Nữ GS ví Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đẹp như quân tử

Cập nhật lúc 21:25, 23/07/2010 (GMT+7)

- “Giả sử, bây giờ, mới 50 tuổi, còn đương nhiệm thì anh Bửu có thể sẽ là một vị “quan bộ trưởng” không? Và liệu rằng, với trí tuệ của mình, anh có vực được nền cải cách giáo dục nước nhà hay không?”

TIN LIÊN QUAN

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif
Hai người phụ nữ quan trọng nhất đời GS Tạ Quang Bửu

Cả hội trường tầng 10 Thư viện Tạ Quang Bửu (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) bất ngờ với cách mở đầu vừa hóm hỉnh và cũng đầy suy tư, trăn trở của GS Hoàng Xuân Sính, người phát biểu không theo văn bản viết sẵn, trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, được tổ chức sáng nay, 23/7.

[video(19077)]

Tuổi nay đã gần 80 nhưng giọng nói của GS Hoàng Xuân Sính vẫn còn trong, chan chứa cảm xúc (Kĩ thuật Audio: Thanh Bình).

Chậm rãi bước lên bục phát biểu, dáng người gầy gò, vầng trán cao, đôi mắt tinh anh với cái nhìn và giọng nói còn sắc sảo, GS. Hoàng Xuân Sính, đã có những lời sẻ chia cởi mở về nền giáo dục nước nhà và tình cảm trân trọng với cố GS, Bộ trưởng Bộ GD Tạ Quang Bửu.

Hỏi xong, GS lại trả lời: “Thời đó, sống trong môi trường và hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, anh Bửu không thể là ông “quan bộ trưởng” được”.GS Sính, vị tiến sĩ toán học hiện đại đầu tiên của nước nhà, dẫn ra 5 xúc cảm tiêu cực mà “theo đạo Phật sẽ gây ra những đau khổ cho nhân loại. Đó là: Dục vọng, sự căm ghét, không hiểu biết, thói kiêu ngạo và sự đố kị. Bà bổ sung thêm 2 tội lỗi nữa, theo đạo Thiên Chúa, là sự tham lam và thói dâm ô.“Anh Bửu chưa bao giờ và không thể có những xúc cảm tiêu cực và tội lỗi như thế”- bà nói.

Nữ GS đơn thân suốt cả cuộc đời cũng thổ lộ: “Tự tôi thấy, mình còn có khi vấp rất nhiều tội lỗi đó. Cuộc đời tôi cũng nghĩ về những điều đó rất nhiều. Thậm chí, đã có lần tôi điện thoại cho nhà sư trụ trì ở Paris để hỏi: "Nhà chùa làm như thế nào để trị được những dục vọng ấy cho nhân loại bớt đau khổ hơn?”

Phần phát biểu của GS Sính đã khiến khá nhiều đôi mắt ưu tư và những cái đầu cúi xuống im lặng.

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chăm chú lắng nghe bài phát biểu của GS Hoàng Xuân Sinh.

Tiếp tục phần tự trả lời ở vế tiếp theo, GS Sính,"cũng không biết anh có làm được không? Nhưng tôi nghĩ, nếu là cán bộ giảng dạy, chắc chắn anh sẽ có ảnh hưởng rất sâu sắc các bạn đồng nghiệp và các bạn sinh viên. Và cách dạy và học của người ta cũng sẽ khác đi".

Quay xuống phía hàng ghế đầu tiên, nơi có những người thân trong gia đình cố GS ngồi dự, GS Sinh cười vui: “Anh Bửu hay có cái cười hóm hỉnh, hay tự khôi hài về mình. Anh hay khoe về “nhan sắc” Tạ Quang Bửu. Kính thưa chị Hoàng Kim Oanh (vợ của cố GS-PV), đối với em, anh Bửu là một người nam nhi rất đẹp, cái đẹp của một người trí thức và đẹp của một người quân tử.

