Lũ qua: "Cô cho chúng em khất học phí!"

Cập nhật lúc 07:26, 11/11/2010 (GMT+7)

- Về lại Hà Tĩnh sau cơn lũ lịch sử miền Trung, những con đường đã gần hết bùn đất, các lớp học đã sạch sẽ trở lại, nhưng nỗi khổ âm thầm vẫn theo chân các em đến trường. Chưa bao giờ có cảnh nhà trường không dám thu tiền học phí và thu tiền ăn bán trú của học sinh, bởi vì từ thầy cô giáo đến gia đình học trò, hoa màu và những của cải có thể bán được đã bị cuốn trôi gần hết.

Tiền ăn 2.000 đồng mỗi ngày cũng không có để đóng

Bữa trưa của các cháu Trường MN Sơn Lộc, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh sau đợt lũ, chỉ có cơm, ít thức ăn và canh rau.
Bữa trưa của các cháu Trường MN Sơn Lộc, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh sau đợt lũ, chỉ có cơm, ít thức ăn và canh rau. Ảnh: Hương Giang

Trường Mầm non (MN) Sơn Lộc, xã Sơn Lộc, nằm ở vùng trũng nhất của huyện Can Lộc, Hà Tĩnh là trường đạt chuẩn quốc gia. Thế nhưng, bữa trưa của các cháu chỉ có cơm và canh.

Buổi trưa, các em ngủ trên những chiếc gối đã cũ nát, có em không có gối, vì hầu hết, đồ dùng buổi trưa đã bị lũ cuốn sạch, hay bị mốc meo không dùng được.

Tiền ăn mỗi bé chỉ có 5.000 đồng/ngày, vậy mà chỉ có khoảng 150 em đóng tiền tháng này, trong tổng số 313 học sinh.

Vừa qua, các đoàn cứu trợ đến chỉ tặng hiện vật là một dàn máy vi tính, 50 thùng sữa, 10 thùng bánh kẹo. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quý cho biết, để có tiền mua thức ăn cho các em chưa có tiền đóng, trường đã phải tạm ứng tiền lương của hiệu trưởng, hiệu phó và 29 cô giáo trong trường.

Mức thu nhập của 29 cô giáo vốn ít ỏi (mỗi cô 840 ngàn đồng/tháng - tiền hỗ trợ trường hợp không biên chế của tỉnh, huyện, xã), nay càng khó khăn hơn, vì chính gia đình các cô cũng bị ngập sâu từ 1 - 2m.

Mô tả ảnh.
Đồ chơi ngoài trời của Trường MN bán công Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh dùng 20 năm, càng bị gỉ nát sau lũ. Ảnh: Hồng Hải

Tại Trường MN bán công Xuân Lộc, huyện Can Lộc, một trường khá đông HS (313 em), các đoàn cứu trợ cũng mang đến: bánh, sữa, mì tôm, dầu ăn, nước mắm.
Hiệu trưởng Phạm Thị Hằng cho biết: Thú thật, trường chúng tôi nhận được quần áo cứu trợ toàn của người lớn, các em không mặc được. Nhưng trong hoàn cảnh lũ lụt, nhận được bất cứ sự quan tâm nào cũng là đáng quý. Đồ chơi của các em ngoài trời có tuổi thọ 20 năm đã bị gỉ ngoèn và lũ đến làm chúng mục nát trầm trọng.
Ở đây, tiền ăn hàng tháng chỉ thu của học sinh 35 ngàn đồng, diện khó khăn thu 30 ngàn đồng, thế mà vẫn còn 8 em diện khó khăn không đủ tiền đóng. Buổi trưa, gia đình 8 bé đã phải đón về.

Không quần áo lành lặn, nói gì đến đồng phục

Mặc dù những đoàn xe cứu trợ thực phẩm và quần áo vẫn kéo về Hà Tĩnh trong những ngày vừa qua, tại nhiều trường mầm non và tiểu học ở huyện Can Lộc và Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhiều em vẫn phải ăn mặc rách rưới đến trường.

