221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
838472
Hơn 20.000 hộ dân sẽ không mua được nhà
1
Article
null
Hơn 20.000 hộ dân sẽ không mua được nhà
,

Những ngày này, người Hà Nội đổ xô đi làm thủ tục mua nhà giá rẻ sở hữu nhà nước, tuy nhiên với quy định rối rắm và thủ tục rườm rà, hàng ngàn hộ dân có thể không mua được nhà trong năm nay. Hạn chót nộp hồ sơ theo QĐ là 31/10.

Nhiêu khê thủ tục

Soạn: AM 890207 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Người dân đến làm thủ tục mua nhà theo Nghị định 61  Ảnh: Minh Tuấn (Tiền Phong)
Theo quy định của TP Hà Nội, việc nhận hồ sơ mua nhà theo NĐ 61 chỉ thực hiện đến hết ngày 31/10/2006. Như vậy, sau thời điểm này, những trường hợp sử dụng nhà thuộc SHNN (được phân, thuê, hoặc mua chưa chính chủ) sẽ được cải tạo, xây dựng lại và áp dụng giá mới theo quy định của Chính phủ (có thể cao hơn nhiều lần so với giá bán nhà theo NĐ 61). Vì vậy, những ngày này, các phòng tiếp nhận hồ sơ mua nhà theo NĐ 61 ở các Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà (thuộc Công ty Quản lý& Phát triển nhà Hà Nội) đều quá tải. Tuy nhiên số người mua được nhà lại không nhiều.

Cũng như nhiều gia đình trong khu, bà Lê Thị Hiền (khu TT Thành Công) tỏ ra lo lắng: “Cả nhà tôi đang chạy đôn đáo xin xác nhận giấy tờ cho kịp thời hạn nhưng vẫn chưa xong. Vì ngoài giấy tờ, hợp đồng mua bán nhà còn phải có xác nhận từ khu phố đến phường, quận là nhà không tranh chấp, lấn chiếm. Mà để xin được chữ ký cũng mất cả tuần. Quy trình bán nhà trong 52 ngày, thế nhưng có quá nhiều thủ tục…”.

Theo quy định, trong đơn xin mua nhà phải có đầy đủ các thành viên gia đình ký. Trường hợp một người đứng tên thì phải có giấy ủy quyền và phải có xác nhận của chính quyền. Quy trình giải quyết hồ sơ từ hợp đồng thuê nhà ngắn hạn sang mua hóa giá nhà, hay việc tách, nhập hộ rất lòng vòng và mất thời gian đã gây không ít khó khăn cho người dân. Bên cạnh đó, những trường hợp đã chuyển nhượng, mua bán trao tay nhiều lần thì người mua phải đi tìm chủ cũ để lấy xác nhận theo yêu cầu của cơ quan bán nhà.

Ngoài ra, còn có một số quy định rất cứng nhắc như: Phải có hộ khẩu Hà Nội, nếu không có hộ khẩu phải có thời gian đóng bảo hiểm liên tục 3 năm trở lên và phải được cơ quan xác nhận còn đang làm việc, phải đăng ký tạm  trú KT3 còn hiệu lực… Những quy định này đặt người dân vào thế bí.

Nếu theo quy định này, tất cả những hộ dân KT3 không thuộc đơn vị nào quản lý (lao động tự do) đã nhận chuyển nhượng nhà do Nhà nước quản lý (nhưng không phải là chính chủ) thì sẽ không được mua nhà trong đợt này. “Nếu năm nay không mua được nhà thì chúng tôi sẽ không có nhà để ở nữa” - Ông Hoàng Ngọc Quyết ở khu tập thể Giảng Võ than thở.

Hơn 20.000 hộ dân sẽ không mua được nhà

Ước tính, mỗi ngày một Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà (thuộc Công ty Kinh doanh & Phát triển nhà Hà Nội) nhận khoảng hơn 100 hồ sơ xin mua nhà theo NĐ 61. Dự kiến, trong 2 tháng 9 và 10, công ty sẽ tiếp nhận thêm khoảng 5.000-7.000 hồ sơ mới. Số hồ sơ mà công ty tiếp nhận từ đầu năm đến nay tăng 5 lần so với năm 2005. Để kịp tiến độ, cán bộ, công nhân toàn công ty phải tăng quân số lên 300 người, tăng ca, làm thêm giờ nhưng vẫn không xuể vì lượng hồ sơ quá lớn.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thúy Hà (Trưởng ban Tiếp nhận hồ sơ bán nhà 61 của công ty) - quy trình thẩm định hồ sơ rất phức tạp. Cụ thể, sau khi hồ sơ được tiếp nhận phải thông qua 6 Sở ngành (TNMT&NĐ, QH-KT, Xây dựng, Tài chính, Thuế, Phòng TNMT) họp và áp giá. Sau khi thống nhất giá bán, còn phải tính thuế, đo đạc hiện trạng nhà đất, chuyển UBND quận huyện xét cấp “sổ đỏ”.

