221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1041057
“Lạm phát” kỳ quan thế giới…
1
Article
null
“Lạm phát” kỳ quan thế giới…
,

Đâu chỉ có Tổ chức New Open World Corporation (NOWC) bầu chọn kỳ quan thế giới mới! Vào internet sẽ thấy hằng hà sa số kỳ quan thế giới mới do các tổ chức tư nhân... tự bầu!

Thế nào là “di sản thế giới” và thế nào là “kỳ quan thế giới”...  Bài viết này giúp bạn đọc hiểu rõ các khái niệm mà nhiều tổ chức đang tự tìm kiếm, tổ chức bầu chọn nhiều khi khá ồn ào... 

Cả thế giới đi tìm “kỳ quan thế giới” của mình

Mô tả ảnh.
7 kỳ quan thế giới cổ đại (Ảnh: Wikipedia)
Khái niệm "kỳ quan thế giới" thật ra, đã có từ lâu. Chính xác hơn, người ta thường nhắc đến và không hề tranh cãi "bảy kỳ quan thế giới cổ đại”. Đây là một danh sách được nhiều người biết đến liệt kê các công trình kiến trúc và điêu khắc trong thời kỳ cổ đại.

Danh sách này do nhà văn Hy Lạp Antipater xứ Sidon lập ra trong thế kỷ thứ II TCN, dựa trên tầm nhìn của người Hy Lạp thời ấy, chỉ gồm các công trình quanh Địa Trung Hải mà họ cho là vĩ đại và thể hiện văn minh của nhân loại. "7 kỳ quan thế giới" hay "7 kỳ quan thế giới cổ đại" được văn hoá thế giới thừa nhận rộng rãi là: 1. Khu lăng mộ Giza; 2. Vườn treo Babylon; 3. Tượng thần Zeus ở Olympia; 4. Đền Artemis; 5. Lăng mộ của Mausolus; 6. Tượng thần Mặt trời ở Rhodes; 7. Hải đăng Alexandria.

Gần đây, đã có một “cơn bão lớn” về "kỳ quan thế giới mới" đổ bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà tâm bão lại là cuộc tái bình chọn “7 kỳ quan thế giới mới” do NOWC tổ chức. Thật ra, chuyện “bầu chọn” lại kỳ quan thế giới không phải là chuyện mới… và có thể thấy nhan nhản những cuộc bầu chọn khác nhau trên internet.

Vào năm 1994, ASCE (the American Society of Civil Engineers), một Hiệp hội Xây dựng của Mỹ đã tìm kiếm các “ứng cử viên” là các công trình xây dựng nổi tiếng từ khắp các quốc gia trên thế giới để tìm ra 7 kỳ quan thế giới mới. Những công trình được tuyển chọn cũng là để tôn vinh thành tựu kiến trúc vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ XX. ASCE được thành lập vào năm 1852, đại diện cho hơn 133.000 kỹ sư xây dựng chuyên nghiệp trên thế giới, và là hiệp hội lâu đời nhất của Mỹ.

Ngoài ASCE, bang Chicago ở Mỹ cũng hào hứng không kém với việc đi tìm kỳ quan mới. Vào tháng 11/2005, một giáo sư ở bang Chicago, Mỹ đã đưa ra một phát biểu kỳ lạ: “Một trong 7 kỳ quan thế giới là có Chicago”. Nhưng vị giáo sư này không hề đề cập đến 6 kỳ quan còn lại là những kỳ quan nào. Bởi vậy, không có một danh sách nào về 7 kỳ quan của Chicago được đưa ra.

Nhưng điều đáng nói ở đây, bài viết này không chỉ dừng lại ở đó. Nó còn kêu gọi mọi người dân ở Chicago hãy làm cho sự kiện trên có thể thành hiện thực. Từ đó, họ sẽ có thể lập nên một danh sách 7 kỳ quan của Chicago. Các website The Chicago Tribune, WGN-TV, WGN-AM, CLTV, Hoy and chicagotribune.com đang hợp sức với nhau để phát tán rộng khắp hoạt động này đến mọi đối tượng cả người nghe, người đọc và người xem. Những website này còn đưa những hướng dẫn để cho người đọc có thể hiểu rõ hơn về quy định bầu chọn.