Mô tả ảnh.
Các em trường tiểu học Nam Sơn, huyện Can Lộc có em có đồng phục, có em quần áo đồng phục bị trôi trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: Nguyễn Hường.

Hiệu trưởng Nguyễn Danh Tình, Trường tiểu học Nam Sơn, huyện Can Lộc rớm nước mắt:

Khi kiểm tra quần áo các em mặc, mở chiếc áo đồng phục đứt khuy là thấy chiếc áo bên trong đã mục nát, thủng hàng chục miếng. Có em áo trong cũng mốc xanh, mốc đỏ. Nhưng chúng tôi lực bất tòng tâm, vì có tới 150 em trên tổng số 250 em gia đình khó khăn, sống trong những xóm nghèo nhất của huyện. Nhiều em, thậm chí không có nổi đôi dép lành lặn để đến trường.

Để may được đồng phục, thầy cô giáo phải mở "cuộc vận động" khá lâu.

Sau mấy năm động viên phụ huynh, đầu năm học vừa rồi, trường mới may được cho mỗi em một bộ đồng phục mùa hè với chất vải trung bình.

Mùa rét sắp tới, nhà trường lại động viên phụ huynh may đồng phục mùa đông. Nhưng sau cơn lũ tràn qua những xóm nghèo nhất thì phụ huynh đành xin "khất" đến năm sau.

Đợt lũ vừa qua, Trường Tiểu học Nam Sơn đã được hai đoàn đến cứu trợ cặp, sách vở và bút cho các học sinh nhưng không có đoàn nào tặng quần áo. Mùa đông sắp đến, các em vẫn phong phanh bộ quần áo cộc tay đến trường. Gia đình nào may mắn giữ được quần áo, các em mới có những bộ lành lặn.

Mô tả ảnh.
Học sinh trường MN Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhiều em đến trường với quần áo cũ nát vì đã bị cuốn trôi hết quần áo. Ảnh: Tú Uyên

Không chỉ đồ chơi, đồ dùng dạy học trôi theo lũ mà chăn màn, chiếu, gối của các bé Trường MN Sơn Lộc, Trường MN bán công Xuân Lộc cũng chẳng còn.
Lũ qua, những chiếc gối còn lại dù đã mốc meo, cũ mèm nhưng các cô vẫn phải giữ lại cho học sinh dùng ngủ trưa. Số lượng học trò quá đông (trên 300) khiến cô giáo không biết tận dụng nguồn nào để có chăn màn trong mùa đông năm nay.
Còn HS ở Trường MN Sơn Hoà, huyện Hương Sơn phải ngủ trưa trên những chiếc chiếu trải trên nền nhà láng xi măng và không có gối. Chỉ may chiếu là chưa bị trôi hết. Dân nghèo nên nhà trường cũng chưa quyên góp đủ tiền xây phòng làm việc cho các cô. Các cô giáo phải kê bàn ghế ra ngoài hè để tiếp đón khách vào thăm trường.

Thầy cô cho chúng em khất học phí!

Trường tiểu học Sơn Long, huyện Hương Sơn, nơi nước dâng từ 2-3m trong phòng học và là nơi lũ ngâm lâu nhất (10 ngày), có một nhà cấp 4 đã bị oằn mái vì nước lũ. Cả trường có 200 em học 2 buổi/ngày. Số tiền ăn bán trú phải đóng chỉ có 2.000 đồng/ngày, nhưng hiện tại, chưa ai đóng, vì tất cả gia đình đều bị ngập sâu trong lũ.

Mô tả ảnh.
Đồ dùng giảng dạy của Trường tiểu học Tiến Lộc, huyện Can Lộc đã bị ngâm trong nước lũ một tuần, được phơi khô để dùng tạm. Ảnh: Nguyễn Hường.

