221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1233061
Về đội ngũ trí thức khoa học công nghệ VN
1
Article
null
Trao đổi ý kiến:
Về đội ngũ trí thức khoa học công nghệ VN
,

 - Trí thức trong lĩnh vực khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để phát huy vai trò đó, cần có sự đánh giá chính xác thực trạng đội ngũ này, xác định đúng vị trí và thấu hiểu ước mong của họ.

Trang Khoa học (Vietnamnet) mong muốn giới khoa học, giới quản lý và đông đảo độc giả tham gia thảo luận chủ đề trên. Để mở đầu, xin giới thiệu ý kiến của ông Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương , GS-TSKH về Giáo dục học gửi đến VietNamNet...

Nhìn nhận thực trạng

Đất nước trải qua cuộc chiến tranh lâu dài và cực kỳ ác liệt, hàn gắn vết thương chiến tranh, những năm quan liêu bao cấp và bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng được đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học - công nghệ với hơn 2 triệu tốt nghiệp đại học, hơn 15.000 tiến sỹ, trên 15.000 GS/PGS.

Đánh giá năng lực và chất lượng đội ngũ này một cách chính xác là vấn đề lớn. Đây là một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều luồng ý kiến trái ngược.

Tôi rất ngạc nhiên và nhiều khi không lý giải được vì sao lại có thể bài bác, chê bai đủ điều, thậm chí có người miệt thị... đội ngũ này, có khi đưa cả các trí thức thời xưa vào đây. Ngược lại, cũng có người hơi quá tự tin, lại bảo sắp tới trí thức ta sẽ có giải Nobel (theo lịch sử phát triển thế giới, tại các nước mới phát triển chưa có chuyện này)...

Tôi không có ý định tham kiến vào cuộc này. Nhưng công bằng mà nói, đội ngũ trí thức KH-CN chúng ta đã làm được nhiều việc cho đất nước, tuy còn nhiều mặt yếu. Nguyên nhân của những mặt yếu có nhiều.

Mô tả ảnh.
Trí thức KH-CN trẻ làm việc trong phòng thí nghiệm (Ảnh minh họa

Về mặt lịch sử, đội ngũ này còn non trẻ. Trong khi, nền khoa học phương Tây đã qua 4 thế kỷ (không kể đến Văn minh cổ đại), còn chúng ta mới có mấy thập kỷ.

Về mặt xã hội, ta còn là nước nông nghiệp, thậm chí có khi thêm cả tính từ “lạc hậu” nữa, phân công lao động còn chịu ảnh hưởng của kinh tế tiểu nông...

Về mặt tâm lý, trong xã hội còn nặng nề tình trạng theo đuổi nền học khoa cử, quan trường, hư văn, hàn lâm (theo nghĩa xấu). Hơn nữa, điều kiện làm việc quá thiếu thốn.

Vị trí trong xã hội

Vấn đề này hình như quá rõ ràng: bây giờ ai mà chả biết câu nói nổi tiếng ghi trên bia văn miếu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, rồi “Chiếu học” của Quang Trung - Ngô Thời Nhậm “...nước muốn thịnh lấy nhân tài làm gốc”. Ai cũng nhớ bài “Nhân tài và kiến quốc” (11/1945) và Chỉ thị “tìm người tài đức” (11/1946) của Hồ Chủ tịch; đến thời Đổi mới có đường lối “Coi giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu”.

Tuy nhiên, gần 20 năm sau nhìn lại, mọi nơi mọi cấp chưa đâu thực hiện tốt đường lối đó (Kết luận của Bộ Chính trị, 4/2009).

Một dây chuyền sản xuất của các nhà khoa học trẻ triển lãm tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. 
Ảnh: PL TP.HCM

Vì sao như vậy? Có nhiều nguyên nhân, ở đây không có điều kiện kể hết, mà tôi cũng không biết hết mà kể, chỉ nói một ý như thế này: coi GD - ĐT và KH-CN là quốc sách hàng đầu, đường lối quá đúng đắn, việc thực hiện đường lối đó chủ yếu là những con người, thế mà những người làm giáo dục -đào tạo và khoa học - công nghệ đâu có được “hàng đầu”. 

Thêm vào đó, họ phải làm việc trong môi trường không thuận lợi: môi trường giáo dục (có cả đào tạo) không lành mạnh, môi trường khoa học còn nặng về kinh nghiệm chủ nghĩa “cảm tính, cảm tình”. 

Sau thời chiến, rồi tiếp tục bao cấp, cả xã hội bị hành chính hoá, quan liêu nở rộ. Nhân đây tôi xin phép kể một câu chuyện nhỏ tôi gặp khi còn làm cán bộ quản lý.

