất sự cân đối này. Có lẽ không chỉ thuỷ sản mà bất cứ ngành nào cũng vậy, nhất là các ngành liên quan đến lao động và thụ hưởng của người nghèo. Đến với cuộc sống người dân ven biển nhiều lúc giật mình... (ông im lặng một lúc lâu).

Cuộc sống ngư dân cũng có người có nhà cao cửa rộng, nhiều nơi nhờ làm ăn tốt mà khá lên nhiều so với trước. Nhưng cảnh nghèo, nhà liếp vẫn còn, con cái không ít thất học. 

Chương trình Hành động nhân đạo vì trẻ em nghèo ven biển Thuỷ sản làm với Ủy ban Dân số, Gia đình và trẻ em là việc làm với cảm xúc sâu sắc. Bây giờ có người lo nó đầu voi đuôi chuột. Vấn đề không phải là ai làm, mà quan trọng hơn là làm cho ai? Đứng về phát triển nguồn nhân lực nghề cá Việt Nam, không thể có một nguồn nhân lực cho nghề cá biển một hai kỳ kế hoạch 5 năm tới chỉ xuất phát từ thực trạng các cháu 10-15 tuổi hiện phải lang thang kiếm sống hoặc ra khơi cùng người lớn mà không được đến trường. 

Biển là sóng gió và cuộc sống của người dân ven biển cũng thăng giáng, nguy cơ để tái nghèo rất lớn, cần có cách đi riêng. Chúng tôi loay hoay từ lâu đến giờ để có cách nào khắc phục điều đó nhưng vẫn chưa làm được. 

- Xin cảm ơn ông.

  • Hà Yên (thực hiện)
    Ý kiến của độc giả?
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,