Theo GS Sính, đóng góp lớn nhất của cố GS, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cho nền giáo dục nước nhà là đưa khoa học Việt Nam từ khi rất sơ khai đến hiện đại. “Ông luôn cập nhật khoa học hiện đại, không để thụt lùi. Đóng góp ấy không phải ai cũng làm được. Đó là do sự hiểu biết, uyên bác".

Trả lời câu hỏi: “Vậy phải làm thế nào để phát huy giá trị đó?”, theo GS Sính, người lãnh đạo phải hiểu được ông Bửu và phải học tập và noi gương ông.

"Anh Bửu là “viên ngọc quý, hiếm hoi”, khó tìm. Một dân tộc muốn sinh ra được cái gì đó là tinh hoa thì phải kết tinh rất nhiều yếu tố và rất lâu mới có được”.

tem.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng tặng gia đình cố GS Tạ Quang Bửu mẫu tem mang hình ông

Hôm nay, 23/7/2010, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Tạ Quang Bửu (1910 - 1986), với sự có mặt của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nhiều quan chức ngành giáo dục đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường THPT Tạ Quang Bửu (TP.HCM), các thế hệ học trò và gia đình GS.

GS Tạ Quang Bửu nguyên là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông được coi là nhà khoa học uyên bác trên nhiều lĩnh vực, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Ông góp phần to lớn xây dựng nền đại học, vào sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật ở miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.

  • Văn Chung

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

nam, hbt-hn, 17:05, 30/07/2010

Đồng ý với ý kiến của một độc giả đã bày tỏ quan điểm về cách đặt tiêu đề bài viết của tác giả bài báo này, phần nào rất tối nghĩa.Theo quan điểm riêng, tôi mạn phép đặt lại cho đơn giản và dễ hiểu nhất là: Nữ giáo sư ví Bộ trưởng Tạ Quang Bửu mang vẻ đẹp của một đấng quân tử (hoặc: Nữ giáo sư ca ngợi Bộ trưởng Tạ Quang Bửu mang trong mình cả vẻ đẹp của một nhà tri thức lẫn phong thái một người quân tử)

Nguyễn Mai Hương, 138A Giảng Vó - Hà Nội, 10:46, 30/07/2010


Những người tài đức luôn được nhân dân và đồng nghiệp kính trọng và ghi nhớ. Và GS Tạ Quang Bửu cùng với những lãnh đạo, những nhà khoa học Việt Nam thời ấy đã góp phần tạo nên tên tuổi của đất nước.

nhavan, NinhBình, 09:21, 30/07/2010

Tôi thực sự súc động khi đọc những dòng chữ này.

Vâng, đành rằng là nói với người đã đi xa, nhưng hãy nghe ai nói. Đó là một người không dễ gì khi nói về người khác như vậy. Phải chăng, người đó muốn cho những người ngồi đó nghe,cho chúng ta nghe để mà ngẫm nghĩ.

Tôi rất đồng tình con người ta xấu đi có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất lớn nó ở trong mỗi con người đó là lòng tham, Cái lòng tham nó muôn mầu muôn vẻ. Người ta tham tiên bạc đã dành,nhưng lại có người tham địa vị, tham danh vọng tham sự nổi . Ai tham cũng xấu nhưng những ngưỡi đã và đang lam nghề giáo thì càng không nên tham.

Đỗ Hải Đăng, Nam Định, 02:37, 29/07/2010

Cảm ơn tác giả đã cho tôi biết thêm về GS.Tạ Quang Bửu. Mong rằng đất nước ta có nhiều hơn những người có tài có đức như GS.Tạ Quang Bửu.Sắp tới nước ta có thể có giải thưởng Fields đầu tiên của GS.Ngô Bảo Châu. Đấy là những tấm gương lớn để lớp trẻ noi theo

Trần Văn Xuất, Hà Tây, 23:41, 28/07/2010

Mỗi khi bước chân vào thư viện trường, chân dung GS. Tạ Quang Bửu luôn nhắc nhở tôi nhìn nhận lại chính mình...Mình đã là chính mình? Mình có là người có ích?

