Người thầy giản dị của GS Ngô Bảo Châu

Cập nhật lúc 08:14, 19/11/2010 (GMT+7)

- Có một người thầy của những nhà khoa học nổi tiếng, dù đã thành danh trên thế giới, họ vẫn nhắc tới ông với một niềm yêu kính vô hạn. Hình như, tình cảm ấy, trong khung cảnh của giáo dục hiện nay thật hiếm hoi với nhiều người.

Mô tả ảnh.
GS Ngô Bảo Châu là học trò khóa thứ 7, khóa cuối cùng thầy Tôn Thân giảng dạy tại Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. Trong diễn văn tại lễ mừng GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ Đình, GS đã nhắc tới thầy Tôn Thân đầu tiên, góp phần đào tạo ông về môn Toán. Trong ảnh, thầy Tôn Thân và GS Ngô Bảo Châu trong vòng vây người hâm mộ. Ảnh Quang Xuân.

Không thể để học trò coi thường mình

Thầy Tôn Thân là giáo viên dạy toán cấp II của nhiều nhân vật nổi tiếng: GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Lê Hồng Vân, GS Vũ Đình Hòa, GS Đặng Vũ Minh, nhà báo Thu Uyên...

15 năm dạy các lớp chuyên toán của Hà Nội đặt tại Trường THCS Trưng Vương, bắt đầu từ năm 1969, thầy đã phát hiện và đào tạo nhiều HS, để rồi sau này, từ những viên gạch đầu tiên mà thầy đặt nền móng, từ sự yêu thương và công bằng của thầy đối với tất cả học trò, họ đã gặt hái nhiều thành công trên đường đời và luôn khắc ghi hình ảnh thân thương về thầy.

Thầy Tôn Thân, trong căn nhà mới chuyển đến gần chục năm nay, mới được sửa sang lại từ năm ngoái, đã tràn ngập những bông hoa chúc mừng của học trò cũ đến trước ngày 20/11.

Có ai đó đã nói rằng, muốn biết được tình cảm thực của trò, phải biết đợi! Đợi khi nào các em không còn học mình ở trường nữa, thầy Thân đùa là "khi nào các em hết là con tin của mình", đã ra trường, đã lặn lội ở phương trời nào mà về thăm mình mới là đáng quý, là thực.

Thầy Tôn Thân kể, từ ngày vẫn còn ở trong căn nhà rộng 22 mét vuông ở 16 Hàng Da, nơi gần chục người trong gia đình nhà thầy sinh sống, khi mà lương của thầy chỉ có 53 đồng/tháng, thầy đã không nhận bất cứ quà cáp biếu xén nào của phụ huynh.

Đã có thời người ta rẻ rúng ngành sư phạm quá, khiến cho người giỏi không muốn vào ngành sư phạm. Nhưng nếu vì nghèo mà người thầy ưa được biếu xén quà cáp thì HS coi thường. Thời nào cũng thế, người ta luôn ngưỡng mộ những người thầy có cả trí tuệ và nhân cách

Tôn Thân

Khi được hỏi về thời bao cấp, có hiện tượng phụ huynh biếu xén quà cáp không, thầy Tôn Thân nói, hiện tượng giáo viên lợi dụng phụ huynh vẫn có. Người thì nhờ suất tem phiếu mua cái này cái kia, người thì nhận lương thực, thực phẩm...

Cái thời khó khăn ấy, đúng là ai cũng nghèo, cũng khổ, nhưng không có nghĩa là phụ huynh không quan tâm đến các thầy cô và thực lòng muốn tặng cái này, cái nọ. Thầy có học trò có bố làm giám đốc Sở Thương nghiệp, nhưng thầy không bao giờ nhờ cậy mối quan hệ đó để có suất mua ưu tiên cái gì, càng không nhận những quà biếu từ họ.

Thầy Thân nhớ, có một phụ huynh rút thăm được suất mua cái quạt máy vì liên tục là lao động giỏi nhiều năm liền (ngày đó quạt máy cực hiếm và không phải ai cũng được quyền mua), cứ nằng nặc biếu thầy suất mua đó, nhưng thầy không dám nhận, vì cái tình ấy, món quà ấy lớn quá.

Mô tả ảnh.
GS Vũ Hà Văn (HS cũ của thầy Tôn Thân, khóa 1980-1981) đến thăm thầy giáo cũ khi có dịp về Hà Nội. GS Vũ Hà Văn hiện là giáo sư đại học tại Mỹ, được coi là chuyên gia hàng đầu về Toán Tổ hợp.