Nguyên nhân gây ra chậm trễ trong quá trình bán nhà còn do có sự thay đổi về quy trình: Trước đây, ngành thuế cử chuyên viên tham gia duyệt bảng tính giá cho từng hộ, nhưng nay Sở TNMT&NĐ chịu trách nhiệm. Sau đó, lại phải gửi qua ngành thuế rà soát, ra thông báo thu thuế. Cuối cùng, UBND quận, huyện tham gia vào quá trình xét duyệt “sổ đỏ” cho dân.

Ông Lê Hồng Quân - Giám đốc Công ty Kinh doanh & Phát triển nhà Hà Nội cho biết: Công ty hiện còn quản lý 46.000 hộ dân ở nhà thuộc SHNN. Đây là một số lượng quá lớn, do vậy khó có thể giải quyết hết chỉ trong vài tháng (những năm trước công ty chỉ bán khoảng 5.000-7.000 căn hộ/năm). Khó khăn lớn nhất theo ông Quân chính là việc thu nghĩa vụ tài chính, làm thủ tục cấp “sổ đỏ”. “Công việc này đòi hỏi phải có nghiệp vụ, mất nhiều thời gian và công sức của cả công ty và người dân” - ông Quân nói.

Trong năm 2006, công ty ước bán được 22.000 căn hộ. Đến thời điểm hiện nay, công ty đã nhận được gần 20.000 hồ sơ trong đó số đã bán là hơn 12.000 căn. Như vậy còn hơn  20.000 hộ dân đang ở nhà thuộc SHNN, đến hạn chót nhưng không mua được nhà.

Ông Lê Hồng Quân cho biết: “Công ty cố gắng để cho mọi người dân đã nộp hồ sơ hợp lệ đều có thể mua được nhà trong năm 2006. Trước mắt, công ty tập trung áp xong giá (định giá) đối với những hồ sơ đã nộp, để dân thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc cấp “sổ đỏ” có thể lùi lại để không ảnh hưởng tới quyền lợi của dân”.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn đã chỉ đạo phải công khai quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian thụ lý, danh sách nhà được bán, chưa được bán, giá bán nhà theo NĐ 61. UBND TP Hà Nội đã có kiến nghị với Chính phủ cho lùi thời hạn sang năm 2007, bởi từ nay đến 31/10/2006 vẫn còn rất nhiều trường hợp  không kịp hoàn tất hồ sơ mua nhà theo NĐ 61.

Điều kiện được mua nhà và thủ tục cần có

Phải là chủ hợp đồng đang thuê nhà thuộc SHNN, diện được bán; Đã đóng tiền thuê nhà đầy đủ đến thời điểm mua nhà; Chỉ đứng tên hợp đồng duy nhất một nhà do Nhà nước cấp. Hồ sơ mua nhà gồm: 3 đơn xin mua nhà (theo mẫu), có xác nhận của UBND phường; Hợp đồng thuê nhà hoặc quyết định phân nhà đối với nhà cơ quan tự quản chuyển giao (bản chính+02 bản phô tô); 3 bản phô tô hộ khẩu, phô tô CMND (của cả vợ và chồng, mỗi người 3 bản, mang theo bản gốc để đối chiếu); Giấy xác nhận thời gian công tác của các thành viên trong hợp đồng thuê nhà hoặc cùng trong hộ khẩu tại địa chỉ có đơn mua nhà; Giấy xác nhận được miễn giảm tiền sử dụng đất theo QĐ 118.

Đối với các hộ ở nhà có diện tích xây cơi nới thêm phải có một trong hai loại giấy sau: (giấy phép xây dựng; biên bản thỏa thuận phân chia diện tích phụ của các hộ trong biển số nhà, các xác nhận của chính quyền địa phương); Đối với hộ chuyển  dịch hợp đồng thuê nhà (tự chuyển nhượng), phải có giấy chuyển dịch hợp đồng thuê nhà có xác nhận của chính quyền và giấy xác nhận của Công an sở tại.

(Theo Tiền Phong)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,