Phạm gia Khải, B22 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội, 00:00, 28/07/2010

GS Tạ Quang Bửu là người lãnh đạo đầu tiên của ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trương chọn lựa những học sinh sinh viên giỏi ra nước ngoài học (các nước XHCN thời bấy giờ), để tạo ra một lớp nhân tài. Ông là một tấm gương học để hiểu biết, để đóng góp cho đất nước, cho xã hội, hơn là để lấy bằng cấp. Những người lãnh đạo ngành giáo dục hiện nay nên suy nghĩ khi chúng ta có quá nhiều người học giả bằng thật, khi con em chúng ta đang bị học nhồi sọ để có một mảnh bằng, khi chúng ta nhiều thày hơn thợ, nhưng thày và thợ đều không thạo nghề của mình, và không yêu nghề.

Ngô Quang Hồng, Công ty Hòa phát, 21:04, 27/07/2010

Quả thật vấn đề nhức nhối và quan tâm nhất hiện nay của Việt Nam là nền giáo dục non kém và lạc hậu.Chỉ cần lạc hướng một chút là hỏng đi cả một thế hệ và điều tất nhiên là đất nước sẽ chậm trễ đi vài chục năm so với các nước khác.Có nhiều người nói về cách quản lý và cải tiến thế này thế khác nhưng theo quan điểm của tôi đó là những mảng riêng trong toàn bức tranh.Tôi tin rằng không có ai hiểu về bản thân cơ cấu và thực trạng của giáo dục Việt Nam hơn ông Bộ trưởng giáo dục và hiệu trưởng các trường ĐH,CĐ ,các trường trung học.Mong mọi người hãy cùng ngồi lại và đứng đầu là những ông ấy bắt tay ngay vào việc đào tạo ra những con người có ích cho đất nước.Cảm ơn các bạn đã đọc ý kiến của tôi.

abc, tphcm, 11:46, 27/07/2010

Người Pháp khen người Pháp.

Lê Đạt, 11:20, 26/07/2010

Thấy vài bạn có tư tưởng "địa phương chủ nghĩa" quá,nào là "Mà 2 bộ trưởng giáo dục đầu đều là hiệu trưởng Bách Khoa và giỏi thật nhỉ",rồi "Giáo sư TẠ QUANG BỬU là người con xứ Nghệ", ở đâu thì vẫn là con dân nước Việt,chính cái tư tưởng "địa phương" này đang là vấn đề nhức nhối.

EJ, Ba Dinh, 10:44, 26/07/2010

Thực sự, tôi mong tác giả bài báo khi trích dẫn câu nói hay tóm ý của câu nói của nhân vật cần chú trọng đến câu chữ. Nguyên văn câu nói của giáo sư Sính "anh Bửu là một người nam nhi rất đẹp, cái đẹp của một người trí thức và đẹp của một người quân tử". Mà tác giả bài báo lại viết "đẹp như quân tử".

khuongtuan, Nam Định, 23:35, 25/07/2010

Quả là người quân tử hiếm có.

phongtranxda, hHải Phòng, 14:43, 24/07/2010

Giáo sư Tạ Quang Bửu, em chỉ biết là hiệu trưởng của bách khoa thôi, giờ mới biết thêm về giáo sư,giáo sư quả là người xuất sắc. Mà 2 bộ trưởng giáo dục đầu đều là hiệu trưởng Bách Khoa và giỏi thật nhỉ. Giáo sư Trần Đại Nghĩa nữa. Hiọ thực sự là người xứng đáng để chúng ta khâm phục. Tên hai giáo sư này đều được đặt tên cho con đường ở gần Trường Bách khoa.

người xứ nghệ, korea, 12:03, 24/07/2010

Giáo sư TẠ QUANG BỬU là người con xứ Nghệ . Cảm ơn ông đả cho đời những kiến thức mà bây giờ tất cả mọi người đều kính nể.

Tôi tự hào về mảnh đất quê tôi luôn sản sinh ra nhiều người tài giỏi nhất Việt Nam. Không đâu như mảnh đất xứ Nghệ có lẽ là nơi duy nhất luôn có nhân tài dù bất cứ trong thời đại nào và hoàn cảnh ra sao. Tôi yêu xứ nghệ lắm lắm!