Thầy Tôn Thân không nhận bất cứ quà cáp gì, mặc dù cả hai vợ chồng đều là giáo viên, lương tháng đều thấp, con ốm đau không đủ tiền mua thuốc, không tiền mua sữa. Nhà thầy ở căn gác 2 phố Hàng Da, ngày ngày phải xuống xách nước sạch từ tầng một lên (thường 10h khuya mới xuống xách nước vì lúc đó vắng người), xách nước bẩn từ trên xuống đem đi đổ. Năm 1982, thầy được giải nhất Cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm toàn quốc, được thưởng chiếc xe đạp Thống Nhất, nhưng hôm lĩnh thưởng phải dắt bộ về, vì sau đó phải sửa xe mới đi được.

Thầy bảo, "sở dĩ ngày đó, dù nghèo đến mấy, tôi không nhận quà biếu từ phụ huynh vì không muốn học trò coi thường mình. Trẻ con rất nhạy cảm, nếu mình làm không đúng là các em biết. Nếu để các em coi thường thì mình không dạy các em được".

Thầy Tôn Thân, sau nhiều lần phụ huynh tha thiết đề nghị, đã phải chấp nhận một loại quà, đó là sách. Những phụ huynh có điều kiện đi nước ngoài, thường mua tặng thầy sách dạy Toán bằng nhiều thứ tiếng.

Thầy Tôn Thân cho biết, nhờ hàng chục cuốn sách Toán mà phụ huynh và học trò tặng, bằng đủ mọi thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, về sau thầy đã áp dụng dạy cho học trò rất hiệu quả và trau dồi khả năng viết sách Toán từ lớp 6 đến lớp 9 của mình một cách xuất sắc.

Thầy cảm động mãi một chuyện đã qua nhiều năm, học trò Đặng Hoàng Trung (khóa học 1976 - 1977), một trong ba học sinh đầu tiên của thầy được huy chương Toán quốc tế (kỳ thi lần thứ 16), sau khi được đi học ở nước ngoài đã gửi về một kiện hàng toàn sách Toán, nặng 20kg, nhờ mẹ phải đưa tận tay thầy trước ngày 20/11.

Ngày 19/11, trời mưa tầm tã, thế mà vị phụ huynh ấy, ướt lướt thướt, đi bộ ôm bọc sách Toán bọc ni lông con gửi đến tặng thầy. Khi bóng người mẹ ấy đã khuất sau góc phố, thầy mới giật mình nhớ ra nhà của em Trung cách nhà thầy 2 cây số.

Người thầy của những nhà khoa học lớn

15 năm dạy chuyên toán ở Trường THCS Trưng Vương, thầy Tôn Thân đã dạy 7 khóa học trò với 215 HS giỏi toán, đạt 42 giải toàn quốc. Năm 1974, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên dự thi toán quốc tế ở Đức, có 5 HS thì có tới 4 em là HS cũ của thầy Tôn Thân.

Đó là Hoàng Lê Minh (Huy chương Vàng), Vũ Đình Hòa (Huy chương Bạc), Đặng Hoàng Trung (Huy chương Đồng). Thầy mỉm cười nhớ lại khóa đầu tiên có Hoàng Lê Minh đạt HCV, và kết thúc khóa thứ 7 cũng có học trò cũ Ngô Bảo Châu đạt HCV.

Mô tả ảnh.
Học trò cũ vẫn thỉnh thoảng đến thăm thầy Tôn Thân. Với họ, thầy Tôn Thân là người thầy tỏa sáng về trí tuệ và nhân cách.

Mặc dù rất tự hào về những học trò thành danh trong khoa học hay trở thành nhà doanh nghiệp lớn, thầy vẫn thương và quan tâm nhiều đến những học trò chẳng may thất bại, nghèo khó.

Thầy cảm động khi nhớ lại, có một học trò sau nhiều năm ra trường vẫn lận đận nên nhất quyết không về thăm thầy theo lớp cũ, không phải trò không nhớ thầy, mà anh quyết tâm phải thành công mới dám về thăm thầy. Nhưng thầy Thân bảo, với thầy, học trò nào cũng như nhau, ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, không chỉ học trò giỏi thầy mới yêu quý.

