221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1006676
Thiếu giác mạc: Không lo, đã có tế bào gốc!
1
Article
null
Thiếu giác mạc: Không lo, đã có tế bào gốc!
,

(VietNamNet) - TP.HCM vừa ứng dụng thành công liệu pháp tế bào gốc để chữa trị, phục hồi một phần thị lực cho bệnh nhân mắt... Triển vọng ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong điều trị bệnh mắt sẽ ra sao trong những năm sắp tới? TS-BS Trần Công Toại (TT Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM) đã có cuộc trao đổi với phóng viên VietNamNet xung quanh triển vọng này...

>>TP.HCM: Ca đầu tiên dùng tế bào gốc chữa bệnh mắt

 

TS-BS Trần Công Toại: "Khi khoa học đã thành công trong phương pháp nuôi cấy biệt hoá tế bào gốc tái tạo giác mạc thì áp lực thiếu giác mạc ghép cho người bệnh mắt sẽ được giảm nhẹ. (Ảnh: V. Giang)  

- Được biết, TP.HCM vừa ứng dụng thành công liệu pháp tế bào gốc để ghép kết mạc cho một bệnh nhân bị hỏng mắt đã 20 năm với sự hỗ trợ, giúp đỡ về mặt kỹ thuật của chuyên gia Nhật Bản. Ông có thể nói rõ hơn về sự hợp tác này? 

-Sự giúp đỡ của tổ chức Takeda, Bệnh viện Ichikawa, Nhật Bản đã chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy tế bào gốc niêm mạc miệng thành kết mạc để chữa trị cho người hỏng mắt. Nhật Bản là nước dẫn đầu về nghiên cứu, ứng dụng về tế bào gốc vùng rìa giác mạc.

Đây cũng là nước đi tiên phong và có nhiều thành công thực tiễn trong các ca ghép vùng rìa giác mạc điều trị các bệnh về mắt.

Mặt khác, trong năm 2006, bác sĩ Diệp Hữu Thắng, BV Mắt TP.HCM (người trực tiếp phẫu thuật ca bệnh này) và tôi đã có khóa học về tế bào gốc vùng rìa giác mạc ở Nhật Bản. Từ nhiều mối quan hệ có trước, những giáo sư giỏi, một số tổ chức, bệnh viện người Nhật đã nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mà không phải chịu phí tổn.

- Từ ca ghép kết mạc thành công này, có thể hy vọng người mù sẽ nhìn thấy ánh sáng và giảm bớt tình trạng thiếu giác mạc ở nước ta hiện nay hay không?

- Theo tôi, hoàn toàn có hy vọng. Tuy nhiên, chỉ có thể ở mức độ nhìn thấy sáng hơn, rõ hơn. Ví dụ, ca đầu tiên BV Mắt TP.HCM vừa thực hiện, bệnh nhân có thể nhìn thấy ở khoảng cách 1m, trước khi điều trị chỉ có thể phân biệt sáng tối. Để hoàn toàn hồi phục thị lực thì bệnh nhân cần được ghép giác mạc. Mức độ hồi phục bao nhiêu phần trăm còn tuỳ vào tình trạng bệnh lý (nguyên nhân gây bệnh, bệnh đã lâu hay chưa), giới tính, độ tuổi, chứ không nói chung chung được.

Trong tình trạng thiếu giác mạc thì đây là giải pháp tạm thời để bệnh nhân có thể nhìn được.

 

Nuôi chuột để thí nghiệm tế bào gốc trong Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học phân tử - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. (Ảnh: V. Giang)

- Từ thành công nuôi cấy tế bào gốc vùng rìa giác mạc để tái tạo kết mạc, có thể dự tính tương lai chúng ta sẽ tái tạo được giác mạc hay không?

-  Phương pháp nuôi cấy, biệt hoá tế bào gốc vùng rìa giác mạc hiện nay đã thành công và phổ biến ở Nhật Bản từ 5 năm trước. Nhiều nước như Mỹ, Singapore, Úc, Hàn Quốc đã ứng dụng công nghệ này cũng chỉ vài năm lại đây. Được biết, Nhật Bản vẫn đang nghiên cứu phương pháp nuôi cấy biệt hoá tế bào gốc tái tạo giác mạc. Nếu diễn tiến tốt, dự trù khoảng 5 năm nữa phương pháp này sẽ được ứng dụng.

Nghiên cứu này rất quan trọng vì vấn đề thiếu giác mạc sẽ được giải quyết.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới có chung tình trạng thiếu giác mạc thay thế cho người mù. Hơn nữa, việc dùng phương pháp tế bào gốc điều trị bệnh lý nói chung, tái tạo giác mạc nói riêng sẽ là phương pháp ghép tự thân, không phải lo về miễn dịch, tương hợp mô. Bệnh nhân cũng ít bị đau đớn hơn.

- Ngân hàng mắt nhiều năm nay vẫn nằm trong vòng… dự tính, kế hoạch! Trong khi nhu cầu ghép giác mạc hiện nay rất lớn nhưng thiếu giác mạc để ghép... Tại sao lại như vậy?

- Ở các nước có ngân hàng giác mạc, họ đã có luật hiến tặng mô, tạng rất rõ. Ở Việt Nam, vào tháng 11/2006 có luật nhưng chưa có văn bản dưới luật để thực hiện. Chưa kể tới, điều luật này cũng đã cũ vì xây dựng từ 15 năm trước. Vì thế, chúng tôi phần nào bị động, ngần ngại khi thực hiện các phẫu thuật có liên quan vấn đề này.

Ngoài ra, còn có tình trạng kinh tế chưa đảm bảo. Thực tế hiện nay, xây dựng ngân hàng giác mạc sẽ cần sự kêu gọi, giúp đỡ nhiều phía: Từ các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, cùng ý thức tự nguyện hiến giác mạc của người dân. Ở Mỹ, 64% người dân sẵn sàng hiến các cơ quan nội tạng của mình cho y học. Còn  ở Việt Nam việc này vẫn còn nhiều khó khăn xuất phát từ nếp nghĩ.

Về trang thiết bị, BV Mắt TP.HCM đã có đủ, nhiều năm nay vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng. Ngoài ra, nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm cũng đã có mong muốn giúp đỡ. Việc ra đời ngân hàng giác mạc rất cần thiết để tránh thế bị động trong việc cần và thiếu giác mạc trầm trọng hiện nay. Chắc rằng trong thời gian gần đây, ngân hàng giác mạc sẽ ra đời.

Tuy nhiên, hy vọng rằng trong những năm tới đây khi khoa học đã thành công trong phương pháp nuôi cấy biệt hoá tế bào gốc tái tạo giác mạc thì áp lực thiếu giác mạc ghép cho người bệnh mắt sẽ được giảm nhẹ.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

  • Vinh Giang (Thực hiện)
     
    Ý kiến của Bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,