Càn Khôn Hồ , Hà Nội, 11:16, 24/07/2010

Chân thành cảm ơn GS Hoàng Xuân Sính, cảm ơn các ý kiến của độc giả chương trình.

Chỉ có điều làm tôi vô cùng buồn và vô cùng ray dứt tự vấn phải chăng trong lĩnh vực chúng ta đang nói là thực trạng "PHÚ QUÝ GIẬT LÙI" của Nước Nhà?

Xin kính mong các vị lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Chính Phủ hãy lắng nghe và bớt chút thời gian đọc những điều mà GS Hoàng Xuân Sính đã viết và chia sẻ với các sẻ chia của độc giả!

Gương trong của GS Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên liệu có soi đường cho những nhà quản lý Quốc gia Việt Nam ta hướng tới năm 2020 trở thành đất nước có nền Công Nghiệp phát triển?

Đỗ Lộc, Đồng Nai, 10:04, 24/07/2010

KHÔNG NÊN QUÁ ẢO TƯỞNG
Tạ Quang Bửu là một con người đáng kính, có tâm và có tầm. Nay ông không còn nữa.theo cái nhẽ thông thường của quy luật đất trời.
Sau ông đã có mấy đời các bộ trưởng khác rồi.

Và một câu hỏi lớn là :gần 100 năm nay đất nước ta đã được cái gì và đã mất cái gì ?

Để có câu trả lời khách quan nhất , tôi nghĩ chúng ta chẳng thể quá ảo tưởng vào bất kỳ một cá nhân nào cả (ngay như bậc vĩ nhân là Bác Hồ của dân tộc ta ).

Hãy thực tế hơn,và hãy nhìn thẳng vào sự thực hơn.

Và người viết mấy dòng này chỉ mong sao: Xã hội ta quan chức thì đừng "bẩn" quá, cuộc sống người dân thì thanh bình, công bằng, dân chủ thực sự. Cũng chẳng mong giàu quá mà làm gì ( Sực nhớ tới lời Bác kính yêu : không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng ).

Lê Nam, 120/52 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang, 09:58, 24/07/2010

Xin đề nghị đổi lại tiêu đề bài này cho chính xác với phát biểu của GS Sinh,dùng câu "Nữ GS ví Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đẹp như quân tử" là không đúng và rất phản cảm khi mới đọc qua, người đọc dễ nghĩ rằng GS Bửu rất đẹp trai,và như vậy chỉ có đẹp trai mới là quân tử sao?

Theo tôi nên đổi lại tiêu đề là "Nữ GS nói Bộ trưởng Tạ Quang Bửu có cái đẹp của quân tử".

Trân trọng,

Trần Đức Doanh, Tổ 16, Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội, 09:18, 24/07/2010

Cảm ơn GS Sính đã cho chúng tôi biết nhiều thông tin về GS Tạ Quang Bửu.

Tuấn Định, Lương Sơn, Hoà Bình, 09:17, 24/07/2010

Tôi khâm phục Giáo sư Tạ Quang Bửu qua tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của ông- một nhà khoa học đích thực, có tài, có tâm và có tầm.

Giáo sư Hoàng Xuân Sính đã nhận xét rất chính xác:“Ông luôn cập nhật khoa học hiện đại, không để thụt lùi. Đóng góp ấy không phải ai cũng làm được. Đó là do sự hiểu biết, uyên bác".

Đất nước ta luôn trân trọng những người như ông. Nếu ta biết rằng chính ông đã khước từ những vinh hoa, phú quý cho riêng mình để dấn thân cống hiến cho đất nước, ngay trong những năm tháng cam go của dân tộc- ta sẽ thêm niềm tin vào những nhà trí thức Việt kiều ngày nay, rất nhiều người đã và đang muốn có cơ hội được góp sức mình dựng xây quê hương.

