221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
509228
"Nâng tầm" trường ngoài công lập: Cách nào?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Nâng tầm' trường ngoài công lập: Cách nào?
,

(VietNamNet) - Hệ thống các trường ĐH, CĐ dân lập đã gánh bớt tải trọng quá nặng trên các trường công lập trước nhu cầu học tập quá lớn của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, uy tín của khối trường này đã có những "vết gợn". Làm thế nào để nâng tầm vóc và vị thế của các trường thuộc hệ thống đào tạo này? Sáng nay (9/9) sẽ diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (viết tắt VIPUA). Trước thềm Đại hội, VietNamNet đã ghi nhanh ý kiến của người trong cuộc.

Ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT, trưởng Ban vận động thành lập VIPUA: Trước hết là đất, và thuế, rồi trải thảm đỏ...

Ông Trần Hồng Quân: Mở rộng hệ thống trường ngoài công lập là cần thiết.

Sau Đại hội, chúng tôi sẽ có một chương trình hành động cụ thể ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, chúng tôi đã có kiến nghị giải quyết đất đai cho các trường đang gặp khó khăn. Thời điểm hiện nay, khi rà soát, thu hồi đất của các dự án quy hoạch "treo" nhiều năm, Nhà nước có một quỹ đất không nhỏ, có thể xét cấp cho các trường ngoài công lập đã thành lập, đang hoạt động trên những địa điểm quá chật hẹp; cấp đất cho các dự án thực sự có thực lực mở các trường mới.  Ngoài ra, Hiệp hội cũng đang nghiên cứu để xin giải quyết vấn đề thuế, vì một số trường bị đánh thuế rất nặng, như một doanh nghiệp sản xuất.

Trong quá trình phát triển, cũng có tình trạng một số trường do vì “lợi ích kinh tế của một số người” mà dẫn đến tình trạng dành phần lớn thu nhập để ăn chia mà coi nhẹ việc bảo đảm điều kiện đào tạo, đặc biệt là tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Từ đó, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, thậm chí phạm pháp, làm mất uy tín của khối trường này. Song không vì thế mà phủ nhận sự đóng góp của hệ thống loại hình trường này. Mở rộng hệ thống trường ngoài công lập là cần thiết để tăng thêm năng lực, gánh bớt tải trọng đã quá nặng trên các trường công lập.

Hiện đã có nhiều hồ sơ xin mở trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Nhiều nhà kinh doanh lớn đã sẵn sàng đầu tư vào giáo dục, vì theo họ đây là lúc họ thấy cần đóng góp chút gì cho xã hội. Mặt khác, đầu tư vào giáo dục tuy lợi nhuận thấp nhưng cũng ít rủi ro hơn. Nhà nước nên khuyến khích, thậm chí trải thảm đỏ mời chào các nhà đầu tư có tâm huyết, các nhà khoa học nhiệt thành, mở thêm nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Không sợ quá nhiều vì hiện nay số người đi học ĐH trong độ tuổi tương ứng của Việt Nam chỉ mới trên 8%, trong khi Thái Lan hơn 20%, Hàn Quốc gần 70%. 

Bà Hoàng Xuân Sính, chủ tịch HĐQT ĐH Thăng Long (Hà Nội): Nếu không giúp về tài chính, Nhà nước cũng phải "cho" cơ chế hợp lý

Bà Hoàng Xuân Sính: Các ràng buộc mà Nhà nước ấn định phải tương thích.

Các trường dân lập dạy chủ yếu các môn không đòi hỏi thiết bị nhiều và xã hội đang cần, như tin học, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh. So sánh sáu tiêu chuẩn: ngân sách cho mỗi sinh viên, số sinh viên cho mỗi giáo viên, số thầy giáo vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, chất lượng tuyển chọn đầu vào, quan hệ quốc tế và việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, sẽ thấy các trường ngoài công lập còn yếu so với trường công.

Để cho mô hình ngoài công lập phát triển, nếu như Nhà nước không giúp đỡ về tài chính thì phải cho nó một cơ chế hợp lý, trong đó các ràng buộc mà Nhà nước ấn định phải tương thích, không gây mâu thuẫn trong hệ thống.

Các sinh viên ngoài công lập phải được hưởng quyền lợi như học công lập. Chẳng hạn, các quỹ học bổng học trong hay ngoài nước cũng phải phân phối cho sinh viên ngoài công lập khi họ cũng có đủ tiêu chuẩn.

Công tác thanh tra về quản lý cũng như chương trình đào tạo phải được Bộ GD-ĐT làm thường xuyên, trường nào đạt chuẩn hay chưa đều phải công bố rõ ràng để người dân biết khi bỏ tiền cho con em đi học.

Ông Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hải Phòng: Nghiên cứu lại nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT

Ông Trần Hữu Nghị: Mâu thuận giữa HĐQT với hiệu trưởng trường dân lập mang tính hệ thống trong cả nước.

Để các trường mới thành lập xây dựng được cơ sở vật chất (CSVC), Nhà nước cần hỗ trợ: Cấp đất theo tinh thần Nghị định 73/CP, và cho vay một phần vốn, từ 10-15 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi trong thời hạn vay từ 10-15 năm và miễn thế chấp tài sản, vì CSVC này được xây ngay trên đất Nhà nước. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi tin sau mười năm, các trường có thể hoàn vốn và trả lãi.

Giáo viên, sinh viên ở trường ngoài công lập vẫn còn bị phân biệt đối xử trong bình bầu các danh hiệu, phong học hàm học vị. Khi đi thi, đi học nghiên cứu sinh, thạc sĩ, các giáo viên cơ hữu của trường dân lập vẫn bị xem như thí sinh tự do, tiền học phí phải trả cao nhất.

Theo tôi, nên nghiên cứu lại nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT, bởi lẽ chúng ta đang xem trường ngoài công lập như một doanh nghiệp nên quyền hạn của HĐQT cũng như các doanh nghiệp. Mục đích cao nhất của doanh nghiệp là lợi nhuận, mục tiêu cuối cùng của giáo dục là chất lượng đào tạo toàn diện. Đây cũng chính là sự không gặp nhau, hay mâu thuẫn, giữa HĐQT đại diện cho lợi ích kinh tế và hiệu trưởng nhà trường - người chịu trách nhiệm Nhà nước về chất lượng đào tạo. Mâu thuẫn này có tính hệ thống vì nó đã và đang xảy ra ở nhiều trường dân lập trong cả nước.

Sinh viên trường ĐH Thăng Long trong giờ tin học.

Việc cổ phần hóa là cụ thể hóa chủ trương "tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường". Như vậy, vấn đề đặt ra: Sau một thời gian hoạt động, nếu toàn thể cán bộ, công nhân viên và giáo viên trong nhà trường mong muốn cổ phần hóa và chuyển toàn bộ tiền đã đóng góp của họ vào trường từ đầu đến nay sang tiền góp cổ phần thì liệu có được hay không? Cơ quan quản lý nào sẽ cho phép cổ phần hóa nếu bản thân HĐQT lại không muốn cổ phần hóa?

Năm 1998, Trung tâm ĐH Thăng Long (Hà Nội) là trường ĐH ngoài công lập đầu tiên được thành lập. Sau sáu năm thử nghiệm, một loạt các trường đã ra đời (chủ yếu ở miền Nam).

Hiện nay, cả nước có 17 trường ĐH, CĐ dân lập và sáu trường bán công. Tính chung hệ đào tạo ngoài công lập, có gần 120.000 sinh viên, chiếm 11,7% số sinh viên cả nước.

  • Hạ Anh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,