GS Vũ Đình Hòa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người nhiều lần dẫn đoàn HS Việt Nam đi thi Olympic Toán quốc tế, đã từng có hồi ức về người thầy mà ông kính trọng thực sự:

"Khi cũng là người thầy trên bục giảng, tôi thấy đây là điều cốt yếu nhất của ngành sư phạm. Không có một phương pháp giảng dạy nào là tốt nếu người thầy không có tình yêu đằm thắm dành cho học trò...Thầy đã gợi cho HS của mình những ước mơ thật lớn, những đích thật cao xa. Với thầy Thân, chúng tôi đã được học bằng hình thức dạy học tiên tiến nhất. Có lẽ, thầy là người thứ hai sau bố mẹ luôn lo lắng thật sự cho chúng tôi. Những điều đó thầy làm bằng trái tim và và bằng cái tâm của một con người vì tương lai, chứ không phải vì thành tích cá nhân trước mắt. Tôi biết rất rõ điều đó, vì khi đó chúng tôi là những đứa trẻ ngây thơ nhưng nhạy cảm".

  • Tú Uyên

Thầy Tôn Thân, sinh năm 1943, là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục (nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam). Thầy có hơn 49 đầu sách về giáo dục toán học, chủ biên nhiều sách toán từ lớp 6 đến lớp 9. Thầy được nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2006. Phương pháp dạy học mà thầy rất tâm đắc là: Đừng bắt người ta uống, hãy bắt người ta khát.

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

lê văn giang, đăk nông, 14:54, 21/11/2010

chúc mừng thầy Tôn Thân đã có được nhiều học trò yêu quý. xin cám ơn những học trò đã thành đạt mà còn nhớ tới các người thầy đã dạy dỗ mình. xin cảm ơn!

Trọng Bảo, Sóc Trăng, 08:09, 21/11/2010

Tôi từng gặp được thầy nhiều lần trong những khi tập huấn thay sách toán THCS, trong một số hội thào về phương pháp dạy học Toán. Tôi tìm thấy ở thầy niềm say mê toán học và nhất là niềm say mê dạy học toán. Thầy là chủ biên bộ sách Toán cho bậc THCS hiện nay và là tác giả của nhiều sách tham khảo môn toán rất chuẩn. Có một chi tiết bổ sung về Thầy: trước đây thầy là giáo viên dạy Văn. Tôi hỏi vui:"Bây giờ thầy còn dạy Văn được không?",Thầy trả lời:"Tôi không còn thời gian".
Thầy chỉ còn thời gian cho toán, cho việc dạy học và cho học sinh

Nguyễn Trọng Chiên, 18 - Láng Hạ, 07:42, 21/11/2010

Thời gian tôi còn đi học, chỉ từ các năm lớp 1 đến lớp 3 là tôi được đón nhận tình cảm từ thầy cô. Từ đó về sau đến hết cả đại học, chưa bao giờ các lớp tôi học nhận được tình cảm thật sự của các Thầy, cô. Đạo đức và trí tuệ như Thầy Tôn Thân càng ngày càng hiếm. Năm 2011 đề nghị Bồ GD&ĐT cần có hẳn một Phong trào cụ thể: Học tập và làm theo tấm gương người thầy, đó là Thầy Tôn,

davata, TTH, 21:15, 20/11/2010

Trong cuộc đời thật là đáng buồn khi mỗi người không có được người thầy mà mình yêu mến. Những người thành đạt( Thành người và Đạt được sự kính trọng của mọi người) luôn là những người có may mắn gặp Người thầy mà mình kính trọng suốt đời. Điều đó lám cho chúng ta phải nghĩ muốn đất nước ta có nhiều người tài thì trước hết ngành giáo dục phải có những Người thầy như Thầy Tôn Thân trước khi có những cái khác( phương pháp, chương trình, phong trào....mà ngành giáo dục bỏ ra quá tốn kém mà chưa thấy đi đến đâu). Con người vẫn là yếu tố quyết định mọi thành công. Mong lãnh đạo các cấp nhìn ra điều đó, đó là nguyên nhân chính của mọi nguyên nhân cho những tình trạng không tốt trong giáo dục hiện nay của nước ta.