Ngô Hiền, Cầu Tre, Hải Phòng, 08:08, 24/07/2010

Cám ơn giáo sư Hoàng Xuân Sính.Tôi tâm đăc nhât câu nói của giáo sư `anh Bửu là một người nam nhi rât đẹp,cái đẹp của một người trí thức của một người quân tử,mong đất nước mình có nhiều người quân tử để dân được nhờ.

Nguyễn Tuấn Phú , 17,M4, Linh Đàm, Hà Nội, 05:32, 24/07/2010

Cám ơn Giáo sư Hoàng Xuân Sính về bài phát biểu nói về con người Giáo sư Tạ Quang Bửu, nêu được gương sáng "người xưa, ngày xưa" nhưng giúp làm thức tỉnh những tâm hồn lầm lỗi và thực dụng ngày nay.

Nguyễn Tuấn Phú

Nguyễn Đức Lộc, 03:03, 24/07/2010

GS Tạ Quang Bửu, viên ngọc sang về tầm nhìn và nhân cách

Sau 1954, tôi có may mắn được học tập làm việc tại 3 nơi, gần gũi với công việc của GS. Tạ Quang Bửu, đó là trường Văn hoá Bộ Tổng tư lệnh D126 (Kiến An), sau đó tôi về học và trở thành cán bộ giảng dạy của trường Đại học Bách khoa Hà nội và có thêm 1 thời gian ngắn công tác biệt phái tại Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Dưới đây là những câu chuyện ngắn tôi được tận mắt chứng kiến và nghe thấy về Giáo sư Bửu:

1. Khoảng năm 1956-1957, với cương vị là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, GS có chuyến viếng thăm trường Văn hoá quân đội. Lúc đó, tôi còn trẻ nên rất choáng ngợp khi thấy GS đi chiếc xe Pô-bê-đa cùng với nhiều ô tô khác hộ tống khác. Với tầm nhìn sâu sắc và cách nói chuyện vô cùng giản dị, GS đề cập đến nhu cầu của việc xây dựng quân đội tiến lên chính quy và hiện đại mà trường Văn hoá là một trong cái nôi đầu tiên cho sự nghiệp vĩ đại đó. Có thể nói, sau cuộc kháng chiến chống Pháp đây là những vấn đề rất mới.

2. Không đầy 1 năm sau, tôi trở về học ở Đại học Bách khoa, GS lúc đó là Hiệu trưởng, ngoài tôi ra, rất nhiều tân sinh viên trong trường đều chưa biết mặt GS (chỉ biết tên). Một hôm sinh viên chúng tôi đang ăn cơm ở nhà ăn tập thể thì thấy GS đến nhà ăn để thăm. GS bận 1 cái áo bông dầy, có vẻ hơi cũ, tôi thật sự ấn tượng khi thấy sự tương phản mà tôi được tận mắt chững kiến của vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng “tiền hô hậu ủng” ở trường Văn hoá quân đội với vị Hiệu trưởng quá đỗi hiền từ và giản dị. Khi thấy những suất ăn để trên bàn, GS hỏi 1 sinh viên mới vào trường: chỗ này mấy suất? Anh ta trả lời gọn lỏn: 5 suất chứ có gì mà hỏi. GS mỉm cười và bước đi. Tôi lập tức kéo tay anh ta và nói: Cậu có biết người vừa hỏi cậu là Hiệu trưởng nhà trường Tạ Quang Bửu hay không? Ngay sau đó tôi thấy anh này tròn xoe mắt, miệng há hốc. Sững đi 1 giây, tôi thấy anh ta vội vàng chạy theo GS và miệng cứ lắp bắp “em xin lỗi Thầy, em xin lỗi Thầy” Về sau trong nhiều lần nói chuyện GS cứ hay tự châm biếm là mình xấu trai, tuy nhiên khi được gặp GS ở cự ly gần, tôi mới thấy GS Bửu có 1 nụ cười vô cùng đôn hậu, thật khó tả hết.

