221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
459784
Chấn hưng giáo dục: Bạn đọc VietNamNet "hiến kế"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Chấn hưng giáo dục: Bạn đọc VietNamNet 'hiến kế'
,

(VietNamNet) - Sau khi đăng tải thông tin Thủ tướng mong các nhà giáo hiến kế chấn hưng giáo dục, VietNamNet đã nhận được nhiều thư của bạn đọc đóng góp ý kiến cho vấn đề này.

Các GS tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng ngày 12/7

Trong thư, các bạn đều nêu ra những yếu kém của giáo dục nước nhà qua cái nhìn từ thực tế học tập của bản thân. Nhiều bạn đọc đang học tập hoặc công tác ở nước ngoài nhận định: Ở bậc phổ thông, học sinh Việt Nam có thể học giỏi hơn học sinh nước ngoài. Thế nhưng lên tới bậc học cao hơn như ĐH, sau ĐH thì tụt lại quá xa.

Bạn Khuất Quang Hưng (hungkq@yahoo.com) còn nêu tỉ mỉ các giải quyết "nếu tôi là Bộ trưởng" thì sẽ làm những gì.

Bạn Hoàng Ngọc Thạch (thach.hoang@polytechnique.fr), sinh viên tại Pháp, đề xuất Nhà nước nên vận động các công ty, doanh nghiệp tham gia đào tạo bằng cách tiếp nhận sinh viên thực tập.

Bạn Lê Hoàng (tvhco@hn.vnn.vn) "chỉ xin nêu một điều: "Nhiều giáo viên ra trường mười năm, không quen biết nên vẫn dạy không lương, không chế độ bảo hiểm".

Đáng chú ý là thư của những người hiện là học sinh giỏi, đang du học ở nước ngoài, và những người thầy có thâm niên giảng dạy lâu năm đều thống nhất một cách nhìn: Chấn hưng giáo dục để có mục đích cuối cùng: sản phẩm của giáo dục là tạo ra con người "thực sự làm chủ đất nước, có cách suy nghĩ độc lập, biết làm việc tập thể, luôn sẵn sàng đóng góp tiếp thu ý kiến của người khác" (thư của Phạm Hải Trung, sinh viên năm thứ hai trường Bách khoa Paris Polytechnique).

Dưới đây, VietNamNet trích giới thiệu một số ý kiến:

· Pham Trong Van (tpham@eye.usyd.edu.au): Giáo dục cho học sinh chống tiêu cực

Các suy nghĩ của tôi xuất phát từ lương tâm của một người đã 20 năm đứng trên bực giảng, có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền giáo dục khác nhau trên thế giới và nhất là từ nỗi lo lắng cho tương lai của dân tộc trong thập kỷ tới.

Có dịp tiếp xúc với nhiều em được giải cao trong các kỳ thi phổ thông quốc tế thì thấy sức học của các em do ở ĐH không còn ở mức cao nữa, có nhiều em con đứng ở vị trí trung bình trong lớp học với các học sinh ngoại quốc (vốn không có thành tích cao khi còn ở phổ thông). Khi ra trường, ít em giành được vị trí quan trọng trong xã hội cũng như nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân là các em bị quá tải khi học phổ thông (thành tích thiểu số không đánh giá đúng thực chất tình trạng giáo dục) và các em không được giáo dục ý thức tự học, từ độc lập suy nghĩ.

Ở bậc ĐH gần như không thay đổi về hệ thống bài giảng và cách giảng trong nhiều năm, không có một hệ thống cung cấp thông tin tốt để sinh viên tự học; bản thân các thầy giáo cũng không tự trau dồi kiến thức vì thiếu sách vở và nhất là cuộc sống của bản thân và gia đình con khó khăn; tiêu cực xảy ra trong quá trình học và tuyển chọn người đi học (nhất là hệ sau đại học); đạo đức một số người thầy bị xuống cấp, nêu gương xấu cho thế hệ trẻ.