Câu chuyện làm bảng lương ở cấp huyện, có ý kiến “Hiệu trưởng cấp III ở trường cấp III huyện sao có thể cao hơn lương Chủ tịch huyện”. Một chuyện khác (chuyện này sau anh em bảo là chuyện hài cười ra nước mắt) xảy ra gần đây ở một hội nghị bàn về chế độ cho các GS và PGS, có một cán bộ tổ chức ở một bộ nói: cán bộ đều là cán bộ, anh trông rừng cũng như ông giáo sư thôi!. Và thực tế, trong bảng lương của nước ta không có bậc lương GS/PGS?!

Câu chuyện trên là nhỏ, nhưng lại liên quan đến một vấn đề cơ bản. Lãnh đạo, quản lý nhà nước là vận hành cơ cấu xã hội - động lực của toàn bộ cỗ máy xã hội. Một thời gian dài của thời đổi mới, nhiều người nhiều nơi chỉ lo “vốn tiền”, “vốn tài nguyên” - cái đó không sai, nhưng rất chưa đủ, thậm chí còn có thể dẫn đến sai lầm tai hại - ít (hoặc không) chú ý tới “vốn người”, “vốn xã hội”.

Gần đây điều nay đã được nhận ra, đã bắt đầu có lời kêu gọi sửa chữa, rất tiếc chưa có Chiến lược và Uỷ ban quốc gia về nhân lực, trong đó có nhân lực KH-CN là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Mong mỏi được “tin dùng

Những năm 2003-2004, Ban Khoa giáo TƯ được giao một đề tài KH-CN cấp Nhà nước về đội ngũ cán bộ KH-CN nước nhà. Kết quả điều tra - khảo sát lấy ý kiến của đề tài này cho biết, ở hầu hết các địa phương đều có chính sách thu hút trí thức về tỉnh, thành mình, có chương trình đào tạo, kể cả chi phí rất cao cho một khoá học ở nước ngoài...

Nhưng tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ từ các nước có nền giáo dục rất hiện đại hẳn hoi, có người về chỉ được giao làm công việc của người phiên dịch. Có người than thở: thấy các nhà doanh nghiệp lên mây xanh, các bác khoa học ngậm ngùi, thật phiền lòng, có cả đáng thương.

 

Nói khái quát, nhiều người cho rằng anh em trí thức ở ta không được trọng dụng. Bản thân cán bộ khoa học phát biểu với Đảng và Nhà nước chỉ có một mong mỏi duy nhất là được tin dùng. Theo chiết tự, có người nói, “trọng dụng” là có “tin dùng rồi”; đúng vậy, nhưng để rõ ý và người nghe dễ tiếp thu, cứ xin được nói theo các bác nông dân “nói toạc móng heo”: mong được “tin” và được "dùng", sau tiến lên một bước là “trọng dụng”. Có người nói lại: các cấp lãnh đạo, quản lý đều có các trí thức tham gia là gì. Đáp lại: vâng, có, nhưng phần nhiều mới để “làm cảnh”, “làm ví dụ”... thôi! Đâu đã chú ý thực tài, tâm đức, hiệu quả!

Mong mỏi của anh em là được làm việc phục vụ sự nghiệp, phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc. Đằng sau chữ “trọng dụng”, “tin dùng” là một loạt chính sách, chế độ, như chính sách dùng người, chính sách phát triển giáo dục, phát triển khoa học... rồi cụ thể như chế độ lương, điều kiện làm việc...

Tất nhiên, không theo bao cấp, hành chính, mà vận dụng linh hoạt cơ chế thị trường định hướng XHCN, như làm việc theo chế độ khoán sản phẩm, cho cạnh tranh, đặc biệt coi trọng hiệu quả (xin nhớ: không phải chỉ hiệu quả kinh tế).

Cũng nên cảnh báo không để “thị trường hoá”, “thương mại hoá”, “cổ phần hoá” giáo dục - đào tạo. Còn đối với khoa học cơ bản, khoa học xã hội, nhân văn, cách vận dụng cơ chế thị trường như thế nào mới đúng. Và với công nghệ lại phải có một cách đối xử khác, phải tính toán rất cẩn thận. Gốc rễ của việc thay đổi các chính sách, chế độ này là làm sao có thái độ thực sự khoa học, khách quan đối với giáo dục và khoa học.

Để kết luận, xin nhắc lại rằng: đầu thế kỷ XXI Liên hiệp quốc phát động Thập kỷ “Giáo dục vì phát triển bền vững”, trong đó Trí thức phải là đầu tàu của đội ngũ nhân lực. Còn ở ta, một số nhà trí thức đã phát biểu: nước nào không có đường lối theo cách suy nghĩ đó, thì lại làm thuê, có khi lại nô lệ, dĩ nhiên, nô lệ kiểu mới. Hy vọng Đại hội XI Đảng sắp tới sẽ có đột phá mới bắt đầu từ chỗ này. 

  • Phạm Minh Hạc
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,