3. Khi đang học ở trường Bách khoa, tôi có may mắn được tham dự 1 buổi nói chuyện của GS với cán bộ và sinh viên Đại học Bách khoa Hà nội tại Hội trường A101. Chắc chắn có rất nhiều người được nghe buổi nói chuyện này. Phần đầu là những câu chuyện dí dỏm, hóm hình về thời gian học tập ở Pháp. GS nói: “Thời gian ở Pháp tôi học qua nhiều trường, tuy nhiên tôi chỉ nhận được có hai bằng mà 1 trong hai bằng đó là bằng “nhảy đầm” làm cả hội trường cười ồ lên khoái chí. Là bạn lâu năm của GS Bửu, tôi có cảm giác GS Hoàng Xuân Sính hình như cũng bị “lây” tính cách này của anh Bửu.

Phần sau của buổi nói chuyện, GS Bửu phân tích những vấn đề toán và cơ học của việc phóng vệ tinh lên vũ trụ, với lực đẩy bao nhiêu các vệ tinh sẽ thoát khỏi trọng trường của trái đất để bay vào vũ trụ. GS còn tiên đoán thêm Liên xô sẽ phóng vệ tinh lên vũ trụ. Có thể nói vào thời gian đó những vấn đề này gần như chưa có ai ở Việt nam có 1 tầm nhìn xa và đề cập tới vấn đề 1 cách khoa học, cụ thể và chính xác đến như vậy. Là 1 cán bộ khoa học trẻ, chúng tôi ngồi nghe như muốn nuốt trọn từng lời bởi 1 buổi nói chuyện khoa học vô cùng hấp dẫn và sâu sắc. Kỳ lạ hơn nữa, chỉ 1 tuần sau, những tiên đoán cùa GS đã trở thành hiện thực, khi lần đầu tiên trên thế giới, Liên xô phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo. Rất nhiều người ở Hà nội lúc đó còn có thể nhìn thấy vệ tinh nhấp nháy bay trên bầu trời bằng mắt thường.

4. Khi tôi nhận công tác biệt phái tại Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tôi thấy mọi người ai cũng đều kính trọng Bộ trưởng, có 1 điều mà ai cũng có thể nhận ra là khi đến Bộ làm việc lần nào tôi cũng thấy GS ôm theo 3-4 quyển sách dầy cộp (mượn ở Thư viện KHKT Trung ương) lúc ra về cũng thấy GS ôm sách theo.

Có thể nói, cùng với GS Trần Đại Nghĩa, GS Tạ Quang Bửu là 1 trong những viên ngọc quý của đất nước và nhân dân ta, cả về tầm nhìn, kiến thức và nhân cách. Những người biết từ bỏ cuộc sống tiện nghi ở nước ngoài để về nước tham gia vào cuộc kháng chiến vô cùng thiếu thốn và gian khổ. Chính Bác Hồ là người dũng cảm, biết vượt qua những định kiến về “thành phần” để tập hợp và sử dụng những con người tài đức vẹn toàn như vậy. Bài học đó cho đên ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, thôi thúc các thế hệ lãnh đạo trẻ hơn luôn nhìn lại mình để học tập và làm theo.

Nguyễn Đức Lộc

dép, HN, 01:43, 24/07/2010

Đúng là đóng góp của GS Tạ Quang Bửu rất to lớn.

Tuy nhiên không nên vì thế mà chúng ta thánh hóa ông thành 1 siêu bác học của Việt Nam. mọi người khẳng định ông uyên thâm mọi lĩnh vực nhưng chính chính sách đặt toán học làm trọng tâm của ông đã gần như hút sạch các học sinh ưu tú nhất vào ngành toán, dẫn đến hậu quả là các ngành kỹ thuật không có được những tài năng lên được tầm cỡ thế giới như bên ngành toán.

Ngày nay chúng ta dễ dàng điểm mặt hàng trăm ngôi sao Toán học việt nam trên bầu trời thế giới nhưng tìm mỏi mắt không có một cán bộ kỹ thuật có danh tiếng tương đương.

Đeer đất nước đi lên, chúng ta cần nhiều hơn những Ngô Bảo Châu của nhiều lĩnh vực khác nữa.

Tuy nhiên, điều này thật khó khi ngày nay các lớp chuyên toán vẫn là mục tiêu cao nhất của các học sinh ban A.