Để giải quyết vấn đề này, tôi thấy:

1. Đầu tư phát triển thư viện, Internet để học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo cập nhật thông tin.

2. Không áp dụng tuổi tác, thâm niên công tác, vị trí công tác (làm cho Nhà nước hay tư nhân) để hạn chế việc tham dự các kỳ học sau ĐH.

3. Rà soát lại chương trình học của từng môn để nâng cấp cho phù hợp với quốc tế.

4. Đổi lại cách dạy và học. Để các em học sinh từ tìm bài, chuẩn bị bài và trình bày bài.

5. Chia nhỏ môn học để đánh giá làm nhiều giai đoạn. Thi cử đơn giản những thật nghiêm túc.

6. Giáo dục cho học sinh cách chống những tiêu cực làm tha hóa người thầy.

7. Nâng lương cho các giáo viên. Trả lương thật cao cho giáo viên, thay đổi lương theo mức sinh hoạt ngoài xã hội.

8. Xử phạt nặng với những người thầy có thái độ tiêu cực với học sinh. 

· Phạm Hải Trung (Palaiseau, hai-trung.pham@polytechnique.org): Dạy học sinh có chính kiến và biết làm việc tập thể

(LTS: Trước khi sang Pháp, Trung đã có hai năm học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội và đoạt giải Nhì quốc gia môn Toán lớp 12, bằng khen châu Á - Thái Bình Dương)

Qua thời gian học tập ở Pháp, tôi cảm thấy có rất nhiều mặt đáng học hỏi, có thể phát huy được ở Việt Nam. Đó là sự tự do diễn đạt suy nghĩ của học sinh; phát huy việc giao tiếp trao đổi giữa học sinh; tính chất bình đẳng giữa học sinh với thầy giáo và cuối cùng sự nghiêm minh trong thi cử.

Sự tự do diễn đạt suy nghĩ của học sinh rất quan trọng. Khi thầy giáo chữa bài, thấy tìm cách đặt câu hỏi, định hướng tìm tòi cho học sinh. Trong quá trình giảng, học sinh được khuyến khích phát biểu ý kiến, việc ngắt bài giảng là chuyện bình thường, mọi ý kiến mới quanh một vấn đề đều được khuyến khích. Khi ý kiến của học sinh sai, thầy lập luận để thấy rằng hướng đi đó không cho kết quả mong muốn.

Sự giao tiếp trao đổi là điều vô cùng cần thiết trong suốt hành trình cuộc đời, đặc biệt trong công việc. Cần tạo ra các đồ án tập thể, một nhóm hai hay năm tới bảy người. Hai người cùng làm một đồ án được tính điểm ngang nhau, điều đó muốn nhấn mạnh vào tính tập thể, sự công tác trong nhóm với nhau.

Tính chất bình đẳng giữa học sinh cũng rất cần thiết, tránh trường hợp ưu ái đối với học sinh này, sẽ làm mất tự tin, gây tự ti ở các học sinh khác. Học sinh giỏi thì thế hiện qua một bảng điểm đẹp. Thầy giáo luôn là động lực chính thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh. Nhưng ở đây, thầy không nên khuôn đúc suy nghĩ của học sinh. Quan trọng hơn, thầy luôn sẵn sàng nghe ý kiến của học sinh, đồng ý với ý kiến dùng để tiếp tục lời giải, giải thích tại sao một ý kiến không cho kết quả mong đợi, với ý kiến choa nhìn rõ kết quả hay cũng giúp học sinh giải quyết đến mức có thể cho một kết luận. Ở đây, thầy đóng vai trò định hướng cho học sinh.

Cuối cùng, sự nghiêm minh trong thì cứ phải thực sự được nhấn mạnh. Khi còn tồn tại sự không công bằng trong thi cử (ai chép bài thi có điểm tốt hơn người học hành nghiêm minh) thì điều đó càng thúc đẩy tệ nạn trong thi cử. Ở trường tôi học, trong ngày thì các bạn ghế được sắp xếp ở một phòng thể thao chơi bóng rổ rất rộng, mọi ng­ời ngồi một bạn. Trong thời gian thì cứ ta không có cảm giác cơ học sinh nào ở xung quanh, cảm giác như ta đang ngồi học nghiên cứu, rất độc lập.