Hiệu trưởng Bùi Thị Kim Hoa, Trường THCS Xuân Lộc, huyện Can Lộc cho biết: Lũ qua đã làm đổ tường vây, đổ cổng trường và làm hỏng đường vào trường, sân thể dục. Nhưng dân ở đây nghèo đến nỗi vẫn còn 65% HS chưa đóng học phí, mặc dù mức học phí chỉ 7.000 đồng/tháng (lớp 6), 8.000 đồng/tháng (lớp 7), 9.000 đồng/tháng (lớp 8), 10.000 đồng/tháng (lớp 9). Nhà trường rất muốn xây phòng thư viện, ước tính khoảng 300 triệu, kể cả giá sách và sách vở, nhưng ở khu dân nghèo thế này, lực bất tòng tâm. Ngay đến phòng bộ môn vật lý, hoá học, sinh học, công nghệ chỉ có phòng, trống trơn các đồ thí nghiệm.
Một hiệu trưởng cho biết: Mặc dù các đoàn cứu trợ vẫn ùn ùn kéo về Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua, nhưng có trường được tài trợ quá nhiều, có trường thực sự khó khăn nhưng không được biết đến.

Có trường tiểu học được tài trợ vài trăm triệu tiền mặt và quà cáp vì có tên trên báo chí. Các đoàn tài trợ đã đụng nhau ở cùng một trường, trong khi đến trường khác, nhiều hiệu trưởng đã rớm nước mắt vì chẳng có ai "ngó ngàng" hay chỉ nhận được thùng quần áo, sách vở.

  • Hương Giang - Nguyễn Hường

Cần những tấm lòng

Cùng đi với phóng viên VietNamNet có một đoàn khảo sát của một doanh nghiệp để tìm hiểu những nơi chưa được cứu trợ. Trưởng đoàn khảo sát này góp ý: Để tiền của bạn đọc và các nhà tài trợ đến đúng người, đúng chỗ, có thể tài trợ bằng cách đóng học phí, tiền ăn cho các em từ vài tháng đến nửa năm. Nếu mỗi người hảo tâm chỉ cần tặng mỗi em một bộ đồng phục (từ 100 đến 150 ngàn/bộ đồng phục mùa đông) thì cũng sẽ giúp các em mùa đông này bớt đi cái rét.

Với mục đích tìm tới những địa chỉ cứu trợ thiết thực nhất, trong các ngày từ 6 đến 9/11, các phóng viên VietNamNet đã trở lại Hà Tĩnh và đi khảo sát thực tế. Dưới đây là ghi nhận của chúng tôi tại những địa điểm đã đi qua:

Trường tiểu học Nam Sơn, huyện Can Lộc. 150 HS trên tổng số 250 em HS thuộc diện khó khăn, không đủ tiền may đồng phục mùa đông. Nước ngập làm hỏng chiếc máy tính duy nhất của trường.

Trường MN Sơn Lộc, huyện Can Lộc. Trường MN đạt chuẩn quốc gia nhưng có tới hơn 150 em chưa có tiền đóng tiền ăn, mỗi ngày 5.000 đồng. Trường cần được cứu trợ về đồ dùng giảng dạy mầm non, gối, chăn nghỉ trưa.

Trường tiểu học Tiến Lộc, huyện Can Lộc mong muốn nhận được sự hỗ trợ về phương tiện giảng dạy ở tiểu học. Hoàn cảnh thương tâm của trường có em Trần Thị Yên, lớp 2C, ở xóm 10, Hà Đông, xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc. Em có 3 anh chị em tật nguyền, bố mất, mẹ bị viêm cầu thận, nhà sập, bác hàng xóm phải đưa đi học. Học lớp 2 nhưng em chỉ có chiều cao bằng một em học lớp mẫu giáo lớn.

Trường MN bán công Xuân Lộc, huyện Can Lộc kêu gọi cứu trợ đồ chơi ngoài trời và tiền ăn trưa cho các cháu.

Trường THCS Xuân Lộc, huyện Can Lộc kêu gọi cứu trợ xây phòng thư viện và sách thư viện, vì trường thuộc xã nghèo, vẫn còn 65% HS chưa đóng tiền học phí.