minh Duc, a7 hoa hung, q10, tphcm, 19:15, 20/11/2010

Kinh chao thay TONtHAN, nguoi thay biet giu gia tri nha giao, de sau 5 nam 10 nam, tro thanh dat, nhat dinh co dip tham va cam ta thay- do moi la cai tam tri cua nguoi thay. Nguoi thay nhu the nay, hien nay cung hiem nhu la ca truong moi co 1 hs duoc tuyen tham du ky thi HSG cap quoc gia vay. do vay chinh thay TonThan la mot hs gioi- mot thay giao gioi.
Dung la hs, hay noi bon tre no nhanh lam, va no biet ton trong nguoi thay nao, thay nao it ton trong hon; minh dung nghi la nguoi lon, nghi no chua biet.
Xin co vu tinh than ngay Nha giao VN bang cau noi cua thay TonThan: muon biet tinh cam that cua hoc tro, hay biet doi:...xin cam on nguoi thay kinh men

Lương Sỹ Qúy, Thanh Miện, Hải Dương, 13:46, 20/11/2010

Đọc bài báo này cảm động quá, thày Tôn Thân thật là tấm gương sáng, thật bình dị và gần gũi với học sinh, câu nói của thày “ Đừng bắt người ta uống, hãy bắt người ta khát” rất đúng trong phương pháp giảng dạy, quá tâm đắc. Nhân ngày 20.11 chúc thày luôn khỏe, có thêm nhiều công trình nghiên cứu cho sự nghiệp giáo dục.

Bùi Việt Hà, P511, K2, tập thể Vĩnh Phúc, Ba Đình, HN, 13:27, 20/11/2010

Tôi được là học sinh của thầy Thân đúng 1 tiết và tiết học đó gây xúc động mãnh liệt mà tôi không bao giờ quên. Đó là năm 1970 chúng tôi là lớp học sinh chuyên văn toán đầu tiên của Hà Nội. Tôi học 7V chuyên Văn, thầy Thân dạy 6T chuyên toán. Thầy Thân không dạy chúng tôi nhưng (thật may mắn) thầy đã vào lớp tôi dạy thay đúng 1 tiết môn Vật lý.
Tôi hãy còn nhớ rất rõ ràng tiết học đó. Thầy vào lớp trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi (vì thầy lạ mà), thầy nói sẽ dạy thay cô giáo môn Lý. Thầy vào lớp để cặp trên bàn, lấy một viên phấn và bước lên bảng vẽ ngay giữa bảng hình 1 mạch điện lớn mô tả 1 thí nghiệm Vật lý, thầy vẽ to chính xác, rất đẹp, và bắt đầu hỏi chúng tôi kiến thức bài cũ. Tôi nhớ là là cả lớp chúng tôi lặng người đi vì chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến 1 giáo viên có tác phong như vậy, cả tiết học đó chúng tôi hào hứng vô cùng vì thầy giảng rất hay, dễ hiểu khác hẳn tất cả các gv khác. Các thầy cô khác bao giờ cũng phải mở cặp ra, lấy sách ra và làm mọi thứ theo sách, thầy Thân đã không làm như vậy.
Tôi nhớ mãi kỷ niệm đó của thầy, sau này tôi cũng đứng trên bục giảng rất nhiều và tôi luôn nhớ và học tập cách dạy và truyền đạt kiến thức đó của thầy Thân. Người GV luôn phải chủ động phải nắm vững kiến thức thì mới có thể truyền đạt đúng và chính xác cho HS của mình được.

Vũ Văn Nhích, Hải Dương, 10:48, 20/11/2010

Tôi thật sự xúc động khi đọc bài này vào đúng ngày 20-11. Tôi có khá nhiều người thân làm ngành giáo dục, và tôi luôn mong họ dạy học theo cách: Khơi gợi niềm đam mê nơi học trò. Kiến thức quả thật là rộng, nhưng nếu được những người thầy khơi gợi niềm đam mê và phù hợp với mình thì kiến thức không còn là không thể học được.
Mong chúng ta có nhiều thầy cô có thể khơi dậy niềm đam mê và định hướng cho các học trò thông qua con kiến thức chuyên môn. Cái này có thể gây dựng nên một con người tôt. Còn nếu cứ học và học nhiều qua các bài tập theo tôi la chỉ học để học thôi, Học trò đâu có biết học để làm gì xa hơn.

Xin chân thành cảm ơn!

NguyenVanLuyen, Minh Dao - Tien Du - Bac Ninh, 00:29, 20/11/2010

Thật cảm động và tự hào khi nền giáo dục của chúng ta có những người thầy chí tuệ, tâm huyết và đáng kính như thế. Trong cuộc sống tình người quý giá hơn tất cả, trong đó tình cảm thầy trò chân chính thật thiêng liêng sẽ chẳng bao giờ nhạt phai. Mong sao ngày càng có nhiều thầy cô giáo tân tâm và nhân cách như thầy Tôn Thân. Kính chúc thầy mạnh khỏe và luôn theo dõi bước đi của nền giáo dục nước nhà! Chúc các thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, hết lòng vì thế hệ tương lai của đất nước!