Đâu chỉ có Chicago… trên địa chỉ website http://www.hillmanwonders.com/ có đưa ra một danh sách vị trí của 100 các kỳ quan thế giới, mà không dựa trên một tiêu chí nào, không nói rõ sự bầu chọn này là do những đối tượng nào tham gia, và cuộc bầu diễn ra khi nào? Đó chỉ là một danh sách được đưa ra mang tính thương mại cá nhân. Bạn đọc có thể click vào mỗi kỳ quan đó như lời kêu gọi của trang web này là “mục đích học tập và giải trí”. Lời kêu gọi này thu hút trí tò mò và sự ham học hỏi nơi người đọc, nhưng ai biết rằng mỗi khi click vào đây, người đọc đã mang lại một nguồn lợi lớn cho website này khi số lượng người lướt web vào đây tăng lên.

Những đơn cử trên cho thấy, ngoài NOWC thì xu hướng các tổ chức lớn trên thế giới, thậm chí là cả những trang web không mấy tên tuổi cũng tự ý lập nên cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới. 

NOWC tiếp tục đi tìm kỳ quan thiên nhiên thế giới

Mô tả ảnh.
Nhiều website của các tổ chức tư nhân, địa phương của nhiều nước trên thế giới đang cổ suý đi tìm và bầu chọn những kỳ quan thế giới mới
Tổ chức NOWC do ông Bernard Weber làm chủ tịch đã phát động ra chiến dịch bầu chọn 7 kỳ quan thế giới mới từ năm 2000.

Bằng khả năng quảng bá, và áp dụng những công thức marketing khéo léo, đi cùng với cách chọn tên gọi cho dự án của mình “7 kỳ quan thế giới mới” và “7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới”, Weber đã đánh trúng tâm lý, lòng tự tôn dân tộc của mỗi người. Thậm chí tổ chức này còn kéo theo nhiều phương tiện thông tin đại chúng, ở một số nước trên thế giới cổ suý‎‎ cho việc bầu chọn kỳ quan mới…

Như đã biết, chiến dịch bầu chọn “7 kỳ quan thế giới mới” này đã kết thúc với một kết quả đáng chú ý.

Có khoảng 100 triệu người đã tham gia bầu qua Internet và tin nhắn điện thoại. Cuộc bình chọn 7 Kỳ quan thế giới mới thực sự đã mang lại thành công to lớn trong sự nghiệp kinh doanh của ông Weber. Kết quả được công bố long trọng tại một buổi lễ ở sân vận động Luz, Thủ đô Lisbon ở Bồ Đào Nha vào đúng ngày thứ bảy, 7/7/2007.

Nhưng sau sự kiện 7 kỳ quan thế giới mới, ngày 9/7/2007, UNESCO đã ngay lập tức đưa ra lời phát ngôn của mình để khẳng định lại rằng giữa UNESCO và tổ chức NOWC này không hề có mối liên hệ nào.

UNESCO đánh giá chương trình của Weber mới chỉ dựa vào ý kiến của những người tham gia mà thiếu các góc độ còn lại. Việc bỏ phiếu bị đánh giá phần nhiều mang tính cục bộ, dân tộc, thiếu các tiêu chí khách quan. Các nhà quan sát cho rằng các nhà tổ chức thiếu các biện pháp để tránh chuyện một người bỏ phiếu nhiều lần. Như vậy là không đảm bảo tính công bằng cho một cuộc bình chọn diễn ra. Vậy kết quả cao, có nên hài lòng?

Theo quan điểm của UNESCO, đó chỉ là cuộc bầu chọn trên mạng, dành cho một phần cộng đồng thiểu số dân cư mạng thực hiện được việc bình chọn mà thôi. Còn phần dân cư không được tiếp cận với công nghệ thông tin, họ có tán thành với kết quả đó không? Kết quả thật phiến diện và không hề khách quan.

Đơn cử, đền Ăngco Vát ở Campuchia sẽ bị gạt khỏi danh sách của 7 kỳ quan thế giới mới, và thậm chí là mãi mãi vì số lượng người dân được tiếp cận với mạng internet là rất hạn chế, không thể nào bằng một Trung Hoa khổng lồ. Nếu vậy, thì mãi mãi Ăngco Vát sẽ bị gạt phăng ra khỏi danh sách bầu chọn, thế hệ sau rồi sẽ còn biết đến một Ăngco Vát??? Và một Vạn Lý Trường Thành sẽ mãi giữ vị trí chắc như đinh đóng cột trong danh sách 7 kỳ quan sau này?

Trên website www.new7wonders.com, không có một bài viết nào đề cập đến việc lựa chọn “di sản văn hoá thế giới" và "di sản thiên nhiên thế giới".