Trường MN Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh kêu gọi cứu trợ về đồ dùng giảng dạy mầm non, đồ chơi ngoài trời.

Trường MN Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn cần cứu trợ đồ dùng giảng dạy mầm non, đồ chơi HS trong lớp, chăn màn, gối, cốc và bát inox.

Trường tiểu học Sơn Long, huyện Hương Sơn kêu gọi cứu trợ xây lại dãy phòng học cấp 4 vì lũ đã làm oằn mái. Ở đây, 200 em học bán trú, phải đóng tiền ăn trưa có 2000 đồng/ngày nhưng hiện nay các em cũng không có tiền để đóng.

Độc giả có thể liên lạc trực tiếp với các trường học hoặc tham gia đóng góp qua báo VietNamNet theo cách sau: BẤM VÀO ĐÂY

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Trung Nghĩa, Tuyên Quang, 11:37, 17/11/2010

Hic, nhìn thấy các bé ngồi ăn cơm chỉ có canh không thui, quần áo thì cũ nát mà sao nhói lòng vậy, tôi ở TQ nhưng tôi không thấy một cơ quan đoàn thể nào hô hào đứng lên kêu gọi mọi ng quên góp ủng hộ cho các e và các đồng bào miền trung cả, lên tôi muốn quyên góp mà cũng chả biết quyên góp ở đâu cả,( tổ chức tư nhân tự quyên góp càng tốt, tôi cũng ko tin vào cơ qaun chính quyền và hội chữ thập đỏ nữa,họ làm tôi thấy thất vọng nặng nề, dù đã Xl đi chăng nữa) liên hệ với tôi nhé 0916090904, tôi cần quyên góp!

Thuý Kiều, 51 Nguyễn Thị Minh Khai, Q1, HCM, 10:33, 14/11/2010

Tôi cũng là người Miên Trung, cũng là người con bị bão lũ. Hy vọng số tiền mà đồng bào cả nước ủng hộ đến đựoc tay của người dân.

Oanh pham, 02:26, 14/11/2010

Cho em xin hoi neu bay gio em muon quuyen GOP tien cho cac em thi em phai lam Sao?

nam nguyen, 20:19, 13/11/2010

Toi song o New Orleans.Nam 2005 bao Katrina ngap toan thanh pho co noi len toi 4 met.Tat ca cac hoc sinh di tan deu duoc nhan vao hoc o cac noi tam cu ngu, deu duoc hoan toan mien phi va tro giup nhieu mat khac.Nhung ai vao cac truong tu va da dong hoc phi roi deu duoc chinh phu boi hoan 100%.

Lê Tiến Kính, Tam Hưng - Thanh Oai - Hà Tây, 14:04, 13/11/2010

Chưa bjo đọc mà người cảm thấy lạnh thế, thương đồng bào miền Trung quá. Trong khi đó có nhiều người có điều kiện đã không giúp thì thôi, lại còn bòn rút cứu trợ của người dân vùng lũ, không hiểu người ta bòn rút bao thứ rồi đến cứu trợ cũng bòn rút được. Mong có 1 tổ chức nào đó mang tầm quốc tế đứng ra làm chủ thì những người đóng góp cho đồng bào mới có thể yên tâm về đồng tiền bát gạo mình vất vả kiếm ra ủng hộ đến được đúng những đồng bào của chúng ta.

Phạm Công Nam, Daklak, 10:20, 13/11/2010

Theo tôi thì việc ủng hộ là không có gì khó nhưng mà liệu số tiền ủng hộ của những người như chúng ta có đến được tay người nghèo không đó là một vấn đề?

nha trang, quang ninh, 02:39, 13/11/2010

tôi muốn quyên góp cứu trợ quần áo cũ cho các bé, muốn góp phần nào đấy sức mình để các bé đc mặc ấm trong mùa đông tới .vì là sv ở xa và tự kêu gọi ủng hộ .Mong vietnamnet giúp đỡ( tôi không thể tin vào các cơ quan chinh' quyền hay hội chữ thập đỏ ). thương các bé biết bao..!!!

lương huy, 20:54, 12/11/2010

Với những con Rồng cháu Việt hẳn không thể không cầm lòng trước tình cảnh này, hẳn không ai mong muốn điều này sẽ đến và cũng không ai không mong muốn sẻ chia đùm bọc cho đồng bào mình. Giá mà cái mất của Vinashin được nhìn ra, được sửa chữa và bù đắp cho bà con mình, đồng bào ruột thịt của mình trong hoàn cảnh này nhỉ!