Trần Quang Huy, Hà Nội, 01:27, 24/07/2010

Gần đây chúng ta hay nghe một số vị nói đến cái "tâm" và "tầm" của người lãnh đạo, ngày nay, hai chữ ấy hiếm như sao buổi sớm. Tôi thiết nghĩ, mỗi vị lãnh đạo các bộ ngành nên tự soi gươi với những bậc tiền bối đi trước như GS. Tạ Quang Bửu để nước Việt Nam cường thịnh, dân tộc Việt Nam được vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm Châu như Bác Hồ từng mong ước. Các vị hãy dùng một ngày mỗi tháng để nghĩ về những tội lỗi của mình, trong đó như GS. Hoàng Xuân Sính đã kể ra đó là: sự tham lam, dâm ô, không hiểu biết, thói kiêu ngạo và sự đố kị

Khuc Chiet, Sai Gon, 23:59, 23/07/2010

Trí thức ngày xưa nó là như thế: tự học; tự đào tạo; tự tu thân tu dưỡng. Bao giờ cho đến ngày xưa.

Nguyễn Văn Tuấn, Hà Nội, 22:21, 23/07/2010

Đề nghị bác Trường Tô chủ tịch tỉnh Hà Giang nên đọc bài này.GS Sính đã nói rất đúng"Nhà chùa làm như thế nào để trị được những dục vọng ấy cho nhân loại bớt đau khổ hơn?”Không những là bác Tô mà các vị lãnh đạo cũng nên dành thời gian đọc và học về GS Bửu.

Anh Kiệt, Hà Nội, 20:28, 23/07/2010

Thời của GS Tạ Quang Bửu, có 2 Bộ là Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp do ông làm Bộ trưởng, Bộ Giáo dục do GS vô cùng đáng kính và uyên bác là Nguyễn Văn Huyên làm bộ trưởng.

Theo tôi, cần trở lại 2 bộ riêng rẽ vì định hướng phát triển đường đi của giáo dục và đào tạo khác nhau. Cần củng cố lại tổ chức mới hy vọng có lãnh đạo chỉ huy tài được.

Đáng nhẽ thế hệ đi sau phải hơn thế hệ đi trước đất nước mới phát triển, nhưng kiểm điểm lại lãnh đạo bộ giáo dục và đào tạo các thế hệ sau có ai dám nhận mình tài năng đức độ hơn cụ Huyên, cụ Bửu không?

NGUYỄN NGỌC MINH, Số 9 Serignac Đinh Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng, 20:24, 23/07/2010

Bản thân tôi là một sinh viên Khoa Vật lý ,chuyên ngành Điện tử hạt nhân Khóa 1967-1971, đã được học tập dưới thời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu.

Thầy là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp .Trong sinh viên chúng tôi thời đó và sau này và mãi mãi Thầy là một tấm gương trong sáng và mẫu mục về tri thức về đạo đức và tác phong.

Tôi cho rằng sau này và mãi mãi không có ai có thể thay thế được vị trí này ở nước ta.

Nhân ngày này bản thân tôi và các đồng nghiệp xin được thắp nén hương tâm linh kinh dâng lên lòng biết ơn của thế hệ học trò được thầy chỉ lối và diu dắt để có được vị trí trong khoa học như ngày hôm nay .

Cảm ơn Giáo sư -Nhà toán học Hoàng Xuân Sính đã cho học trò chúng em sống lại những giây phút không thể quên trong dời về một người Thầy suốt đời thanh cao trong sáng và mẫu mực .

meodaugau, DHXD, 17:31, 23/07/2010

Đây là người mà em luôn ngưỡng mộ. Ngày trước, khi biết đến thầy em luôn coi thầy như huyền thoại . Từ đó luôn muốn theo học Bách khoa, nhưng cuối cùng đanh phải theo nghề xây dựng. Mong muốn Việt Nam sẽ có những con người như thầy để cho nền giáo dục Việt Nam luôn tiến chứ không phải là lùi so với thế giới, nhất là trong lĩnh vực toán học. Môn học của các môn tự nhiên :d

Các tin khác