Khi buổi lễ công bố kết quả 7 kỳ quan thế giới mới kết thúc, ông Weber đã lại đưa ra một lời tuyên bố gây nhiều bất ngờ, kêu gọi một chiến dịch mới đi tìm 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Chiến dịch này dự kiến sẽ công bố vào mùa hè năm 2010. 
 

Di sản thế giới, kỳ quan và những khái niệm

Di sản thế giới là di chỉ, di tích của một quốc gia có thể là hang động, rừng, núi, vịnh, hồ, sa mạc, quần thể kiến trúc hay thành phố... do các nước có tham gia Công ước di sản thế giới đề cử cho Chương trình quốc tế di sản thế giới, được công nhận và quản lý bởi UNESCO.

Di sản thế giới được phân ra làm hai loại: Di sản văn hoá và di sản thiên nhiên. Di sản văn hóa là các di tích, các quần thể các công trình xây dựng, các di chỉ. Mỗi loại, đều có định nghĩa rõ ràng.

Còn di sản thiên nhiên thì được UNESCO nhận định dưới hai góc độ theo Công ước Di sản thế giới. Đó là các đặc điểm tự nhiên bao gồm các hoạt động kiến tạo vật lý hoặc sinh học hoặc các nhóm các hoạt động kiến tạo có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm thẩm mỹ hoặc khoa học; các hoạt động kiến tạo địa chất hoặc địa lý tự nhiên và các khu vực có ranh giới được xác định chính xác tạo thành một môi trường sống của các loài động thực vật đang bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn.

Năm 1972, UNESCO đã đưa ra bản Công ước về bảo vệ Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Bản Công ước này đề cập đến những tiêu chí để lựa chọn di sản văn hoá, di sản thiên nhiên thế giới, cũng như đề ra những mục tiêu giúp các quốc gia bảo tồn được những di sản thế giới đó.

UNESCO cố gắng tôn trọng sự cân bằng giữa các châu lục trong vấn đề di sản thế giới. Tính đến tháng 11 năm 2007 đã có 185 nhà nước phê chuẩn Công ước về Di sản thế giới. Những di sản này được xếp theo 5 vùng địa lý: Châu Phi; các nước Ả rập: bao gồm Bắc Phi và Trung Đông; châu Á - Thái Bình Dương: bao gồm cả Úc và châu Đại Dương; châu Âu và Bắc Mỹ; Mỹ Latinh. Riêng Nga và các nước Caucasus được xếp vào khu vực châu Âu và Bắc Mỹ

Trong khi đó, bảy kỳ quan thế giới mới là một cuộc bình chọn toàn cầu để tìm ra bảy tuyệt tác kiến trúc nghệ thuật khác bên cạnh bảy kỳ quan thế giới cổ đại của văn minh nhân loại.

Chiến dịch bầu chọn "7 kỳ quan thế giới mới" là sáng kiến của người Thuỵ Sĩ Bernard Weber phát động năm 1999. Việc lựa chọn được tiến hành với các lá phiếu tự do và lá phiếu phải trả tiền qua hình thức điện thoại hay mạng internet. Lá phiếu đầu tiên được tự do đăng ký thành viên và những lá phiếu sau có thể được mua thông qua một khoản quyên góp cho NOWC.

Ngoài việc bán phiếu bầu, NOWC dựa vào các khoản quyên góp từ cá nhân, việc mua bán các loại hàng hoá như áo phông, đồ lưu niệm và các khoản thu từ quảng cáo để hoạt động. Do điều này, Nagib Amin, một chuyên gia Ai Cập về di sản thế giới phát biểu: "Ngoài khía cạnh thương mại, lá phiếu không có cơ sở khoa học."

Tuy nhiên, NOWC cũng đưa ra tiêu chuẩn kỳ quan thế giới để bầu chọn. Đó là các tiêu chí như phải do con người xây dựng lên; hoàn thành trước năm 2000 và đang được bảo tồn tốt, mỗi châu lục phải có ít nhất một đại diện; mỗi quốc gia chỉ được có một công trình tham gia. Sau khi công bố 7 kỳ quan thế giới mới vào ngày 7/7/2007, NOWC kêu gọi một chiến dịch mới đi tìm 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Chiến dịch này dự kiến sẽ công bố vào mùa hè năm 2010.

  •  Trần Hương Giang (Tổng hợp từ tư liệu của UNESCO và các tư liệu khác từ internet)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,