Quang Huy, Huế, 18:23, 12/11/2010

Tấm lòng của nhân dân cũng rất cần nhưng trách nhiệm chính phải là nhà nước và chính phủ, chính phủ phải có trách nhiệm trích ngân sách ra để hỗ trợ nhà trường và các cháu chứ! tiền ngân sách cũng là tiền bố mẹ các cháu và tất cả nhân dân đóng thuế mà.

Trần Thu Thủy, Đường Chiến Thắng, Hà Đông, 16:28, 12/11/2010

Tôi đọc bài viết này mà rơi nước mắt.

Hỡi những đại gia ăn nhậu một bữa hết hàng chục triệu không biết có thời gian để đọc bài này không nhỉ? Những người chuẩn bị sẵn cho phần âm của gia đình mình hết 15 tỷ có biết đến các cháu như thế này không?

Tại Hà Nội có không biết bao nhiêu trường mầm non, tiểu học, trung học, chẳng lẽ không giúp đỡ được các bạn nhỏ ở hà Tĩnh sao. Nên vận động mỗi cháu ở các trường ở Hà Nội đóng góp 01 bộ quần áo chính của các cháu và mỗi cháu 20.000đ chẳng hạn (đóng góp như vậy chắc các gia đình có con trong độ tuổi đi học ở Hà Nội cũng không từ chối đâu), thì tôi nghĩ cũng có thể giúp được 6 trường học kể trên rất nhiều rồi.
Nhưng khi đóng góp xong rồi có đến tay được các cháu không, đấy mới là điều đáng bàn.

Duong Thanh Tung, HCMC, 14:49, 12/11/2010

Đọc xong bài báo tôi chỉ muốn khóc. Mong VietNamNet hãy đứng ra vận động để độc giả chúng tôi có thể chung tay chia sẻ cùng các em hoặc cho chúng tôi chi tiết để có thể gửi trực tiếp tiền/quà cho các em. Đừng để các em đã nghèo lại khổ vì không được học.

Lê Phong, Buôn Ma Thuột, 12:27, 12/11/2010

Mọi người trong cả nước và nước ngoài đều sẻ chia đóng góp giúp bà con vùng lũ và các em học sinh.

Nhưng đó là giải pháp tình thế trong gai đoạn trước mắt.Nhà nước ,chính phủ cần có biện pháp cụ thể để giúp trước tiên là những em học sinh miền trung như:Không thu bất kỳ khoản tiền nào của học sinh từ mẫu giáo tới đại học nếu những em đó ở miền trung và nhà nước tài trợ khoản tiền đó để giúp các em vì gia đình sống còn chưa no lấy đâu tiền cho các em đóng học phí.

Tội các em quá chúng ta cũng không thể chông chờ từ thiện mãi được mà phải có biện pháp lâu dài vừa ổn định cho nhân dân vừa bảo đảm cho các em học sinh không bỏ học vì không có tiền đóng học phí,các lớp nội trú nhà nước cần tài trợ ngay trong ngân sách.

Chúng ta đã lãng phí và tham nhũng đến mức mỗi người dân phải gánh chịu cho quốc gia vì nợ nần và phá sản thì tại sao ta không đi vay tiền để hỗ trợ các em học sinh nghèo.

