221
2122
Môi trường
moitruong
/khoahoc/moitruong/
457644
"Tuyến đường xuyên đại dương" có cứu được rừng?
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
'Tuyến đường xuyên đại dương' có cứu được rừng?
,

Bang Madre de Dios ở vùng đông nam Peru sở hữu một trong những diện tích rừng mưa nguyên sinh rộng nhất thế giới. Cũng chính vì thế, hàng đoàn công nhân di cư đã đổ xô đến đây để khai thác mahogany, một loại cây gỗ cứng rất quý để đáp ứng nhu cầu từ nước ngoài. Để giữ cho rừng được nguyên vẹn, các nhà bảo tồn và giáo dục môi trường ở Peru chỉ còn một giải pháp duy nhất: Tổ chức du lịch, trong đó có kế hoạch mở "tuyến đường xuyên đại dương".

Thử thách

Cây mahogany bị đốn hạ hàng loạt để đáp ứng nhu cầu trên thị trường quốc tế.

Cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ rừng cho khu vực này là Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Môi trường Amazon (ACEER), đóng tại Tây Chester, Pennsylvania (Mỹ). Hiện nay, ACEER đang nỗ lực để hướng luồng du khách gần đây đổ về dãy Andes và những di chỉ của người Inca ở Puerto Maldonado, thành phố lớn nhất khu vực Madre de Dios. Họ nhìn thấy những tín hiệu chứng tỏ rằng thành phố xinh đẹp này đang dần trở thành điểm phóng cho các tua du lịch rừng già tại một số lưu vực sông Amazon chảy qua khu vực.

Nhiệm vụ của ACEER gặp phải không ít thử thách. Thử thách đầu tiên là dự án xây dựng tuyến đường nối liền Đại Tây dương và Thái Bình dương do một số quốc gia Nam Mỹ tham gia. Theo dự tính, con đường này sẽ chạy qua Puerto Maldonado để kích thích quá trình phát triển của khu vực. Roger Mustalish, chủ tịch ACEER, cho biết: "Chúng tôi vẫn còn cơ hội để lái quá trình phát triển theo hướng vừa giúp dân địa phương cải thiện tình hình kinh tế vừa duy trì được hệ sinh thái."

Gần đây, ACEER vừa mở một cơ sở giáo dục và nghiên cứu trên sông Madre de Dios nằm ở phía Đông Puerto Maldonado, cạnh Khu Dự trữ Quốc gia Tambopata. Với tên gọi là ACEER-Tambopata tại Inkaterra (ATI), cơ sở nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Hội Địa lý Quốc gia Mỹ sẽ mở cửa chào đón tất cả mọi du khách và nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới. Tại đây, ACEER hỗ trợ mọi hoạt động mang tính chỉ đạo cho công tác quản lý và sử dụng rừng nhiệt đới một cách bền vững. Mustalish hy vọng rằng tất cả những hoạt động này sẽ giúp cho người dân địa phương tìm được cách kiếm sống "mà không cần phải đốn hạ rừng".

Theo Diego Shoobridge, giám đốc cơ sở của tổ chức bảo tồn ParksWatch tại Peru, ATI sẽ tạo được tác động tích cực lên khu vực Puerto Maldonado. Ông nói: "Nếu các nhà bảo tồn thực sự nghiêm túc trong việc thuyết phục dân chúng, chính trị gia và chính quyền rằng hoạt động càng bền vững thì lợi ích mang lại càng lớn, họ sẽ thực sự tạo được nên điều khác biệt."

Tạo sức hút từ du lịch

Một lối đi qua tán cây đang được hình thành, với hy vọng tạo nên sức hút cho du khách.

ATI chính thức mở cửa vào tháng 8/2003. Trung tâm này nằm trên một diện tích rộng 340ha, giữa một vườn quốc gia, một khu dự trữ quốc gia và một số khu dự trữ tư nhân do Inkaterra vận hành. Nơi đây có các cơ sở trọ và nghiên cứu phục vụ cho giới nghiên cứu, đồng thời có cả trung tâm trình diễn, vườn cây thuốc, vườn trẻ, lối đi giữa các tán cây và đường mòn tự nhiên phục vụ cho cả du khách lẫn giới nghiên cứu.

Theo Mustalish, điều làm nên sự độc đáo của ATI là cảnh quan trộn lẫn giữa rừng mưa nguyên sơ với vùng đất bị thoái hóa dưới tác động của khai thác gỗ và hoạt động nông nghiệp, tạo điều kiện cho mọi người được nghiên cứu khoa học ứng dụng chứ không phải là khoa học cơ bản. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra câu trả lời về quá trình hồi phục của hệ sinh thái, xác định những kỹ thuật canh tác bền vững đối với cây rừng có giá trị thảo dược, đồng thời hợp tác với nông dân địa phương nhằm quyết định xem làm thế nào để tăng sản lượng hoa màu mà không cần phải hạ thêm cây rừng.

Khi các kế hoạch xây dựng tuyến đường mang tên Transoceanica (xuyên đại dương) hình thành, ACEER sẽ tạo ra một loạt mô hình máy tính để cho thấy những tác động tiềm tàng mà dự án có thể gây ra đối với các cấp độ bảo tồn. Mustalish cho biết, ACEER cũng sẽ vận dụng những hiểu biết chuyên môn của mình để xây dựng một mô hình phát triển kinh tế thay thế, dựa trên những hoạt động ít gây tác động như du lịch sinh thái, nông nghiệp bền vững và thị trường lâm sản sáng tạo.

Mustalish hi vọng rằng ATI và con đường mới Transoceanica sẽ giúp cho du khách dễ tiếp cận với Puerto Maldonado và khu vực rừng mưa xung quanh hơn. ACEER mong muốn khu vực này cuối cùng sẽ trở thành điểm dừng chân không thể thiếu cho hàng ngàn du khách đang tìm đến vùng Cusco và khu di tích đổ nát của người Inca Machu Picchu.

Để thu hút cả giới nghiên cứu lẫn du khách, ACEER đang xây dựng một con đường đi dạo giữa các tán cây nối liền vùng núi Andes và lòng chảo Amazon, hy vọng sẽ hoàn thành trong năm tới. Con đường này sẽ giúp cho du khách có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh quan tuyệt vời của khu rừng, trong đó có hàng nghìn loài chim, điều không phải khu du lịch nào cũng có được.

Khánh Hà (Theo N.G.)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,