· Bùi Văn Kiên (khóa Cao học 7, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, kienlawyer@yahoo.com): Coi giáo dục đại học như một ngành sản xuất

(LTS: Trong bài viết khá kỹ lưỡng gửi tới VietNamNet, bạn Bùi Văn Kiên đã đề xuất chi tiết ba nhóm biện pháp với 11 quan điểm để nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam)

Cải tiến tuyển sinh ĐH là một giải pháp

Nhóm các biện pháp nâng cao chất lượng đầu vào thông qua việc cải cách chế độ tuyển sinh đại học. Ở nhóm này, có bốn giải pháp cụ thể: Thay đổi nội dung thi tuyển sinh ĐH nhằm đảm bảo đầu vào phục vụ mục tiêu giáo dục ĐH toàn diện: nâng số môn thi từ ba môn hiện nay thành năm môn, trong đó có ba môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và hai môn phù hợp với chuyên ngành. Thay đổi hình thức tuyển sinh ĐH. Áp dụng đại trà hình thức tuyển sinh trắc nghiệm khách quan, riêng môn Văn áp dụng hình thức tự luận. Khống chế mức điểm sàn chung đối với tuyển sinh ĐH. Xoá bỏ chế độ ưu tiên điểm theo khu vực, theo đối tượng và chế độ tuyển thẳng đối với học sinh giỏi. Đối với các khu vực có điều kiện khác nhau, con em các đối tượng chính sách sẽ áp dụng chế độ ưu tiên bằng vật chất thông qua học bổng, học phí. Đối với nhu cầu về nguồn nhân lực ở vùng sâu, vùng xa và dân tộc ít người, mở rộng diện cử tuyển gắn với đào tạo theo địa chỉ.

Nhóm các biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên. Ở nhóm này, có bốn giải pháp cụ thể:

1. Cải cách khung chương trình giáo dục ĐH theo hướng học tập gắn với định hướng nghề nghiệp. Ngoài các môn thuộc khối kiến thức chung, chỉ cần có thêm hai - ba môn học thuộc khối kiến thức cơ sở và được thực hiện theo phương pháp tự chọn. Đối với mỗi môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành, cần chia thành hai nội dung: Nội dung về lý thuyết được tính bằng đơn vị học trình theo số giờ giảng trên lớp và được đánh giá bằng phương pháp thi hết môn. Nội dung về thực hành có số đơn vị học trình tương đương số đơn vị học trình lý thuyết, do sinh viên tự thực hiện bằng cách viết một chuyên đề nghiên cứu (khoảng 30 trang). Điểm của tổng kết môn là điểm trung bình cộng tính theo đơn vị học trình của hai phần lý thuyết và thực hành.

2. Thay đổi phương pháp giảng dạy từ độc thoại thành đối thoại và bài tập tình huống (case study). Việc giải quyết các bài tập tình huống, từ đó khái quát thành những vấn đề lý thuyết sẽ tạo cho người học một tư duy năng động và sáng tạo hơn

3. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho giáo dục ĐH theo công thức: Trường ĐH + Viện nghiên cứu + Doanh nghiệp.

4. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua cải cách chế độ tuyển dụng, phương pháp đánh giá giảng viên và chế độ lương bổng. Hiện tại, giảng viên các trường ĐH được tuyển dụng không theo một chuẩn mực cụ thể nào, chủ yếu được được tuyển dụng theo quan hệ quen biết cá nhân. Cần có một quy chế tuyển dụng riêng áp dụng đối với giảng viên ĐH. Việc đánh giá khả năng chuyên môn và các kỹ năng nghề nghiệp khi tuyển dụng giảng viên được thực hiện theo một thang điểm chung và áp dụng thống nhất trong toàn quốc.