Hoàng Quý Thân, 18/128 Hoàng Văn Thái - Thanh xuân - Hà nội, 22:15, 19/11/2010

Tôi được nghe người ta nói về thầy Tôn Thân giáo viên trường Trưng vương dạy các lớp chuyên toán nổi tiếng từ những năm 70-80 nhưng hôm nay đọc bài này mới biết đầy đủ hơn về thành tích đào tạo nhân tài toán học của thầy. Thầy là một trong những người ươm các nhân tài cho đất nước để rồi mang các mầm tràn đầy sức sống này vào những nơi có điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc để tổ quốc nhân dân ta có được những nhà khoa học nổi tiếng địa cầu như ngày hôm nay.Tôi nghĩ rằng Bộ giáo dục kết hợp với các cơ quan khác nên xem xét đánh giá thành tích đào tạo, soạn giáo trình cũng như bản chất liêm khiết trong sạch của một thầy giáo mẫu mực như thầy Tôn Thân (và những thầy khác ở các thành phố địa phương khác) vinh danh và khen thưởng xứng đáng(có thể đề nghị xét tặng danh hiệu anh hùng) cho họ để mọi người thầy đều có thể lấy họ làm tấm gương tự soi mình trong tình trạng ngành giáo dục có nhiều tiêu cực như hiện nay.
TS H.Q.T

Lê Phong, Buôn Ma Thuột, 20:51, 19/11/2010

Một người thầy đáng kính ở chỗ nhân cách và trí tuệ nhưng giản dị và thanh cao.Xin cảm ơn người thầy của những người thầy xin chúc thầy sức khỏe và hạnh phúc trong niềm vui của cả đất nước vì có những học trò tuyệt vời đã mang vinh dự về cho tổ quốc.

Hoa, hoacanloc2000@yahoo.com, 16:03, 19/11/2010

Thật quá cảm động! Tấm gương sáng của người thầy mà tài năng và tư cách không ai sánh được. Câu nói của thầy đáng đưa vào phương châm dạy học của các trường học "Đừng bắt người ta uống, hãy bắt người ta khát"!

phamphuduc, soctrang, 14:59, 19/11/2010

Tôi cũng nhớ về Thầy H dạy cấp II của tôi quá ! Tôi còn nhớ thời đó cuộc sống còn khó khăn, thầy phải chạy xe đạp ôm để nuôi vợ và hai đứa con nhỏ, Thầy chịu khó dạy cho bọn tui thật nhiều kiến thức và ôn tập để bọn tui thi vào Trường chuyên của Thị Xã, Bến xe Khách gần trường tôi học, cũng là nơi bến đổ vất vã của thầy trong cuộc mưu sinh. Con thương Thầy quá thầy ơi !

Abc, HN, 14:30, 19/11/2010

Trong mỗi chúng ta đều có người để tôn trọng đó là người thầy?Thầy là người cho đi mà chưa từng có suy nghĩ nhận lại. Tuy nhiên các thầy xứng đáng được nhận điều đó.Nhân ngày 20/11 xin chúc toàn thể các thầy, cô và gia đình sức khỏe, hanh phúc để luôn chèo lái những con thuyền thật vững.