Thu Huyen Nguyen, 40 Cat Linh, Hanoi, 09:10, 12/11/2010

Đau lòng quá,tôi đã không thể ngủ được.

phuong, Hanoi, 22:09, 11/11/2010

Doc bai viet ma toi thay roi nuoc mat. Hoi cac dai gia tieu tien trieu khong tiec, hoi cac doanh nhan thanh dat , xin moi nguoi hay bo mot phan dong gop ma theo toi nghi la co the ko phai lon doi voi cac vi nhung lai qua lon doi voi cac em vung lu, de ho tro cac em.
Gia dinh toi o HN nhung cung ngheo, nen chi xin dong gop cho cac em vai bo quan ao.
Mong moi nguoi hay chia se.

Thuy Huong, Ha noi, 18:23, 11/11/2010

Rất cám ơn các phóng viên của VietNamNet đã cung cấp danh sách các trường cần tài trợ tại Hà Tĩnh. Như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho các cá nhân và đơn vị trong việc lên kế hoạch tài trợ của mình. Bản thân chúng tôi cũng từng rất lúng túng khi lựa chọn địa điểm cứu trợ và gặp phải trường hợp khi đến nơi thì gặp vài ba đơn vị khác đang phát quà cứu trợ nên lại phải quay ra địa điểm khác.

Nếu các bạn có thể bổ sung thêm điện thoại liên lạc của Ban Giám hiệu nhà trường hoặc các cán bộ, giáo viên mà các bạn đã gặp trong chuyến khảo sát của mình thì sẽ giúp mọi người được nhiều hơn nữa.

Nguyễn Thành Trung, Nam Định, 15:13, 11/11/2010

Đọc bài báo trên, tôi không cầm được nước mắt. Theo tôi Bộ Giáo dục nên vào cuộc. Đối với các em học sinh mầm non, tiểu học thiếu đồng phục, áo rét Bộ nên vận động các trường trong cả nước đóng góp (nhất là các trường ở thành phố) bởi vì theo tôi chúng ta có thể vận động mỗi em có thể tặng bạn một cái áo hay quần hay áo khoát thì tôi nghỉ đối với học sinh ở thành phố là khôgn khó khăn. Vấn đề là có ai làm không. Còn tiền ăn trưa của các cháu ở trường mầm non thì Bộ nên vận động các nhà hảo tâm, cổng nhắn tin nhân đạo thì tôi nghỉ có thể lo cho các cháu từ 3-5 tháng là được.
Tôi mong các bạn đọc nên ủng hộ các cháu.

Nga Bui, USA, 10:44, 11/11/2010

Không thấy qúy báo đăng cach tiếp xúc để giúp đỡ như địên thọai chẳng hạn. Xin ghi nhận điều này

lê Xuân Trung, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, 10:10, 11/11/2010

Vừa qua trong đợt cùng cơ quan ( BV nhi Thanh Hóa) vào với đồng bào miền trung chia sẻ phần nào những mất mát đau thương trong các đợt lũ. Tôi nhận thấy những mặt hàng cứu trợ hiện cấp thiết và thiết thực cho đồng bào:
1. Chăn màn: Nhất là các lại chăn bông ấp vì mùa đông đang đến gần mà hầu như không nhà nào còn
2. Áo ấm và giầy dép cho các em

Bùi Xuân Trường, Hải dương, 09:30, 11/11/2010

Không có áo quần mà quần áo cứu trợ chuyển làm giẻ lau, Vinashin lỗ 86 000 tỷ mà chưa ai nhận trách nhiệm.... Trời ơi

dungntna, 09:00, 11/11/2010

Đọc bài báo này lại cảm thấy buồn với mấy ông chữ thập đỏ Nghệ An, các cháu không có aó quần mà mặc thì mấy ông lại đưa đi bán đồ cứu trợ làm giẻ lau.

Bà mẹ có hai con, 08:36, 11/11/2010

Thương quá! Đề nghị Chính phủ chi trả toàn bộ học phí và tiền bán trú cho các cháu ở vùng lũ lụt trong 3 tháng kể từ ngày lũ rút để công việc học tập của các cháu không bị gián đoạn. Đó là cách làm thực tế nhất, hơn là hô khẩu hiệu "Trường học thân thiện" hay "Tất cả vì học sinh thân yêu".

Các tin khác