Nhóm các biện pháp nâng cao chât lượng học của sinh viên. Hiện tại, đa số các sinh viên học theo hình thức đối phó, chơi dài dài và chỉ đến khi thi hết môn mới lao đầu vào học. Thi xong cũng là lúc kiến thức của môn học đó không còn lưu trong bộ nhớ.

Nhóm này gồm ba giải pháp:

1. Tăng cường việc giảng dạy theo phương pháp đối thoại kết hợp với thường xuyên đánh giá kết quả học tập.

2. Cải cách phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Chuyển từ việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên dưới hình thức một bài thi duy nhất sang kết hợp giữa thi hết môn và làm chuyên đề nghiên cứu.

3. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội nhằm tăng cường khả năng hoạt động nhóm và hoà nhập của sinh viên. 

Sẽ chỉ là “đánh rắn giữa khúc” nếu như việc cải cách chỉ thực hiện ở từng khâu riêng biệt. Các quan điểm trên đây chỉ có ý nghĩa tích cực khi các cấp quản lý về giáo dục thực sự cởi bỏ tư duy cũ, cần coi giáo dục ĐH như một ngành sản xuất và nhà sản xuất muốn tồn tại phải biết điều chỉnh quy trình sản xuất sao cho phù hợp để có sản phẩm chât lượng cao, chiếm được lòng tin của người tuyển dụng lao động.

Đặc biệt, việc cải cách mang tính chất đột phá ở bậc ĐH sẽ tạo tiền đề cho việc cải cách ở các bậc học thấp hơn. Hơn ai hết, người học và phụ huynh của họ biết phải học thế nào để trở thành sinh viên ĐH.

· Nguyễn Trường Đông (truongdong2002@yahoo.com): Không nên học tràn lan các môn

(LTS: Bạn Trường Đông đang theo học Ph.D tại Úc theo diện du học bằng ngân sách nhà nước - Đề án 322).

Học sinh từ tiểu học đến THPT của nước ta có thể giỏi hơn của Úc, những lên đến chương trình ĐH thì sinh viên không thể nào sánh được với sinh viên Úc, còn bậc cao học hay nghiên cứu sinh thì lạc hậu hơn nhiều.
 
Việc học ĐH, sinh viên Úc không phải học tràn lan các môn, mà chỉ tập trung vào chuyện môn. Nội dung học mở ra các vấn đề thực tế của toàn thế giới. Cách giảng dạy thì chủ yếu giáo viên gợi mở cho học sinh, phần còn lại là huy động tính sáng tạo của sinh viên. Điều đặc biệt quan trọng là sách học ở đây rất nhiều, sinh viên có thể đọc thêm để mở rộng kiến thức học.
 
Cách học là tự học, tự nghiên cứu, muốn như vậy thì sách đọc, tài liệu phải nhiều, cho nên Úc rất chú trọng hệ thống thư viện. Các trường ĐH ở Việt Nam nên chú trọng vào khâu thư viện, tạo điều kiện về việc tra cứu, mượn sách... vì sách mới là tri thức tổng hợp cần thiết, còn việc giảng dạy chỉ là hướng dẫn.
 
Việc thi cử cũng nhẹ nhàng. Sinh viên không phải dồn vào một kỳ thi cuối kỳ, mà dàn đều ra tất cả các thời điểm. Có thể chia môn học ra thành nhiều phần. Học xong mỗi phần đều có bài kiểm tra hoặc thực hành tính điểm. Điểm của môn học là tổng của tất cả các điểm kiểm tra trong học kỳ.

Tòa soạn sẽ tiếp tục trích đăng góp ý và những nội dung "hiến kế" có giá trị của bạn đọc cho nền giáo dục nước nhà. Xin gởi ý kiến và bài viết về địa chỉ bangiaoduc@vasc.com.vn

· VietNamNet          

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,