Đào Thanh Thủy, 4 Đặng Thái Thân, Hà Nội, 12:01, 19/11/2010

Tôi là học sinh lớp 7T, Trường Trưng Vương, Hà Nội, khóa 1969 - 1970. Năm đó Thầy Thân đang là chủ nhiệm lớp 6T, lớp của các HCV Hoàng Lê Minh, HCB Vũ Đình Hòa... trong kỳ thi toán quốc tế 1974. Thày Thân không dạy toán lớp tôi, nhưng Thày đã dạy chúng tôi môn Hóa (do hồi đó thiếu giáo viên môn Hóa, nên Thầy dạy thay). Thầy dạy rất hay, giờ học của Thầy luôn cuốn hút học trò cho đến lúc nghe tiếng trống hết tiết học. Lần đầu tiên chúng tôi được nghe về các nhà bác học như Kovelepxcaia, Faraday ... là từ Thầy Thân. Thầy truyền cho trò tình yêu khoa học, tình yêu khám phá thiên nhiên qua những câu chuyện kể về các nhà bác học. Thầy nghiêm khắc, nhưng rất nhẹ nhàng với tình yêu thương trẻ nhỏ vô bờ bến để dạy dỗ chúng tôi. Tôi còn nhớ có lần các bạn nam mải đá bóng quên cả giờ học của Thầy, Thầy vào lớp chỉ có 7 cô học trò. Thầy hơi ngạc nhiên, không mắng gì cả, nhưng vẫn dạy như bình thường, vẫn dành 15 phút cuối giờ để chúng tôi làm bài kiểm tra ngắn như mọi lần. Sau lần đấy lớp tôi không bao giờ còn có ai bỏ tiết học của Thầy nữa.
Cám ơn VietNamNet đã có bài viết rất hay và cảm động về Thầy Tôn Thân. Chúng tôi may mắn đã được học Thầy Thân một thời gian rất ngắn ngủi nhưng không bao giờ quên. Xin kính chúc Thầy nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Mãi mãi biết ơn Thầy.

javux, hanoi, 11:42, 19/11/2010

quan thanh liêm .thầy mẫu mực thời nào cũng có soi gương đời nhiều kẻ thẹn lắm thay ?

Nguyễn Đình Nghĩa, Huyện uỷ Đăk Mil, Đăk Nông, 11:32, 19/11/2010

Khi nghe vê hiện tượng Ngô Bảo Châu, tôi tin là đằng sau đó phải có rất nhiều người thầy, và đó là sự thật. Tôi thật xúc động vì bài báo này. Cho tôi kính chúc sức khoẻ và lòng ngưỡng mộ của tôi (và có lẽ của rất nhiều người) đến thầy Thân và những người Thầy như thầy Thân.

congdanviet73, Thanh Hoa, 11:29, 19/11/2010

Thầy Tôn Thân
Tôi xin cám ơn thầy, một người thầy, trong những người thầy của những người thầy.Có biết bao người thầy như thế, có biết bao học trò của thầy, để có một nước Việt phẩm giá và chứa chan yêu thương, tin cậy.

Cuong Chu Viet, Dong Nai, 11:18, 19/11/2010

Xin Loi ! may toi hien khong go dc dau.
doc nhung dong chu nay, chung toi cam dong biet chung nao. Nha giao la nhung nguoi gieo mam kien thuc cho tang lop tuong lai, do la nhung tam guong de lop tre soi vao do hoc tap ca Kien thuc va Dao Duc. Chuc Mung Ngay Nha Giao Viet Nam 20/11

Ngô Trường Lâm, 54- Lê Văn Hưu , Hà Nội, 11:03, 19/11/2010

Em xin chúc mừng Thầy nhân ngày nhà giáo Việt nam. Chúc Thầy & gia đình luôn mạnh khỏe.

Vinh Hòa, Nha Trang, 10:15, 19/11/2010

Thầy giáo Tôn Thân là một tấm gương sáng của ngành giáo dục Việt Nam, thật đáng kính trọng. Mong sao Việt Nam ta ngày càng có nhiều những người thầy và cô giáo có tài và có tâm như vậy. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi kính chúc các thầy các cô luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, giáo dục và đào tạo nhiều nhân tài cho Đất nước.

ducnhung, ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 10:07, 19/11/2010

các bác thật là vinh hạnh khi có người thầy như vậy. bản thân tôi là sinh viên đã từng trãi qua rất nhiều giáo viên. Trong thâm tâm tôi lúc nào người thầy cũng là người cha, người mẹ. vì vậy dù đi đâu, hay làm gì nếu có dịp hãy quay về người cha, người mẹ thứ hai này nhé. nhân ngày 20-11 chúc cho tất cả acc1 thầy cô t6en đất nước Việt Nam thân yêu chúng ta vui vẻ, hạnh phúc và thành công

nguyễn Minh Thắm, Ha Tỉnh, 09:55, 19/11/2010

Qua bài viết này làm cho tôi nhớ lại những nguoi thầy người cô đã dạy dỗ tôi, thầy Tôn Thân đúng là một nguời thầy giỏi mà thế hệ học sinh cần nhớ

20/11, 09:23, 19/11/2010

Đất nước phát triển nhanh hay chậm rất cần những tấm lòng như nhà giáo Tôn Thân.
20/11/2010

Tin liên quan

Các tin khác